Người Việt tại Campuchia và nguy cơ bị trục xuất

Cac Bai Khac

No sub-categories

Người Việt tại Campuchia và nguy cơ bị trục xuất

Theo RFA

Vân Anh, thông tín viên RFA

 

2015-11-01

Thời gian gần đây, chính quyền Campuchia tiến hành bắt và trục xuất hàng ngàn người Việt. Vấn đề này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của cộng đồng người Việt tại xứ Chùa Tháp. Từ Campuchia, thông tín viên Vân Anh có bài tường trình như sau.

Cộng đồng người Việt tại Campuchia

Cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài có lịch sử lâu đời và số lượng đông nhất tại Campuchia. Nếu tính theo thời gian sinh sống tại Campuchia thì người Việt có thể được chia thành 3 nhóm: nhóm định cư lâu năm đã được nhập quốc tịch Campuchia (hay còn gọi là người Campuchia gốc Việt), nhóm thứ 2 là những người Việt đã định cư lâu năm nhưng chưa được nhập quốc tịch, và nhóm cuối cùng là những người Việt đến Campuchia trong thời gian gần đây.

Theo ông Noun Sovanrith – Phó Giám đốc Tổ chức Bảo vệ người Dân tộc Thiểu số tại Campuchia (MIRO) thì những người bị giới chức Campuchia bắt trục xuất thời gian vừa qua phần lớn thuộc nhóm thứ 3 này.

Những người bị bắt là những người vừa mới nhập cư vào Campuchia, hoặc vượt biên trái phép. Riêng những người đã ở lâu năm có cơ sở làm ăn rõ ràng như một số xưởng gỗ ở Beoung Trabek chẳng hạn thì không hề bị cảnh sát di trú thẩm vấn”.

Là người Việt sinh sống hơn 10 năm tại Campuchia, mặc dù chưa được mang quốc tịch Campuchia nhưng ông Trương Văn Nhỏ không hề lo lắng trước việc người Việt bị bắt trục xuất hàng loạt vì ông chấp hành luật pháp của nước sở tại.

Ông Nhỏ chia sẻ: “Mình ở thành phần mà không có giấy tờ hợp lệ thì bị người ta bắt. Theo quan điểm của tôi nếu mình là người ở đâu bất cứ nơi nào luật pháp của nhà nước đưa ra đương nhiên lúc nào mình phải chấp hành theo thì không ai bắt mình, tại mình không thi hành pháp luật thì thành thử người ta mới bắt mình.”

Việc chấp hành pháp luật mà ông Nhỏ vừa đề cập là việc đăng ký thủ tục để được hưởng quy chế là người cư trú hợp pháp. Luật pháp Campuchia quy định, trước khi người nước ngoài được xét cấp quốc tịch Campuchia, họ có quyền đăng ký xin được hưởng quy chế là người cư trú hợp pháp trong thời hạn 7 năm. Khi là người cư trú hợp pháp, người nước ngoài có quyền tự do sinh sống, đi lại, và lao động ở Campuchia. Giải thích về thủ tục này, ông Nhỏ chia sẻ: “Đâu có gì đâu mà phiền phức, bây giờ mình đi ra xã mình xin đóng thuế thân (đóng phí xin cư trú), nó làm cho mình một cái giấy. Khi nào trên trển có lệnh, nó kêu mình ra đóng thuế, đóng tiền, hơn 50 đô, đóng một lần hai năm. Rồi nó ghi cho mình một cái thẻ.”

Những người bị bắt là những người vừa mới nhập cư vào Campuchia, hoặc vượt biên trái phép. Riêng những người đã ở lâu năm có cơ sở làm ăn rõ ràng như một số xưởng gỗ ở Beoung Trabek chẳng hạn thì không hề bị cảnh sát di trú thẩm vấn.

– Ông Noun Sovanrith – Phó Giám đốc Tổ chức Bảo vệ người Dân tộc Thiểu số tại Campuchia (MIRO)

Sử dụng visa du lịch để lao động

Theo điều tra của Tổ chức Bảo vệ người Dân tộc Thiểu số tại Campuchia (MIRO), những người thuộc nhóm vừa nhập cư vào Campuchia và bị trục xuất trong thời gian gần đây phần lớn là lao động phổ thông hoặc là nhân viên của một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Campuchia. Những người này nhập cảnh vào Campuchia theo các đường tiểu ngạch, không có hộ chiếu. Số còn lại tuy nhập cảnh hợp pháp, có hộ chiếu đầy đủ nhưng sử dụng visa du lịch để lao động.

Nhiều người cho biết việc sử dụng visa du lịch để lao động ở nước ngoài là vi phạm pháp luật nên số lao động người Việt này hết sức lo lắng về nguy cơ bị trục xuất bất kì lúc nào.

Anh Phạm Văn Quyền, hiện là nhân viên của một công ty cung cấp thuốc bảo vệ thực vật có trụ sở tại Phnom Penh cho biết mỗi tháng anh phải về Việt Nam một lần và sau đó tiếp tục nhập cảnh vào Campuchia để xin được hưởng visa du lịch mới với thời hạn 30 ngày để tiếp tục công việc. Lao động không giấy phép khiến anh Quyền luôn có cảm giác bất an.

Anh này bày tỏ: “Nếu bị trục xuất về Việt Nam thì tôi rất lo lắng, về Việt Nam tui lại khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng của mình và không biết là tui có thể quay lại Campuchia được hay không nữa. Chi phí làm visa hơi cao so với khả năng của tui, công ty phải làm visa cho tui đó là trách nhiệm của bên công ty, hiện tại tui chưa thấy công ty làm visa cho tui.”

Hiện nay số lượng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia là khá lớn. Tuy nhiên, việc đăng ký visa lao động cho nhân viên chỉ được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nhà nước Việt Nam thực hiện, riêng các doanh nghiệp tư nhân nhỏ với số lượng nhân viên dưới 20 người thì hầu như đều cho nhân viên sử dụng visa du lịch. Chỉ riêng một công ty mạng internet có hơn 100 nhân viên người Việt thì chỉ có vài người là có visa lao động, còn lại là sử dụng visa du lịch.

Giải thích về vấn đề này, kế toán của một doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia xin được giấu tên cho biết doanh nghiệp Việt Nam thường không làm visa lao động cho nhân viên để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp và cũng vì cảm thấy điều đó không cần thiết. Chị này chia sẻ: “Doanh nghiệp tui không làm visa E (visa lao động) cho cán bộ công nhân viên là một phần cũng vì nó quá mắc. Thí dụ doanh nghiệp tui có 40 người thì một người khoảng 300 đô-la thì đã 12.000 đô-la rồi, mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì lúc nào người ta cũng muốn tối ưu hoá lợi nhuận cho nên những khoảng chi phí như vậy người ta không có muốn bỏ ra. Mặc khác chính quyền Campuchia họ cũng không kiểm tra rắc rao khoảng đó nên tụi tui cũng để đó, khi nào thích hợp thì mới làm.”

Tính từ năm 2014 đến tháng 9 năm 2015 đã có 3727 người nước ngoài bị trục xuất khỏi Campuchia, trong đó có 3287 người là người Việt Nam. Giới chức nước này cho biết con số người bị trục xuất có thể sẽ tăng lên do Campuchia ngày càng siết chặt việc kiểm soát người nhập cư.