Người có ‘quyền năng tối thượng’ ở sân bay

Cac Bai Khac

No sub-categories

Người có ‘quyền năng tối thượng’ ở sân bay
Amanda Jones, 6 tháng 3 2016

Trong ba ngày đi ngang châu Phi để bay từ Niger tới Kenya, tôi đã phải dành hầu hết thời gian để đối phó với những sân bay dơ dáy, nóng bức, không gian đầy muỗi mòng và những viên chức quan liêu.

Trước đó, tôi đã có ba tuần đầy xứng đáng ở Sahara, tận hưởng vẻ đẹp vĩ đại và sự tĩnh lặng phi thường của hoang mạc với cảm giác thanh thản trong sự cô độc.

Khi tôi đến Johannesburg (Nam Phi) để bắt chuyến bay thứ tư và cũng là chuyến bay cuối cùng đến Nairobi, chậm 19 giờ so với lịch trình, thì sự cô đơn bình an vừa tìm được đã tan tành hết cả.

Mọi kiên nhẫn đã tan biến. Tôi chỉ còn 25 phút để bắt kịp chuyến bay, vậy mà tôi vẫn đang đứng giữa một hàng dài người xếp hàng rồng rắn chậm chạp dịch chuyển về cửa kiểm soát hộ chiếu.

Chặn chuyến bay

Nam Phi là quốc gia thường được báo chí thế giới nhắc đến như một nơi đầy rẫy tội phạm, bạo lực và nạn tham nhũng ở tầm quốc tế.

Vì thế, chính quyền Nam Phi thường buộc du khách, kể cả những khách quá cảnh tại sân bay, phải qua khâu kiểm soát hồ sơ.

Sự chậm chạp này tại sân bay có nguy cơ làm kế hoạch đến thăm công viên hoang dã Kenya của tôi tan thành mây khói. Ý nghĩ bị mắc kẹt tại thành phố này một mình và không đủ tiền để kiếm một khách sạn khiến tôi cứng đờ vì sợ hãi.

Tôi nhìn chong chong ra cửa sổ sân bay, tâm trạng não nề. Rồi khi tôi quay người trở lại, một người đàn ông trẻ tuổi đang đứng sau lưng tôi. Tôi nhìn anh lạnh lùng, không hề có một chút hứng thú nào để bắt chuyện.

“Xin chào” – Anh mở lời vui vẻ – “Tôi có thể giúp gì cho cô không? Có vẻ như cô đang cần hỗ trợ.”

Tôi đoán anh chừng hơn 20 tuổi, có lẽ nhỏ hơn tôi 10 tuổi.

Anh thấp người, gầy và nước da nâu, giọng nói có ngữ điệu của dân Nam Phi.

Anh mặc quần Jeans và chiếc áo thun có gắn hình một thương hiệu bia, chiếc balô hơi cũ đeo lệch một vai – đúng là trang phục toàn cầu của sinh viên đi du lịch.

“Tôi nghĩ anh chẳng thể giúp gì đâu,” tôi đáp lại một cách thô lỗ. “Lẽ ra tôi sẽ có mặt ở Nairobi đêm nay. Lẽ ra tôi phải ở đó đêm nay. Nhưng máy bay đã chuẩn bị cất cánh và tôi thì không lên kịp.”

“Ồ, trời ạ!” anh nói và đôi mắt tỏ vẻ cực kỳ thông cảm với tình huống tôi gặp phải.

“Được rồi, để xem chúng ta có thể làm được điều gì không. Đi theo tôi,” anh nhanh nhẹn bước chân đi.

Tôi vẫn đứng im, cảm thấy bối rối và không muốn rời vị trí xếp hàng. Anh dừng lại và ra hiệu gọi tôi theo. Lần này thì tôi đi theo, dù hơi ngần ngừng.

Anh chen vào đầu hàng và nói chuyện với một nhân viên ở đó bằng tiếng Châu Phi. Nữ nhân viên nhìn tôi lạnh lùng nhưng chẳng nói gì khi tôi đi qua mà không chìa giấy tờ ra cho cô kiểm tra.

“Đợi ở đây nhé!” anh chỉ vào một hàng ghế. “Cô bay với hãng hàng không nào? Để tôi thử xem có nói họ chờ cô một chút không.”

Tôi ngồi đợi, cố gắng tưởng tượng xem chàng trai trẻ này là ai mà có thể đi qua cả nhân viên kiểm soát xuất cảnh và ngăn các chuyến bay lại.

Anh trở lại và lắc đầu: “Xin lỗi, chuyến bay đi rồi. Đó là chuyến cuối đêm nay và tất cả các chuyến ngày mai đều đã kín chỗ!”

Điệp viên nói 23 ngoại ngữ

Và anh nói: “Đừng lo, chúng tôi sẽ đưa cô lên một chiếc. Nhân tiện, tên tôi là Ron (tên của anh đã được tôi đổi đi trong bài viết này),” anh chìa tay ra bắt trong khi tôi cảm thấy hoàn toàn bị choáng trước những lời anh nói.

Tò mò về việc những ai đó mà anh gọi là “chúng tôi” có thể giúp tôi lên máy bay, tôi nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi: “Ron, tôi tự hỏi là… làm sao mà anh biết tôi cần được giúp đỡ? Anh làm việc ở đây à? Anh làm nghề gì?”

“FBI,” anh đáp thản nhiên, như thể đang nói “nhân viên dọn dẹp” vậy.

Công việc của tôi là tìm ra những người đang lo lắng. Và trông cô có vẻ khá lo lắng.

“Tôi được chính phủ Mỹ cử tới Nam Phi làm việc. Nhập cư bất hợp pháp, vận chuyển ma tuý, khủng bố, những loại tương tự. Chúng tôi đến đây để huấn luyện các viên chức Nam Phi. Công việc của tôi là trà trộn vào đám đông và tìm ra những người có vẻ lo lắng – có thể nói là các nghi phạm. Và trông cô có vẻ khá lo lắng.”

“Anh nghĩ là tôi buôn ma tuý hả?” tôi hỏi trong sợ hãi.

“Không, không,” anh đáp thành thật và mỉm cười. “Tôi chỉ nghĩ cô trông giống một người đồng hương Mỹ đang cần giúp đỡ. Nhưng hoá ra cô không phải người Mỹ, đúng không. Chắc là cô ở Mỹ cũng một thời gian dài, dù không sinh ra ở đó. Cô ở New Zealand phải không? Cô đánh lừa được tôi rồi, cô là người Mỹ.”

Tôi bị sốc. Anh ta chưa nhìn đến hộ chiếu của tôi. Tôi cũng chẳng đeo giày thể thao, đội nói bóng chày hay mặc áo len của trường đại học, hay bất cứ dấu hiệu nào của người Mỹ. Anh ta đã đúng – và anh ta đã lượm lặt tất cả các chi tiết này chỉ dựa vào vài từ tôi vừa thốt ra. Tôi cảm thấy bị lật tẩy và bắt đầu cảm thấy cần phòng vệ.

“Nhưng anh cũng đâu phải người Mỹ!” tôi nói. Tiếng Anh của anh quá nặng ngữ điệu châu Phi. Và tiếng bản xứ của anh là tiếng của người vùng nam Phi.

“Tôi là người Mỹ. Tôi người El Paso, bang Texas. Tôi ở đây bốn tháng rồi. Ngôn ngữ là nghề của tôi. Giờ là tiếng Phi.”

Khi quan sát kỹ, tôi nhận ra anh ta là một điệp viên nằm vùng hoàn hảo, nếu đúng như anh ta nói về công việc đó.

Với nước da nâu, mắt nâu và tóc nâu, anh ta có thể hoà vào bất cứ nơi đâu, ở Châu Phi, Ả Rập, Mexico, Ấn Độ hay Nam Mỹ, khác hẳn với vẻ ngoài da trắng tóc vàng của tôi.

“Trông cô mệt rồi. Cô có chỗ nào ở chưa? Tôi biết một khác sạn, không quá đắt, sạch sẽ, an toàn và khá gần đây. Tôi có thể thả cô ở đó, nó nằm trên đường tôi về nhà. Chúng tôi sẽ lấy hành lý cho cô. Họ sẽ chuyển hành lý lại vì cô đã trễ chuyến bay.”

Tôi suy nghĩ liệu có nên tin vào anh ta hay không. Phụ nữ đi du lịch một mình thường xuyên phải đối mặt với tình huống khó xử này. Thay vì đờ ra vì nghi ngờ, ta phải học cách tin tưởng vào những gì bản năng mách bảo, hoặc tính toán các nguy cơ.

Tôi hỏi: “Anh có bất cứ giấy tờ tùy thân nào không, Ron? Tôi không có ý nghi ngờ anh, nhưng anh biết đấy, chỉ là tốt hơn…”

Anh rút một tấm thẻ nhựa với chữ “FBI” in hoa, có tên và ảnh. Tôi nhìn bức ảnh, trông anh ta khác hẳn. Cứ như là một con tắc kè vậy.

Tình huống trở nên siêu thực và tôi cố gắng không phá lên cười. Tôi biết những người làm công việc như Ron có thật , nhưng họ thường làm việc trong một hiện thực nào đó khác, hoặc trong phim chứ không phải xảy ra với mình.

Người đàn ông quyền lực

“Tôi có thể đưa cô về khách sạn,” Ron nói.” Nhưng tôi có một việc phải làm trước khi đi. Cô có thể đi theo nếu muốn.”

Ron ghé một nhà hàng trong sân bay và mua rất nhiều thức ăn.

“Chúng tôi bắt được một số người Pakistan sáng nay. Họ định đến Nairobi bằng hộ chiếu giả. Chúng tôi sẽ trục xuất họ ngày mai. Tôi nghĩ sẽ ghé qua và đưa cho họ ít thức ăn. Cảnh sát ở đây không có đủ tiền cho người bị trục xuất ăn.”

Tôi kinh ngạc khi thấy anh nói cho tôi biết khá nhiều thứ, lại càng thấy ngạc nhiên khi đi theo anh bước vào phía sau cánh cổng an ninh và qua các khu vực làm việc ở sân bay.

Mọi người gật đầu với Ron, nhưng chẳng ai bận tâm hỏi xem tôi là ai, vì sao tôi lại ở đó. Có lẽ họ cho rằng tôi là một nghi phạm.

Ron đến khu vực giam giữ nằm trong một toà nhà bê tông nối liền với sân bay.

Toà nhà không có cửa sổ, chỉ có những hàng cửa đóng đối diện nhau với những vỏ lon, đầu mẩu thuốc lá văng vãi.

Một cảnh sát mở cửa cho Ron bước vào phòng giam những người Pakistan.

Ron bày thức ăn lên bàn và nói chuyện với ba người đàn ông nằm trên chiếc giường hẹp và hai người khác vạ vật dưới sàn nhà bằng ngôn ngữ khác, có lẽ là tiếng Urdu. Anh rút gói thuốc ra đưa cho một người. Sau đó chúng tôi rời toà nhà trong im lặng.

Ron lấy hành lý cho tôi và chúng tôi đến một quán ăn.

Suốt bữa tối, tôi hỏi về công việc của anh. Anh biết nói 23 ngoại ngữ. Anh có thể nhìn mặt trời và đoán giờ, anh là một chuyên gia võ thuật, chưa bao giờ thực sự có bạn gái.

Anh đã được gửi đi công tác nhiều nơi khắp thế giới, nhưng anh chán công việc ở sân bay.

Anh nói chỉ thích làm sĩ quan không quân trên các chuyến bay quốc tế. Về mặt chuyên môn, anh giải thích, việc này nghĩa là anh được thuê để ngồi giữa máy bay, trang bị súng đạn đầy đủ, đề phòng các vụ cướp máy bay hay hỗn loạn. “Nhưng việc này ít khi có, và được trả khá tốt.”

Dù tôi nài nỉ, Ron không để tôi trả tiền mà bảo tôi hãy tiết kiệm phòng khi lại mắc kẹt ở đâu đó. Sau đó, anh thả tôi ở một khách sạn nhỏ đâu đó ngoài thành phố.

Anh nói: “Vì cô sẽ đi sáng mai, tôi đã kiểm tra chuyến bay và có một chiếc sẽ bay lúc tám giờ sáng. Chuyến bay đầy khách, nhưng tôi có thể sắp xếp đưa cô lên. Tôi sẽ đón cô lúc sáu giờ.”

Và anh xuất hiện, đúng sáu giờ, với một nụ cười trên môi.

Trong sân bay, Ron đi đâu đó và quay lại với một thẻ lên máy bay.

“Tôi đã đưa cô lên được đây. Hãng hàng không nghĩ cô là người bị trục xuất. Nhưng cô đừng để ý chuyện đó, cứ tới nơi là được. Sẽ chẳng có hồ sơ ghi chép gì về việc này, đừng lo.”

“Phá luật” giúp đỡ một cô gái?

Tôi không biết làm sao để cảm ơn anh xứng đáng với những gì anh đã làm cho mình. Anh đã không ngần ngại phá bỏ các luật lệ để giúp tôi.

Khi Ron dẫn tôi ra cửa lên máy bay, tôi hỏi anh điều mà tôi đã băn khoăn từ đêm hôm trước.

“Tại sao anh lại cho những người đó ăn? Anh mua thức ăn cho họ bằng tiền riêng đúng không? Ý tôi là, những người đó có vẻ không đàng hoàng.”

Ron thở dài và hơi cúi xuống trông vẻ đầy thất vọng.

Anh nói: “Công việc này đã dạy tôi là những phỏng đoán của ta về người khác thường ít khi đúng lắm. Chúng ta có quá nhiều định kiến, đặc biệt là với người nước ngoài, nhưng họ chẳng có gì ngoài sự sợ hãi những điều họ không biết.”

“Ta cứ vô tư khái quát hoá con người ở mọi quốc gia. Những người mà chúng ta nghi là tội phạm, hầu hết chỉ là sinh viên, những kẻ mơ mộng, những nghệ sĩ, giáo viên hay những doanh nhân tham lam – những tính cách đó tồn tại trong mọi xã hội.”

“Và rồi một vài người trong số đó, một phần rất nhỏ, là những kẻ thực sự có ý định làm hại người khác. Nhưng chúng ta thường khờ khạo phán xét tất cả họ chỉ bởi một số ít người xấu.”

Ron có vẻ nổi cáu. Anh nhìn xa xăm: “Tôi mua thức ăn cho mấy người đó, bởi vì dù gì đi nữa thì họ cũng chỉ là muốn tìm một cuộc sống tốt hơn. Và thậm chí nếu năm người đó không vô tội như hầu hết những người tôi gặp, thậm chí họ là tội phạm thực sự, thì việc tỏ ra tử tế có thể ít nhiều gì đó phá vỡ định kiến của họ về chúng ta. Cho đến khi nào ta chứng minh được họ là người xấu thì hãy cứ đơn giản là tử tế và tin tưởng về ý định của họ.”

“Ngoài ra thì, ai cũng cần phải ăn,” Ron nói.

Ron – một điệp viên FBI – đã nói đúng. Anh không chỉ giúp tôi, một người xa lạ hoàn toàn, mà còn dạy tôi một bài học không thể nào quên: Thế giới của chúng ta chỉ có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta thêm một chút tử tế và tin tưởng vào mỗi ngày trong đời.

Amanda Jones là nhiếp ảnh gia và là một cây viết chuyên về chủ đề du lịch sống ở San Francisco. Cô có nhiều loạt bài đăng ở các tạp chí du lịch như Salon và Lonely Planet.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/03/160303_the-man-who-could-stop-planes_vert_tra?ocid=socialflow_facebook