Nguyễn Hoà Bình – Chủ nghĩa luồn lách
19/12/2016
Ứng dụng chủ nghiã luồn lách |
Cứ nói hay nghĩ tới động từ luồn lách, tôi lại nhớ tới một loài bò sát máu lạnh. Đó chính là loài rắn!
Bản năng của loài này, ngay sau khi sinh ra là đã biết luồn lách, một bản năng không thể thiếu giúp nó tồn tại trong môi trường sinh sống.
Thuở bé, tôi hay xem chương trình “Thế Giới Đó Đây”, nói riêng về loài rắn.
Một con rắn săn chuột phát hiện một con chuột cách nó hơn 150 mét. Nó phát hiện ra con chuột nhờ cái lưỡi chẻ đôi của nó, giúp nó có thể cảm nhận trực tiếp tất cả các mùi vị. Thế là con rắn bò về phía con chuộtvà bằng khả năng luồn lách của mình, nó vượt qua bụi rậm, con suối và các tảng đá. Nó lại gần con chuột nhẹ nhàng và cho con chuột một đòn chí mạng. Sau khi nuốt chuột vào bụng, con rắn nhâm nhi nhai mồi thật ung dung rồi sửa cái quai hàm của mình với nét mặt bình thản mà không hề biết ngày tàn của mình cũng sắp đến…
Một con rắn Hổ Mang đang lần theo cái mùi của con rắn săn chuột. Bản năng luồn lách của con rắn săn chuột vô tình cọ sát làm dính chặt mùi của nó trên những nơi nó đã đi qua. Con rắn săn chuột cũng lãnh một kết cục đau thương tương tự như con chuột.
Sau này, tôi mới biết kẻ thù đáng sợ của loài rắn là Chim Ưng, Đại Bàng, Lửng, Cầy Mangut v.v… Đúng như câu tục ngữ “Núi này cao còn có núi khác cao hơn” hay là “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (Người giỏi ắt có người giỏi hơn). Cũng như sự luồn lách và bị chết bởi luồn lách đều không có điểm dừng nếu như ta biết tác hại đau thương của nó!
Động từ luồn lách cũng được con người áp dụng khá thành công nếu không muốn nói là triệt để nghĩa của động từ này. Thông thường, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ luồn lách đều mang một nghĩa xấu: “Lách qua, luồn qua kẽ hở một cách xấu xa chỉ cốt để đạt mục đích của mình”. Nói một cách khác, che đậy sự thực bằng mọi cách để đạt mục đích xấu xa của mình. Chúng ta có thể kể ra hàng triệu ví dụ về sự luồn lách của một người, một nhóm hay một tổ chức nào đó. Người viết bài này xin lấy một ví dụ về một tổ chức, nói một cách chính xác hơn là những cá nhân, nhóm người nằm trong tổ chức đó. Không ví dụ nào điển hình bằng “Đảng Cộng Sản Việt Nam”.
Nếu chỉ dùng từ hay động từ luồn lách đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam không thôi chưa đủ, đầy đủ hơn và chính xác hơn phải là “Chủ nghĩa luồn lách”. Một người đứng đầu Đảng với một tâm lý luồn lách tìm kiếm những giải pháp cá nhân để giải quyết cho những vấn đề mang tính cá nhân, nó vô tình hay cố tình biến một nhóm người trong Đảng cũng nảy sinh tâm lý luồn lách và cuối cùng cả một tập thể Đảng cũng nảy sinh ra tâm lý đó. Một điều nhức nhói hơn nữa là Đảng Cộng Sản Việt Nam giành quyền độc tôn lãnh đạo đất nước. Họ không để bất kỳ một Đảng phái khác nào được quyền cạnh tranh chính trị công bằng. Và hậu quả của nó là đã làm gần 90 triệu dân Việt Nam vô tình mang căn bệnh hô hào, truyền bá và áp dụng “Chủ nghĩa luồn lách”. Kết quả của tất cả hậu quả đó là lợi ích quốc gia bị vứt vào sọt rác và chờ ngày đem đi chôn thay vì tái chế và phục hồi.
Chủ nghĩa luồn lách đã quá rõ ràng trong lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ một con người bình thường, ông Hồ Chí Minh với “tinh thần yêu nước” đã ra đi tìm đường cứu nước. Ông đã dùng “bản lĩnh” của mình để thực hiện việc đi tìm một lý tưởng cao đẹp “chống giặc ngoại xâm và xây dựng một Việt Nam độc lập”. Rồi từ đó, ông Hồ đã mang về cho đất nước Việt Nam một chủ nghĩa Mác-Lê độc hại. Đã sáng lập ra một Đảng lấy một chủ nghĩa độc hại làm cương lĩnh mà ngày nay có thể gọi là một Đảng quái thai. Ông Hồ cũng từng gửi thư (1946) cho tổng thống Mỹ Harry Truman, nội dung vừa tố cáo đồng minh (Pháp), vừa muốn được ân xá và được tham gia vào hàng ngũ đồng minh đó. Nhưng vì lý lịch mờ ám nên ông Hồ đã không nhận được bất cứ thư hồi âm nào của Tổng Thống Harry. Thế là, vì chủ nghĩa luồn lách mà Đảng Cộng Sản Việt Nam có cơ hội “lên ngôi”. Bởi lẽ ông Hồ không còn một giải pháp nào khác. Đó chính là lệ thuộc khối Cộng Sản!
Tình hình chính trị kiểu đu dây giữa Liên Xô và Trung Quốc hết sức phức tạp, kéo dài hàng chục năm nhưng rất dễ đoán ra động cơ, tất cả chỉ vì lợi ích chủ nghĩa Mác-Lê và cuộc cách mạng thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc. Còn chủ nghĩa Mác-Lê là có thể đu dây để thống nhất và giải phóng. Và hậu quả của nó là làm hơn 6 triệu người chết, đất nước thống nhất về địa lý qua biến cố lịch sử, ngày 30/4/1975. Nhưng không thống nhất được lòng dân!
Đất nước tiếp tục trải qua hơn 15 năm thời bao cấp – dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản – một lần nữa chứng minh chủ nghĩa Mác-Lê là một sự sai lầm mang tính nền tảng chính trị. Một điều đáng lên án mạnh mẽ hơn nữa về sự luồn lách của Đảng Cộng Sản Việt Nam là mặc dù họ đã chứng kiến sự sụp đổ của cái nôi sinh ra chủ nghĩa Cộng Sản và khối Cộng Sản Đông Âu, nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam, nói đúng hơn là một nhóm lãnh đạo cấp cao đã không nhìn nhận vấn đề một cách trung thực để vứt bỏ mọi thứ độc hại hầu tiến gần đến những giá trị tiến bộ của nhân loại. Họ đã không những không vứt bỏ cái chủ nghĩa Mác-Lê mà còn tiếp tục dựa vào nó để biến chế và còn gắn thêm một cái đuôi của sự định hướng, thậm chí tiếp tục đề cao vai trò độc tôn lãnh đạo.
Ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lê không còn là chủ nghĩa Mác-Lê (1920), Đảng Cộng Sản Việt Nam không phải là Đảng nêu cao tinh thần chống giặc ngoại xâm và những con người Cộng Sản không còn là những con người có lòng yêu nước. Họ đã thay vào đó chủ nghĩa luồn lách của một Đảng cướp và những con người phục tùng cho chủ nghĩa luồn lách đó.
Đất nước sẽ bi đát hơn, đã và còn đang tiếp tục tụt hậu, tâm lý dân chúng cũng sẽ tìm những giải pháp cá nhân để giải quyết những vấn đề cá nhân v.v. và v.v… Bởi vì chính những con người, đang tự nhận rằng mình đấu tranh cho tự do dân chủ, vẫn còn tôn sùng chủ nghĩa luồn lách. Chúng ta, những người đang cố gắng tìm ra một giải pháp chung, không có cơ sở để đánh giá về một lực lượng đối lập – có tầm vóc – sẽ xuất hiện trong tương lai. Nhưng chúng ta đã tìm ra nguyên nhân và cốt lõi của cái cơ sở tai hại đó. Đó chính là chủ nghĩa luồn lách!
Mỗi người hoặc một nhóm người hoặc mọi tổ chức đối lập phải cùng nhau mạnh dạn lên án chủ nghĩa luồn lách! Không thể vì lợi ích của cá nhân, của một nhóm người hay của tổ chức mà tìm kiếm những giải pháp mang tính tạm thời hay bám lấy nó một cách vô lý và bằng mọi giá. Chúng ta chỉ có thể lấy lợi ích quốc gia, đấu tranh vì đất nước và dân tộc làm nền tảng cho cuộc cách mạng dân chủ này.
Mỗi người hoặc một nhóm người hoặc mọi tổ chức có nhiệm vụ cùng dũng cảm đứng lên và nắm tay nhau cương quyết đưa ra một giải pháp chung. Đó là tất cả phải cùng ngồi lại với nhau trong một tổ chức chính trị hay một liên minh chính trị để tìm ra một giải pháp chung trên tinh thần hoà giải để đi đến một sự đồng thuận về một dự án chính trị đúng đắn, thống nhất về một con đường hành động hợp lý nhất và quyết tâm cải tổ cơ cấu tổ chức hay liên minh để xây dựng thực lực đối trọng với chế độ. Nếu không, chúng ta sẽ tự giết mình – như trong câu chuyện con rắn săn chuột kể trên – mà không cần phải để Đảng Cộng Sản Việt Nam giết chết chúng ta bằng bất cứ một phương tiện nào mà họ có trong tay.
Nguyễn Hoà Bình
(Thông Luận)