Người biểu tình vào trụ sở chính quyền Hong Kong

Cac Bai Khac

No sub-categories

Người biểu tình vào trụ sở chính quyền Hong Kong

Học sinh trung học Hong Kong cũng đã tham gia biểu tình

Theo BBC – 27 tháng 9 2014

Hàng chục người biểu tình vì dân chủ vượt qua hàng rào của cảnh sát để tràn vào trụ sở chính quyền Hong Kong hôm 26/9.

Con số người tham gia có thể lên tới khoảng 100. Vụ việc xảy ra lúc khoảng 22:30 giờ tối giờ Hong Kong, tức khoảng 21:30 giờ Hà Nội. Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám đông và bắt một vài người. Các sinh viên và nhà hoạt động đang biểu tình nhiều ngày nay chống lại quyết định của Bắc Kinh không cho bầu cử dân chủ toàn diện ở Hong Kong năm 2017. Kế hoạch tràn vào tòa trụ sở của chính quyền được thực hiện sau gần một tuần biểu tình, trong đó hàng nghìn sinh viên đại học và cao đẳng bãi khóa. Những người biểu tình đã phá đổ các rào chắn và đẩy hàng rào để chiếm sân trước khu nhà trụ sở chính quyền đặc khu. Hàng trăm người cũng tụ tập bên ngoài hò reo chống cảnh sát, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng. Thế nhưng cảnh sát đã thiết lập lại được vòng vây bên ngoài tòa nhà sau đó vài tiếng đồng hồ. Một số người biểu tình sau đó được thả và chỉ khai báo chi tiết nhân thân cho cảnh sát.

Điểm biểu tình

Tờ Bưu điện Hoa Nam nói khu vực bị chiếm là điểm biểu tình được sử dụng nhiều lần, bởi vậy đã bị hạn chế tiếp cận kể từ tháng Bảy. Sáng thứ Sáu 26/9, hàng trăm học sinh trung học cũng tham gia cuộc biểu tình, nhiều em trốn bố mẹ. Một hôm trước đó, khoảng 2.000 sinh viên đại học đã biểu tình buổi đêm trước dinh thự Trưởng quan hành chính đặc khu, ông CY Leung. Vụ biểu tình và bãi khóa của sinh viên được xem như dẫn tới một cuộc biểu tình lớn hơn vào ngày 1/10, do nhóm dân chủ Occupy Central tổ chức. Nhóm này nói sẽ bao vây khu trung tâm tài chính Hong Kong. Hong Kong được quản lý theo tinh thần “một đất nước, hai chế độ” đã thống nhất với Bắc Kinh. Điều đó có nghĩa người dân Hong Kong có quyền biểu tình. Hồi tháng Tám, Bắc Kinh quyết định rằng các ứng viên ch cuộc bầu lãnh đạo đặc khu năm 2017 sẽ phải được một ủy ban tuyển chọn thông qua. Các nhà đấu tranh nói như vậy cuộc bầu cử sẽ không thực sự dân chủ.