Người Nghệ-Sĩ Chân-Chánh – Thanh Thủy
I.- Theo sử cổ của Trung-Hoa thì Nhà Thương (1766-1402 trước Công-Nguyên) về sau đổi thành Nhà Ân (1401-1123 trước Công-Nguyên) với vị vua cuối cùng là Trụ-Vương bị một bộ-tộc khác là nhà Châu, một nước chư-hầu, lật-đổ sau 643 năm Nhà Thương trị-vì thiên-hạ. Dĩ nhiên, con dân Nhà Thương (Ân) phải ôm một mối hận nhà tan, và mối nhục mất nước, trong khi đó thì nhóm đàn bà con gái trong làng ca nhi của Nhà Thương, vì miếng ăn, manh áo, cùng nhau tụ-tập ở các tửu-điếm bên sông Tần-Hoài, dùng lời ca, tiếng hát của mình để phục-vụ cho quan-quân và người của chế-độ mới, tức là người của bộ-tộc Nhà Châu mà quên đi nổi nhục mất nước, nhà tan của mình. Làng ca-nhi nầy của Nhà Thương đã làm ô-nhục cho đất nước họ, một mối nhục muôn đời không gội rữa được, có lẽ vì thế mà người của Nhà Thương đã loại bỏ loại người hành-nghề xướng ca nầy ra ngoài lề xã-hội sinh-hoạt của họ. Việc làm ô-nhục của giới ca-nhi nầy đã bị người đời mỉa-mai, khinh-bỉ. Gần 2 ngàn năm sau, đến đời Nhà Đường (618-907 sau Công-Nguyên), ông Đỗ-Mục, một thi-sĩ tài-danh cùng thời với Lý-Thương-Ẩn (?), đã phải viết lên bài thơ Dạ Bạc Tần-Hoài với nguyên bản:
Yên lung hàn thủy mguyệt lung xa
Dạ bạc Tần Hoài tận tửu gia
Thương nữ
bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
được Lệ-Thần
Trần-Trọng Kim dịch như sau:
Khói lồng nước bóng trăng lồng cát
Bến Tần-Hoài thuyền
sát tữu-gia
Gái ca đâu nghĩ nước nhà
Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu đình
và ông Trần
Minh Hải dịch như sau:
Thuyền đêm ghé bến Tần Hoài
Sương che mặt nước, trăng đầy bãi sông
Chẳng cần mệnh nước long đong
Ca nương còn hát bên sông miệt mài
2 câu nguyên
văn của bài thơ trên luôn được người đới nhắc-nhở như sau:
Thương-nữ bất tri vong-quốc hận
Cách-giang do xướng Hậu-Đình-Hoa
Hậu-quả việc
làm của nhóm Thương-nữ xướng-ca như đã nói trên đã khiến cho người đời khinh-bỉ
và không liệt họ vào bất cứ một loại ngành-nghề nào trong xã-hội, có lẽ vì thế
nên mới có câu:”Xướng ca vô loại”, không chỉ ở bên Tàu mà ngay cả ở Việt-Nam.
Mãi cho đến đầu hậu bán thế kỹ thứ 20, nghề-nghiệp nầy mới bắt đầu chập-chững
có chổ đứng trong xã-hội Việt-Nam, nhưng cũng còn phải chịu rất nhiều khó-khăn.
Cho đến ngày nay, chỉ nói riêng về người Việt-Nam ở hải-ngoại, nghề-nghiệp xướng ca đã có chổ đứng vững-chắc trong lòng mọi người nên đã phát-triễn rất mạnh và có nhiều nghệ-sĩ đã trở nên giàu có và rất được ái-mộ, nhưng trong vòng mấy năm nay khi có một số nghệ-sĩ trở về nước hát xướng, dần dà lôi kéo theo một số khác về tổ-chức các show trình-diễn từ Saigon cho tới Hà-nội, trong đó có hai đại gia-đình chuyên-nghiệp hầu như đã nhiều lần kéo nhau về để làm show “hốt bạc!”, sự kiện nầy đã làm cho mọi người đặt lại quan-niệm:”Xướng ca vô loại” cho làng ca hát. Quan-niệm nầy mặc dầu mới được khơi lại trong thời-gian gần đây, nhưng nếu làm một sự so-sánh lịch-sử thì thật ra cũng có những nguyên-nhân của nó.
II.- So-sánh
1.- Nhà Thương bị mất nước, ca-nhi Nhà Thương đi hát để phục-vụ cho kẻ cướp
nước là Nhà Châu nên bị người đời nguyền-rủa và tạo nên thành-kiến là Xướng ca
vô loại, mãi cho đến ngày nay đã hơn 3 ngàn năm mà bia miệng vẫn còn.
2.- Việt-Nam Cộng-Hòa bị mất nước vào tay Việt-cộng, một loại tay sai của
đảng Cộng-sản Quốc-tế, chẳng những nhuộm đỏ Việt-Nam mà còn nhuộm đỏ luôn cả
Miên và Lào, khiến cho cả mấy triệu Người Việt chúng ta phải bỏ của chạy lấy
người, may mắn thoát chết và đến được bến bờ tự-do, trong đó có cả những người
trong làng ca hát. Những người ca hát nầy đã được đồng-bào trìu-mến và tận-tình
ủng-hộ, nuôi-dưỡng, đùm-bộc cho nên nghề-nghiệp của họ mỗi ngày một lớn mạnh, một
văn-minh hơn, nhờ đó có một số người trong họ còn trở nên khá-giả. Nhưng trong
vài năm trở lại đây, một số người trong giới nầy lại trở về Việt Nam làm nghề
xướng ca để phục-vụ cho chế-độ mới.
Nếu so sánh
họ với các Thương-nữ của ngày xưa thì không có gì khác nhau. Nói cho cùng, họ
còn tệ hơn các Thương-nữ của Tàu ngày xưa, vì ở hải-ngoại họ vẫn làm nghề ca
hát, được đồng-bào yêu mến và có đời sống ổn-định với đầy-đủ quyền-lợi như mọi
người, nên sự trở về hát xướng như họ quả đúng với câu: Bất tri vong-quốc hận, phản-bội lòng yêu mến của đồng-bào hải ngoại
vốn từ lâu đã đùm-bộc cho họ được no cơm dầy tóc.
Ngày xưa ở bên Tàu chỉ có nữ nhi Nhà Thương thôi, ngày nay, trong giới hát xướng người Việt-Nam có luôn cả nam giới nữa, họ về Việt-Nam hát, lấy cớ là “hát cho khán-giả của tôi nghe”. Quả thật, trong những show hát của họ có nhiều khán-giả đến xem, nhưng những khán-giã mà họ nói “khán-giã của tôi” đó là ai? Với giá vé đắt-đỏ mà họ bán (thường giá mỗi vé từ 5 trăm ngàn đến hơn 1 triệu rưỡi đồng VN) thì khán-giả nào mới có khả-năng mua vé đến xem? Chỉ có con ông cháu cha và những cán-bộ giàu có mới có được khả-năng đó, như vậy “khán-giã của tôi” mà họ phục-vụ chỉ là những người của giai-cấp chế-độ mới, có khác gì người của Nhà Châu mà gái Nhà Thương phục-vụ để cho đến hơn 3 ngàn năm nay vẫn còn bị người đời mai-mỉa, làm liên-lụy luôn đến cái nghề ca hát vốn mang tánh-cách phục-vụ, mang niềm vui đến cho mọi người.
Ngoài ra, những người hiện nay thường-xuyên về nước
ca-hát còn bị đánh giá rất thấp, tệ hơn gái Nhà Thương của Tàu vì mang tiếng là
hèn-hạ, bất nhân, lợi-dụng một mớ hào-quang trong quá-khứ của mình để
tranh-giành chén cơm, manh áo với đồng-nghiệp nghèo-nàn của mình ở trong nước
và phục-vụ cho một tập-thể của chế-độ độc-tài, phi-nhân, bán nước.
Dĩ nhiên họ
có quyền làm chuyện đó như một số người còn biện-hộ cho họ, nhưng việc nước là
việc chung, ai cũng phải có trách-nhiệm, khi tổ-quốc lâm-nguy thì kẻ thất-phu
còn hữu trách, huống chi giới xướng ca vốn được hưởng nhiều quyền-lợi và đời
sống của họ còn sung-túc hơn rất nhiều người khi đất nước thái-bình, thịnh-trị.
III.- Những con sâu làm sầu nồi canh
Nói như thế
không phải chúng ta “quơ đũa cả nắm”
mà ở đây chính là “một vài con sâu làm sầu
nồi canh” vì chỉ có một số ít trong số ca nhạc sĩ ở hải-ngoại đã cam tâm
làm những việc đó. Ngoài những thành-phần nầy ra, chúng ta còn rất nhiều anh chị
em nghệ-sĩ vẫn giữ nguyên-vẹn sĩ-khí của người làm văn-nghệ chân-chánh. Không
chỉ riêng ở hải-ngoại mà còn những người nghệ-sĩ trong nước, thà chịu bỏ nghề,
sống quy-ẩn chớ không chịu đem tiếng hát lời ca của mình để phục-vụ cho một chế-độ
bạo-quyền.
Trong Tuyển Tập Nghệ-Sĩ
số 5 của Trường-Kỳ 2001, xuất bản tại Canada, có đoạn nói về nghệ-sĩ Vân-Hùng,
tác-giã Phạm-Phong-Dinh viết như sau:
”Vân-Hùng là một trong hai kịch-sĩ bô trai nhất thời đó (thập niên
60-70), người kia là kịch-sĩ La-Thoại-Tân. Nguyên Vân-Hùng là ca-sĩ tân-nhạc.
Ông có giọng ca trầm-ấm rất quyến-rũ, vì vậy trong hầu hết các vở kịch ông
đóng, nhất là trên sân-khấu Ban Kim-Cương, soạn-giã thường chêm thêm một vài
bài nhạc tình-cảm da-diết cho Vân-Hùng có chổ thi-thố tài ca hát). Sau ngày
30.4.1975 Vân-Hùng u-buồn khuất mình vào bóng tối, ông không còn lòng dạ nào đứng
trên sân-khấu để nhục-mạ hình-ảnh người lính Việt-Nam Cộng-Hòa mà ngày xưa ông
từng thủ-diễn. Như trong vở kịch của Ban Kịch Sống Túy-Hồng, Vân-Hùng cùng
Thanh-Tú đóng vai hai sĩ-quan Nhãy Dù có một lần trở lại thôn xưa tìm người yêu
do Túy-Hồng thủ-diễn. Nàng đã chết, đứa con của hai người được một vị linh-mục
nuôi-dưỡng. Vân-Hùng diễn quá hay cảnh hai cha con gặp lại nhau dưới mái giáo
đường loang-lổ vết chiến-tranh, rồi người lính Dù cắn răng từ giã đứa con còn
nhỏ dại lên đường chiến-đấu. Giữ mãi trong lòng hình-ảnh đẹp của những ngày
Saigon tự-do trước kia, ông ôm mối tiết-tháo của một người nghệ-sĩ chân-chính
trong cảnh nghèo-khó cùng sự quên-lãng của thời-gian và người đời”. (hết trích)
Vân-Hùng là một nghệ-sĩ
tài-danh của Miền Nam Việt-Nam từ thập niên 60 cho đến ngày 30/4/1975, ông ca
hay và diễn giỏi chẳng những trên màn-ảnh của sân-khấu, kịch-trường mà ngay cả
trên lãnh-vực phim ảnh, tên tuổi của ông ngang hàng với nghệ-sĩ La-Thoại-Tân, kịch-sĩ
số 1 của Miền Nam Việt-Nam thời bấy giờ. Có thể nói, Vân-Hùng trình-bày nhạc-phẩm
Sắc Hoa Màu Nhớ của Nguyễn-Văn-Đông, cho đến nay, chưa có ca-sĩ nào trình-bày
hay và rung-động lòng người được như ông.
IV.- Hình-ảnh của Người Nghệ-Sĩ Chân-Chánh
Đúng như lời nói của
Phạm-Phong-Dinh, một số người về Việt-Nam có dịp tiếp-xúc với Vân-Hùng đều đã
xác-nhận như thế, ngay cả nghệ-sĩ Kim-Cương có lần tuyên-bố trên đài truyền-hình
là Vân-Hùng có tâm-sự với cô:” Vân-Hùng
nhớ sân-khấu quá Kim-Cương ơi!” Nhưng nhớ là nhớ, Vân-Hùng vẫn giữ sĩ-khí của
mình cho đến chết, không bao giờ chịu xuất-hiện trên sân-khấu để phục-vụ kẻ thù
của dân-tộc và phản-bội những chiến-hữu của mình, ông quả là một viên kim-cương
rất quý-giá trong làng ca-nhạc mà những kẻ mang danh nghệ-sĩ ở hải ngoại
mon-men về nước để tranh-giành chén cơm, manh áo với đồng nghiệp nghèo-khổ của
mình thì nên nhìn cái gương sáng của Vân-Hùng mà tự xấu-hổ với mình, đừng tiếp-tục
chạy theo giới ca-nhi của Nhà Thương để tự làm ô-nhục cho mình và làm oen-ố lây
đến nghề-nghiệp đã nuôi sống mình. Nổi
ô-nhục nầy sẽ muôn đời không gội rữa được như Thương nữcủa Tàu từ hơn 3 ngàn năm trước.
Sau ngày 30.4.1975 quả
thật nghệ-sĩ tài-danh Vân-Hùng không bao giờ xuất-hiện trên bất cứ sân-khấu nào
của chế-độ mới cho đến khi ông nhắm mắt lìa đời vào năm 2006 trong âm-thầm lặng-lẽ.
Vân-Hùng quả thật xứng-đáng là một Nghệ-Sĩ
Chân-Chánh trong làng ca nhạc của Việt-Nam Cộng-Hòa.
Để kết-luận, xin được
trích lời phát-biểu của một cựu nữ-sinh Gia-Long là nha-sĩ Lê-Ngọc Túy-Hương hiện
đang định-cư tại Đức như sau:
“Nếu tài liệu này ghi đúng
sự thật thì tôi thành thật kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của nghệ sĩ Vân
Hùng, bái phục ý chí cao cường của anh và cảm tạ anh đã không quay giáo đâm lại
sau lưng Quân Dân Cán Chính VNCH đã hy sinh xương máu bảo vệ một hậu phương dù
trong tình trạng chiến tranh nhưng vẫn tương đối ấm êm, hạnh phúc”.
Thanh-Thủy (03/12/2011)