Nghị sĩ Asean lo ngại luật tôn giáo VN

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nghị sĩ Asean lo ngại luật tôn giáo VN

BBC

6 tháng 10 2016

Image copyrightVIETNAM ARCHIVES
Image captionChính quyền Việt Nam luôn khẳng định các quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được nhà nước bảo hộ.

Các nhà lập pháp trong khu vực hôm thứ Năm (10/6) đã kêu gọi chính phủ Việt Nam từ chối một dự thảo luật liên quan quyền tự do tôn giáo cho đến khi luật được tuân theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) bày tỏ quan ngại.

Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo được nói là đã duy trì việc yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng ký với nhà nước và kiềm chế tự do lập hội, đặc biệt ở các khu vực nông thôn.

“Trên khắp Đông Nam Á, chúng ta đang thấy việc thông qua của các đạo luật áp bức, tìm cách áp đặt những hạn chế vào trong pháp luật về các quyền con người và các quyền tự do của công dân,” Charles Santiago, một nghị sĩ của Malaysia và là chủ tịch của APHR, cho hay trong tuyên bố.

APHR và các nhóm nhân quyền dân sự khác, trong đó có Tổ chức Human Rights Watch, hợp tác trong một bức thư ngỏ gửi tới Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cải thiện những thay đổi pháp luật mới được đề xuất.

“Các đảm bảo cơ bản cho quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tiếp tục bị hủy hoại do các yêu cầu, đòi hỏi đăng ký đầy khó khăn và sự can thiệp quá nhiều của nhà nước vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo,” bức thư viết.

Yêu cầu và hoan nghênh

Theo trang mạng của Tổ chức các nghị sỹ Asean, các yêu cầu chính đối với Quốc hội Việt Nam bao gồm một số điểm như: định nghĩa của một tôn giáo phải được thực hiện phù hợp với Điều 18 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR);

Image copyrightHUY KHAM
Image captionCó hơn 50 tổ chức quốc tế, tôn giáo và dân sự trên thế giới và tại Việt Nam đã cùng ký tên vào một thư ngỏ gửi lãnh đạo Quốc họi Việt Nam.

Đăng ký với chính phủ không nên được thực hiện như một điều kiện tiên quyết cho việc thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; luật pháp không được cho phép các quan chức tự ý can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo;

Ngôn ngữ không rõ ràng và có tiềm năng phân biệt đối xử cần được loại bỏ; và các quy định phải được lập sao cho có thể thiết lập các kênh pháp lý và cơ chế cho người dân khiếu nại, và những khiếu nại có thể được điều tra được và hành động độc lập trong trường hợp có các cáo buộc về vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Tuy nhiên, bức thư cũng hoan nghênh dự thảo luật đã có các điều khoản về quyền thay đổi tôn giáo của một người, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền của một số tù nhân “sử dụng sách tôn giáo và biểu lộ niềm tin tôn giáo của họ”, và quyền của các tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động như giáo dục, dạy nghề, chăm sóc y tế và trợ giúp xã hội và nhân đạo.