Nhà nước pháp quyền của ai?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhà nước pháp quyền của ai?

Phạm Trần (Danlambao) – Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã “cạn tầu ráo máng” các vấn đề quốc kế dân sinh hay sao mà lại đem những chuyện cũ ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10?
Theo tin của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu thì những Đề án sau đây đã được thống nhất đem ra bàn cãi để lấy ý kiến của các Ủy viên Trung ương:
– “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới;

-” “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;”

– “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020;”

– “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.”

Các đề tài này do Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTƯ) soạn thảo. Theo quy định, Hội đồng là “cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng Toàn quốc.”

Chủ tịch của Hội đồng hiện nay có 50 người là Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2016-nay)
Đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng này từ tháng 11 năm 2001 đến tháng 08 năm 2006.
Tiền thân của Hội đồng Lý luận Trung ương là Ban Nghiên cứu lý luận được thành lập theo Nghị quyết số 131-NQ/TW ngày 28/12/1965 của Bộ Chính trị. Ngày 30/10/1996, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 06-QĐ/TW thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương.
Như vậy đã thấy rõ toàn bộ kế hoạch và chính sách điều hành của đảng và chính phủ chỉ do một nhúm người trong Hội đồng quyết định. Sau đó, giao cho Bộ Chính trị duyệt xét trước khi thi hành hay chuyển qua Ban Chấp hành Trung ương đảng thảo luận lấy quyết định sau cùng.
Nhưng Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của đảng CSVN nhiệm kỳ 2021-2026 cũng chỉ có 18 người mà lại có quyền sinh sát ngót 100 triệu dân. Ngay đến Ban Chấp hành Trung ương đảng, hiện có 197 Ủy viên chính thức và Dự khuyết, cũng không thế thay đổi quyết định của Bộ Chính trị. Vì vậy, việc đem ra Trung ương 6 sắp tới cũng chỉ là hình thức cho đúng thủ tục mà thôi.

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
Trong lần họp này, Hội đồng Lý luận Trung ương đã đặt lên hàng đầu Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Ở Việt Nam, khái niệm về “Nhà nước pháp quyền XHCN” lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (ngày 29/11/1991) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng năm 1994 cũng như trong các văn kiện khác của Đảng. Tiếp theo là tại các Đại hội lần thứ X và XI của Đảng đã có bước phát triển về chất trong nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.” (theo Nghiên cứu Lập pháp-Quốc hội, ngày 23/11/2020)
Vậy “pháp quyền” là gì ?
Bách khoa Toàn thư mở định nghĩa: “Pháp quyền (tiếng Anh: rule of law nghĩa đen: sự thống trị của pháp luật) là một triết lý chính trị mà theo đó, mọi công dân và thể chế trong một quốc gia, nhà nước hoặc cộng đồng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nhau, bao gồm cả các nhà lập pháp và các nhà lãnh đạo. Sự pháp quyền được định nghĩa trong Bách khoa toàn thư Britannica là “cơ chế, quy trình, thể chế, thông lệ hoặc quy phạm ủng hộ sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, đảm bảo một hình thức chính phủ không toàn quyền quyết định và nói chung là ngăn chặn việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện.”
Quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa của Đảng CSVN được quy định trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)”, theo đó đảng đã hứa”xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.”
Lời hứa này cũng được luật hóa trong Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định:

“1. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân;

2. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức;

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Vậy nhà nước này của đảng CSVN đã phục vụ dân ra sao sau 31 năm?
Trước tiên, phải nói thẳng Nhà nước ở Việt Nam thời Cộng sản không phải của dân, do dân và vì dân mà là “của đảng, do đảng và vì đảng”. Lý do đơn giản vì dân không bầu ra nhà nước này mà do đảng tự lập ra để cai trị độc tài.
Vì vậy càng ngoa miệng khi nói nhà nước này” do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.” Thực tế dân đã bị xử dụng làm quân múa rối cho trò ảo thuật chính trị do đảng tự chế như các cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân và Quốc hội. Bởi vì tất cả các ứng cử viên đều được đảng chọn, thông qua Tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan ngoại vi của đảng. Ít nhất cũng trên 90% ứng viên đều là đảng viên nên người dân chỉ đến phòng bỏ phiếu làm nhiệm vụ “đảng cử dân bầu” cho xong chuyện. Điều trái khoáy phản dân chủ là cử tri không có quyền từ chối đi bầu. Nếu không có lý do chính đáng, người không đi bỏ phiếu sẽ bị trừng phạt.
Từ nền móng phản dân chủ này mà 3 ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp cũng nằm trong tay đảng trọn gói

Thế mà Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn khoe không biết ngượng đã: ”Đánh giá Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã bám sát và thực hiện đúng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; bám sát tình hình thực tiễn đất nước và thế giới; vừa kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, từ đó xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn, định hướng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong giai đoạn mới, góp phần tạo động lực đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.”

MƠ HỒ – KHÔNG TƯỞNG
Thứ hai, lý luận xuôi chiều này là chuyện không tưởng trong thời đại khoa học và kỹ thuật thay đổi từng giây như hiện nay. Không ai có thể biết thế giới sẽ đi về đâu ngay trong 1 năm chứ đừng vội nghĩ mình biết hơn người mà đoán mò.
Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, hai biến cố đã làm chao đảo các lãnh đạo đảng và nhà nước là:
1.- Cuộc tấn công bất ngờ của 600 ngàn quân Trung Quốc vào 6 tỉnh cực bắc Việt Nam năm 1979 để trả đũa cuộc xâm lăng Cao Miên đánh Pol Pot thân Bắc Kinh của Việt Nam trước đó.
2.- Sự tan rã của khối Cộng sản do Nga lãnh đạo năm 1991 đã buộc Việt Nam phải chấp nhận “đổi mới” để tồn tại.
Do đó điều tự tin rằng Việt Nam sẽ thành “nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) vào giữa thế kỷ XXI”, hay năm 2050 là hão huyền. Lý do vì không ai biết cái “XHCN” mà đảng CSVN đang “quá độ” này ở đâu và như thế nào ?
Hội đồng Lý luận Trung ương cũng không biết chắc nên đã viết “lửng lơ con cá vàng” rẳng: ”Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Nó có vóc dáng “Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa nước ta, do Đảng lãnh đạo.”
Tuy nhiên, nhà nước này không do dân chọn mà vẫn bị đảng “nhét chữ vào miệng” khi nói bừa rằng: ”Việc tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, là nguyện vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng.”
Nhưng “Đảng ta” là của bao nhiêu trong số 5.3 triệu đảng viên? Đã có bao giờ đảng tổ chức “lấy ý kiến đảng viên” về quyền lành đạo tuyệt đối” của mình chưa ?
Tất nhiên là chưa hề. Ấy thế mà HĐLLTƯ dám cao giọng rằng: ”Các ý kiến ý kiến thống nhất cao Đề án đã được chuẩn bị bài bản, công phu, dân chủ, khoa học, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa…”
Nhóm 50 người trong HĐLLTƯ phải nói như thế vì họ ăn cây nào thì rào cây ấy”, không ai ngạc nhiên. Chỉ tiếc rằng họ đã không phục vụ nhân dân, những người đã lao động để nuôi họ “ngồi mát ăn bát vàng” bấy lâu nay.
PHÁP QUYỀN THEO ĐẢNG
Tất nhiên họ biết như thế là sai trái, nhưng vẫn ngậm miệng để ăn tiền cho yên số phận tôi đòi. Vì vậy, họ không hề nghĩ đến nhân dân khi làm ngơ việc bảo vệ dân, và họ cũng đã đồng lõa với những hành động chà đạp lên luật pháp của nhà nước.
Do đó, họ đã đi ngược với những nguyên tắc của một nhà nước có pháp quyền thật sự. Đó là “Bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước đặt dưới sự điều chỉnh tối cao của pháp luật. Do đó, pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và bảo vệ quyền con người. Vị trí, vai trò của công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Hai Tác giả GS.TS. Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Thạc sỹ Nguyễn Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội đã lý luận như thế trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp-Quốc hội, ngày 23/11/2020.
Hai Tác giả cũng viết thêm: ”Xã hội pháp quyền” theo nghĩa hẹp thể hiện ở việc hạn chế sự tùy tiện trong việc sử dụng quyền lực nhà nước, mà điều này đòi hỏi phải “ràng buộc quyền lực vào các đạo luật được xây dựng rõ ràng và chặt chẽ”. Đây chính là một đòi hỏi về sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực thi pháp luật, để có thể “buộc các quan chức chính quyền và công dân phải hành xử phù hợp với pháp luật… Xã hội pháp quyền” theo nghĩa rộng được hiểu là “một hệ thống/cơ chế mà trong đó không có chủ đề nào, ngay cả nhà nước, đứng trên pháp luật; nơi mà pháp luật bảo vệ các quyền cơ bản và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với công lý”
Nhưng thực tế đã không diễn ra như thế trong đời sống hàng ngày của dân. Bằng chứng đã có bao nhiêu vụ án chính trị, tôn giáo và lương tâm con người đã bị nhà nước vu khống, quy chụp để buộc tội bỏ tù oan trong mấy năm gần đây

BẰNG CHỨNG
“Những vụ bắt giữ và khởi tố tuỳ tiện những người bảo vệ nhân quyền gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong năm 2020, trong khi số lượng tù nhân lương tâm lên đến mức kỷ lục với ít nhất 173 người đang bị giam giữ, cao nhất kể từ khi Ân Xá Quốc Tế bắt đầu thực hiện các báo cáo về những con số này vào năm 1996. Báo cáo nhân quyền mới công bố hôm 6/4 của tổ chức Ân Xá Quốc Tế nhận định, năm 2020 là một năm những nhà hoạt động dân chủ, các nhà báo và nhà xuất bản độc lập ở Việt Nam liên tục phải đối mặt với những sách nhiễu, tấn công, khởi tố tuỳ tiện, tra tấn và đối xử tàn tệ khi bị công an bắt giữ. (theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 06/04/2021
Trong khi đó, Báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) cho biết:” Hiện có gần 300 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và gần 80 người bị chính quyền bắt giữ trong năm qua.”
“Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những nhân quyền cơ bản, từ phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tuỳ tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng, đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt, tự do lập hội v.v.”, Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2020-2021 do tổ chức có trụ sở ở California, Mỹ, đưa ra hôm 20/6 nhận định. Thống kê của VNHR cho thấy có 288 tù nhân lương tâm còn đang bị giam giữ tại nhiều nhà tù trên khắp Việt Nam, trong đó có nhiều nhà báo, Facebooker, các nhân vật tôn giáo, và các nhà hoạt động vì dân chủ và quyền đất đai. Báo cáo còn nói rằng chính quyền của Đảng Cộng sản đã bắt thêm 79 người tính đến ngày 31/5 (2021).
(theo VOA Tiếng Việt, ngày 22/06/2021)

LUẬT RỪNG
Tuy nhiên Chính quyền Việt Nam luôn luôn phủ nhận có giam giữ tù nhân lương tâm, hay tù nhân chính trị. Việt Nam gọi chung họ là “những kẻ vi phạm luật pháp” và cáo buộc: “Lâu nay, các thế lực xấu vẫn dùng đi dùng lại cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” để chống phá Việt Nam. Họ cố tình lắp ghép, pha trộn ngôn từ một cách gượng gạo, dùng từ ngữ thuộc phạm trù đạo đức để ghép vào thuật ngữ pháp lý: “tù nhân” gắn với “lương tâm”! Đây là cách tư duy ngụy tạo không khác gì một màn kịch với đạo diễn là các thế lực thù địch, tổ chức, hội nhóm phản động và các diễn viên là “tù nhân lương tâm”. (Theo báo Công an Nhân dân –cand.com.vn, ngày 12/09/2022)
Phủ nhận của Việt Nam không mới, nhưng càng bị các Tổ chức nhân quyền Quốc tế tố cáo thì cường độ phản ứng càng gay gắt.
Tuy nhiên nhà nước CSVN chưa bao giờ dám phản bác lời tuyên bố “để đời” của Bà Luật gia Ngô Bá Thành năm 2015. Bà nói:” Ở VN có một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng.” (báo Thanh Niên, ngày 16/05/2015)
Vẫn theo Thanh Niên: “Bà Ngô Bá Thành (tên thật là Phạm Thị Thanh Vân, sinh 1931) – tiến sĩ luật Đại học Paris và Barcelona; phó tiến sĩ luật đối chiếu Đại học Columbia, New York; phó chủ tịch Hội Luật gia VN; ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN; ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT VN; nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, X…Bà Mất ngày 3-2-2004 tại Hà Nội.”
Trước năm 1975, bà Thành là người hoạt động chống chiến tranh ở Sài Gòn, đứng đầu tổ chức “Phụ nữ đòi quyền sống”, thân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Như vậy thì có “nhà nước pháp quyền” ở Việt Nam hay không ? -/-
09/2022
Phạm Trần

https://danlambaovn.blogspot.com/2022/09/nha-nuoc-phap-quyen-cua-ai.html