Người Việt và người Hán: Ai mới là tổ tiên của ai?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Người Việt và người Hán: Ai mới là tổ tiên của ai?
Tác giả Hà Văn Thùy đã nghiên cứu công phu viết một bài biên khảo giá trị với chứng cớ về chuyện “Người Việt và người Hán: Ai mới là tổ tiên của ai?’.
Dụng ý được trình bày rõ rệt qua Lời tác giả nhằm bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Trung Cộng khuyên VN nên “Lãng tử hồi đầu”
BBT

 

Người Việt và người Hán: Ai mới là tổ tiên của ai?

Tác giả: Hà Văn Thùy

Lời tác giả: Lâu nay nghe dư luận xôn xao: người Trung Quốc khuyên dân Việt “lãng tử hồi đầu!” Nghĩ rằng đó là việc rất nghiêm trọng, vừa xuyên tạc lịch sử vừa xúc phạm tổ tiên, chắc cơ quan chức năng như Tuyên giáo, Hội Sử phải nhanh nhạy ra tay… Nhưng chờ mãi chỉ thấy im ắng, dường như chẳng có vấn đề, không đáng chấp! Trong khi đó dân tình nháo nhác, không hiểu do cơn cớ nào người ta khuyên như vậy và khuyên vậy là có ý gì? Mới đây người bạn chuyển cho bài Bác bỏ luận điệu Trung Quốc khuyên Việt Nam ‘Lãng tử hồi đầu’ trên Nghiên cứu quốc tế, bảo đọc rồi cho ý kiến nên chúng tôi viết bài này.

***

Vào đầu thế kỷ XXI, di truyền học khám phá loài người xuất hiện ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước rồi từ đó lan tỏa ra thế giới, làm nên nhân loại. Riêng việc con người đến châu Á, giữa các nhà di truyền lại có hai quan điểm khác nhau. Phái con đường phương Nam cho rằng, từ châu Phi, người tiền sử sang bán đảo A Rập rồi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 70.000 năm trước. 40.000 năm cách nay, nhờ khí hậu ấm hơn, người từ Việt Nam đi lên Đông Á. Từ Đông Á có một dòng rẽ sang phía Tây, tới Trung Á rồi vào châu Âu. Tại đây họ gặp người Europid từ Trung Đông tới. Hai dòng người hòa huyết cho ra tổ tiên người châu Âu. 30.000 năm trước, từ Đông Á người tiền sử vượt qua eo Bering chiếm lĩnh châu Mỹ. Dòng di cư này làm nên đại bộ phận loài người ngoài châu Phi. (1)

Đối chọi với nó là phái chủ trương con đường phương Bắc, cho rằng, có chuyến di cư theo con đường phương Nam nhưng chuyến ra đi 45.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi, vào Trung Đông, lên Trung Á rồi sang phương Đông mới quan trọng vì tạo ra đại bộ phận nhân loại ngoài châu Phi. (2)

Nhiều nhà di truyền Trung Quốc theo trường phái con đường phương Bắc, cho rằng, người từ châu Phi vào Trung Quốc tạo nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm. Dựa theo tài liệu của người Pháp viết: “ Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, một bộ phận người Việt chạy vào Bắc Việt Nam, trở thành người Việt Nam.” (3)Từ “khám phá lịch sử” đó dẫn tới chủ trương kêu gọi đám con đi hoang hãy trở về nhà!

Tuy nhiên đó là sự lầm lẫn ê chề của giới khoa học. Thực tế khảo cứu cho thấy, có con đường phương Bắc nhưng dòng di cư này không hề làm nên dân cư Đông Á. Ở trên chúng tôi nói, 40.000 năm trước, có dòng người từ Đông Á qua Trung Á vào châu Âu. Khoảng 15.000 năm trước, một dòng người từ châu Âu qua Trung Á, đi ngược lại con đường cũ để tới phương Đông.(1) Nhưng khoảng 10.000 năm trước, người ở phía Tây Hoa lục đã đông và có những bộ tộc dũng mãnh như bộ tộc Tần đã ngăn không cho người di cư phương Tây vào Trung Quốc. Đoàn di cư này buộc phải chia đôi: một bộ phận trượt xuống Tây Nam, trở thành dân thiểu sổ Uighur sau này. Một nhánh lên phía Bắc rồi tới Đông Bắc Trung Quốc, làm nên các sắc dân thiểu số ở Bắc Trung Quốc hiện nay. Thất bại trong việc xâm nhập Trung Quốc nhưng về mặt di truyền, cuộc di cư vẫn để lại những dấu hiệu (marks) trong bộ gen của dân cư. Do vậy, một số nhà di truyền học khi khảo sát bộ gen con người đã sa vào cái bẫy của cuộc xâm nhập bất thành. Nếu dòng di cư này vào được Hoa lục, sẽ để lại ba hệ quả:

1. Người Trung Quốc phải mang mã di truyền Ấn-Âu mà không phải Mông Cổ phương Nam như hiện nay.

2. Người Trung Quốc sẽ có chỉ số đa dạng sinh học (Bio-diversity) cao nhất châu Á (sinh vật có tuổi sinh học càng già tức càng gần tổ tiên thì chỉ số đa dạng sinh học càng cao.) Trong khi thực tế cho thấy, chỉ số đa dạng sinh học của người Hán gần như thấp nhất châu Á.

3. Với con đường di cư từ Tây Bắc xuống Đông Nam như vậy, mặc nhiên những di chỉ khảo cổ ở Tây Bắc sẽ có tuổi cao hơn và tiến bộ hơn các di chỉ ở Đông Nam. Tuy nhiên, sự thực ngược lại. Những di chỉ khảo cổ phía Nam không chỉ sớm hơn mà còn tiến bộ hơn so với ở Tây Bắc. Năm 2016, sau 80 năm khai quật và nghiên cứu văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ, học giả Trung Quốc kết luận: “Nhà nước Lương Chử sớm và tiến bộ nhất phương Đông. Triều đại Hạ và Thương trước đây được coi là sớm nhất, nay phải trả lại danh hiệu đó cho Lương Chử.”Và “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.”(4)

Kết luận được rút ra là không có chuyện người châu Phi theo con đường phương Bắc làm nên dân cư Đông Á.

Bản đồ phân bố các nhóm người từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục  (O: Indonesian, C: Melaanesian, N: Mongoloid và D: Negritoid) (8)

Trên thực tế, chỉ có duy nhất con đường phương Nam đưa người tiền sử tới Việt Nam 70.000 năm trước làm nên dân cư châu Á. Tại đây hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Người Indonesian chiếm đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ, sau này được gọi là Lạc Việt. Cũng có một số nhóm người Mongoloid do “thiếu tinh thần tập thể” không chịu chơi với ai nên đi tới Tây Bắc Đông Dương và sống cách biệt trong môi trường lạnh giá. 40.000 năm cách nay, do khí hậu ấm lên, người từ Việt Nam đi lên Quảng Đông rồi lan tỏa ra trở thành dân cư Hoa lục. Tại di chỉ Điền Nguyên Động thành phố Chu Khẩu Điếm phát hiện xương chân người đàn ông 40.000 năm tuổi, được xác nhận là tổ tiên người Đông Á và là thủy tổ người châu Mỹ bản địa (5) Riêng nhóm người Mongoloid từ Tây Bắc Đông Dương theo hành lang phía Tây đi lên Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ. Ban đầu họ sống bằng săn bắn hái lượm. Khi kỷ Băng hà kết thúc, họ chuyển sang du mục ở bờ Bắc Hoàng Hà. Do giữ được nguồn gen thuần chủng nên sau này được gọi là chủng Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid). Khoảng 9000 năm trước, tại lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử, dân Việt đã đông, làm nên nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa, trồng kê, nuôi gia súc ở Giả Hồ Hà Nam… Khoảng 7000 năm trước, tại bờ Nam Hoàng Hà, người Việt Australoid gặp gỡ người du mục Mông Cổ bên bờ Bắc để trao đổi hàng hóa. Việc hôn phối luyến ái diễn ra, lớp con lai Mông-Việt ra đời, mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. (6) Người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, dần thay thế người Australoid, thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Họ sáng tạo văn hóa Long Sơn, xây dựng hai trung tâm văn hóa rực rỡ Thái Sơn và Trong Nguồn (đồng bằng Hán Thủy), sau này được gọi là người Hán.

Khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN, một bộ phận người Việt từ lưu vực Hoàng Hà di cư về phương Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư Nam Dương Tử và Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Từ khoảng 2000 năm TCN, đại bộ phận người Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Như vậy, người Việt Nam và người Trung Quốc trước đây cùng chủng tộc Australoid thì từ 2000 năm TCN cùng chủng tộc Mongoloid phương Nam. (7)Tuy nhiên, vì người Việt Nam được sinh ra từ tổ tiên 70.000 năm trước nên có tuổi sinh học già hơn do đó có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á.

Do được hình thành như vậy, nên tiếng Việt là tiếng nói chung của dân cư phương Đông. Nhưng ở lưu vực Hoàng Hà, do tiếp xúc với người Mông Cổ nên tiếng nói chuyển theo cách nói Mông Cổ (phụ trước chính sau) đồng thời biến âm theo giọng Mông Cổ. Còn chữ viết thì chữ Giáp cốt xuất hiện 9000 năm trước ở văn hóa Giả Hồ. Khoảng 4000 năm trước, tại Cảm Tang, Lương Chử, chữ Giáp cốt đã trưởng thành. Vào đời Thương 1300 năm TCN, Giáp cốt văn được nâng cấp, sau đó được chuẩn hóa thành văn tự chính thức của Trung Quốc. Như vậy, về bản chất, tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa, chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa, văn hóa Việt là chủ thể của văn hóa Trung Quốc.

Bách Việt là gì? Sách đầu tiên nói về Bách Việt là cuốn Lã thị Xuân Thu, cho biết: năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, con cháu vua Việt là đầu lĩnh từng vùng, cùng đứng lên lập quốc, lấy tên đất làm tên nước, như Mân Việt, Đông Việt…bên cạnh những nước Việt có từ trước như Lạc Việt và những nước Việt trên đất Thái Lan, Miến Điện ngày nay. Cố nhiên, trong chiến tranh con người phải chạy loạn. Nhưng không hề có chuyện dân nước Việt chạy xuống thành người Việt Nam. Bởi lẽ, người Giang Nam và người Việt Nam đều là Lạc Việt, cùng mã di truyền Mongoloid phương Nam từ 2000 năm trước. Dân số Việt Nam lúc này đã đông nên vào đầu thời thuộc Hán, nhiều hơn số dân hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Bách Việt là những nước nhỏ, riêng lẻ chỉ tồn tại 200 năm (333-111 TCN). Sau này, các sử gia nhà Hán căn cứ theo tên Việt, gộp thành Bách Việt. Lạc Việt cũng được gộp vào Bách Việt một cách tự nhiên như vậy. Khi Bách Việt ra đời thì người Tần chưa vượt qua Dương Tử nên nói rằng “người Hán là trung tâm của cộng đồng Bách Việt” là không đúng sự thật.

Dù thừa nhận hay không thừa nhận thì cũng không ai có thể phủ định sự thật này:

1. Đất Việt Nam là nơi phát tích của tất cả các dân tộc châu Á.

2. Ra đời từ 70.000 năm trước nên người Việt Nam gần với Tổ tiên nhất, có tuổi sinh học cao nhất. Sinh ra từ 7000 năm trước, người Hán là lứa con cháu muộn mằn của tộc Việt.

3. Do cội nguồn như vậy nên tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Việt là chủ thể làm nên văn hóa Trung Hoa.

Từ sự thực trên, việc khuyên người Việt Nam “lãng tử hồi đầu” là việc làm xuyên tạc lịch sử, đảo lộn tôn ty, xúc phạm Tổ tiên. Những kẻ vô hậu như vậy sẽ bị quả báo.

Sài Gòn, Thu 2019

Hà Văn Thùy

 

Tài liệu tham khảo:

1. Stephen Oppenheimer. Out of Eden: The Peopling of the World.

https://www.amazon.co.uk/Out…Stephen-Oppenheimer/dp/184119894

2. Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey.

https://www.amazon.com/Journey-Man-Genetic…/dp/069111532X

3. Léonard Aurousseau. Theo Trần Trọng kim Việt Nam sử lược.

4. 良渚文化_互动百科 baike.com/wiki/

5. Sergio Prostak. DNA Analysis Reveals Common Origin of Tianyuan Humans and Native Americans, Asians. Jan 24, 2013

http://www.sci-news.com/othersciences/anthropology/article00842.html

6. YANGSHAO CULTURE (5000 B.C. to 3000 B.C.) | Facts and Details

factsanddetails.com/china/cat2/sub1/item32.html

7. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn, H.2016

8. Chuan-Chao Wang, Hui Li. Inferring human history in East Asia from Y chromosomeshttps://investigativegenetics.biomedcentral.com/articles/10.1186/2041-2223-4-11