‘Người đốt lò vĩ đại’: Phong trào tôn sùng cá nhân bắt đầu!
Calitoday
February 21, 2018
February 21, 2018
Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng CSVN – vừa được báo đảng Việt Nam chính thức xưng tụng thêm một biệt danh mới: “Người đốt lò vĩ đại”.
Có thể hiểu, một phong trào tôn sùng cá nhân ông Trọng cũng đã chính thức khởi động.
Ngày 19/2/2018, trong bầu không khí tết nguyên đán và “năm mới thắng lợi mới”, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đăng tải bài viết cho rằng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược của một kẻ sĩ Bắc Hà đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền”, và “Ông trở thành một người đốt lò vĩ đại đã nhóm lên chiếc lò được cháy lên bằng ngọn lửa của lương tâm, và công lý để thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền”.
VOV thuộc sự quản lý của Ban Tuyên giáo trung ương đảng CSVN, đứng đầu bởi ông Nguyễn Thế Kỷ – cựu Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương và được xem là “học trò cưng” của giáo sư Nguyễn Phú Trọng về mặt ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và cường độ tuyên truyền cho công cuộc “chống tham nhũng” của ông Trọng.
Từ sau “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” – một phát ngôn “xuất thần” của Nguyễn Phú Trọng vào tháng Tám năm 2017 và trùng với thời điểm cuộc khủng hoảng Đức – Việt bùng nổ từ việc Nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nay tại Berlin vào tháng 7/2017, đến nay “Người đốt lò vĩ đại” đã trở thành danh xưng chính thức dành cho “lãnh tụ Nguyễn Phú Trọng”.
“Người đốt lò vĩ đại” Ảnh: Zing News
Trước đó, ông Trọng đã được một số văn nhân cận thần xưng tụng thành “Sỹ phu Bắc Hà”, “Minh quân”. Và cả “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”.
Trước Nguyễn Phú Trọng, chưa có một tổng bí thư nào được tụng ca ngút trời như thế.
Vào năm 1986, tổng bí thư đảng Cộng sản khi đó là Nguyễn Văn Linh đã phát động chủ trương “những việc cần làm ngay” để chống tham nhũng và tệ nạn quan liêu cửa quyền hành chính trong đảng. Tuy nhiên mức độ tham nhũng vào thời gian đó chủ yếu là tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt, hoàn toàn chưa có những vụ “đại án tham nhũng” với quy mô lên đến hàng trăm triệu USD như hiện thời.
Ba chục năm sau thời Nguyễn Văn Linh, dường như Nguyễn Phú Trọng muốn tái hiện hình ảnh một tổng bí thư theo tinh thần “đổi mới”. Tháng Sáu năm 2016, ngay sau khi tái nhiệm chức vụ tổng bí thư, ông Trọng đã phát ra chủ trương “việc cần làm ngay” và bắt đầu khởi động giai đoạn đầu tiên của chiến dịch “chống tham nhũng” của ông.
Lần đầu tiên trong lịch sử 73 năm của chế độ một đảng Cộng sản ở Việt Nam, một chiến dịch được xem là “Chống tham nhũng” trên phương diện tuyên truyền, hay còn có tên là “Đốt lò” theo cách gọi dân gian, đã được nhân vật đứng đầu đảng Cộng sản là Nguyễn Phú Trọng kích phát với quyết tâm và quy mô lớn chưa từng có.
Nhưng cuộc chiến “chống tham nhũng” của ông Trọng lại mới chỉ bắt đầu. Bắt đầu sau gần hai năm chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ 2, và gần 6 năm từ khi ông ngồi ghế này.
Trong suốt nhiệm kỳ đầu, Nguyễn Phú Trọng đã không để lại một dấu ấn nào về chống tham ô, tham nhũng. Vài ba vụ án kinh tế lớn đươc đưa ra tòa xét xử chỉ mang ấn tượng của “tập thể Bộ Chính trị”. Bất chấp vài ba phát ngôn rập khuôn như “phải chống tham nhũng quyết liệt” của ông Trọng, chỉ số tham nhũng trong giới quan chức ở Việt Nam vẫn chỉ tiến không giảm trên bảng xếp hạng của các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
Khác hẳn với ba chục năm trước, chế độ chính trị ở Việt Nam bị xem là “quốc nạn” về tham nhũng. Từ hàng chục năm trước đó, đã có nhiều đồn đoán về hàng ngàn quan chức bậc trung – cao có tài sản nổi và chìm lên đến hàng trăm triệu USD mỗi người. Còn đến nay, có đến vài ba “đại gia” ở Việt Nam đã lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới, đính kèm một dòng tiền chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài lên đến 19 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015 – theo một tiết lộ của Hồ sơ Panama. Tính gộp cả vài chục năm trước đó, số tiền chuyển ra nước ngoài lên đến hơn 80 tỷ USD. Nhiều dư luận cho rằng trong số tiền lưu chuyển không rõ gốc gác và đầy nghi ngờ đó, tiền của giới quan chức chiếm chủ yếu. Mà tiền của quan chức lại chủ yếu, hoặc tuyệt đại đa số là tiền tích góp do tham ô tham nhũng, bị xem là “hút máu dân”.
Đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về mục đích thực chất của “đốt lò” là chống tham nhũng một cách thực chất hay chỉ là một chiến dịch thanh trừng các đối thủ chính trị trong quá khứ gần và ngay trong hiện tại.
Bởi cho tới giờ này ông Trọng mới chỉ chứng tỏ được sự nghiệp của ông là “chống tham nhũng thời kỳ trước”, tức “thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng”, hoặc còn gọi là “chống tham nhũng một bên” chứ chưa có gì gọi là công bằng khi còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả, Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa, Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch…