Ngư dân Philippines chỉ trích quyết định của Tổng thống Duterte
Một ngư dân Philippines ngồi trên mũi thuyền sau khi trở về từ Bãi cạn Scarborough, ngày 10 tháng 5 năm 2012. |
Đây là một phần của Manila nhằm nỗ lực xoa dịu căng thẳng tranh chấp tại vùng biển do Trung Quốc kiểm soát.
Các trợ lý của ông Duterte cho biết, ông đã đưa ra tuyên bố “đơn phương”, coi khu phá ở Bãi cạn Scarborough là khu bảo tồn biển, sau khi nêu vấn đề này trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Peru cuối tuần trước.
“Chúng tôi lo sợ rằng tuyên bố bãi cạn là khu bảo tồn biển sẽ mở đường cho lệnh cấm đánh cá khác”, ông Fernando Hicap, chủ tịch nhóm hỗ trợ ngư dân Pamalakaya cho biết trong một thông cáo. “Lần này sẽ là luật của chúng tôi và chính phủ ngăn cấm (ngư dân Philippines), không phải Trung Quốc”, ông nói thêm.
Sau khi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn năm 2012, Trung Quốc đã cấm ngư dân Philippines hoạt động ở đây. Lệnh cấm đã được nới lỏng hồi tháng trước sau khi ông Duterte thăm Bắc Kinh để cải thiện quan hệ, với việc ngư dân Philippines được phép đánh bắt cá bên ngoài vùng phá.
Người phát ngôn của ông Duterte hôm thứ Tư cho biết, văn phòng của ông sẽ sớm ban hành một sắc lệnh mới về “khu vực cấm đánh bắt cá” cho cả ngư dân Philippines và Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Ba đã không có bình luận về tuyên bố của ông Duterte, nhưng cho biết Bắc Kinh đã “thu xếp các hoạt động đánh bắt cá phù hợp”.
Tuy nhiên, ngư dân Philippines cho biết kế hoạch của ông Duterte có thể gây khó khăn cho sinh kế của họ.
“Chúng tôi phản đối việc đó bởi vì bên trong khu phá là nơi đánh bắt được nhiều hơn”, ông Charlito Maniago, trưởng làng Infanta – một trong những làng đánh cá chính ở Bãi cạn Scarborough, cho biết.
Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal cho biết tuyên bố của ông Duterte đã nghiêng về Trung Quốc vì ngư dân Philippines có thể không được tiếp cận bãi cạn trong tương lai.
“Trung Quốc chỉ cần dễ dàng chấp nhận động thái của Philippines và không cần hành động đáp trả, bởi vì kiểu gì họ cũng nhận được lợi ích”, ông Batongbacal cho biết trong một thông cáo.
Hai quốc gia láng giềng đều tuyên bố bãi cạn là một phần lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi san hô 230km từ đảo Luzon của Philippines từ năm 2012 sau khi đụng độ với hải quân Philippines.
Trung Quốc đã dịu giọng kể từ sau chuyến công du của ông Duterte sang Bắc Kinh hồi tháng 10.
Ngư dân Philippines tiếp cận gần bãi cạn cho biết lực lượng tuần duyên Trung Quốc không còn xua đuổi họ như 4 năm qua.
Theo StraitsTimes, AFP, VOA