Ngày thứ ba đen tối hay sự cáo chung của nền kinh tế Nga

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ngày thứ ba đen tối hay sự cáo chung của nền kinh tế Nga

Theo Bauxite Việt Nam – Lê Minh, viết từ Sanhk – Peteburg

Tình hình kinh tế Nga ngày càng trở nên tồi tệ, đặc biệt là từ đầu tuần trước và cao điểm là ngày hôm qua, thứ ba 16.12, khi đồng rouble rớt đài thê thảm so với hai ngoại tệ chủ yếu của thế gới là dollar Mỹ và euro. Trên thực tế thì đồng rouble mất giá liên tục kể từ khi Nga lấy lại Crimea vào tháng ba nhưng từ đầu tuần trước đồng tiên Nga xuống giá nhanh chưa từng thấy. Tình hình trở nên cực kỳ tồi tệ vào ngày thứ sáu tuần trước, khi đồng rouble trượt giá xuống tới mức 58 rouble/USD 1 và 65 rouble/ Euro. Nhiều đại biểu Hạ viện Quốc hội Nga – Duma Quốc gia – trong đó có Sergey Mironov, lãnh đạo đảng Nước Nga công bằng, cáo buộc Ngân hàng Trung ương Nga do bà Elvira Nabiulina lãnh đạo là không làm hết sức mình đẩ cứu vãn đồng rouble. Trước sức ép của dư luận, đêm ngày 15 rạng ngày 16.12 ngân hàng Trung ương Nga quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 10.5 % lên tới 17%. Thoạt đầu biện pháp trên có vẻ có hiệu quả: tỷ giá hối đoái của đồng rouble quay trở về mức 55 roubles /USD trên thị trường tiền tệ thế giới Forex. Thế nhưng sau khi Thị trường hối đoái Moscow nhóm họp vào buổi sáng thì đồng rouble lại tiếp tục rớt đài thảm hại, thậm chí có lúc 80 roubles mới đổi được một USD và 100 rouble – một euro. Tới chiều tối tình hình đã giảm căng thẳng, nhưng trên tỷ giá trên Forex vẫn dao động ở mức 72 rouble/USD và 90-91 rouble/Euro.
Phải nói thực là dư luận, kể cả các chuyên viên trong lĩnh vực kinh tế- tài chính và ngân hàng rất bất ngờ về việc đồng rouble xuống dốc không phanh. Trong một thời gian dài các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ ở Nga và các nước có xu hướng thân Nga mà cả ở các nước phương Tây đã góp phần tạo ra một hình ảnh nước Nga giàu có, phồn vinh. Với một số lượng vàng và ngoại tệ dự trữ đáng nể (420 tỷ USD cho tới đầu tuần trước) và tỷ lệ nợ công thấp ở mức 5%, nước Nga dưới sự lãnh đạo của tổng thống Putin xứng đáng là một trong ba nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên ít người biết đến là nợ nước ngoài của các doanh nghiệp Nga, trước hết là các tập đoàn lớn như Rosneft, Novatek lên tới hơn 500 tỷ dollar. Hơn nửa các tập đoàn này phải trả một khoản tiền khổng lồ cho tới cuối năm 2015. Theo một số nhận định, con số này có thể lên tới gần 200 tỷ USD, trong đó có khoảng hơn 33 tỷ phải trả trước cuối năm nay.
Như chúng ta đã biết, cho tới ngày 01.01.2014 dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga là khoảng 509 tỷ USD, trong đó có khoảng hơn 180 tỷ nằm trong hai quỹ dự trữ là Quỹ phúc lợi quốc gia và Quỹ dự trữ. Số tiền còn lại nằm trong vàng, ngoại tệ ̣(USD, euro, pound sterling và các ngoại tệ khác) cộng với quyền vay mượn đặc biệt (Special Drawing Right – SDR) ở trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF – International Monetary Fund). Trên danh nghĩa thì dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga khá lớn, tuy nhiên chúng ta không nên quên Nga là nước lớn và dự trữ vàng-ngoại tệ phải đủ để bảo đảm nhập khẩu trong vòng sáu tháng.
Vận xấu đến với Nga từ tháng ba, khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu. Để trả đũa Nga “lấy lại” Crimea và ủng hộ tích cực các phiến quân Ukraine ở Donbass, các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ đã ban bố một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, trước hết là các tập đoàn và các ngân nhà nước. Kết quả là người Nga không còn khà năng vay mượn và đảo nợ trên thị trường vốn thế giới. Nếu trước đây Kremlin hy vọng đảo ngược tình thế bằng cách xoay trục sang phía đông thì nay họ hiểu rằng không nên ảo tưởng vào Trung Quốc và khó có thể chinh phục được thị trường châu Á. Một thảm họa nữa đối với nền kinh tế Nga là dầu mỏ liên tục xuống giá do tác động của cuộc cách mạng phiến thạch ở Mỹ. Nhưng nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Nga chính là nền kinh tế nhà nước độc quyền và đơn canh mà ông Putin và các cộng sự của ông đã tạo dựng nên trong vòng hơn 15 năm qua.
Nói cho cùng thì nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Nga là nằm trong lĩnh vực chính trị. Do đó khó có thể buộc tội Ngân hàng Trung ương Nga và cá nhân bà Elvira Nabiulina là không làm hết khả năng để cứu vãn đồng rouble. Theo các phân tích gia của ngân hàng Deutsche Bank, Nga phải thuyết phục được phương Tây bãi bỏ các biện pháp trừng phạt để các ngân hàng Nga lại tiếp cận được nguồn vốn. Đó không phải là điều đơn giản vì Mỹ và EU không bao giờ công nhận việc Nga chiếm Crimea. Đó chính là lời tuyên bố của bà Federica Mogherini, tân Cao ủy ngoại vụ của EU vào đầu tuần này. Một điều đáng lưu ý là bà Federica Mogherini có thái độ rất mềm mỏng với Nga khi còn là Bộ trưởng ngoại giao Italia và chính phủ nước này cùng với Hungary và Slovakia không ủng hộ việc gia hạn trừng phạt kinh tế Nga.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU sẽ hết hạn vào tháng ba. Để gia hạn các biện pháp này thì EU phải đồng thuận, nghĩa là tất cả các thành viên EU phải nhất tri. Nga hy vọng sẽ chia rẽ được EU để đạt được mục đích bãi bỏ cấm vận. Xem ra đó không phải là điều dễ dàng vì Đức, Anh và nhiều nước khác tỏ ra rất cứng rắn. Hơn nữa chúng ta không quên tới vai trò của Mỹ, siêu cường số một của thế giới và là nước bảo vệ châu Âu trên thực tế.
Tình hình kinh tế của Nga xem ra khó khả năng hồi phục được trong vài năm tới. Triển vọng bãi bỏ cấm vận rất mong manh, dầu mỏ khó có thể quay trở lại mức 100 USD/barrel cho tới năm 2017. Đối với Putin và các cộng sự của ông thì đây là một bài toán cực khó. Chúng ta hay chờ xem họ sẽ giải quyết ra sao.
L.M.
Tác giả gửi trực tiếp BVN