Ngòi bút và họng súng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ngòi bút và họng súng

Theo Báo Trẻ – Saturday, 17 January 2015 11:29

Tác Giả Đinh Yên Thảo
Từ những vụ ISIS hành quyết dã man các ký giả phương Tây cho đến vụ những tay khủng bố Hồi Giáo tấn công vào tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ngay giữa kinh thành Paris, đây không phải lần đầu và sẽ chẳng là những vụ cuối cùng giới truyền thông phương Tây bị tấn công. Khẩu hiệu “Je suis Charlie” – “Tôi là Charlie” giương đầy trên đường phố và lan tràn trên các trang mạng xã hội không riêng tại Pháp, mà tỏa đi khắp thế giới tự do, khi người dân bày tỏ sự ủng hộ đến tạp chí Charlie Hebdo bằng thái độ không sợ hãi, khuất phục trước tội ác, cũng như tái khẳng định những quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí, là những thứ quyền chính đáng mà mỗi cá nhân và giới truyền thông phải được thừa hưởng.
alt
Các thành viên của cộng đồng Pháp Sydney tụ tập tại trung tâm của thành phố, giương cao biểu ngữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) vào ngày 08 tháng một năm 2015, để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ súng thảm sát văn phòng tuần báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo ở Paris ngày hôm trước. Photo Peter Parks / AFP / Getty Images Người ta có thể thông hiểu được sự cam chịu, khuất phục của người dân tại các quốc gia cộng sản, độc tài, quân phiệt và ngưỡng mộ những tiếng nói can đảm, dám chấp nhận cái chết hay tù tội để được nói lên những điều bình thường mà bất cứ cá nhân nào trong xã hội phương Tây cũng có quyền được bày tỏ. Trong xã hội dân chủ, những thứ quyền làm người căn bản như quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí đã được bao thế hệ trả giá, vun đắp, chúng là không khí, là nước uống, là cơm, bánh mì trong đời sống mỗi người. Người ta hiểu được quyền tự do của mình và đồng thời tôn trọng quyền tự do của người khác, cổ súy những giá trị chung này trên bình diện xã hội, quốc gia.
Khi hãng phim Sony thông báo hủy bỏ sự phát hành bộ phim The Interview sau khi bị những nhóm tin tặc – bị cho là được hậu thuẫn từ Bắc Hàn tấn công hồi cuối năm, người dân và giới nghệ sĩ đã tỏ ra hết sức thất vọng về quyết định này. Tổng Thống Obama đã cho rằng đó là một sai lầm bởi vì Sony không thể tạo một tiền lệ cho bất cứ nhóm người hay quốc gia nào trên thế giới được phép “kiểm duyệt” nội dung, ý tưởng của truyền thông Hoa Kỳ nói chung. Sony thay đổi quyết định của mình, không chỉ lập tức thu đủ lại vốn đầu tư của bộ phim hài thuần túy giải trí hơn là mang tính chính trị, mà còn khôi phục uy tín của chính mình và hơn thế nữa, thực hiện những giá trị nghệ thuật và truyền thông chung cần có.
alt
Quang cảnh bên ngoài tuần báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo sau vụ nổ súng nguồn mirror.co.uk
Cuộc khủng bố vào tòa soạn tạp chí tranh phiếm lộng của Pháp Charlie Hebdo hồi tuần trước đã đi quá xa hơn những gì Sony bị tấn công, khi hai tay súng Hồi Giáo xông vào tòa soạn để hạ sát chủ bút, ký giả, các họa sĩ hí họa nổi tiếng của tờ báo. Là một tờ báo nhỏ thiên về tranh hí họa, phiếm lộng với số phát hành khoảng 45,000 ấn bản mỗi tuần, Charlie Hebdo từng bị  đe dọa, rồi đặt bom hồi 2011 sau khi đăng hàng loạt tranh hí họa liên quan đến Tiên Tri Muhammad của thế giới Hồi Giáo. Tờ báo cũng từng gây tranh cãi và ra tòa giữa các tranh luận về vấn đề tự do truyền thông và các giới hạn về phỉ báng sắc tộc, tôn giáo, không chỉ liên quan đến Hồi Giáo mà cả một số tôn giáo khác. Nhưng vượt lên tất cả, Charlie Hebdo được quyền và được phép hoạt động và phát hành đến những độc giả của mình. Và những người còn lại của tòa báo cho biết họ sẽ còn tiếp tục hoạt động cho dù bị mất mát quá to lớn trong tuần qua.
Thế giới ắt còn nhớ gần 25 năm trước, tiểu thuyết gia người Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie từng bị Đại Giáo Chủ Khomeini của Iran ra giáo chỉ kết án tử hình và kêu gọi người Hồi Giáo tìm cách hạ thủ ông với mức thưởng lên đến vài triệu đô, sau khi cuốn tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ” bị cho là báng bổ Muhammad của ông phát hành. Rồi 10 năm trước, loạt truyện tranh của tờ báo Jyllands-Posten của Đan Mạch cũng thu hút công luận thế giới với hàng loạt các biểu tình cùng âm mưu tấn công vào tờ báo từ những người Hồi Giáo. Và tuần qua là cuộc khủng bố đẫm máu vào tòa soạn Charlie Hebdo cùng nhiều thường dân vô tội khác. Nó dấy lên làn sóng phẫn nộ với những thủ phạm và phần nào, trực tiếp ảnh hưởng đến cả thế giới Hồi Giáo nói chung. Đây chính là điều mà thế giới Hồi Giáo phải giải quyết nếu không muốn gây cho người dân thế giới phương Tây một cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí căm ghét đến chung cả hàng tỉ tín đồ Hồi Giáo. Và thế giới Hồi Giáo cần chấp nhận phương thức hoạt động của truyền thông phương Tây, vì chính họ cũng không thiếu những tấn công, ngăn cấm các giá trị dân chủ của phương Tây.
alt
Người Hồi giáo cầu nguyện trong nhà thờ Grande của Saint-Etienne bên ngoài có bảng “Je suis Charlie”, hai ngày sau khi một cuộc tấn công tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp bởi các tay súng vũ trang, 12 người chết và 11 người bị thương, đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất ở Pháp trong một nửa thế kỷ. Jean-Philippe Ksiazek / AFP / Getty Images
Với giá trị truyền thông dân chủ, cho dù hay dở, cẩn thận hay tắc trách, đồng ý hay bất đồng, nếu không phải là những vu khống, bịa đặt và chẳng kích động những bạo loạn xã hội, nguy hại đến an ninh quốc gia thì còn lại chỉ là quyền được bày tỏ tư tưởng của người cầm bút, của tờ báo hay một đài phát thanh, truyền hình chẳng thể nào cấm cản. Truyền thông không được ngụy tạo chứng cứ về một vụ bê bối cá nhân, tham nhũng nhưng có thể bày tỏ sự thất vọng về khả năng, hành xử, chỉ trích một chính sách của một tu sĩ, một chính khách hay bất cứ nhân vật đại chúng nào, tất nhiên với cả một tổ chức hay chính phủ nào đó. Tờ báo sẽ chịu trách nhiệm nếu kích động một cuộc bạo loạn xã hội nhưng họ có quyền có những nhận định khác biệt với sự việc đang xảy ra. Đó là những giá trị đang được thực thi và cần được cổ súy vì nó giúp cho xã hội phát triển và là thứ “đệ tứ quyền” cho bất cứ thể chế chính trị nào. Có lẽ đó là điều một sinh viên trẻ người Anh Alice Blanc đã bày tỏ: “Bất kể một ký giả hay tờ báo nói điều gì, cả khi trái với những điều với số đông suy nghĩ thì họ vẫn có quyền bày tỏ chúng mà không cảm thấy bị nguy hiểm như đã xảy ra với Charlie Hebdo”. Hay như Mark Zuckerberg, Chủ tịch của Facebook viết trên trang blog của mình rằng: “Facebook luôn là chỗ để người dân thế giới chia sẻ nhận thức và tư tưởng của mình. Chúng tôi tuân thủ luật pháp mỗi quốc gia, nhưng không để cho một quốc gia hay nhóm người nào đó áp chế những gì mọi người có thể chia sẻ ra thế giới. Tôi cam kết đang thiết lập một nơi mà bạn có thể tự do ngôn luận mà không sợ bị áp chế…”.
Chính vì lẽ đó mà khẩu hiệu “Je suis Charlie” đã được đông đúc giới trẻ thế giới thay thế hình bìa mình trên facebook hiện nay. Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây cùng các đại công ty như Twitter, Facebook, Google, Apple… cũng lên án vụ khủng bố và bày tỏ sự ủng hộ cách này hay cách khác, trong đó có cả những ủng hộ tài chính đáng kể để Charlie Hebdo có thể tăng lên một triệu ấn bản tuần này. Chính phủ Pháp và giới truyền thông Pháp cam kết và đang làm mọi cách để hỗ trợ tờ báo trong thời điểm khủng hoảng này. Không riêng hàng chục ngàn người Paris đứng dưới cái lạnh lẽo mưa tuyết mùa Đông để thắp nến tưởng niệm các ký giả và nạn nhân trong cuộc khủng bố vừa qua, mà ngay tại San Francisco, New York, Seattle, Chicago cho đến các thành phố lớn trên thế giới cũng có những đám đông cầm cờ Pháp và biểu ngữ “Je suis Charlie” bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ. Các đơn mua báo dài hạn từ chính phủ, các công ty tư nhân và từ người dân tăng vọt. Với bất cứ lý do nào, người dân thế giới tự do không chấp nhận tội ác và sự khủng bố vào các giá trị truyền thông dân chủ.
 Ngay cả những đối tượng từng bị Charlie Hebdo giễu cợt trước đây như các tu sĩ Hồi giáo, Ky-tô giáo, Do Thái giáo và bà Marine Le Pen lãnh tụ đảng cánh hữu Mặt Trận Dân Tộc .. cũng bày tỏ sự ủng hộ đến Charlie Hebdo, đơn giản vì họ ủng hộ quyền tự do ngôn luận và những giá trị một nền Cộng Hòa mà cuộc Cách Mạng Pháp đã mang lại và hợp nhất toàn dân, không phân biệt chính trị, sắc tộc và tôn giáo. Họ thấu hiểu tư tưởng của Voltaire, triết gia Pháp đã từng viết: “Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền được nói của anh đến hơi thở cuối cùng”. Vâng! Những họng súng chẳng làm khuất phục nổi những ngòi bút, cây cọ, bàn phím. Chúng chỉ cho thấy sự sợ hãi của tội ác và các thể chế độc tài trước sức mạnh và sự ảnh hưởng mà ngòi bút có thể làm được. Je suis Charlie!