Người Mẹ Thời Chiến – Cổ Tấn Tinh Châu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Người Mẹ Thời Chiến – Cổ Tấn Tinh Châu

Người Mẹ từ ngàn đời đã trở thành biểu tượng cao quý của lòng nhân hậu, đức kiên trung.Là người con Việt Nam chúng ta càng thêm tự hào về những người Mẹ.

Mẹ là người cả đời lam lũ, tảo tần, chắt chiu nuôi dưỡng bao thế hệ con cháu. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, Mẹ là điểm tựa, là niềm tin vững bền, là bóng mát che chở, là nhựa sống truyền cho chồi non lớn lên, thành những người con ưu tú của đất nước.

Hình ảnh người Mẹ luôn bên đời ấm áp, mãi hy sinh, che chở.Từ khi cất tiếng khóc đầu tiên chào đời là ta đã nằm trọn trong tình yêu thương đó. Từng bước đi chập chững trước tiên của đời người, ai đã cầm tay ta dắt đi từng bước một? Khi ta lỡ ngã đau, người lên tiếng xít xoa,cảm nhận được nỗi đau của ta chính là người Mẹ? Ai mừng vui nhứt khi ta cất tiếng nói bi bô của tuổi thơ?

Khi bước chân vào trường, đằng sau ta không bao giờ thiếu vắng cặp mắt theo dõi đầy lo lắng của Mẹ hiền, khó có ai diễn tả được ánh mắt mừng vui hạnh phúc của Mẹ mỗi khi ta được điểm mười?

Từ đó, Mẹ là kho tàng yêu thương hạnh phúc, là tàng cây bóng mát che chở cho con nương náu trong những lúc vấp ngã hay cô đơn thất vọng, con lại tìm về suối nguồn yêu thương ấy để được nghe những lời an ủi, khuyên răn vỗ về sưởi ấm lòng con.

Mẹ đã hy sinh tất cả niềm vui, lẽ sống riêng tư của mình để lo cho con, ở mọi lúc mọi nơi, khi con cần là có Mẹ ở bên cạnh. Mẹ vì con mà ngậm đắng nuốt cay chấp nhận hết tất cả không một lời than van.  Mẹ không đòi hỏi sự trả ơn, cũng chưa từng đem sự hy sinh của mình ra đong đếm.Điều mà Mẹ mong chờ nhứt, chính là sự trưởng thành của con mình.

Mẹ luôn nói:

-Các con là sự sống của Mẹ, là niềm tin và tự hào của Mẹ.

Chúng ta hãy ngẩng cao đầu và vững bước vào đời! Không nên làm gì để hổ thẹn đến gia phong và Tổ Quốc.

Trong thời chinh chiến, người cha phải mang trên vai chí nam nhi bên ngoài chiến trường lửa đạn. Mẹ một mình gồng gánh nuôi con, vượt qua mọi trăm gian ngàn khổ, ôm con chạy giặc.Ta lại nhìn thấy hình ảnh mẹ cao cả, bao la,…trong giâyphút nguy hiểm nhứt, lấy thân mình che bom đạn cho con.

Đất nước trải qua bao cuộc chiến xâm lăng trong máu lửa, Mẹ gánh cả giang sơn trên đôi vai gầy lam lũ đi suốt chiều dài lịch sử. Mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng các con, yêu con hơn chính bản thân mình.Hàng triệu-triệu bà Mẹ Việt nam đã lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt để nhìn những đứa con thân yêu của mình ra trận, chiến đấu vì tự do dân chủ của dân tộc và đất nước.

Người Mẹ nuốt nước mắt vào lòng để tiễn chânchồng, con lên đường chiến đấu rồi quay trờ lại một mình vừa lo gia đình còn phải lo chồng, con nơi chiến trận.

Biết bao người Mẹ thao thức đến nửa khuya, lắng nghe tiếng súng nổ vọng về đây từ nơi nào đó có con đang thi hành nhiệm vụ, Mẹ thổn thức nguyện cầu cho con được bình yên.

Mẹ lo âu sầu khổ, nhớ thương, kém ăn, mất ngủkể từ khi con gia nhập đời lính. Mẹ luôn giật mình mỗi khi nghe tin từ chiến trận vọng về. Bất hạnh thay nếu tin vọng về con không còn nữa, con chết một lần thì Mẹ chết trăm lần, ruột gan nát tan, bút mực nào tả xiết nỗi đau Mẹ mất con! Tiếng nấc đau thương nào thảm thương hơn khi mẹ khóc con.

Một sự hy sinh cao thượng, dũng cảm, thầm lặng ngoài chiến trường không chỉ riêng người lính chiến chịu, mà nỗi đau oằn trên vai những người Mẹ, người vợ, người thân của các anh hùng đã hiến dâng đời mình cho tổ quốc.Tình yêu thương của người Mẹ đã hòa vào tình dân tộc, tình quê hương. Các chiến sĩ bị thương sau khi rời quân y viện lại về trong vòng tay chăm sóc của Mẹ cho đến ngày trở về đơn vị.

Kể từ hôm nay và mai sau, chúng ta phải nói lên sự mất mát quá lớn lao của những bà Mẹ và vợ chiến sĩ tiễn chồng và con ra đi, đã phải khóc thầm trong đau đớn khi chồng và con mình vĩnh viễn không trở về.

Ngoài chiến trường để bảo vệ đất nước là nhiệm vụ nam nhi, nhưng khi giặc tràn về, qua thôn xóm thì người phụ nữ cũng chung bổn phận cùng chồng con. Ngoài nhiệm vụ nặng nề của người phụ nữ khi chiến tranh nổ ra là ở hậu phương. Nhưng thực tế,thành phần phụ nữ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam là một con số rất đáng kể, trong mọi ngành nghề yểm trợ tác chiến và ngay cả việc cầm súng chiến đấu, tiếp tế đạn cho chồng bên chiến hào là những tấm gương sáng không thiếu trong chiến sử Quân Lực VNCH.

Khi đất nước bị xâm lăng, người phụ nữ vẫn rời khỏi gia đình, khỏi vị trí truyền thống của họ để tham gia vào những nhiệm vụ thay cho nam giới trong các cơ sở, văn phòng… Người phụ nữ tham gia quân sự, và kết quả đã cho thấy họ cũng là những tác nhân biến đổi chiến tranh cho sự tiến bộ của phụ nữ.

Phụ nữ đã cống hiến cho TổQuốc tài năng, trí tuệ và lòng dũng cảm tuyệt vời, nêu những gương sáng cho con cháu mai sau. Một biểu tượng rất chân thực, thể hiện sự can trường mà cũng rất mực nhân hậu trong người phụ nữ Việt Nam.

Dẫu biết rằng chiến tranh có đau thương, mất mát nhưng không nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau của người Mẹ mất con.Trong sự mất mát chia lìa bởi chiến tranh, người Mẹ nào chẳng khóc đau xé lòng vì con mình hy sinh trong trận mạc, dẫu biết chiến tranh nghiệt ngã sinh tử là điều không tránh khỏi, nhưng tình mẫu tử khiến nước mắt Mẹ không còn để khóc những người con lần lượt ra đi, đi mãi mãi.

Đôi mắt Mẹ mờ đi sau bao đêm dài vì thương nhớ con nhưng Mẹ luôn tự nhủ mình không thể gục ngã, còn đàn con thơ và nhứt là còn những đứa cháu nhỏ dại.

Khi bà Mẹ mất một người con,con dâu trởthànhgoá phụ,cháu nhỏ trở nên mồ côi cha. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Chưa hết, khi chiến tranh tàn, người Cha tàn cuộc sống trong lao tù CS thì chính là lúc người phụ nữ, người Mẹ là nguồn sống còn duy nhất cho đàn con bé dại.Đàn con chỉ biết trông cậy vào sự bảo bọc, vào đôi tay yếu gầy đầy tình yêu thương của người mẹ mà thôi.

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm rồi, vết thương trên da thịt đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng Mẹ vẫn nặng mang. Khói lửa chiến tranh đã tan rồi, còn lại một mình Mẹ thôi.Hình ảnh người Mẹ ngồi lặng lẽ bên mâm với mấy chén cơm chờ các con về ăn cùng, ở giữa là bình hương đã khiến tim chúng ta nghẹn lại vì cảmđộng.

Mẹ mong sao con mình thành nhân, phải sống cho có nghĩa, cho dù phải đánh đổi cái giá quá đắtcho đời mình.Có sức mạnh nào lớn hơn lòng Mẹ, có tình yêu thương nào trải khắp các vùng lửa đạn như tình yêu thương của Mẹ.

Chiến tranh không những cướp đi những người thương yêu, mà còn nhẫn tâm bào mòn nhan sắc, tuổi thanh xuân, niềm yêu đời, và ý nghĩa cuộc sống của những người phụ nữ.

Chúng ta luôn trân trọng, ghi nhớ và tri ân những cống hiến vô giá của những người Mẹ, người vợ của các anh hùng tử sĩ đã ngã xuống cho đất nước.

Cuộc đời cũng như sự đóng góp to lớn của các người Mẹ cho đất nước luôn là tấm gương soi sáng cho bao thế hệ phụ nữ noi theo. Mỗi chúng ta – những người đang được hưởng cuộc sống tự do – cần luôn luôn tự dặn mình phải làm gì, làm thế nào để góp phần làm vơi bớt nỗi đau trong lòng các Bà Mẹ.

Kính chúc các Mẹ luôn sống vui, sống khỏe để thế hệ trẻ được chăm sóc, bù đắp phần nào những đau thương mất mát các Mẹ đã trải qua.

Cổ Tấn Tinh Châu