Người Kurdistan ở Syria là ai?
Trong nhiều thập niên, người Kurdistan ở Syria bị tịch thu đất đai, bị xem như là vô tổ quốc – AFP /ARIS MESSINIS
Theo RFI 28-10-2014
Người Kurdistan tại Kobane, Syria, đang chống cự quyết liệt, với hy vọng có được chi viện của phương Tây và lực lượng người Kurdistan tại Irak, để phá vòng vây của quân thánh chiến. Câu hỏi người Kurdistan ở Syria là ai đã được đặt ra ngay từ lúc nổ ra phong trào nổi dậy tại Syria, bởi vì, theo báo Le Monde, họ có lập trường ngoắt ngoéo và lưỡng lự, giữa một bên là các lời dụ dỗ ngon ngọt của Tổng thống độc tài Bachar Al Assad và bên kia là những hứa hẹn của Hội đồng Dân tộc Syria, phe đối lập.
Chủ đề này đã được báo Le Monde đề cập đến hồi tháng Hai 2013. Với thời sự Trung Đông hiện nay, tờ báo đã cập nhật hồ sơ này.
1. Có đúng là hàng chục ngàn người Kurdistan ở Syria là người vô tổ quốc hay không?
Vào đầu những năm 1960, chính quyền Syria muốn Ả Rập hóa đường biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ, trong vùng có người Kurdistan sinh sống, đặc biệt là khu tam giác Djézireh, nơi vừa có người Kurdistan, vừa có người theo Ki tô giáo, nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Irak. Mục đích của chế độ Damas là bảo đảm an ninh cho một vùng có nhiều phong trào đòi tự trị dưới thời Pháp bảo hộ và giữ được các khu vực nông nghiệp trù phú, giàu tiềm năng về dầu lửa. Vào năm 1962, Syria do đảng Baas cầm quyền, lấy cớ thống kê dân số để xua đuổi người Kurdistan. Nhiều người Kurdistan không thể chứng minh được là họ sinh sống tại Syria từ trước năm 1945 và do vậy, họ bị tịch thu đất đai, mất bản sắc và trở thành vô tổ quốc. Theo các thẩm định khác nhau, trong tổng số từ 1 đến 2 triệu người Kurdistan tại Syria, có từ 300.000 đến 800.000 người rơi vào trường hợp này. Người Kurdistan bị coi là «người lạ» trên đất Syria, không được quyền tự do đi lại, bị cấm làm việc cho Nhà nước, chính quyền, cấm kết hôn với người Syria. Thậm chí, nhiều người không có giấy tờ tùy thân hợp lệ và không được hưởng giáo dục, trợ giúp lương thực và y tế.
2. Chính quyền Hafez Al Assad (cha của đương kim Tổng thống Syria Bachar Al Assad) đã làm thế nào để thu phục được người Kurdistan trong vòng ba thập niên qua?
Kể từ năm 1971, khi đã thâu tóm mọi quyền lực, Hafez Al Assad ngưng tiến trình Ả Rập hóa các vùng lãnh thổ có người Kurdistan. Tân Tổng thống Syria muốn mở rộng ảnh hưởng của cộng đồng theo hệ phái Alaouite của mình. (Giới chuyên gia coi đây là chi nhánh chính thống của của phái Hồi giáo Shia), do vậy, Damas phải quan tâm đến các cộng đồng thiểu số khác. Năm 1982, cuộc nổi dậy của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã bị dìm trong biển máu, nhưng người Kurdistan không tham gia sự kiện này. Vả lại, lính cận vệ của Hafez Al Assad thường là người theo đạo Ki tô hoặc người Kurdistan, ít có khả năng ám sát ông ta hoặc âm mưu đảo chính. Vào thời đó, Syria thịnh vượng. Giáo dục là bắt buộc, các trường đại học có nhiều quan hệ với bên ngoài. Người Kurdistan tuy không có quyền hoạt động chính trị, văn hóa, nhưng đời sống của họ yên ổn với điều kiện vật chất tốt. Mặc dù vậy, người Kurdistan không ngả theo phe phái chính trị nào cả, bởi vì họ hiểu được số phận của những người đối lập với chế độ Damas, khi bị cáo buộc phản bội, ly khai, tuyên truyền phục vụ ngoại bang, xâm phạm an ninh quốc gia, v.v.
3. Bị cấm tại Thổ Nhĩ Kỳ, đảng PKK có được tự do hoạt động tại Syria hay không?
Đảng Lao động Kurdistan – PKK do Abdullah Ocalan thành lập năm 1978, là một tổ chức vũ trang, có xu hướng mác-xít, chủ trương giành độc lập cho các vùng lãnh thổ có đa số cư dân Kurdistan, ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian gần đây, PKK chỉ đưa ra yêu sách đòi quyền tự trị trong một hệ thống liên bang. Kể từ khi thành lập, PKK hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Irak và Iran. Về hoạt động của PKK tại Syria, có thể nói đây là một « Nhà nước trong Nhà nước ». Lãnh đạo số một của PKK, Abdullah Ocalan, đã từng sinh sống tại Syria, từ tháng 07/1979 đến 11/1988. Xuất phát từ Liban, hoặc từ Syria, người Kurdistan ở Syria chuẩn bị và luyện tập chiến đấu (đôi khi còn sát cánh cùng lực lượng Palestine của tổ chức Mặt trận Giải phóng Dân tộc Palestine – FPLP – và người Arménia của Quân đội bí mật giải phóng Arménia – ASALA). Từ những năm 1980-1990, nhiều người Kurdistan ở Syria chiến đấu chống Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Kurdistan tại Irak. Chi nhánh của PKK là đảng Liên minh Dân chủ (PYD). Ngay từ năm 1979, Syria liên kết với PKK. Cả hai cùng có một kẻ thù chung : Đó là Thổ Nhĩ Kỳ mà Damas có nhiều rất nhiều tranh chấp (chiến tranh nước, tranh chấp lãnh thổ ở Iskenderum). Là thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành kẻ thù số một của Syria. PKK gần gũi với chính quyền Damas theo hệ phái Alaouite đến mức họ hợp tác với cơ quan mật vụ Syria để ngăn chặn ảnh hưởng của các đảng phái khác cũng của người Kurdistan. Tháng 11/1998, Syria trục xuất Abdullah Ocalan để có được hòa giải với láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Bị bắt tại Kenya, ngày 15/02/1999, Ocalan đã bị kết án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 06/1999 và đến năm 2002, được chuyển thành án tù chung thân. Tuy nhiên, PKK tại Syria không còn bị tẩy chay nữa. Về phần mình, Ocalan tuyên bố ngừng bắn đơn phương, kêu gọi các chiến binh người Kurdistan ra hàng và đưa ra chính sách «hòa bình và hữu nghị» với Thổ Nhĩ Kỳ. PKK chấm dứt tấn công nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ và tại Syria, đảng này bị sụp đổ về chính trị.
4. Người Kurdistan bắt đầu chống lại chế độ Bachar Al Assad từ khi nào?
Sau khi Ocalan bị bắt, những người Kurdistan tại Syria tham gia phong trào du kích của PKK chống lại Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy họ bị lừa phỉng lừa và thí mạng, còn những người Kurdistan thân Barzani (lãnh đạo vùng Kurdistan tự trị ở phía bắc Irak) hay thân Talabani (Tổng thống Irak, người gốc Kurdistan) thì lại thất vọng vì cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai lãnh đạo người Kurdistan này. Yekiti (Thống nhất), một đảng nhỏ của người Kurdistan được thành lập năm 1992, đưa ra một vài yêu sách khiêm tốn : Giải quyết vấn đề người Kurdistan vô tổ quốc, quyền được giáo dục v.v. Họ tránh không đòi độc lập, đụng chạm đến vấn đề lãnh thổ, biên giới. Đáng chú ý là đảng này tiến hành các hoạt động xã hội, tổ chức biểu tình trên quy mô nhỏ, với các biểu ngữ viết bằng tiếng Anh để thu hút sự chú ý của công luận quốc tế, sử dụng internet để vận động cho các yêu sách của mình. Chính quyền Bachar Al Assad đã trấn áp những người tranh đấu này, trong khi đó, người Kurdistan ở Syria thuộc PKK lặng thinh, không có phản ứng gì. Tháng 03/2004, tại Kameshli, miền bắc Syria, xô xát đã xẩy ra trong một trận đấu bóng đá giữa đội người Kurdistan địa phương và một đội bóng Ả Rập. Nguyên nhân sâu xa : Đó là sự trỗi dậy của người Kurdistan tại Irak, được Mỹ ủng hộ. Vào lúc đó, người Ả Rập ở Syria lo ngại, hoảng sợ. Lực lượng dân quân vũ trang của chính quyền Damas bắn thẳng vào người Kurdistan. Bạo động lan các thành phố và khu vực có người Kurdistan tại Syria. Chính quyền Bachar Al Assad tìm cách giảm nhiệt và lần đầu tiên, thừa nhận sự tồn tại của người Kurdistan. Từ 2004, vào mỗi khi có Newroz (Tết Ba Tư), thì lại xẩy ra các vụ bạo loạn chết người và các cuộc biểu tình thì bị quân tự vệ vũ trang Syria trấn áp. Vào tháng 10/2011, tất cả các đảng phái của người Kurdistan ở Syria, ngoại trừ đảng Liên minh Dân chủ (PYD) và PKK – cùng nhau lập ra Hội đồng Dân tộc Kurdistan Syria, đối lập với Bachar Al Assad. Thế hệ trẻ Kurdistan tại Syria rất tích cực tham gia hoạt động chính trị và chủ trương đấu tranh ôn hòa, đã xuống đường bày tỏ tình đoàn kết với thế hệ trẻ Ả Rập, chỉ trích các đảng phái của thế hệ người Kurdistan trước đây là quá e dè, nhút nhát.
5. PKK tại Syria (đảng Liên minh Dân chủ -PYD), phải chăng trở thành lực lượng bổ sung, hỗ trợ chế độ Bachar Al Assad?
Vào đầu cuộc nổi dậy ở Syria, tháng 03/2011, Bachar Al Assad muốn có được sự ủng hộ của người Kurdistan. Do vậy, Damas đã ra nghị định cấp chứng minh thư cho 6000 người Kurdistan vô tổ quốc. Không muốn phải mở thêm mặt trận thứ hai, đối đầu với người Kurdistan, chế độ Bachar Al Assad đã rút khỏi các vùng có người Kurdistan sinh sống và phó mặc cho họ. Tranh thủ cơ hội này, đảng Liên minh Dân chủ (PYD) thành lập một vùng riêng cho người Kurdistan ở phía bắc Syria và đã rơi vào bẫy của chính quyền Damas : Gây chia rẽ trong nội bộ lực lượng người Kurdistan và giữa người Kurdistan với phe nổi dậy. Hậu quả là các chiến binh, đa số là người Ả Rập, của Quân đội Syria Tự do, phe quân sự thuộc Hội đồng Dân tộc Syria đã đối đầu với các chiến binh Kurdistan của đảng Liên minh Dân chủ, trong khi đó, một bộ phận khác lại ngả theo phe đối lập, tập hợp trong Hội đồng Dân tộc Syria. Lúc đầu là thụ động, chờ đợi, PKK tại Syria cuối cùng đã liên minh với đảng Baas của Bachar Al Assad. Họ cho rằng đó là cách tốt nhất để có được trong tương lai một «vùng tự trị và dân chủ của người Kurdistan» tại Syria, giống như vùng Kurdistan ở phía bắc Irak. Được chế độ Damas nhắm mắt làm ngơ, các thành viên PKK tại Syria là lực lượng duy nhất được vũ trang. Đôi khi, đó là những thanh thiếu niên chỉ 15-16 tuổi, nhưng có quyền sinh quyền sát. Họ lập trạm kiểm tra, thu thuế hàng hóa, trưng dụng một số tài sản. Nhiều người Kurdistan tại Syria tố các những vụ bạo hành, nhũng nhiễu (làm tiền, tra tấn, đe dọa chính trị, lập tòa án nhân dân theo mô hình Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông). Vào tháng 07/2012, tại Erbil, trong vùng Kurdistan ở Irak, Massoud Barzani đã tập hợp tất cả các đảng phái của người Kurdistan ở Syria, kể cả PKK – PYD để tiến hành hòa giải. Theo thỏa thuận đạt được, PKK ở Syria chấp nhận đồng quản lý các thành phố và cư dân, nhưng từ chối thực hiện một điều khoản liên quan đến việc thành lập một lực lượng quân sự thống nhất với nhóm vũ trang người Kurdistan Syria, đang bị mắt kẹt ở bắc Irak và muốn liên minh với Quân đội Syria Tự do thuộc phe đối lập. Bên trong Quân đội Syria Tự do, đã có một tiểu đoàn người Kurdistan rất thù ghét các thành viên PKK tại Syria và coi đó là những kẻ phản bội, ủng hộ Bachar Al Assad. Trên thực địa, tại thành phố Alep cũng như ở Ras Al Ain, Quân đội Syria Tự do và lực lượng vũ trang của PKK tại Syria thường xuyên thỏa thuận hưu chiến với nhau và mỗi bên đều muốn kiểm soát vùng lãnh thổ riêng của mình. Thế nhưng, các vụ tấn công của lực lượng thánh chiến độc lập chống lại người Kurdistan đã làm cho tình hình trở nên phức tạp.
6. Tại sao người Kurdistan lại căm thù lực lượng thánh chiến đến như vậy?
Mặc dù chia rẽ, nhưng khi phải đối đầu với lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, người Kurdistan đoàn kết lại với nhau. Người Kurdistan rất căm thù quân thánh chiến vì chúng luôn luôn tấn công họ. Trong khi đó, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (theo phái Sunnite Hồi giáo) coi người Kurdistan là những người Hồi giáo tồi tệ (do người Kurdistan theo Sufi giáo – Hồi giáo mật tông, một số lại theo đạo Yazidi, phụ nữ không choàng khăn che kín mặt, không tách riêng nam và nữ, và người Kurdistan lại từ chối bị Ả Rập hóa). Ở phía bắc Irak, người Kurdistan không để cho bất kỳ chiến binh thánh chiến nào đặt chân được vào vùng lãnh thổ tự trị của họ, kể từ sau vụ khủng bố hồi tháng 02/2004 làm 105 người thiệt mạng. Người Kurdistan tại Syria cũng có thái độ tương tự. Mặc dù bị nhiều người Kurdistan ở Syria thù ghét, nhưng PKK ở Syria lại có một lợi thế là họ đi đầu trong cuộc chiến chống quân thánh chiến và có thể vì thế mà dường như Ankara để cho họ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới chuyên gia, PKK ở Syria là một trong những bức tường thành tốt nhất chống lại lực lượng thánh chiến Hồi giáo.