Người Thượng ở Hoa Kỳ biểu tình kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp đồng bào Tây Nguyên.

Cac Bai Khac

No sub-categories

Người Thượng ở Hoa Kỳ biểu tình kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp đồng bào Tây Nguyên.

[internet image]

RFA
2023.07.10

Người Thượng ở Hoa Kỳ biểu tình kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp đồng bào Tây Nguyên

Người Thượng biểu tình ở thủ đô Washington DC ngày 10/7/2023

 RFANgười Thượng ở Hoa Kỳ biểu tình kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp đồng bào Tây Nguyên00:00/06:50

Hàng trăm người Thượng ở tiểu bang North Carolina (Hoa Kỳ) ngày 10/7 tập trung ở thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ biểu tình kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp người bản địa ở Tây Nguyên, đặc biệt từ sau sự kiện nổ súng ở hai xã của huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) vào rạng sáng ngày 11 tháng 6 vừa qua.

Cuộc biểu tình do Tổ chức Dega Tây Nguyên (Dega Central HighLands Organization) tiến hành với sự tham dự của hơn 200 người Thượng gốc Việt Nam, bắt đầu từ 9 giờ sáng ở gần toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ.

Người biểu tình, trong trang phục truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên, tay cầm khẩu hiệu viết bằng tiếng Anh và hô vang bằng cả ba ngôn ngữ Việt, Anh và tiếng bản địa với nội dung: “Cộng sản Hà Nội, hãy chấm dứt diệt chủng người bản địa Dega,” “Hãy trả lại vùng đất của người Dega,” và “Cộng sản Hà Nội lập mưu kế để diệt chủng người bản địa Dega” ….

Từ năm 1975 đến nay, người Thượng đối mặt với sự đàn áp, cướp bóc đất đai, tù đày, và tra tấn. Năm 2001, 2004 và 2008, người Thượng đã tụ tập ôn hoà ở năm tỉnh của Tây Nguyên. Thay vì đề cập đến các khiếu nại của chúng tôi, chính quyền Việt Nam liên tiếp đánh đập và tra tấn chúng tôi, kết án chúng tôi với bản án nhiều năm tù, và cấm các gia đình thực hành tự do tôn giáo,” ông Y-Duen Buondap, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dega Tây Nguyên, nói trong thông cáo báo chí ngày 08/7.

Thông cáo nói hàng trăm người Thượng đã bị cầm tù một cách bất công chỉ vì thực hiện các quyền bất đồng chính kiến ôn hoà và thực thi quyền tự do tôn giáo. Kết quả của sự đàn áp có hệ thống của Việt Nam là dòng tị nạn của hàng trăm người Thượng sang Thái Lan trong nhiều năm qua.

Sau sự kiện trụ sở Uỷ ban Nhân dân hai xã ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) bị tấn công và có bốn sỹ quan công an địa phương cùng hai lãnh đạo xã bị bắn chết mà một nhóm 30-40 người Thượng bị tình nghi là thủ phạm, lực lượng an ninh Việt Nam đã mở chiến dịch trấn áp, bắt giữ hơn 80 người và một số người bị cho là tự sát. Công an đang truy nã 6 người bị tình nghi tham gia vụ tấn công.

Nhiều người Thượng đã bị bắt và đánh đập khi họ đi chợ hay đi làm rẫy, nhiều người trong số họ bị tấn công chỉ vì họ mặc bộ quần áo rằn ri, giống trang phục của những người bị tình nghi thực hiện vụ tấn công rạng sáng ngày 11/6.

Đại diện ban tổ chức của cuộc biểu tình, ông Y Bion Mlo nói trong thông cáo: “Chúng tôi đề nghị Liên Hiệp quốc và các nước dân chủ trên thế giới gây áp lực lên Việt Nam để buộc họ tôn trọng nhân quyền của người Thượng bản địa ở Việt Nam. Hoa Kỳ không nên nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam cho đến khi Hà Nội cải thiện trong việc tôn trọng quyền đất đai và tài sản của chúng tôi cũng như cho phép chúng tôi được tự do thực hành tôn giáo.

Một người Thượng từng ở Đắk Lắk và bị cơ quan chức năng Việt Nam giam nhiều năm tù chỉ vì tham gia biểu tình ôn hoà năm 2002, nói với RFA trong cuộc biểu tình:

Chúng tôi đến đây để bày tỏ quan điểm và sự phẫn nộ, đưa ra một thông điệp cho Chính phủ Việt Nam vì họ đã giết người dân Dega Tây Nguyên một cách tàn bạo và vô tổ chức trong cái vụ ngày 11/6/2023 đã diễn ra ở vùng Đắk Lắk, ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur.

Đến đây chúng tôi muốn chứng minh rằng chúng tôi chỉ là nạn nhân. Mình xin cộng đồng quốc tế hãy lắng nghe tiếng nói của chúng tôi. Xin Chính phủ Việt Nam hãy ngừng giết những người chúng tôi  như chúng tôi biết được qua truyền thông là hơn 50 người bị giết, 80 người bị bắt, và có một số người đang bị truy nã.

Người này cho biết thường xuyên liên lạc với người thân và bạn bè ở Đắk Lắk để cập nhật tình hình của người Thượng ở đây. Ông được cho biết rằng trong vụ tấn công vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân của hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur của huyện Cư Kuin, người dân địa phương không hề biết chuyện gì.

Ông cho biết trong nhiều thập niên qua, người Thượng là nạn nhân của sự đàn áp:

Từ xưa tới nay họ dùng nhiều hình thức khác nhau, đàn áp bắt bớ và mời mục sư người truyền đạo trong làng, rồi những thành phần tham gia biểu tình bị mời và bắt tù nhưng họ đàn áp một cách chừng mực vì họ chưa có cớ.

Bây giờ họ truy bắt không có bắt nữa, giết luôn, đánh đập ngay tại hiện trường, đánh đập trong rẫy, trên đường, máu chảy tè le, có người họ đạp nằm ở dưới đất luôn.

Luật pháp Việt Nam nói mọi công dân có quyền tự do bình đẳng, nhưng qua vụ này họ dựng ra để kích hoạt xung đột sắc tộc giữa người Kinh và người Thượng, Chính phủ Việt Nam đã kích hoạt.”

Ông bày tỏ nguyện vọng với cộng đồng quốc tế về tình trạng của người Thượng ở Việt Nam:

Chúng tôi muốn quốc tế làm rõ sự việc đó, chúng tôi cần phái đoàn quốc tế triển khai ở Việt Nam để điều tra việc đó để biết ai đứng đằng sau vụ đó.”

Ông cũng kêu gọi người Kinh không theo chính quyền địa phương để truy sát người Thượng bản địa:

Người Kinh dân thường hãy hiểu rằng vùng đất (Tây Nguyên- PV) là vùng đất tổ tiên chúng tôi để lại hàng ngàn năm rồi. Người Kinh vô Tây Nguyên chỉ mới đây thôi. Cần phải tôn trọng người bản địa. Cần chung sống với nhau và cũng cần tôn trọng người bản địa.

Hỡi người dân thường, đừng hận thù với người Thượng, người Thượng chỉ là nạn nhân. (Đừng vì) Chính quyền đã giết người dân bản địa mà người dân thường cũng làm theo.”

Là người trong ban tổ chức cuộc biểu tình, ông Y-Duen Buondap, lên tiếng kêu gọi quyền bình đẳng cho người Thượng bản địa tại Tây Nguyên:

Chúng ta là con người có quyền con người, chúng ta có quyền sống. Chúng ta là con người như bạn và tôi. Nó không khác. Vậy tại sao họ ghét chúng ta? Đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây để đứng ra ngăn chặn người Việt Nam giết người của chúng tôi, để cho chúng tôi có quyền và cộng đồng quốc tế khác giúp đỡ người dân của chúng tôi, để gây áp lực lên Chính phủ Việt Nam.”

Mục sư Y Hin Nie, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Đấng Christ tại Hoa Kỳ, nói với phóng viên RFA trong thời gian diễn ra biểu tình:

Người Dega không ghen ghét anh em người Kinh. Tất cả 54 dân tộc chúng ta đều bị áp bức. Tôi kêu gọi tất cả anh em 54 thứ tiếng ở Việt Nam, hãy nêu lên không muốn chế độ cộng sản kéo lâu dài trên đất nước Việt Nam của chúng ta nữa. Chúng ta đều một lòng kêu gọi hòa bình, bình an, công lý và phát triển thịnh vượng như nước ngoài.

Mục sư Y Hin Nie cho biết ông gặp một số thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ từ tiểu bang North Carolina trong trưa cùng ngày để kêu gọi họ quan tâm đến tình trạng của người Thượng ở Tây Nguyên.

Sau cuộc biểu tình gần Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, đoàn người tham gia tuần hành đến Tòa Bạch Ốc, rồi đến trước trụ sở của Tòa Đại sứ Việt Nam tại thủ đô Washington DC.

RFAViet