Tự do mậu dịch ai cũng lợi

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tự do mậu dịch ai cũng lợi
Thứ Bảy, ngày 30 tháng 7 năm 2016
Trong đại hội đảng Dân Chủ vừa qua, các diễn giả đều lên tiếng chống ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Nhưng hầu như không một ai, kể cả bà Hillary Clinton, đả kích những lời ông Trump nói chống tự do mậu dịch.
Những người đã công khai tỏ ý bất đồng với ông Trump thường thuộc đảng Cộng Hòa. Bởi vì trong mấy chục năm gần đây đảng Cộng Hòa vẫn bác bỏ chính sách bảo vệ hàng nội hóa, chống nhập cảng. Số người chủ trương “bảo vệ mậu dịch” trong đảng Cộng Hòa ít hơn trong đảng Dân Chủ. Nhưng ông Trump đã đánh bại các đối thủ trong đảng nhờ được thiểu số này ủng hộ.
Trong mùa tuyển cử sơ bộ, ứng cử viên Donald Trump đã hô hào phải bàn lại thỏa ước tự do mậu dịch NAFTA, đã thùng với Mexico và Canada 20 năm nay; hứa sẽ tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc lên 45% và sẽ xé bỏ luôn thỏa hiệp TPP, Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương. Ông cũng đe dọa các hiệp ước tự do mậu dịch sắp ký với các nước khác, đặc biệt là KORUS, với Nam Hàn.
Những người hiểu biết về kinh tế học đều thấy chính sách đó là sai lầm. Ngưng mua bán tự do với Mexico thì không phải chỉ nước Mỹ ngưng nhập cảng 296 tỷ đô la từ Mễ mà người Mễ cũng ngưng không mua 236 tỷ đô la từ Mỹ. Tăng thuế hàng Trung Quốc nhập cảng thì Bắc Kinh sẽ trả đũa, gây ra một cuộc chiến tranh mậu dịch, họ sẽ kiện ra WTO, Tổ chức Thương mại Thế giới, và họ sẽ thắng. Trong khi đó dân Mỹ sẽ phải mua hàng tiêu thụ đắt hơn, thay thế hàng hóa từ Trung Quốc hay Mexico. Giới lao động sẽ bị thiệt thòi nhất vì họ chi tiêu vào những món quần áo, thực phẩm, đồ gia dụng nhập cảng với một tỷ lệ bằng 20% hay 30% lợi tức, người giầu chi có 5% hay 1%. Chính nhờ hàng nhập cảng rẻ nên mãi lực của mỗi gia đình người lao động ở Mỹ tăng thêm được 29%, với cùng số lương của họ. Mất cơ hội đó, mỗi tháng họ sẽ phải chi thêm hàng trăm hay hàng ngàn mỹ kim. Ngoài ra, nhiều công nhân Mỹ sẽ mất việc, vì gần một nửa số bán của 500 công ty Mỹ lớn nhất là nhờ xuất cảng. Gây chiến tranh mậu dịch thì kinh tế Mỹ và cả thế giới sẽ suy thoái.
Hậu quả quan trọng khác là Mỹ sẽ mất địa vị một cường quốc lãnh đạo về kinh tế. Từ sau Đại chiến Thứ Hai, Mỹ đi hàng đầu để cổ động tự do mậu dịch, với chủ trương thương mại càng tự do thì kinh tế càng phát triển nhanh. Năm 1948 Mỹ xây dựng lên hiệp ước GATT với 23 nước tham gia, đa số là những nước Tây phương. Sau đó tổ chức WTO ra đời, năm 1994 có 128 nước tham dự, và năm 2016 có 164 nước. Ngoài ra, Mỹ còn thùng các thỏa ước tự do mậu dịch với 20 quốc gia khác. Nếu từ bỏ quy tắc tự do thương mại, Mỹ sẽ mất vai trò lãnh đạo đã giữ suốt 70 năm nay. Quy tắc này là nền tảng của kinh tế thị trường.
Một quy tắc quan trọng của kinh tế tư bản là “Khi tự nguyện trao đổi thì cả hai bên đều có lợi.” Trong mậu dịch quốc tế, quy tắc này đã được nêu ra dưới hình thức “Thuyết Lợi thế Tương đối,” do David Ricardo ( 772-1823), kinh tế gia người Anh đưa ra,  gọi là “Comparative Advantage.” Ricardo biết rằng khi tự do mua, bán với nhau thì ai cũng có lợi. Nhưng ông nhấn mạnh là ngay trong trường hợp một nước có thể chế tạo nhanh và đỡ tốn kém hơn nước khác trong tất cả các món hàng trao đổi, thì có trao đổi vẫn hơn.
Mới nghe, ý kiến này hơi khó hiểu, khó chấp nhận. Nếu nước tôi có thể làm ra mọi thứ nhanh hơn và rẻ hơn thì tại sao phải mua bán, trao đổi với nước khác làm gì? Ricardo giải thích bằng Thuyết Lợi thế Tương đối.
Xin dùng một thí dụ sau đây để hiểu lợi thế tương đối nghĩa là gì.
Thí dụ bây giờ nước Mỹ và nước Mexico đều có thể chế tạo xe hơi và làm nước chấm salsa. Người Mỹ phải dùng 500 giờ để làm ra một chiếc xe hơi và mất một giờ thì pha được một thùng nước chấm salsa. Người Mexico kỹ thuật kém, phải mất 10 000 giờ mới làm được một xe hơi và hai giờ mới sản xuất được một thùng salsa. Nhiều nhà chính trị sẽ nghĩ rằng người Mỹ chẳng cần mua gì của người Mễ cả, vì họ làm xe hơi giỏi mà pha nước chấm salsa cũng tài hơn.
Ông Ricardo lý luận rằng ngay trong trường hợp này, người Mỹ vẫn nên chỉ làm xe hơi thôi, còn người Mexico chỉ lo làm salsa; sau đó họ trao đổi với nhau thì cả hai bên đều được lợi. Lý do là khi chế tạo xe hơi thì Mỹ có “lợi thế tương đối” lớn hơn Mexico, so với việc làm salsa.
“Lợi thế tương đối” ý nghĩa thế này: Người Mỹ làm salsa chỉ giỏi gấp đôi người Mexico (so sánh một giờ với hai giờ); nhưng làm xe hơi thì giỏi gấp 20 lần (so sánh 500 giờ với 10,000 giờ). Đối với người Mỹ, một cái xe hơi trị giá bằng 500 thùng salsa, vì tốn thời giờ gấp 500 lần. Còn đối với người Mexico một xe hơi giá trị cao bằng 5000 thùng salsa, đó là “giá xe Mỹ” đối với người Mễ.
Để hiểu thuyết “Lợi thế Tương đối,” hãy giả thiết trên thế giới này chỉ có hai nước Mỹ với Mexico và người ta chỉ tiêu thụ hai món hàng là xe hơi và nước chấm salsa. Lại giả thiết mỗi năm người Mexico làm việc 15000 giờ còn người Mỹ chỉ làm việc 4000 giờ — họ còn bận coi baseball và uống bia. Bây giờ chúng ta so sánh hai trường hợp, có hoặc không có mậu dịch tự do giữa hai nước.
Trường hợp 1: Không có mậu dịch quốc tế. Thí dụ, người Mỹ trong 4000 giờ làm việc họ dùng 3000 giờ chế xe hơi, làm ra 6 xe hơi. Số giờ còn lại sản xuất được 1000 thùng salsa. Trong khi đó người Mexico dùng 10 000 giờ chế ra một cái xe hơi còn lại 5000 giờ trồng được 2500 thùng nước chấm salsa. Tổng cộng, cả hai nước có 7 cái xe hơi và 3500 thùng salsa. Họ không trao đổi gì cả.
Trường hợp 2: Có mậu dịch quốc tế. Ông Ricardo khuyên hai nước nên phân công. Từ nay, Mỹ chỉ chế tạo xe hơi thôi, dùng hết 4 ngàn giờ làm việc chế ra 8 cái xe. Còn người Mexico chỉ làm salsa, sản xuất 7500 thùng trong 15 ngàn giờ. Khi đó tổng cộng hai nước sẽ có 8 chiếc xe hơi và 7500 thùng salsa. Kinh tế chung của hai nước cao hơn, so với con số tổng cộng 7 xe hơi và 3500 thùng nấm theo lối cũ!
Bây giờ hai nước sẽ đem ra trao đổi với nhau. Trao đổi theo giá nào? Đối với người Mỹ, tính theo số giờ làm việc thì họ sẵn sàng đổi một xe hơi lấy 500 thùng salsa; vì cả hai món hàng đều dùng mất 500 giờ. Nếu Mỹ bán cho Mexico một xe hơi mà được trả lại hơn 500 thùng salsa là họ có lời rồi.
Trong khi đó, người Mexico thấy hễ mua một xe hơi mà trả dưới “giá” 5000 thùng salsa thì tốt quá! Thế nào họ cũng chịu trả giá cao hơn con số 500 thùng salsa để đổi lấy xe hơi Mỹ. Cuối cùng, giữa hai con số 500 và 5,000 hai bên ngã giá ra sao còn tùy nhu cầu của họ, mặc cho họ trả giá với nhau. Dù giá cả là bao nhiêu, điều chắc chắn là cả hai bên cùng lợi. Một bên sẽ thấy mình mua được xe hơi rẻ, bên kia thì tha hồ ăn salsa đại hạ giá!
Thí dụ, hai bên mặc cả, sau cùng đồng ý một chiếc xe hơi đổi lấy 2000 thùng salsa. Người Mỹ bán một xe hơi cho người Mexico, họ vẫn còn 7 cái để dùng như trước kia khi không có trao đổi; trong khi đó họ được ăn gấp đôi số salsa (2000 so với 1000 thùng). Còn người Mexico thì vẫn có một cái xe hơi xài mà không phải chế tạo, nhưng được ăn 5,000 thùng salsa, gấp đôi con số 2,500 thùng khi không có mậu dịch!
Đó là ý nghĩa Thuyết Lợi thế Tương đối của David Ricardo. Kinh tế tư bản phát triển suốt hai thế kỷ qua là nhờ đã áp dụng lý thuyết giản dị này. Có trao đổi là có lợi. Nhưng chính sách tự do mậu dịch luôn luôn có người chống đối. Vì những lợi ích của thương mại tự do được chia ra cả xã hội hưởng, còn những thiệt hại của mua bán tự do thì thường tập trung vào một số những người mất việc vì hàng nhập cảng, vào một số xí nghiệp không thể cạnh tranh. Khi những người đó kêu rêu, than vãn, thì các nhà chính trị sẽ tìm cách nói theo ý họ, không giữ chủ trương căn bản của kinh tế thị trường nữa.
Trong kỳ tuyển cử sơ bộ, ông Ted Cruz bên Cộng Hòa cũng nói phải xóa bỏ hiệp ước TPP như ông Trump; bên Dân Chủ thì ông Bernie Sanders cũng chống TPP đến cùng khiến cho bà Hillary Clinton phải ngả theo. Bà Clinton đang muốn lôi kéo những người ủng hộ ông Bernie Sanders cho nên trong đại hội đảng bà không dám nói một lời nào đả kích ông Trump về chủ trương chống tự do mậu dịch!
Nhưng những người Mỹ trung bình thì họ nghĩ sao? Các cuộc nghiên cứu dư luận của Gallup trong 24 năm qua đã hỏi dân Mỹ: Bạn nghĩ mậu dịch quốc tế là một cơ hội tốt (nhờ xuất cảng) hay là một mối đe dọa (cạnh tranh với hàng nhập cảng)? Tháng Hai vừa qua, 58% người Mỹ nghĩ đó là cơ hội tốt. Chỉ có 34% thấy đó là một mối đe dọa.
Nhưng trong cuộc vận động tranh cử sắp tới, người ta sẽ không được nghe bà Clinton và ông Trump cãi nhau về vấn đề tự do mậu dịch! Cả hai sẽ tìm cách bêu xấu đối thủ nhiều hơn là tranh luận về các chính sách quốc gia!
Ngô Nhân Dụng