Người Việt đang “nhiễm virus” sợ hãi chính trị
Võ Ngọc Ánh (Danlambao) – Nỗi sợ hãi về chính trị đang chi phối suy nghĩ, hành động… và cả ước muốn của người Việt. Nó đang làm cho người Việt trở nên nhu nhược, thờ ơ nhưng lại không thiếu ác tâm. Virus sợ hãi về chính trị đã làm cho cả dân tộc Việt Nam đang bị bệnh và ngày một trầm trọng hơn. Đảng cộng sản Việt Nam chính là đối tượng đang nuôi dưỡng, phát tán virus này để dễ bề cai trị.
Truyền cho nhau nỗi sợ
“Thôi Ánh à! Viết như vậy cũng không được chi. Chẳng làm được gì cộng sản đâu. Coi chừng bị bắt”. Người khác thờ ơ nhẹ nhàng hơn: “Nhìn những gì anh viết em không dám đọc”. Không ít người hù dọa thẳng thừng: “Nói thằng Ánh đừng về quê nữa”.…
Ngay cả khi đến vùng đất của tự do, hắn vẫn ‘được’ nhiều người vốn dân HO, vượt biên, tỵ nạn cộng sản… trong cộng đồng người Việt tại Mỹ nhắc nhở: “Đừng tham gia hội nhóm chống cộng, tránh chụp hình, quay phim với cờ vàng để còn đường về Việt Nam nha con!”.
Từ khi còn ở Việt Nam cho đến bây giờ không biết bao nhiêu lần hắn nhận được những lời nhắn nhủ và hăm dọa kiểu như vậy.
Có thể nhiều người quý trọng, lo lắng cho hắn thật sự. Nhưng cũng có không ít người đang thực hiện ‘sứ mệnh’ truyền ‘virus sợ hãi’ mà chính họ đã bị nhiễm từ lâu sang cho hắn khiến hắn cũng phải biết sợ giống họ.
Một khi ‘virus sợ hãi’ đã xâm nhập bất kỳ ai, nó sẽ chi phối, khống chế, khiến một người không còn đủ tỉnh táo để nhận thức. Virus sẽ làm con người từ chối tiếp nhận sự thật, lẽ phải, quyền chính trị căn bản, tự do, dân chủ… nói chi đến hành động cho điều thiết yếu này.
Họ lý giải đơn giản: “Chuyện chính trị nhạy cảm lắm, nói cũng có được chi đâu” và khuyên người khác cũng nên nhu nhược giống ta đây. Họ tự loại bỏ quyền căn bản, rước sự tuân phục vào thế chỗ.
Người Việt đang tự biến thành những ‘con cừu ngoan ngoãn’ ủng hộ theo sự đường lối luôn ‘sáng suốt’ của đảng dù có bị xén lông, làm thịt… và đảng cũng chỉ muốn thế.
Có lẽ đa số người Việt Nam không biết mình đang nhiễm phải căn bệnh sợ hãi dù sức tàn phá virus này thật ghê gớm. Nó không phải tàn phá một vài cá nhân, mà còn làm nhu nhược cả một dân tộc.
Những năm 2009, 2010 và sau đó, tại Sài Gòn diễn ra không ít cuộc biểu tình phản đối sự hung hăng, tham lam của Trung Quốc với vùng biển Đông. Nhiều lần hắn rủ bạn bè cùng đi. Và chưa bao giờ nhận được cái gật đầu.
Đứa đưa ra lời hứa, “Khi nào chính quyền tổ chức sẽ tham gia.”. Đứa tỏ ra tiếp nhận thông tin kịp thời từ sự tuyên truyền của nhà cầm quyền hỏi lại hắn: “Đi vậy được bao nhiêu tiền một lần anh?”.
Người ý thức được bệnh thì biện minh, đó là sự khôn ngoan, thức thời, sẵn sàng trực tiếp tham gia, tiếp tay, mặc cả, thỏa hiệp với cái ác, cái xấu để tiến thân, làm giàu, được thuận tiện… Họ trở thành người thờ ơ, kẻ có đầy ác tâm. Họ căm ghét, xa lánh những ai dám nói lên sự thật, kiềm hãm tự do, đứng về phía bất công.
Ai có ‘kháng thể’ tốt để không bị nhiễm ‘virus sợ hãi’, dám hành động theo lương tâm, biết trăn trở với dân tộc, thì xã hội đồng thanh la lên: “Nó là đứa phản động”.
Đa phần người Việt hiện nay nhận xét ai đó “phản động” thì chính họ cũng không hiểu đúng nghĩa của từ “phản động”. Rõ hơn, cộng sản đã làm cho người Việt hiểu hiểu sai, méo mó từ “phản động”. Dĩ nhiên nhà cầm quyền coi đây là thành công trong chính sách nhất quán ngu dân.
Mất tự do
Dân không dám nói về chính trị bởi họ sợ những đòn thù của cộng sản với chính bản thân, gia đình, dòng tộc. Những đòn thù chẳng trên một cơ sở luật pháp, mà theo lệ, thói lưu manh bởi nó được vận hành trong một xã hội cộng sản và thể chế XHCN của nó.
Nỗi sợ dẫn dắt họ không còn tự do, chẳng dám làm trái ý đảng.
Bởi thế, lâu lâu lại nghe một quan chức, cơ quan chức năng đưa ra số liệu nghe rất chi khoa học: “Đa số người dân đồng tình, ủng hộ”; “trên 90% ủng hộ”… cho một chính sách nào đó của nhà cầm quyền. Nhưng người dân nào tham gia khảo sát không dễ biết. Tổ chức nào thực hiện khảo sát? Khảo sát vào thời điểm nào? Nội dung bên trong phiếu khảo sát?…
Dân biết thừa đám người nhân danh lãnh đạo kia nói láo, nhưng vì nỗi sợ họ không dám phản đối, lên tiếng, để rồi phải đồng lòng, nhắm mắt bừa cho qua chuyện.
Dân có thật sự tin đảng như lời ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầy lạc quan phát biểu tại cuộc họp, hội nghị trực tuyến giữa chính phủ với các địa phương vào cuối năm rồi: “Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”.
Thực tế, trong sự sợ hãi chiếm ngự, dân vẫn có lúc ‘vượt rào’ không giấu nỗi vui mừng mỗi khi nghe một cựu nguyên thủ, lãnh đạo, cán bộ… chết vì tuổi già, bệnh tật, tai nạn.
Về phía đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước của nó có sợ dân không?
Phải khẳng định, rất sợ.
Bằng chứng, Luận an ninh được thông qua vào giữa năm 2018 và chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay. Mục đích chính của luật này cấm người dân được thực hiện quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, được nói thật (dù đã được khẳng định tại điều 25 theo Hiến pháp 2013). Nó không phải đảm bảo sự an toàn trên không gian mạng của Việt Nam trước sự tấn công từ bên ngoài.
Luật biểu tình, luật lập hội đặt nền tảng cho một quốc gia dân chủ, tiến bộ, dù được khẳng định trong các bản hiến pháp và tại điều 25 theo hiến pháp hiện hành, nhà cầm quyền vẫn cứ nợ dai dẳng nhiều chục năm qua.
Hắn không tin cái nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay không có đủ tiền, nhân lực để soạn thảo, công báo hai luật trên cho nhân dân. Thực chất đảng cố tình không có luật, dây dưa để dễ dàng sách nhiễu, bắt giữ, xử theo luật rừng.
Đảng dùng côn an, côn đồ với các công cụ bạo lực, bạo hành, tiểu xảo, không từ thủ đoạn để đàn áp với ai có ý không đồng tình, phản kháng. Những cá nhân được đảng chi tiền, những hội đoàn được đảng nuôi dưỡng (từ tiền thuế của dân) chỉ để hô hào, quy chụp, dán nhãn cho những người phản kháng là “phản động”, là “tên bị thần kinh”.
Khi nào người dân chưa chữa được ‘virus sợ hãi’ bản thân họ vẫn không có tự do. Dân chủ, văn minh…cho Việt Nam vẫn còn xa tầm với.
13/4/2019