Ngược đãi sau 30/4 là bi kịch lịch sử

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ngược đãi sau 30/4 là bi kịch lịch sử

Hình ảnh người thương phế binh VNCH không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Cụ ăn mày Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa Bùi Văn Thiệt, SQ 67/101890 TĐ3/TrĐ7/SD5BB KBC 4.737 – RFA files photos

Theo RFA – Nam Nguyên, phóng viên RFA

Đánh dấu 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, một vấn đề lại được đem ra mổ xẻ, đó là có hay không câu chuyện phân biệt đối xử ngược đãi quân dân cán chính VNCH sau khi miền Bắc thống nhất đất nước và đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công dân hạng hai trên đất nước mình

Sau khi chiến tranh Quốc-Cộng kết thúc vào ngày 30/4/1975, quân dân cán chính của chế độ VNCH chịu nhiều thống khổ và bị phân biệt đối xử. Tình trạng này chỉ được cải thiện vào cuối thập niên 1980 khi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiến hành đổi mới.

Theo nhà báo Lê Phú Khải, nguyên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Đồng bằng sông Cửu Long thì dùng các từ “ngược đãi” “phân biệt đối xử” là chưa chuẩn xác, vì thực tế nó ghê gớm và kinh khủng hơn thế rất nhiều. Từ Saigon ông Lê Phú Khải nhận định:

“ Đây là một đường lối sai lầm làm cho nhiều người khốn khổ, thậm chí có những người phải sống dở chết dở thì đây là bi kịch chứ không phải là ngược đãi, nó là bi kịch của cả một đất nước.”

Trong khoảng một thập niên kể từ ngày 30/4/1975,  nếu nói quân dân cán chính VNCH và gia đình của họ trở thành công dân hạng hai ngay trên đất nước mình thì cũng có nhiều phần đúng. Bởi vì chính sách của Đảng Cộng sản đã thay đổi tận gốc nền tảng xã hội ở Nam Việt Nam, quyền tư hữu đất đai không còn, các đợt cải tạo công thương nghiệp tư doanh đã quốc hữu hóa đồng loạt khối doanh nghiệp tư nhân dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Ngoài ra rất nhiều tài sản và nhà ở của sĩ quan cao cấp, viên chức VNCH bị tịch thu với những lý do mơ hồ như có nợ máu với nhân dân, hoặc bị chụp mũ là tư sản.

Đây là một đường lối sai lầm làm cho nhiều người khốn khổ, thậm chí có những người phải sống dở chết dở thì đây là bi kịch chứ không phải là ngược đãi, nó là bi kịch của cả một đất nước – nhà báo Lê Phú Khải

Những sai lầm chết người

Ông Lê Phú Khải nhận thức từ hiểu biết qua công tác nhà báo của mình, ngay trong những năm đầu khi Miền Nam khởi sự được nếm mùi xã hội chủ nghĩa. Ông nói:

“ Ngoài Hà Nội tôi đã chứng kiến rồi, chứ trong Nam đương nhiên là như thế, người ta nóng vội đi lên chủ nghĩa xã hội không tưởng, cái chủ nghĩa xã hội mà ông Nguyễn Phú Trọng nói là đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã hình thành đấy. Người ta muốn đi lên thì người ta phải cải tạo, đó là một sai lầm chết người cho nên bao nhiêu là chủ xưởng, chủ nhà máy là những người lao động giỏi, của cải của họ bị tich thu hết, công tư hợp doanh hết, đi vào làm ăn đưa cho những người không biết quản lý lên quản lý thì nó đã làm tan nát hết nền kinh tế từ năm 1975-1976 cho tới đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986, sau đó là đổ mới thì mới bắt đầu có khá lên được.”

Ngay cả những người đã mất cũng bị kỳ thị. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa bị bỏ hoang mộ bia bị đập phá... 

Ngay cả những người đã mất cũng bị kỳ thị. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa bị bỏ hoang mộ bia bị đập phá…

Nhà báo Lê Phú Khải qua thời gian làm phóng viên, rồi thường trú Đài Tiếng nói VOV ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhớ lại một thời kỳ đảo điên ở miền Nam Việt Nam sau khi đất nước thống nhất. Ông nói:

“ Tôi chứng kiến nhiều lắm, ví dụ một ông chủ tiệm giày bị đuổi đi khai hoang ở Tây Ninh, nhưng khi ông thấy “đổi mới” cán bộ bắt đầu đi giày rồi, bắt đầu nhảy đầm rồi thì ông ấy kéo cả gia đình về; bây giờ ông lại có tiệm giày. Hay là ông chủ ô tô chẳng hạn, ông ấy bảo tôi có chiếc xe chở khách họ biến thành công tư hợp doanh, tôi biết công tư hợp doanh sau này dứt khoát sẽ phải trả lại tôi. Vì sao, ông ấy bảo họ đến lấy cái ô tô nhưng phụ tùng chả ông nào lấy, tôi để phụ tùng dưới gầm giường. Tôi biết mấy ông này ở nhà quê ra chẳng biết gì về ô tô, ô tô cũ phải có phụ tùng để sửa chữa. Y rằng sau này phải trả lại ô tô cho chủ cũ. Như vậy nói là ngược đãi là chưa đúng phải nói là đường lối sai lầm dẫn đến những bi kịch, những thảm họa của đất nước.”

Mặc dù hệ thống tuyên truyền của Nhà nước Việt Nam cố gắng viết lại lịch sử theo quan điểm chính trị chứ không phải những sự thật đã xảy ra, nhưng sự kiện hơn 100.000 sĩ quan và viên chức VNCH bị đưa vào các trại tù khổ sai được gọi một cách mỹ miều là tập trung cải tạo thì không thể nào chối cãi và nói khác đi được. Tất cả những quân cán chính VNCH bị đi cải tạo tập trung sau 30/4/1975 nói chung đều đã bị giam cầm cả chục năm, người ít nhất thì cũng từ 3 năm tới 5 năm.

Ông Nguyễn Ngọc Tiên, cựu Trung úy Quân lực VNCH từng bị tù cải tạo 6 năm và sau khi được thả lại bị thêm 2 năm tù về tội phản động phát biểu từ San Jose Bắc California Hoa Kỳ:

Người ta muốn đi lên thì người ta phải cải tạo, đó là một sai lầm chết người cho nên bao nhiêu là chủ xưởng, chủ nhà máy là những người lao động giỏi, của cải của họ bị tich thu hết, công tư hợp doanh hết, đi vào làm ăn đưa cho những người không biết quản lý lên quản lý thì nó đã làm tan nát hết nền kinh tế từ năm 1975-1976 – nhà báo Lê Phú Khải

“ Lịch sử của thế giới chưa bao giờ thấy một chính sách gọi là cải tạo nào mà giống như chính sách cải tạo của những người cộng sản từ ở bên Liên Xô, bên Tàu hay Việt Nam. Đó chỉ là những hình thức ngược đãi tù tội để mà hành hạ những người mà đi ngược lại với chủ trương của họ. Chúng tôi không thấy một hình thức nào gọi là muốn đào tạo cho người ta tốt hơn mà giống như hình thức của họ hết.”

Ông Đỗ Mạnh Trường cựu viên chức VNCH đã bị cải tạo tập trung 8 năm và hiện định cư ở  Wesminster Quận Cam California phát biểu:

“Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện, những người ở Miền Nam có gia đình họ ở Miền Bắc vào thăm thì họ cũng khuyên câu đầu tiên là các bác các chú ráng cải tạo cho tốt để được về với gia đình. Nhưng mà sau một thời gian thì những người này không dám nói điều đó nữa, đó là sự ngụy biện hoàn toàn, bởi vì nếu không có áp lực của thế giới thì chắc chắn là tất cả cựu quân nhân dưới danh nghĩa đi tù cải tạo sẽ chẳng còn được mấy người mà về. Xin nhấn mạnh rằng cho đến năm 1979 có một số người được chở vào Thanh Phong Thanh Hóa để biến thành trại viên thay vì phạm nhân theo danh nghĩa họ nói. Họ đã được trả lại đồng hồ được phép đi ra khỏi trại mà không phải có tụi nó dẫn theo thì họ lại được khuyến khích là trong một thời gian ngắn nữa các anh sẽ đưa vợ con các anh ra ngoài này. Thử  hỏi giả sử chính sách đó kéo dài thì thế hệ hay giai cấp có còn hay không hay tất cả con cái chúng ta đã trở thành người Thượng hết chỉ sau một thời gian rất ngắn.”

Trong khi người chủ gia đình theo lệnh Chính quyền đi học tập cải tạo, thực chất là đi tù thì vợ con họ ở nhà trở thành công dân hạng hai, không thể xin việc làm, con cái những người sĩ quan, viên chức VNCH đi cải tạo bị tước đoạt cơ hội vào đại học. Vì chính quyền phân loại các thí sinh thi vào đại học thành 4 nhóm và mỗi nhóm còn chia tới 14 thành phần. Con “ngụy” thời đó gọi là như thế, muốn vào đại học phải có điểm thi nhiều gấp đôi con cán bộ đảng viên mới có thể trúng tuyển, thí sinh đại học thời đó từng chế câu “học tài thi phận” thành “học tài thi lý lịch”. Một sự thật không thể chối cãi là sau khi đất nước thống nhất, đã chẳng có hòa hợp hòa giải gì, mà ngay trong giáo dục cũng đã phân biệt đối xử giữa con cán bộ và con “ngụy quân-ngụy quyền.”

Lịch sử của thế giới chưa bao giờ thấy một chính sách gọi là cải tạo nào mà giống như chính sách cải tạo của những người cộng sản từ ở bên Liên Xô, bên Tàu hay Việt Nam. Đó chỉ là những hình thức ngược đãi tù tội để mà hành hạ những người mà đi ngược lại với chủ trương của họ – Ông Nguyễn Ngọc Tiên

Nhà báo Lê Phú Khải nhận định:

“ Không chỉ ở miền Nam mà ở miền Bắc trước kia gia đình trí thức tiểu tư sản, địa chủ tư sản còn bị phân biệt đối xử nữa là sau này ‘giải phóng miền Nam thống nhất đất nước’. Cho nên việc thi vào đại học rồi đối xử không công bằng giữa các thành phần là chuyện hiển nhiên ai cũng thấy… Chuyện phân biệt đối xử lấy giai cấp công nông làm gốc rồi phân biệt đối xử với các giai cấp khác là sai lầm từ gốc rồi, cái này là có thật…mấy ông sử gia chẳng qua là bồi bút thôi, nói để vui lòng bè đảng để thăng quan tiến chức thôi. Chứ bản thân tôi là gia đình toàn cán bộ, thậm chí là cán bộ cao cấp của Đảng, nhưng khi ở Hà Nội ở xóm tôi mấy ông về hay đi xe máy, xe đạp do vậy xã nó phê cho là gia đình tư sản thế là 2 năm trời tôi không được vào đại học. Bản thân tôi đã chịu cái cảnh đó cho nên cái đó là có thật chứ không phải người ta bịa ra.”

Sau chiến thắng 30/4/1975, nếu không bỏ lỡ một thập niên u mê đem chính sách cải tạo năm 1954 ở miền Bắc vào áp dụng ở miền Nam, thì có lẽ Việt Nam đã tiến xa hơn nhiều và nếu đảng Cộng sản thực tâm muốn hòa hợp hòa giải thì đã không có làn sóng vượt biển tìm tự do kéo dài từ giữa năm 1975 đến 1990. Nhiều người đã tìm được bến bờ tự do nhưng hàng trăm ngàn người không may đã vùi thây đáy biển.

40 năm sau khi kết thúc cuộc chiến, ở đâu là nỗi vui mừng của người chiến thắng và ở đâu là tiếng thở dài u uất của người dân Việt.