Người bán ma
Lúc Tông Đình Pha quê ở Nam Dương còn trẻ, vào đêm nọ chàng đang đi thì gặp ma.
“Ông là ai?” chàng hỏi.
“Thưa ông, là ma. Còn ông là ai?”
“Thì cũng ma giống như ông vậy,” chàng nói dối.
“Thế ông đi đâu?”
“Đi vào thành.”
“Tôi cũng thế.”
Họ đi chung với nhau được độ một dặm đường.
“Đi bộ nhọc quá. Tại sao hai ta không thay phiên cõng nhau đi?” ma gợi ý.
“Hay đấy,” chàng đồng ý.
Đầu tiên ma cõng chàng đi một đoạn đường.
“Người ông sao mà nặng thế!” ma than. “Chẳng lẽ ông không phải là ma thật à ?”
“Ta là ma mới mà,” chàng đáp. “Vì vậy nên ta nặng hơn bình thường chứ.”
Rồi đến lượt chàng cõng ma, người rất nhẹ. Họ thay phiên cõng nhau đi mấy lần như thế.
“Vì ta là ma mới, ” một lát sau chàng nói. “Ta không biết bọn ma chúng mình sợ cái gì nhất nhỉ.”
“Chỉ sợ bị người dương nhổ nước miếng thôi.”
Họ đi cùng nhau cho đến lúc gặp con suối. Chàng bảo ma lội qua trước, ma đi lướt qua nhẹ nhàng không một tiếng động. Nhưng đến khi chàng lội thì tiếng chân đạp nước vang khá to
“Làm gì mà ồn ào lắm thế?” ma lấy làm lạ hỏi.
“Ta chỉ mới chết đây. Ta đâu có quen lội nước. Thôi ông cũng đừng trách.”
Khi họ đến gần thành, chàng ném ma lên vai và giữ chặt nó lại. Ma kêu thét lên van xin chàng bỏ xuống, nhưng chàng không nghe mà đi thẳng đến chợ. Khi chàng đặt ma xuống đất thì nó biến thành con dê. Chàng lập tức bán nó, sau khi đầu tiền nhổ nước miếng vào nó để không cho nó biến mất. Rồi chàng bỏ đi, có thêm một ngàn rưỡi đồng.
Vì vậy người đời thường truyền tụng rằng Tông Đình Pha quả thật giỏi hơn cả thiên hạ vì biết bán ma kiếm bộn tiền.
*
Nguồn:
Dịch từ tuyển tập truyện dân gian và ma quái từ thế kỷ thứ ba đến thứ sáu của Trung Quốc tựa đề tiếng Anh “The Man Who Sold a Ghost”. Bản dịch tiếng Anh của Yang Hsien-Yi và Gladys Yang, nhà xuất bản ngoại văn Trung Quốc, Bắc Kinh, 1990, trang 1-2.
Người dịch: