Nhà máy Ukraine chế tạo tên lửa cho Nga tuồn công nghệ ICBM cho Triều Tiên từ chợ đen
Soha -Tất Đạt
18/08/2017
Bên trong nhà máy sản xuất tên lửa ở thành phố Dnipro, Ukraine. Ảnh: Mykhailo Markiv/Nytimes
Hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Triều Tiên phóng thử hồi tháng 7 được cho là sử dụng cùng loại động cơ với tên lửa Liên Xô cũ, hiện được sản xuất tại Ukraine. •
Triều Tiên và động cơ tên lửa Nga
Tờ New York Times dẫn báo cáo phân tích của các chuyên gia tình báo Mỹ được công bố hôm thứ Hai (14/8), Triều Tiên đã mua công nghệ tên lửa từ một nhà máy Ukraine thông qua các giao dịch chợ đen, nhờ vậy có bước đột phá và thử thành công các ICBM có khả năng tiếp cận nước Mỹ. Nếu đúng như báo cáo, việc Triều Tiên đột ngột thành công sau chuỗi thử nghiệm tên lửa thất bại là điều dễ hiểu.
Theo Michael Elleman, chuyên gia tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), sau nhiều nỗ lực bất thành, Triều Tiên đã thay đổi thiết kế tên lửa cũng như nhà cung cấp nguyên liệu – công nghệ trong 2 năm qua.
Dựa trên những tư liệu thu được, các nhà phân tích kết luận đây là mẫu thiết kế từng được sử dụng bởi hạm đội Liên Xô. Động cơ này mạnh đến mức chỉ cần 1 quả tên lửa xuyên lục địa cũng có thể chứa tới 10 đầu đạn nhiệt hạch.
Loại động cơ này chỉ được sản xuất tại một số khu vực của Liên Xô cũ. Các chuyên gia và điều tra viên chính phủ cho rằng nhà máy tên lửa tại thành phố Dnipro ở Ukraine có liên hệ chặt chẽ với thiết kế và công nghệ Triều Tiên đang sử dụng.
Trong Chiến tranh Lạnh, nhà máy Dnipro đã sản xuất những tên lửa có sức hủy diệt ghê gớm nhất cho Liên Xô, trong đó có loại SS-18 lừng danh. Nhà máy này là một trong những cơ sở sản xuất tên lửa chính của Nga sau này.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ Nga-Ukraine rạn nứt, chính phủ Nga đã hủy các chương trình phát triển tên lửa hạt nhân ở Dnipro, khiến nhà máy rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, chồng chất nợ nần, và không có nhiều khách hàng.
Tên lửa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng vào tháng 7. Ảnh: KCNA/Reuters
Tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên đã móc nối với thị trường chợ đen, mua bán công nghệ tên lửa trong cả thập kỉ qua, và rõ ràng nhà máy tại Dnipro cũng là một trong những nhà cung cấp công nghệ cho Bình Nhưỡng.
Không ai biết cụ thể người phụ trách giao dịch với Triều Tiên, nhưng quốc gia này đã tự mình hoàn thiện nhiều cơ sở hạ tầng, bao gồm trường đại học, trung tâm thiết kế và nhà máy tên lửa dựa trên những thông tin có được từ chợ đen.
Tiến bộ công nghệ khó tin
Theo NYT, các chuyên gia tin rằng nhà máy tên lửa ở Ukraine là cơ sở cung cấp động cơ cho 2 ICBM mà Triều Tiên phóng thử hồi tháng 7. Cả hai đều có tầm hoạt động đủ để tiếp cận nước Mỹ, khiến căng thẳng trong khu vực ngày càng leo thang.
Theo ông Elleman, những tên lửa Triều Tiên phóng gần đây sử dụng công nghệ rất phức tạp, và Triều Tiên khó có thể tiến bộ vượt bậc trong thời gian ngắn như vậy.
Chỉ trong vòng 10 tháng, Bình Nhưỡng đã phát triển từ loại tên lửa cơ bản lên tới ICBM, một việc bất khả thi trừ khi quốc gia này mua lại thiết kế, phần cứng và hỗ trợ chuyên môn trên chợ đen.
Ông Elleman cũng cho biết, theo ghi nhận từ Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đã cố đánh cắp những bí mật tên lửa từ khu công nghiệp của Ukraine 6 năm trước. Hai người Triều Tiên bị bắt khi đang tìm kiếm thông tin về “hệ thống tên lửa, động cơ sử dụng nhiên liệu hóa lỏng, hệ thống cung cấp nhiên liệu cho tàu vũ trụ và tên lửa”.
Quân đội Triều Tiên sau lần thử tên lửa ICBM lần đầu tiên. Ảnh: AP
Nếu đúng theo giả thuyết trên, những sự hỗ trợ từ “bên thứ ba” cho Triều Tiên đã qua mắt được nhiều lãnh đạo trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ tập trung chỉ trích Trung Quốc vì liên tục hỗ trợ kĩ thuật và tài chính cho Triều Tiên.
Ông Trump chưa bao giờ đổ lỗi cho Ukraine hay Nga, dù Ngoại trưởng Rex Tillerson từng nhắc tới cả Trung Quốc và Nga như những “nhà tài trợ chính” cho Triều Tiên sau đợt phóng thử ICBM.
Nhà Trắng từ chối cung cấp nguồn tình báo và cũng không đưa ra thêm bình luận.
Trong khi đó, Dnipro phủ nhận các báo cáo trên và cho rằng nhà máy không hề gặp khó khăn hay phải bán công nghệ cho nước ngoài. Trên trang web chính thức, nhà máy cho biết chưa từng và chưa bao giờ có ý định “bán công nghệ nguy hiểm khỏi biên giới Ukraine”.
Một quan chức an ninh quốc phòng của chính phủ Ukraine cũng phủ nhận báo cáo trên và cho biết Kiev coi Triều Tiên là một quốc gia “nguy hiểm, khó lường và Ukraine ủng hộ mọi cấm vận với Triều Tiên”.