Người tài cũng cần gặp thời mới thành công?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Người tài cũng cần gặp thời mới thành công?
BBC – Chengwei Liu
The Conversation
  • Bill GatesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
    Bill Gates may mắn hơn nhiều so với bạn nghĩ. Ông là người tài giỏi, từ chỗ bỏ học đại học đi lên để trở thành người đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới.
    Tuy nhiên, thành công phi thường của ông có lẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm về tầm quan trọng của hoàn cảnh vốn nằm ngoài sự kiểm soát của ông thay vì chỉ nhờ vào khả năng cá nhân và lòng kiên trì.

    Cần gặp thời vận

    Chúng ta thường có ý nghĩ rằng những con người phi thường là những người giỏi nhất, tài năng nhất. Nhưng đó là ý nghĩ sai lầm.
    Những thành tích phi thường thường xảy ra ở những hoàn cảnh phi thường. Những người đạt được thành tích vượt trội thường là những người may mắn nhất – họ có mặt ở đúng chỗ vào đúng thời điểm. Họ là những người mà chúng ta gọi là “trường hợp cá biệt”. Thành công của họ là những ví dụ tách biệt hẳn ra khỏi môi trường mà tất cả những người khác phải phấn đấu.
    Nhiều người xem Bill Gates và những người thành công vượt bậc khác là rất đáng để chúng ta quan tâm – đó là những tấm gương mà chúng ta có thể học hỏi rất nhiều nếu muốn thành công.
    Tuy nhiên việc cho rằng chỉ cần nỗ lực làm việc tốt là đủ để được thành công như họ nhiều khả năng sẽ khiến bạn thất vọng. Ngay cả khi bạn làm theo tất cả những gì mà Bill Gates đã làm thì bạn cũng không thể nào đạt được thành tích như ông lúc ban đầu được.
    Chẳng hạn, gia thế thượng lưu của Gates và việc ông được học ở trường tư giúp ông có điều kiện có thêm kinh nghiệm lập trình khi mà có chưa tới 0,01% những người trong thế hệ của ông được tiếp xúc với máy tính. Mối quan hệ quen biết của mẹ ông với chủ tịch tập đoàn IBM giúp ông giành được hợp đồng với hãng máy tính hàng đầu vào lúc đó vốn đóng vai trò rất quan trọng giúp ông tạo dựng được đế chế phần mềm.

    Hoàn cảnh thuận lợi

    Điều này là quan trọng bởi vì hầu hết những khách hàng sử dụng máy tính của hãng IBM đều buộc phải học cách sử dụng phần mềm đi kèm của hãng Microsoft.
    Điều này đã tạo ra quán tính có lợi cho Microsoft. Phần mềm mới tiếp theo mà khách hàng chọn lựa ắt hẳn sẽ là của Microsoft, không nhất thiết bởi vì đó là phần mềm tốt nhất mà bởi đa phần người dùng quá bận rộn nên không có thời gian học cách sử dụng bất cứ phần mềm nào khác.
    Thành công và thị phần của Microsoft có thể khác ở một số phương diện về quy mô so với phần còn lại trên thị trường. Tuy nhiên khác biệt đó có được thật sự là do những may mắn ban đầu của Gates – được củng cố bằng logic thành công sẽ đẻ ra thành công.
    Dĩ nhiên, tài năng và nỗ lực của Bill Gates đóng vai trò quan trọng trong thành tích vượt bậc của Microsoft, nhưng điều đó là chưa đủ để tạo nên một trường hợp cá biệt như thế. Tài năng và nỗ lực nhiều khả năng không quan trọng bằng hoàn cảnh với cái nghĩa là Bill Gates có thể đã không thể có thành tích như vậy nếu không có hoàn cảnh thuận lợi.

    Con số thần kỳ?

    Có người có thể lập luận rằng những người thành công vượt bậc vẫn có thể đạt được những khả năng hơn người bằng con đường phấn đấu chăm chỉ, động cơ mãnh liệt hay bản lĩnh kiên cường.
    Do đó, không thể chỉ dành cho họ những phần thưởng nhỏ nhoi hay những lời khen chưa đủ mức.
    Một số người thậm chí còn cho rằng có một con số thần kỳ để vươn tới sự vĩ đại: đó là nguyên tắc mười năm hay 10.000 giờ.
    Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
    Nhiều chuyên gia và những người chuyên nghiệp quả thật đã đạt được thành công phi thường bằng cách làm việc kiên trì và quyết tâm. Thật vậy, 10.000 giờ học lập trình máy tính của Gates khi còn là thiếu niên đã được nhấn mạnh như là một trong những nguyên nhân chính giải thích cho thành công của ông.
    Tuy nhiên, đi vào phân tích chi tiết các trường hợp thường cho thấy một số nhân tố tình huống nằm ngoài sự kiểm soát của con người cũng có vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, có ba nhà vô địch quốc gia môn bóng bàn đều sống trên cùng một con phố ở một vùng ngoại ô nhỏ ở một thị trấn ở nước Anh.
    Đó không phải là sự trùng hợp hay bởi vì ba nhà vô địch đó không có việc gì để làm ngoài việc chơi bóng bàn.
    Sau này mọi người mới hiểu ra là một huấn luyện viên bóng bàn nổi tiếng, Peter Charters, tình cờ về hưu ở ngay khu vực này. Nhiều đứa trẻ sống trên cùng khu phố với ông bị môn thể thao này hấp dẫn là nhờ vào ông và ba trong số những đứa trẻ đó đã có thành tích thật sự phi thường sau khi tuân theo nguyên tắc 10.000 giờ, bao gồm cả việc giành được chức vô địch quốc gia.
    Tài năng và nỗ lực của chúng, đương nhiên, là yếu tố cần thiết để đạt được thành công ở mức đó.
    Tuy nhiên nếu không có được may mắn ban đầu (có một huấn luyện viên chất lượng cao, đáng tin tưởng và sự ủng hộ của gia đình) thì chỉ tập luyện 10.000 giờ mà không có được phản hồi đầy đủ nhiều khả năng không thể nào đưa một đứa trẻ nào đó được lựa chọn ngẫu nhiên trở thành nhà vô địch quốc gia.

    Không có cơ hội phát huy

    Chúng ta cũng có thể hình dung một đứa trẻ có khả năng đánh bóng bàn siêu việt nhưng lại không gặp may mắn ngay từ đầu, ví dụ như không có một huấn luyện viên có năng lực ở một đất nước mà thi đấu thể thao không được xem là sự nghiệp có triển vọng. Trong trường hợp đó, đứa trẻ sẽ không có cơ hội thể hiện tiềm năng của mình.
    Ý nghĩa của việc này là nếu một người có thành tích càng phi thường thì chúng ta càng có ít bài học ý nghĩa và thiết thực mà chúng ta có thể học hỏi từ người đó.
    Trong trường hợp người có thành công vừa phải thì nhiều khả năng trực giác của chúng ta về thành công là chính xác.
    Những kinh nghiệm mà dân gian đúc kết được, chẳng hạn như “tôi làm việc càng chăm chỉ thì tôi càng may mắn” hay “cơ hội đến với những người có chuẩn bị kỹ” hoàn toàn hợp lý khi chúng ta nói về những người đi từ nghèo khổ đến thành đạt. Nhưng đi từ thành đạt đến phi thường thì lại là chuyện khác.
    Có mặt ở đúng chỗ (thành công trong hoàn cảnh mà kết quả ban đầu có tác động lâu dài) vào đúng lúc (có may mắn sớm) cũng quan trọng đến mức khả năng thiên phú cũng không bằng.
    Nếu tính đến yếu tố này thì hoàn toàn có khả năng chúng ta không nên ca ngợi hay làm theo những người thành công vượt bậc với mong muốn chúng ta cũng làm được như họ.
    Tuy nhiên, có một điểm mà chúng ta nên bắt chước là học theo Bill Gates làm từ thiện hay quan điểm của Warren Buffet cho rằng người giàu nên đóng thuế nhiều hơn – những người đã chọn cách sử dụng tài sản hay sự thành công của mình để làm việc tốt.
    Những người thành đạt nào hiểu rằng mình cũng nhờ may mắn và không giành hết mọi thứ cho mình càng đáng để chúng ta kính trọng nhiều hơn.
    Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.3 tháng 10 2017