“Ông ấy đã quân sự hóa Biển Đông”, Ngoại trưởng Mỹ nói trong đoạn clip đăng hôm 16/7.
Ngoài thất hứa về việc không quân sự hóa Biển Đông, ông Pompeo cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không giữ cam kết về “một quốc gia hai chế độ” liên quan tới Hong Kong cũng như Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc “gây ra các mối đe dọa thực sự đối với thế giới” và Hoa Kỳ sẽ “phản ứng” để “bảo vệ an ninh quốc gia” của Mỹ và buộc phía Bắc Kinh phải thay đổi hành vi.
“Chúng tôi muốn một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đảng Cộng sản Trung Quốc coi vùng biển đó như là đế chế hàng hải của riêng mình”, quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói, không lâu sau khi ông ra tuyên bố, lần đầu tiên bày tỏ quan điểm chính thức của Mỹ về các tuyên bố chủ quyền “hoàn toàn phi pháp” cũng như “chiến dịch dọa nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tới ngày 23/7, Bắc Kinh chưa có phản ứng về lời chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình thất hứa, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng cho rằng lập trường về Biển Đông của Mỹ “cố tình khuấy động tranh cãi về chủ quyền lãnh hải” cũng như “phá hoại hòa bình và ổn định”.
Đại sứ Kritenbrink: Mỹ muốn ‘hỗ trợ ngư dân Việt Nam’
Việc ông Tập phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên được Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đưa ra giữa năm ngoái.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc với ông Obama được đưa ra vào ngày 25 tháng Chín năm 2015.
Khi đó, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng nhân chuyến thăm Mỹ, ông Tập nói rằng “liên quan tới các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Nam Sa [Trường Sa theo cách gọi của Trung Quốc] không nhắm mục tiêu hoặc ảnh hưởng tới bất kỳ nước nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa”.
Ông Tập cũng tuyên bố “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa [tức Biển Đông], giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại, và xử lý các tranh chấp thông qua đàm phán, tham vấn và một cách hòa bình, và tìm kiếm các cách thức nhằm đạt được lợi ích chung thông qua hợp tác”.