“Ngoại giao Biên giới” và Hợp tác Việt-Trung
VOA
27/02/2018
Tư liệu: Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (trái) bắt tay BTQP Việt Nam lúc bấy giờ (phải) tại cửa khẩu biên giới Chi Ma ở phía Bắc Lạng Sơn. Ảnh chụp ngày 29/3/2016. EPA/STR
Việt Nam và Trung Quốc hồi gần đây bàn về hợp tác tại 4 địa điểm Lạng sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai, và quảng bá kế hoạch thành lập cái gọi là một hệ thống “Hai quốc gia, một trạm kiểm soát biên giới”, một vùng tự do thương mại “trung lập”, nơi hai nước có thể bắt tay hợp tác để cùng kiểm soát những sự đi lại và giao lưu của hàng hóa xuyên biên giới, giảm bớt các thủ tục hành chánh rườm rà, và đẩy mạnh trao đổi thương mại.
Vào trung tuần tháng 11 năm 2017, nhân chuyến đi thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước anh em cộng sản ra Tuyên bố chung, khẳng định tình hữu nghị, đồng thời nói rằng kiên trì theo đuổi con đường phát triển xã hội chủ nghĩa “là lựa chọn đúng đắn”, hai bên mong muốn “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.”
Cả hai nhấn mạnh sự cần thiết phải phát huy vai trò điều phối của các cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Đảng và nhà nước, thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục có những bước chậm mà chắc hướng tới mục tiêu lâu dài, là thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, đặt cộng đồng quốc tế trước ‘sự đã rồi’, nhiều người Việt lo ngại Việt Nam, là nước nhỏ, sẽ thua thiệt, thậm chí bất lực, trước viễn ảnh ngày càng bị anh láng giềng khổng lồ công khai o ép. Những lo ngại ấy có cơ sở không? Liệu hợp tác biên giới Việt-Trung có xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông?
Hợp tác biên giới
Giáo sư Tạ Văn Tài thuộc Đại học Harvard, lập luận rằng việc lập khu hợp tác thương mại giữa hai nước có những mặt tích cực, kể cả xây dựng một trạm kiểm soát biên giới chung. Muốn thành lập một khu hợp tác hỗn hợp, hai bên sẽ đóng góp một diện tích đất đai tương đương và tìm cách quy hoạch để phát triển chung về thương mại.
Ý tưởng đó bắt đầu từ đâu và diễn tiến ra sao? Giáo sư Tạ Văn Tài:
“Cái này thì thực sự bắt đầu từ ông Trung Quốc. Ông ấy đề nghị từ năm 2007 mà phần lớn là ở các tỉnh. Ý tưởng bắt đầu từ các tỉnh.”
Giáo sư Tài cho biết từ năm 2007, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc đã đề nghị hợp tác với Lạng Sơn, rồi Quảng Ninh đề nghị với Móng Cái hợp tác với tỉnh Đông Hưng bên Trung Quốc. Cao Bằng thì cộng tác giữa 2 khu Trà Lĩnh (Việt Nam) với Long Bằng (Trung Quốc), và tới năm 2012, Lào Cai theo chân các tỉnh khác hợp tác với Hồng Hà bên Trung Quốc.
Giáo sư Tạ Văn Tài cho biết sau các tỉnh, sự hợp tác giữa hai nước được nâng lên cấp quốc gia:
“Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc ký một văn bản gọi là “Quy hoạch phát triển 2012-2016 về khu hợp tác kinh tế thương mại. Đến năm 2013 thì ký kết biên bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới Việt-Trung, rồi sau đó tới phương án tổng thể khu hơp tác kinh tế.”
Đặc biệt tới 2017, khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Đà Nẵng, hai bên đã ký bản ghi nhớ về việc đẩy mạnh tiến độ đàm phán về khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Giáo sư Tạ Văn Tài miêu tả nỗ lực này của Trung Quốc là ‘ngoại giao biên giới’, ông giải thích:
“Họ muốn đẩy mạnh ‘ngoại giao biên giới’ giữa Trung Quốc với Việt Nam và mấy nước khác ở gần Trung Quốc như Lào, Myanmar, Kazachstan và Nga. Họ nói ‘ngoại giao láng giềng’ này là quan trọng thứ hai, chỉ sau ngoại giao với các nước lớn như Mỹ, Anh, Úc, Nhật vv…”
Nền ngoại giao ‘láng giềng’ đó đã được đẩy mạnh từ khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên cầm quyền, đưa đến việc các khu cộng tác thương mại được nâng cấp lên cấp quốc gia.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, được báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trích lời bày tỏ lạc quan rằng Việt Nam và Trung Quốc vẫn có thể hợp tác với nhau, ông coi dự án này như một cách để 2 nước cộng tác với nhau vì các lợi ích chung, vượt lên trên cuộc tranh chấp ở Biển Đông để hướng tới phía trước.
Giáo sư Tạ văn Tài thuộc Đại học Harvard, chia sẻ sự lạc quan của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Ông nói sự hợp tác này có thể dẫn tới môt vùng kinh tế thương mại tự do, một phần nào tương tự như vùng kinh tế thương mại tự do Bắc Mỹ giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico.
Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ, Giáo sư Tạ Văn Tài lập luận rằng bất chấp những xung đột kéo dài hàng thập niên, vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể trở thành một khu tự do thương mại và hợp tác, kể cả một trạm kiểm soát chung.
Những lợi ích nào cho Việt Nam trong khu vực hợp tác đó? Ít nhất trạm kiểm soát cửa khẩu chung có thể tăng tính minh bạch của hoạt động hải quan, góp phần chống nạn tham nhũng xuyên biên giới.
Và trong bối cảnh phần lớn hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc là sản phẩm nông nghiệp, một hệ thống có khả năng giảm thiểu tệ nạn quan liêu hành chánh, và đẩy nhanh các thủ tục rườm rà tại vùng biên giới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, và giúp nhanh chóng đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Những sự hợp tác này, trong dài hạn, sẽ giúp giảỉ tỏa một phần những căng thẳng giữa hai nước trong những lĩnh vực khác.