Nguyễn Quang Lập: Một khí phách lớn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nguyễn Quang Lập: Một khí phách lớn

Nhà văn Nguyễn Quang Lập (blogger Quê Choa) – Files photos

Theo RFA – Lê Diễn Đức 2014-12-08

Có những nhà văn, nhà báo trong chế độ cộng sản Việt Nam muốn hệ thống chính trị thay đổi theo hướng dân chủ hoá để xã hội Việt Nam tử tế hơn, giảm bớt bất công và tệ nạn tham nhũng, cựa quyền làm mục rữa bộ máy nhà nước và uy tín lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Những người này không thuộc giới đối lập, bất đồng chính kiến, cũng không đứng trong hội đoàn hay nhóm tranh đấu nào. Họ đưa ra những cảm xúc, nhận định mang tính phản biện về các sự kiện xảy ra để dư luận có cái nhìn đúng mực. Họ không có tư tưởng chống đối nhà nước xã hội chủ nghĩa, bởi vì bản thân họ có những liên hệ mật thiết, một quá trình phục vụ, thậm chí là những người lính đã cầm súng bảo vệ chế độ. Nếu ý tưởng của họ muốn”dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”, thì cái sự “xoay” này cũng chỉ là mong ước một sự chuyển đổi chủ trương, chính sách tích cực của ĐCSVN. Lực lượng này khá đông, chúng ta có thể kể đến môt số người nổi bật, như nhà báo Trương Duy Nhất, nhà văn Phạm Viết Đào,  nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện (blogger Chú Tễu), nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Anh Ba Sàm), giáo sư Hồng Lê Thọ (tức blogger Người Lót gạch) và nhà văn Nguyễn Quang Lập (blogger Quê Choa), v.v… Nhà văn Phạm Viết Đào vừa mới ra tù, nhà báo Trương Duy Nhất đang thụ án tù hai năm, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh đã có cáo trạng và chờ ngày xét xử, giáo sư Hồng Lê Thọ vừa mới bắt 10 ngày nay và và nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt ngày 6 tháng 12 năm 2014. Tất cả đều bị cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình Sự, tức là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Những người nói trên đây khi đặt bút viết đã thiết lập cho mình một hành lang an toàn, không hẳn vì họ sợ hãi, mà vì sự tồn tại. Nhà văn Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập) viết: “Bọ Lập không có khả năng và trình độ để khai dân trí, chấn dân khí nhưng lại có khả năng dùng blog Quê Choa làm con thuyền chuyên chở SỰ THẬT đến với dân. Làm anh nhà văn luôn mồm nói về nhân nghĩa, về cái tâm, về sống vì dân viết vì dân vân vân và vân vân… vô lẽ lại đắp tai cài trốc trước lời kêu gọi khẩn thiết của tiền nhân? Thế thì hèn quá! Thế thì thà vứt bút đi về nhà ôm đít vợ còn hơn suốt ngày ngửa mặt ngóng chờ giải thưởng nọ danh hiệu kia, không thèm biết đến dân tình khốn nạn thế nào, đất nước điêu đứng ra sao. Sống thế khác gì an phận làm con chó giữ nhà cho chủ, mong chờ chủ xón ra giải thưởng nọ danh hiệu kia để vui sướng vẫy đuôi liếm láp? Bọ Lập từ trước đến nay không theo ai không chống ai, và sẽ không theo ai không chống ai, vì đó không phải việc của nhà văn. Trước sau bọ Lập xin làm một người lái đò nhỏ chở con thuyền SỰ THẬT đến với dân, chỉ vậy thôi, không có gì khác. Nhân đây cũng xin báo: Bọ Lập xin rút tên mọi hội hè đoàn thể mà bọ đã có tên trước đến nay, từ Hội nhà văn đến Văn đoàn độc lập, từ Hội sân khấu đến Hội điện ảnh v.v. Bọ Lập không thích và chả phục Cao Hành Kiện nhưng rất mê câu nói này của ông: Sáng tạo văn học là một hoạt động đơn độc mà không một phong trào nào, một phe nhóm nào có thể giúp được, ngược lại nó rất dễ bị những thứ đó giết chết. Chỉ khi nhà văn là một cá nhân biệt lập, không thuộc về một phe nhóm, trào lưu chính trị nào thì hắn mới có được tự do hoàn toàn“. Nhưng cái ranh giới an toàn mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đặt ra quá mong manh truớc một mục tiêu lớn là chuyên chở sự thật đên với nhân dân, trong khi chế độ cộng sản được xây dựng trên bạo lực và dối trá. Chỉ chuyển tải sự thật thôi cũng đã đi ngược lợi ích sống còn của nó. Blog Quê Choa đã đạt tới hơn 100 triệu lượt bạn đọc truy cập, con số khá ấn tượng và dĩ nhiên gây khó chịu cho nhà cầm quyền. Chỉ cần một sự thật được chuyển tới nhiều triệu bạn đọc sẽ có khả năng lột trần sự dối trá của bộ máy tuyên truyền của chế độ ở quy mô rộng. Nó có sức công phá khó lường. Trong màn đêm bưng bít, nhồi sọ của nhà cầm quyền, nói thật cũng chính là thắp lên một ngọn đèn, là “khai dân trí, chấn dân khí”, một yếu tố quan trọng của tiến trình dân chủ. Chính ông cũng hiểu được điều này và đã nhận định rằng, “Muốn khai dân trí, chấn dân khí trước tiên và trên hết phải cho dân biết SỰ THẬT. Chỉ có cách đó, không có cách nào khác”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã từng tham gia quân đội từ 1980 – 1985, sau khi rời quân ngũ ông có thời gian làm báo. Ông là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là nhà văn có tài, là cây bút biên kịch nổi tiếng trong giới điện ảnh, cộng thêm kinh nghiệm báo chí, viết Blog, ông thực sự là tham gia vào mặt trận truyền thông của xã hội. Mặc dù sau tai nạn giao thông, sức khoẻ có hạn, nhưng ông viết rất khoẻ, dường như blog Quê Choa cập nhật liên tục mọi vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra ở Việt Nam và đôi khi cả của thế giới. Có nhiều bài của do nhà văn viết với ngôn ngữ bình dân, hài hước mà thuyết phục, nhưng cũng nhiều bài ông đăng lại lấy từ các nguồn khác, kể cả các bài lấy từ báo chí của nhà nước, tạo ra một dòng thông tin đa chiều. Nội dung các bài hầu hết chừng mực, ôn hoà, nếu không nói là có tính xây dựng. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét: “Bọ đau đáu với nổi đau của người dân đang đứng trước họa xâm lăng phương Bắc, Bọ đau với nổi đau người dân oan mất đất, người dân bị xử oan sai. Bọ căm phẫn trước nạn tham ô nhũng nhiễu gây tổn hại cho đất nước. Những lần ngồi với chúng tôi Bọ nói tại sao đất nước chúng ta đủ các điều kiện để nhanh chóng vươn lên giàu mạnh mà lại cứ lẹt đẹt thua kém thiên hạ như thế này. Bọ rất hy vọng vào chuyện các lãnh đạo sẽ sớm giác ngộ, hy sinh lợi ích riêng, lợi ích bè nhóm để thay đổi chính sách đưa đất nước đi lên cho nhân dân bớt lầm than“. Tôi ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi biết tin ông Nguyễn Quang Lập bị bắt. Một người có cái tâm của một người tử tế, đàng hoàng và nỗi day dứt trước xã hội đầy rẫy bất công, tham nhũng, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, như ông – thật đáng quý giữa một rừng bút nô của chế độ. Ông đã làm theo tiếng gọi trách nhiệm của một trí thức có lương tri. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã nhầm. Không có hành lang nào tuyệt đối an toàn cả. Chế độ cộng sản không có khả năng nhìn nhận sự thật để phục thiện, thay đổi, mọi thứ có vẻ như được thả lỏng chỉ là mị dân, lừa bịp dư luận. Bất kỳ một yếu tố nào mà chế độ thấy rằng có thể gây ảnh hưởng lớn lên ý thức chính trị khác luồng tuyên truyền đối với xã hội đều bị tiêu diệt. Huống hồ là ông, với hàng triệu người mến mộ! Cho dù ông là đứa con đẻ của chế độ, một cây bút tài năng, đã đóng góp không nhỏ cho nền văn hoá, nghệ thuật của đất nước. Bắt ông, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thể hiện sự hung hăng, rối trí, hèn nhát và bạc bẽo. Dù sao ông cũng đã rất can đảm, ý thức trước hậu quả việc làm của mình, khi ông nói vợ lúc công an đưa ra khỏi nhà “Em yên tâm, nếu 9 ngày anh không về thì khoảng 3 năm“. Đúng là một khí phách lớn! © Lê Diễn Đức