Người mình ở ngoài kia
14-12-2017
Cho đến bây giờ, facebook vẫn nhắc lại những hình ảnh của chuyến công tác ở Đài Loan năm 2013. Chuyến công tác có thể nói là thành công khi kể lại được câu chuyện về đường đi của 600 bánh heroin qua những cuộc phỏng vấn với người đứng đầu cơ quan chống ma tuý Đài Loan.
Trong loạt bài viết đó, chúng tôi còn “thâm canh” bằng những bài viết về các lao động Việt Nam ở xứ này. Có gặp họ mới ngạc nhiên, rồi chạnh lòng. Hai thằng nhà báo từ Việt Nam qua chỉ có 5 ngày mà biết những nơi tham quan ở Đài Bắc hơn nhiều công nhân đã làm việc tại đây 6-9 năm. Hành trình hằng ngày của một cô gái xứ Thanh, mà tôi trót quên tên, là từ ký túc xá đến công xưởng. Sau 8 tiếng làm chính sẽ cố tăng ca 2-4 tiếng nữa để kiếm thêm chút tiền lương gửi về nhà. Hết tuần họ lại rủ nhau tụ tập nấu nướng ăn uống. Rồi ngủ để tiếp tục một vòng quay như vậy. Quần quật như vậy nhưng mỗi tháng cũng chỉ kiếm từ 20-25 triệu vừa gửi về nhà vừa tằn tiện chi tiêu.
“Em đi 6 năm gửi tiền về cho bố mẹ xây được cái nhà gạch anh ạ. Ở Sài Gòn anh ở đâu? Em ở Sài Gòn mấy ngày đợi visa rồi đi tiếp”, cô gái mà tôi nhớ có nụ cười rất tươi, kể với chúng tôi. Cô vẫn chưa có chồng và mong thêm 6 năm nữa “có ít vốn rồi về quê kiếm chồng”.
Ký túc xá ở xứ này chia nam nữ ở riêng. Có những cặp vợ chồng cùng sang đây lao động, gửi con ở nhà cho ông bà, phải ở riêng. Cả tuần chỉ nhìn thấy nhau ở xưởng, cuối tuần có “nhu cầu” lại hẹn nhau ra nhà nghỉ “gặp nhau cuối tuần”.
Lâu trước, mỗi lần bay đi hay bay về Việt Nam tôi thường quá cảnh ở sân bay Đào Viên (Đài Bắc). Thường khi tôi ngồi đợi chuyến bay cùng những người phụ nữ nói rặt giọng miền Tây. Có người dẫn theo đứa nhỏ, nói tiếng tàu xi xô chen tiếng Việt. Họ giống nhau ở chỗ người nào cũng ăn mặc rất diêm dúa. Những chuyến bay đó ồn ào giọng miền Tây mà chỉ thiếu tiếng cải lương nữa thì tôi nghĩ mình đang trên một chuyến xe đò rong ruổi đi viết bài ở xứ này, như hồi xưa.
Hôm nay đọc thấy 6 lao động Việt Nam chết cháy trong công xưởng ở Đài Loan vì không thoát ra được. Chắc trước khi chết họ cũng chẳng biết gì nhiều hơn về xứ Đài ngoài chặng đường từ ký túc xá đến công xưởng.
Từ khi tôi biết đọc chữ đã được dạy nước mình nghèo, dân mình khổ. Ủa, mà lạ ở chỗ là ba tôi, ông tôi cũng được học như vậy. Tức là dân mình chưa khi nào không nghèo, từ hồi xưa đến giờ. Chỉ khác, trong các câu chuyện ba tôi hay ông tôi kể lại cho tôi nghe chưa bao giờ có những mẩu chuyện về nhiều cô gái Việt Nam phải đi lấy chồng xứ người để thoát khổ; nhiều đàn ông đàn bà Việt phải vay tiền để đến xứ khác làm quần quật 12 tiếng/ngày rồi chết đi mà không biết gì ngoài con đường đi làm, như ở thời tôi đang sống. Nghĩ cũng buồn.