Nghịch lý hay thân phận chư hầu
Hoàng Tất Thắng (Danlambao) – Thỉnh thoảng báo chí Việt Nam lại rộ lên vài “tin tức mình” trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Cộng, xoay quanh những chuyện như mua mắc, bán rẻ, lệ thuộc công nghệ kỹ thuật lạc hậu, chênh lệch ngoại thương vượt bậc… mà phần thiệt thòi đều do phía Việt Nam nhận lãnh, để kết luận đó là nghịch lý (Paradox) rồi bỏ lửng. Thử tìm hiểu sâu thêm đôi chút và một vài lãnh vực, để coi đó là hậu quả từ sự hớ hênh, dốt nát của cán bộ cộng sản Việt Nam, hay đó chỉ là điều tất yếu trong quan hệ song phương giữa Việt Cộng với Trung Cộng, vì nó đã được xác lập theo dạng thuộc quốc với mẫu quốc, chư hầu với thiên triều.
1/ Mua bán than đá: Theo các tài liệu đã được công bố bởi Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ USGS (United States Geological Survey) Việt Nam có trữ lượng than đá khá lớn, vào khoảng 5,9 tỷ tấn, phía Việt Nam cụ thể là tập đoàn than khoáng sản TKV, tức Vinacomin (Việt Nam National Coal and Mineral Industries Group) đưa ra ước tính gấp đôi lên đến 10,5 tỷ tấn, tất cả tập trung chủ yếu trong vùng đông bắc Việt Nam, ở bể than Hồng Quảng, tức Hồng Gay – Quảng Ninh.
Sản lượng khai thác than trung bình năm hiện nay của Việt Nam khoảng 35 – 38 triệu tấn, ngoài số lượng than được tiêu thụ trong nước, tính đến trước năm 2013 Việt Nam cũng là quốc gia xuất cảng than đá quan trọng của thế giới, từng lên đến mức kỷ lục là xuất cảng được 32,5 triệu tấn than vào năm 2007.
Sau năm 2013 tình hình sản xuất và mua bán than đá của Việt Nam bắt đầu đi ngược với xu thế chung của thế giới. Mức tiêu thụ than nội địa tăng cao, do sự phát triển ồ ạt các nhà máy nhiệt điện, nhà máy cement theo công nghệ Trung Cộng, có lò hơi, lò quay xử dụng than nhiệt trị thấp LCV (Low Calorific Value), chỉ từ 4.500 – 5.000 kcal/kg, nên bên cạnh khối lượng than xuất cảng bị suy giảm nặng, Việt Nam đã phải nhập cảng thêm than từ năm 2011. Từ gần 10.000 tấn than đầu tiên của Indonesia nhập cảng trong tháng 12/2011, đến năm 2014 đã lên tới hơn 3 triệu tấn, trị giá gần 364 triệu USD, nhập cảng từ nhiều nguồn cung khác nhau và tăng rất nhanh trong những năm sau đó. Hiện nay trung bình khối lượng than nhập cảng đã tương đương 1/3 tổng sản lượng than của Việt Nam.
Năm 2017 thị trường than đá Việt Nam có diễn biến cụ thể là khai thác, sản xuất được 38 triệu tấn, xuất cảng 2,3 triệu tấn, nhập cảng 14,5 triệu tấn, tồn kho 2 triệu tấn và tổng tiêu thụ than trong nội địa là 52,2 triệu tấn.
Các nước nhập cảng than Việt Nam nhiều nhất là Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Philippine và Malaysia. Trung Cộng từ mức nhập cảng đến gần 40% số lượng than xuất cảng của Việt Nam trong các năm trước 2010 đã trở thành thứ yếu, mỗi năm chỉ còn nhập cảng khoảng vài chục ngàn tấn than chính ngạch từ Việt Nam. (Không tính có gần 10 triệu tấn than bị xuất cảng bất hợp pháp hàng năm của Việt Nam không biết đi về đâu theo như khảo sát của USGS).
Các nước xuất cảng than sang Việt Nam nhiều nhất là Indonesia, Úc, Nga, Trung Cộng và Malaysia. Trong đó các loại than kém phẩm chất, nhiệt trị CV thấp đã chiếm tỷ lệ đến 88 – 90%, trong khi than phẩm chất cao chỉ có tỷ lệ nhập cảng khoảng 10%.
Về giá mua trung bình một tấn than khi đã đưa về đến Việt Nam, than của Indonesia giá rẻ nhất chỉ có 46USD, than của Úc 53USD, của Nga là 66USD và của Trung Cộng là 115USD. Đáng chú ý than Việt Nam nhập từ Trung Cộng, vừa phần lớn đi theo đường bộ, không phải chịu thêm phí vận tải nặng khi đi theo đường biển như than Úc, than Indonesia, vừa là loại than cám, kém phẩm chất, có nhiệt trị CV thấp và các công ty, cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng bởi nguồn vốn, hay được thiết kế xây dựng bởi các ngân hàng và nhà thầu Trung Cộng, như Formosa, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, thay vì xử dụng nguồn than trong nước, đều phải xử dụng than nhập cảng từ Trung Cộng.
Về giá bán trung bình một tấn than giao tại cảng, Việt Nam bán cho Nhật 138USD, cho Ấn Độ 172USD, Đài Loan 151USD, trong khi bán cho Trung Cộng chỉ có 86USD. Đáng chú ý yêu sách về phẩm chất than Việt Nam còn bị Bắc Kinh đòi hỏi rất cao, như phải là loại than Anthracite, phải được giám định đầy đủ hàm lượng các nguyên tố vi lượng thủy ngân, arsenic, phosphorus ở mức cho phép theo hàng rào tiêu chuẩn Trung Cộng.
So sánh với thời phong kiến, vua quan Việt Nam phải triều cống hàng năm của ngon, vật lạ hiếm quý ngọc trai, sừng tê với giá “tình cho không biếu không “cho thiên tử ở Trường An, thì nay việc mua đắt, bán rẻ kể trên, cũng chỉ là một biến tấu tình trạng chư hầu giữa Việt Cộng và Trung Cộng đôi chút cho hợp với thời đại mà thôi.
2/ Mua điện của Trung Cộng: Việt Nam khởi sự đặt vấn đề mua điện của Trung Cộng từ năm 2003 trong dự tính đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ điện tại các tỉnh miền bắc Việt Nam. Năm 2004 bắt đầu mua điện ở cấp điện thế 110 KV và qua năm 2006 thì mua điện ở cấp điện thế 220 KV, theo ngã Lào Cai, Hà Giang và từ nguồn điện thủy điện dồi dào trong vùng nam Trung Hoa, tập trung tại hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.
Trong giai đoạn 10 năm từ 2006 đến 2015, tập đoàn điện lực Việt Nam EVN ký hợp đồng mua điện từ công ty điện lực Vân Nam YNPG (Yunnan Power Company) là một công ty con của công ty lưới điện Phương Nam – Trung Hoa CSG (China Southern Power Grid), với những thỏa thuận hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh về số lượng, thời gian và giá cả.
Kết thúc hợp đồng phía Việt Nam đã mua tổng cộng 24,128 tỷ KWH. Trong đó năm 2010 mua cao nhất đến 5,6 tỷ KWH, chiếm hơn 5% sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam. Năm 2012 được coi là Việt Nam sản xuất thừa điện nhưng vẫn phải mua 2,8 tỷ KWH và năm 2013 mua 3,6 tỷ KWH. Giá mua trung bình một KWH điện được ấn định là 6,08 cent US.
Giai đoạn 2016 đến 2020, tập đoàn điện lực Việt Nam EVN và công ty quốc tế Vân Nam YNIC (Yunnan International Company) công ty con của CSG, tiếp tục ký hợp đồng mua điện từ Trung Cộng trong tháng 7/2016. Theo đó, công suất tối đa mua theo đường dây tải điện ở Lào Cai là 450MW và ở Hà Giang là 350MW, với tổng sản lượng điện mua hàng năm là 1,5 tỷ KHW. Giá mua trung bình một KWH điện được ấn định là 5,87 cent US.
Điều đáng nói trong vấn đề mua điện giữa Việt Nam và Trung Cộng theo hợp đồng này đã ràng buộc Hà Nội nhiều điều bất lợi, như số lượng phải ổn định theo năm, nên trong mùa mưa nếu có sản lượng điện cao, do thủy điện hoạt động đủ công suất, EVN cũng phải mua đủ số lượng điện từ CSG theo giá cố định, khiến các nhà máy thủy điện Việt Nam ngoài hệ thống EVN, dù đưa ra giá bán rất thấp so với giá điện Trung Cộng, cũng rất khó bề cạnh tranh. EVN không những chỉ mua với giá bằng 1/3 giá mua điện từ Trung Cộng, mà điều kiện lại rất khó khăn. Điện Trung Cộng bán cho Việt Nam đa phần chỉ là thủy điện, nên vừa rẻ trong quá trình sản xuất, vừa ít chi phí và tổn thất do chỉ cần lưới điện truyền tải ngắn – chỉ trong phạm vi dưới 100km, do đó nói theo kiểu thời thượng tại Việt Nam hiện nay đúng là Bắc Kinh hoàn toàn ở kèo trên, vì “sản xuất siêu rẻ và bán siêu mắc”.
3/ Vay nợ của Trung Cộng: Việt Nam hiện là một trong những con nợ lớn của thế giới so theo tiềm lực và nợ nần thực tế. Tuy nhiên do tính minh bạch chính phủ của Hà Nội quá thấp, bị tổ chức phi chính phủ Dự án Công Lý Toàn Cầu WJP (World Justice Project) tại Hoa Kỳ, xếp hạng 85 trên 113 quốc gia được khảo sát về tính minh bạch chính phủ trong năm 2018, nên số nợ của Việt Nam vay mượn từ các quốc gia khác, hay từ các định chế tài chánh quốc tế, vẫn luôn là một ẩn số, hay chỉ là một con số mơ hồ, do Hà Nội đã coi đó là bí mật nhà nước.
Theo định nghĩa của cộng sản Việt Nam, nợ công là nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, ngoài ra các khoản vay mượn của các xí nghiệp, công ty quốc doanh bị coi không phải là nợ công và Hà Nội chối bỏ trách nhiệm liên đới (trường hợp phá sản của tập đoàn đóng tàu Vinashin là một thí dụ điển hình) nên các con số về nợ công của Việt Nam có các biên độ chênh lệch rất lớn tùy theo từng nguồn nghiên cứu. Theo ngân hàng thế giới WB tính đến tháng 7/2015 số nợ công của Việt Nam đã là 110 tỷ USD, nhưng theo đồng hồ nợ công của báo tài chánh The Economist tính đến tháng 7/2017 nợ công của Việt Nam là gần 95 tỷ USD và theo tính toán của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên vụ trưởng vụ tài khoản quốc gia của cục thống kê Liên Hiệp Quốc thì nợ công Việt Nam đã lên tới mức 431 tỷ USD từ năm 2016.
Riêng về số nợ vay mượn từ Trung Cộng lại còn bị giấu giếm kỷ hơn, lần chính phủ Hà Nội công bố chính thức về số nợ vay mượn của Trung Cộng sau cùng là năm 2011, với số nợ tính tới hết năm 2010 là 1,64 tỷ USD. Năm 2013 theo một báo cáo của phòng nghiên cứu AidData thuộc trường College of William and Mary, Hoa Kỳ, tổng hợp các nguồn tin lẻ ước định tổng số nợ công Việt Nam vay mượn từ Trung Cộng ước khoảng gần 4,4 tỷ USD, gồm nguồn tài chánh tương tự ODA, nguồn tài chánh chính thức khác OOF (Other Official Flows) và nguồn tài chánh tuy chính thức nhưng không đủ rõ ràng để xếp vào hai dòng tiền trên, gọi là Vague Official Finance (OF). Từ năm 2013 đến 2018 tổng số nợ công Hà Nội vay mượn của Bắc Kinh hoàn toàn là một ẩn số. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt chỉ tính riêng một khoản vay phát sinh thêm đến gần 300 triệu USD vào năm 2016, cho một dự án là tuyến đường sắt “kỳ cục” Cát Linh – Hà Đông, cũng đã có thể cho phép ước định số tiền Việt Nam đang nợ Trung Cộng là rất lớn.
Bên cạnh đó, các điều kiện ngặt nghèo khi vay nợ từ Trung Cộng mà Hà Nội chấp nhận và chấp hành, cũng là điều đáng để suy nghĩ trong quan hệ song phương bình đẳng – hạn chế đến mức thấp nhất các bất lợi trong trường hợp có thể, hay phải biết nói không khi bị ép buộc quá đáng – thay vì quan hệ chủ, tớ, nói sao nghe vậy như tương quan Bắc Kinh và Hà Nội hiện nay.
Kể từ năm 2017, Việt Nam đã không còn là một trong những quốc gia được ưu tiên vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp, hay bằng không và có thời gian trả nợ rất dài, nhưng khi vẫn phải tiếp tục vay vốn từ các định chế tài chánh quốc tế, hay các nguồn vốn chính phủ khác và so sánh cái “gông cùm công nợ” Hà Nội đem về tròng lên cổ hơn 90 triệu con dân Việt Nam giữa bọn “tư bản giãy chết” với người anh em vận mệnh tương quan, hay “đồng chí bốn tốt “thì rõ ràng mới thấy được “ai thắng ai” như đảng ta luôn hô hào.
Vốn vay từ ngân hàng thế giới WB, hay ngân hàng phát triển Á Châu ADB thường có giá trị lớn, ít bị ràng buộc về đấu thầu, xuất xứ hàng hóa, hay dịch vụ đi kèm.
WB cho vay có thời hạn tối đa 35 năm (gồm cả ân hạn 5 năm), lãi suất LIBOR* 6 tháng cộng thêm biên độ dao động 0,4 – 0,9%, tức tương đương 1,3 – 1,8% năm .
ADB cho vay cũng dựa trên lãi suất LIBOR 6 tháng cộng biên độ dao động như các khoản vay của WB. Có phí cam kết của khoản vay là 0,15% mỗi năm trên số tiền chưa tháo khoán (giải ngân) và phụ phí 0,1% đối với khoản vay kỳ hạn 13 đến 16 năm, hay 0,2% đối với các khoản vay có kỳ hạn từ 16 đến 19 năm.
Vốn vay từ Nhật Bản có thời hạn vay 15 đến 30 năm, thời gian ân hạn 5 đến 10 năm và có ba mức lãi suất, thông thường là 0,6 – 1,2%, ưu đãi là 0,4 – 1% và ưu đàI đặc biệt cho các dự án kỹ thuật cao là 0,35 – 0,5%.
Nam Hàn cho vay có thời hạn từ 25 đến 40 năm, thời gian ân hạn 7 đến 10 năm và có 2 mức lãi suất, từ 0% áp dụng cho các dự án đấu thầu giữa các công ty Nam Hàn và 2% áp dụng đối với các dự án đấu thầu giữa các công ty Nam Hàn và Việt Nam.
Các khoản vay song phương giữa Việt Nam và các nước khác (ngoài Trung Cộng) cũng có mức lãi suất khá thấp, như Đan Mạch 0%, Tây Ban Nha 0,2%, Đức 0,75%, Pháp 1,04% và Ấn Độ 1,75%. Các ràng buộc về nhà thầu, xuất xứ hàng hóa và dịch vụ cũng không quá khắt khe, như vay tiền Nhật Bản chỉ cần thỏa mãn điều kiện có tối thiểu 30% giá trị hợp đồng mua sắm hàng hóa và dịch vụ có xuất xứ từ Nhật.
Trong khi đó Hà Nội vay tiền của Trung Cộng được cung cấp thông qua ngân hàng xuất, nhập cảng Trung Cộng China Eximbank và không còn đơn thuần chỉ là quan hệ giữa bên cho vay với bên vay, mà đã vượt ra ngoài phạm vi kinh tế. Nói một cách đơn giản tiền cho vay của Trung Cộng chỉ nhằm mục đích thâu tóm lợi ích kinh tế và địa chính trị cho âm mưu bành trướng của nó. Cho vay không cần phải có sự minh bạch, giải trình, hay xác định hiệu quả tối ưu của khoản vay, Bắc Kinh chỉ cần có sự cam kết riêng tư giữa hai lãnh đạo đảng cộng sản là đủ?!.
Khoản vay từ Trung Cộng chỉ có thời hạn 15 năm với 5 năm ân hạn, phải chịu lãi suất 3% năm và các loại phí như phí cam kết khoản vay 0,5%, hay phí quản lý 0,5%.
Điều lưu manh thông thường nhất là khi đấu thầu các công trình có vốn vay từ Exinbank Trung Cộng, nhà thầu Trung Cộng thường chào giá rất rẻ để loại đối thủ và sau đó tiến hành xảo thuật cho đội vốn lên gấp mấy lần. Điều nguy hiểm nhất khi vay tiền của Trung Cộng là Bắc Kinh luôn đòi hỏi phải có quyền tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên, phải xử dụng công nghệ kỹ thuật cũng như phải chấp nhận công nhân Tàu vào làm việc trên các công trường tại Việt Nam. Những dự án tai họa cho Việt Nam bởi nguồn vốn vay của Trung Cộng đã và đang đầy rẫy khắp nơi, tiêu biểu như Bauxite Lâm Đồng, Gang thép Thái Nguyên, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, đường ống dẫn nước Sông Đà và đặc biệt là đường xe lửa trên cao Cát Linh – Hà Đông, từ dự án sơ khởi có riêng nguồn vốn vay của Trung Cộng 419 triệu USD, khởi công từ 2010, đến 2018 đội vốn thêm hơn 250 triệu USD vay tiếp từ Trung Cộng, vừa xử dụng công nghệ lạc hậu thế hệ 2.5 (hiện tại công nghệ xe lửa trên cao là thế hệ 5) và kéo dài mãi đến nay, không biết đến lúc nào mới… cất cánh??! hay đẩy Hà Nội chìm sâu vào công nợ không lối thoát, chỉ còn con đường mãi quốc cứu ghế, thông qua các nhượng địa phải lần lượt giao nộp cho Bắc Kinh.
Các tay tư bản đỏ “vỏ Việt Nam, ruột Trung Cộng” còn là một hiểm nguy khác, biến thể từ nguồn tiền vay của Bắc Kinh, với đại diện điển hình là đại gia FLC Group Trịnh Văn Quyết.
Khởi nghiệp năm 2001 bằng công ty đầu tư Trường Phú Thời vận (Fortune), đến năm 2008 đổi thành FLC với số vốn 18 tỷ VNĐ, nhưng chỉ cần thêm 7 năm Trịnh Văn Quyết đã có số vốn hơn 8.400 tỷ VNĐ vào năm 2015, một mức tăng trưởng kinh doanh kỷ lục – tăng gấp 470 lần, trong một thị trường hổn loạn, núp dưới danh nghĩa tập đoàn FLC, kinh doanh đa ngành từ bất động sản, du lịch, giáo dục, chứng khoán, tới công nghệ, pháp lý và hàng không. Nguồn vốn bất minh của Trịnh Văn Quyết, khiến dù trên danh nghĩa là đại gia giàu nhất Việt Nam, là tỷ phú dollars với sở hữu gần 2 tỷ USD, nhưng tạp chí tài chánh danh giá Forbes vẫn chưa có thể xếp chủ tịch FLC vào bất kỳ một danh sách người giàu có trên thế giới nào, với lý do cần theo dõi thêm về khối tài sản của Trịnh Văn Quyết.
Có hai đặc điểm nổi trội của tập đoàn FLC ngoài phép lạ tăng trưởng và nguồn vốn dồi dào trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên chẳng khác gì dollars âm phủ, hay dollars nước lạ?
Tháng 7/2018 FLC thành lập công ty hàng không Bamboo Airways, có vốn điều lệ 1.300 tỷ VNĐ. FLC ký một biên bản ghi nhớ MoU (Memorandum of Understanding) với Airbus về việc đặt mua 24 phi cơ Airbus 321 vào tháng 3/2018 và qua tháng 6/2018 ký tiếp một MoU khác với Boeing để đặt mua 20 Boeing 787, có tổng trị giá 5,6 tỷ USD. Trong khi đó tuyên bố khai trương đường bay từ phi trường Phù Cát – Bình Định trong tháng 10/2018 với ba máy bay thuê, gồm một chiếc Airbus 319 đã 13 tuổi, khai thác bởi hãng hàng không giá rẻ Silkair – Singapore và hai chiếc Airbus 320 đã 12 tuổi, khai thác bởi hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines).
Tập đoàn FLC đã và sẽ có đến 11 dự án du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf, resort rải dọc theo duyên hải 14 tỉnh miền trung, từ Thanh Hóa vào Bình Thuận, mà tốc độ thâu tóm nhanh chóng, nhiệt tình ủng hộ thái quá của các cấp chính quyền địa phương, cũng như vị trí đắc địa về mặt an ninh, quốc phòng của các dự án, cũng không khác gì phép lạ thứ hai giành cho FLC. Việc gì sẽ xảy ra khi FLC tăng vốn bằng cách chuyển nhượng dự án thông qua bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư (trong đó không loại trừ bàn tay Trung Cộng) như Trịnh Văn Quyết đã huỵch toẹt trong một hội nghị khách hàng vào tháng 9/2017 tại Tokyo – Nhật Bản, hay tệ hại hơn khi tập đoàn này tuyên bố phá sản thì chủ nợ (cũng là Trung Cộng) hoàn toàn có quyền đòi hỏi con nợ phải chuyển sở hữu sang tay vĩnh viễn là chuyện đương nhiên rất dễ xảy ra.
Âm mưu và thủ đoạn của Bắc Kinh khi dùng bẫy nợ, hầu tước đoạt chủ quyền và sự kiểm soát lãnh thổ của các “con nợ khát nước” đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới.
Tháng 4/2016, Hy Lạp đã bán hải cảng Piraeus nằm bên bờ Địa Trung Hải cho công ty vận tải viễn dương Trung Cộng COSCO (China Ocean Shipping Company), với giá 368,5 triệu USD, để giải quyết khủng hoảng kinh tế.
Sau một thời gian bơm tiền cho vay thoải mái, vượt mức hào phóng, đến 14,4 tỷ USD, đối với quốc gia nhỏ bé Djibouti (rộng hơn 23.000km2, có hơn 800.000 dân), để trả nợ Djibouti không còn cách nào khác phải cho Bắc Kinh thuê đất, lập căn cứ hải quân đầu tiên tại vùng Sừng Châu Phi (The Horn of Africa) từ tháng 8/2017, trong thời hạn 99 năm, với giá 20 triệu USD mỗi năm, để trừ dần vào nợ.
Tháng 12/2017 đến lượt Sri Lanka rơi vào bẫy nợ của Trung Cộng. Không có thể trả nổi hàng chục tỷ USD vay mượn, Colombo đã phải ký nhượng cảng nước sâu Hambantota ở miền nam đảo quốc cho Bắc Kinh trong thời hạn 99 năm.
Trong bối cảnh vừa bị cai trị bởi một tập đoàn toàn trị, luôn tuyên xưng quan hệ máu thịt, núi liền núi, sông liền sông, xã hội chủ nghĩa anh em và thà mất nước hơn mất đảng, vừa bị đặt trong hoàn cảnh có quá nhiều con ngựa thành Troia, cấu kết thành từng băng, nhóm lợi ích xâu xé tài nguyên quốc gia, sẵn sàng bán rẻ tổ quốc để thủ lợi, ních cho chặt túi tham và đã lót ổ xong cho bản thân và gia đình trên các “xứ giãy chết”, nên vận mạng tương lai của đất nước Việt Nam như thế nao trước tham vọng của Bắc Kinh hẳn cũng không phải là điều khó đoán.
9/2018
__________________________________
* Lãi suất LIBOR (London Interbank Offered Rate) tương tự như loại lải suất căn bản, được đưa ra bằng trung bình số lải suất cho vay của 5 ngân hàng lớn tại London, nên còn được gọi là lải suất liên ngân hàng, áp dụng cho những khoản vay ngắn hạn, bằng USD và ký thác, lưu hành ở châu Âu, đồng thời cũng là mức tham khảo cho giới ngân hàng toàn cầu.