Ðiểm Báo Pháp – 29/10/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 29/10/22

Nga không đủ sức chịu đựng một cuộc chiến tranh hao mòn

Putin không thể thắng được một cuộc chiến tiêu hao, vì nền kinh tế và kỹ nghệ quốc phòng Nga không chịu đựng nổi, dù vậy ông ta vẫn tiếp tục đương đầu với toàn bộ phương Tây. Quân Nga liên tục thất bại ở Kherson (miền nam), Donbass (miền đông) ; vũ khí Nga sử dụng ngày càng thô sơ trong khi Ukraina càng lúc càng hiện đại. Về phía dân Nga, lệnh động viên từng phần hồi tháng Chín là một cú sốc lớn, hàng ngày các gia đình vẫn nhận được tin tức về sự thiếu chuẩn bị của các trung tâm tuyển mộ và điều kiện sống tồi tệ của tân binh.

Cần nhớ rằng số người chạy trốn khỏi đất nước cao gấp ba lần số bị bắt lính, tác động đến nền kinh tế, khiến người Nga cảm thấy tương lai u tối không lối ra. Giới tinh hoa bẳt đầu ý thức được Putin không phải là thế mạnh mà là gánh nặng cho hệ thống. Cũng như Tập Cận Bình, Vladimir Putin là trung tâm các vấn đề của Nga, uy tín ông ta xuống dần, nhiều con «thiên nga đen» đang đe dọa bầu trời Nga.

Về các nhân vật xung quanh Putin, theo chuyên gia Baev, thủ lãnh Chechnya, Ramzan Kadyrov thực ra không gần gũi với Putin, nhưng ông ta sợ nếu Nga bại trận vùng Kavkaz sẽ bất ổn. Evgueni Prigojine, chủ công ty lính đánh thuê Wagner thì không có được lực lượng trung thành như Kadyrov. Còn bộ trưởng quốc phòng Serguei Shoigu, trái với tin đồn, Putin không có lợi gì khi loại một người trung thành như vậy. Shoigu và tổng tham mưu trưởng Valeri Guerassimov vẫn sẽ tại vị; tướng Serguei Surovikin vừa được bổ nhiệm chỉ huy trưởng mặt trận đang trở thành nhân vật trung tâm, sẵn sàng thi hành khi Kremlin muốn tung ra một đòn lớn.

Giờ tàn cuộc của Putin sắp điểm?

Đối với tầng lớp ưu tú, chứng kiến thất bại cũng như phải uống một chén thuốc đắng. Mới cách đây một năm, họ tin rằng nước Nga là đại cường, quân đội nắm giữ công nghệ trong nhiều lãnh vực. Thực tế bỗng cho thấy chỉ là ảo tưởng. Sự thụt lùi còn trong lãnh vực năng lượng và vị thế trên trường quốc tế.

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng Chín, chỉ có 5 nước (Bắc Triều Tiên, Belarus, Nicaragua, Syria và…Nga) ủng hộ việc sáp nhập bốn vùng đất của Ukraina. Đó là cái tát cho Putin. Ngay cả Trung Quốc tuy muốn thay đổi trật tự quốc tế để mở rộng ảnh hưởng, nhưng cũng không phải là phá vỡ tất cả. Putin sẽ phải mất rất nhiều thời gian để nuốt trọn chén đắng này, vì ông không phải là người dễ dàng chấp nhận thất bại.

Ý thức về sự xuống dốc của đất nước chỉ có được sau hồi kết của Putin, vốn không còn xa nữa. Ngày tàn của ông chủ điện Kremlin sắp đến. Ngày càng thấy rõ cuộc chiến tranh này là cuộc chiến của Putin, thất bại đang diễn ra là thất bại của Putin, và không thể có được giải pháp nếu Putin không ra đi. Việc này sẽ diễn ra như thế nào? Mỗi vụ đảo chánh đều khác nhau, nhưng những vụ thành công đều xảy ra bất ngờ. Một ngày nào đó, chúng ta thức giấc với chữ «Breaking News» trên màn hình, và ngày đó không còn quá xa.

Thời kỳ hậu Putin sẽ là một tiến trình. Ban đầu, lãnh đạo mới sẽ là một tập thể, dần dà nối lại đối thoại với phương Tây, có những nhân nhượng về vấn đề Ukraina. Đó sẽ là thời kỳ rất bất ổn với những vụ thanh toán, loại trừ, phản kháng, dê tế thần…với dư chấn là sự sụp đổ của Lukashenko ở Belarus, Kadyrov ở Kavkaz. Các thành viên ban lãnh đạo mới cũng sẽ cố gắng thu hồi những tài sản riêng của họ đang bị phương Tây phong tỏa.

Giới tinh hoa Nga bắt đầu nghĩ về một tương lai không có Putin

Tương tự, The Economist nhận thấy «Tầng lớp ưu tú của Nga bắt đầu suy nghĩ về một tương lai không có Putin». Tuy là một điều trước đây không thể tưởng tượng được, nay ít nhất việc truất phế đã được tính đến.

Putin sẽ ra đi như thế nào, ai sẽ thay thế ông ta? Những câu hỏi này bắt đầu đặt ra cho giới tinh hoa vẫn đang theo dõi những bước tiến của quân đội Ukraina, lớp người trẻ có học bỏ chạy khỏi Nga, phương Tây không nhượng bộ trước săng-ta năng lượng và nguyên tử của Vladimir Putin. Mọi người thấy rằng Putin đã sai lầm và đang thua cuộc. Nhà phân tích Kirill Rogov nói: «Chưa bao giờ Putin lâm vào tình trạng này trong suốt 23 năm trị vì». Ông chủ điện Kremlin đã từng gặp phải tình huống khó khăn, như vụ nổ tàu ngầm Koursk năm 2000 làm 118 thủy thủ thiệt mạng, hay vụ bắt con tin ở trường học Beslan năm 2004 làm 333 người chết, nhưng ông đều biết cách thoái thác trách nhiệm, duy trì hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Lệnh động viên «từng phần» đã làm xã hội phải dấn sâu vào xung đột, toan tính đưa nước Nga vào một cuộc «Chiến tranh vệ quốc vĩ đại» mới đã thất bại. Ông Putin không thể thắng được cuộc chiến này vì ngay từ đầu không có mục tiêu rõ ràng, và bị thua đau như vậy thì khó thể kết thúc mà không cảm thấy nhục nhã. Ngay cả khi xung đột chấm dứt, cũng không thể trở về cuộc sống bình thường thời trước. Trong khi đó kinh tế bắt đầu thấm đòn trừng phạt, thiếu lao động có trình độ, lòng tin của người tiêu dùng giảm.

Việc bại trận có thể dẫn đến sụp đổ chế độ, và chuyên gia Tatyana Stanovaya đặt vấn đề, liệu giới tinh hoa có sẵn sàng đi đến cùng với Putin hay không, nhất là trước đe dọa dùng vũ khí nguyên tử? Tuần này, Ksenia Sobchak, người được cho là con gái đỡ đầu của Putin đã trốn khỏi Nga bằng cách đi bộ qua biên giới Litva. Nhà độc tài Matxcơva muốn biến Ukraina thành một Nhà nước thất bại, nhưng thay vào đó, ông đã biến nước Nga thành kẻ bại trận.

Ukraina thắng thế nhờ biết người biết ta

Cũng trên The Economist, thiếu tướng Úc về hưu Mick Ryan giải thích vì sao Ukraina có thể tiếp tục giành thắng lợi trước quân Nga. Có một số bài học được rút ra.

Trước hết, chiến thắng ở Kharkiv và Kherson cho thấy các chỉ huy quân sự Ukraina đã khéo léo phối hợp giữa số vũ khí tân tiến ít ỏi có được như Himars với sự yểm trợ trên không và chiến tranh điện tử, gây hiệu quả bất ngờ. Kế đến, Kiev có những sĩ quan cao cấp là những chiến lược gia hiểu rõ kẻ địch. Người Ukraina có kỹ năng hiếm hoi : vừa thấu hiểu lý thuyết hoạt động kiểu xô-viết, vừa được huấn luyện theo cách thức NATO.

Cuối cùng, những chiến dịch gần đây tỏ rõ khoảng cách trong phương thức hoạt động giữa hai quân đội. Ukraina cho phép lính và những người chỉ huy linh hoạt tùy theo tình hình chiến trường, Nga thì vẫn cứng nhắc như thời Liên Xô. Với khả năng tổ chức những chiến dịch quân sự đa dạng cùng lúc, cách chỉ huy khôn ngoan và phối hợp tốt với mặt trận truyền thông, Ukraina nắm vững thế trận một cuộc chiến tranh hiện đại mà nhiều nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, đang quan sát kỹ lưỡng.

Thua trên chiến trường, Nga phá hoại để Kharkiv chìm trong bóng tối

Tại Ukraina, Courrier International dịch bài phóng sự của Süddeutsche Zeitung với tựa đề là lời tố cáo của người dân «Ở Kharkiv, người Nga muốn dìm chúng tôi trong giá rét và bóng tối».

Tờ báo Đức mô tả, khi màn đêm buông xuống, Kharkiv cũng tắt lịm. Không còn một bảng đèn hiệu nào, không có cả đèn đường, chỉ có những căn hộ leo lét hắt bóng, vài người chủ dẫn chó đi dạo trên những con đường vắng vẻ với tia sáng xanh chập chờn từ điện thoại di động. Hệ thống xe điện ngầm chiếm 1/3 số năng lượng tiêu thụ của thành phố, nên thị trưởng muốn tiết kiệm thêm. Các thang cuốn ngưng chạy, ánh sáng giảm còn phân nửa tại các trạm, xe điện mặt đất và xe buýt chạy thưa hơn.

Chính quyền đã mua các máy phát điện cho bệnh viện và những cơ sở hạ tầng quan trọng, người dân cũng vậy nhưng nay khó thể tìm mua. Gieo rắc sợ hãi cho dân chúng, biến các thành phố Ukraina thành nơi không thể sống được nay là mục đích của Matxcơva. Nhưng nhìn dưới góc độ lạc quan thì đây là điều tích cực. Ban đầu Nga tưởng là sẽ thắng nhanh nên không đụng đến các nhà máy điện, còn nay Kremlin hiểu rằng sẽ không chiếm được Ukraina nên chuyển sang phá hoại, «ăn không được khuấy cho hôi».

Với Tập Cận Bình, chính trị là việc của nam giới

Nhìn sang châu Á, L’Express nhận thấy «Đối với nhân vật siêu bảo thủ Tập Cận Bình, chính trị là chuyện của đàn ông». Sự vắng bóng của phụ nữ trong Bộ Chính trị cho thấy cách nhìn gia trưởng của xã hội và của một chủ tịch đang nắm trọn mọi quyền hành.

Mao Trạch Đông nói rằng «Phụ nữ nắm giữ phân nửa bầu trời». Nhưng từ năm 1949 đến nay, không có khuôn mặt nữ nào được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên. Và chỉ có 8 phụ nữ được tham gia cấp thấp hơn là Bộ Chính trị, trong đó có vợ thứ tư của Mao và vợ thủ tướng Chu Ân Lai. Sự mất cân bằng nam nữ trong đảng cộng sản (khoảng 30% trong số 97 triệu đảng viên) và mức độ trách nhiệm lại càng tăng lên trong đại hội đảng thứ 20. Bộ Chính trị 24 người kỳ này toàn là nam, sau khi ủy viên nữ duy nhất, bà phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) nghỉ hưu. Những phụ nữ có mặt trong đại hội chỉ là các cô gái phục vụ trà nước cho đại biểu.

Lần đầu tiên từ 25 năm qua, truyền thống phải có ít nhất một khuôn mặt nữ trong Bộ Chính trị của đất nước 1,4 tỉ dân không được tôn trọng. Nhưng Tập Cận Bình vốn đã phá vỡ tất cả những quy định đặt ra sau thời Mao, cũng chẳng cần ngó ngàng đến truyền thống này. Độc đoán và dân tộc chủ nghĩa, vị chủ tịch «oai trùm thiên hạ» còn là một nhân vật cực kỳ bảo thủ và gia trưởng.

Đối với ông ta, chỗ của phụ nữ là trong gia đình, trước tình trạng sinh suất ngày càng đi xuống. Các nhà đấu tranh MeToo đừng hòng mon men, sẽ nhanh chóng bị đàn áp. Khó thể hình dung một đất nước mà gần phân nửa dân số bị loại ra khỏi những quyết định quan trọng, lại có thể giải tỏa được vấn nạn không muốn có con. Tuy nhiên đối với Tập Cận Bình, điều cốt yếu là củng cố được quyền lực – giữa những người đàn ông với nhau – mặc kệ hình ảnh của ông ở phương Tây ngày càng thêm xấu xí.

Phụ nữ Iran đi đầu trong «Mùa thu Ba Tư»

Dành hồ sơ cho cuộc đấu tranh của phụ nữ Iran, trong bài xã luận L’Obs tỏ ra thán phục «Mùa thu Ba Tư». Những thiếu nữ để đầu trần thản nhiên đi metro ở Teheran như không có chuyện gì, những phụ nữ gỡ khăn quàng đi một mình hay thành từng nhóm trong thành phố. Những người đàn ông biểu tình bên cạnh họ, trong các trường đại học, trên đường phố, ở những khu nhà, với tiếng hô «Phụ nữ, cuộc sống, tự do» và «Đả đảo độc tài» – giáo chủ Ali Khamenei. Một tháng rưỡi sau cái chết của Mahsa Amini, cô gái bị cảnh sát đánh chết chỉ vì đeo khăn choàng đầu không đúng cách, những hình ảnh vừa khó tin vừa gây xúc động từ Iran cho thấy cuộc nổi dậy đang bắt rễ, với làn sóng phẫn nộ đòi hỏi tự do.

Bất chấp internet bị kiểm duyệt, không có sự hiện diện của truyền thông quốc tế, những chứng cứ về các cuộc đình công, biểu tình, đụng độ hàng ngày vẫn đến được với thế giới. Dù bị đàn áp dã man: 215 người thiệt mạng trong đó có khoảng 20 trẻ em, và hàng ngàn người bị bắt, từ thủ đô Teheran cho tới các vùng quê, cả một dân tộc đã đứng dậy chống lại nền độc tài của các giáo sĩ Hồi giáo và sự đàn áp từ 43 năm qua.

Một sự vùng dậy bắt đầu từ phụ nữ, đã sản sinh ra một cuộc cách mạng dường như đang thay đổi vận mệnh đất nước. Khác với những đợt phản kháng từ 2009 đến 2019 đòi tự do hóa chế độ hay chống lại vật giá gia tăng, cuộc nổi dậy hiện nay là từ tình trạng kiệt quệ vì tham nhũng, trừng phạt của quốc tể. Tệ hơn nữa, nó tập hợp một tuổi trẻ hoàn toàn tách biệt với các nhà lãnh đạo già nua tự chôn chặt vào thần quyền đã quá lỗi thời, trong một đất nước mà đa số dân cư dưới 30 tuổi.

Nhát dao của Mỹ đâm trọng thương ngành bán dẫn Trung Quốc

Trên lãnh vực kinh tế, L’Express phân tích «Cuộc chiến tranh chất bán dẫn: Nhát dao chí mạng của Washington dành cho Trung Quốc». Ngày 07/10 bộ Thương Mại Hoa Kỳ loan báo kiểm soát ngặt nghèo việc xuất khẩu các bảng vi mạch tân tiến, như loại dùng cho hỏa tiễn định hướng, xe tự hành. Đặc biệt 31 định chế và công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách cấm giao dịch. Đa số nhà máy bán dẫn ở Hoa lục hoạt động 24/24 với hợp đồng bảo trì của các công ty Mỹ, nay phải ngưng.

Quyết định này ảnh hưởng đến các nhà cung cấp ngoại quốc như TSMC (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), ASML (Hà Lan); áp dụng cho cả công dân Mỹ liên quan đến việc phát triển hay sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc. Nguy cơ bị tước quốc tịch Mỹ khiến nhiều người gốc Hoa song tịch vội vã từ nhiệm. Chính quyền Biden kế tục chính sách của ông Donald Trump một cách hiệu quả, nhằm ngăn cản Trung Quốc chiếm được ngôi vị số 1 về công nghệ trong thế kỷ 21.

Hồi kết quan hệ làm ăn giữa Apple với Bắc Kinh

Tập đoàn Mỹ đầu tư rất nhiều vào các nhà máy ở Trung Quốc, hiện sản xuất 90% sản phẩm Apple, doanh thu từ Hoa lục chiếm 1/4 tổng thu của hãng. Ông Tim Cook, tổng giám đốc Apple thường xuyên sang Trung Quốc, có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Bắc Kinh, chấp nhận đòi hỏi xóa một số ứng dụng và chỉ cho lưu trữ dữ liệu trong phạm vi Hoa lục.

Nhưng nay Tim Cook đang chiêu dụ các đối tác mới. Hồi tháng Năm, ông tiếp đãi thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại trụ sở ở Mỹ, và sang năm sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ. Đây là hai nước chủ yếu được hưởng lợi từ sự chuyển hướng chiến lược của Apple. Tháng Chín, tập đoàn Mỹ bắt đầu cho xuất xưởng mẫu mới iPhone 14 tại Ấn Độ, và trước đó một tháng cho biết sẽ khởi động sản xuất máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam. Hiện nay gần phân nửa số tai nghe AirPod được làm ở Việt Nam và từ nay đến 2025 tỉ lệ này sẽ lên đến 2/3.

Có thể kể ra các lý do: Phong tỏa khắt khe vì Covid, lương trung bình ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với Ấn Độ và Việt Nam, thị trường Hoa lục giảm sút, nhưng chủ yếu là địa chính trị. Căng thẳng Mỹ-Trung khiến việc làm ăn với Trung Quốc trở nên khó khăn, sự cứng rắn và dân tộc chủ nghĩa của Tập Cận Bình khiến Apple nay muốn khăn gói ra đi.

Phải chăng ngày tàn của ông chủ điện Kremlin sắp đến?

Cuộc chiến tranh này là cuộc chiến của Putin, ông đang thất bại, không thể có được giải pháp nếu Putin không ra đi. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thức giấc với chữ «Breaking News» trên màn hình, và ngày đó không còn quá xa. Tầng lớp ưu tú của Nga bắt đầu suy nghĩ về một tương lai không có Putin, tuy điều này trước đây không thể tưởng tượng ra nổi.

Trang bìa L’Express tuần này đăng hình vẽ một trạm xăng trên nền đen, kể ra «Siêu lợi nhuận, khí hậu, lương bổng, Nga» và chạy tít lớn «Bị cáo Total, hãy đứng dậy!». Cũng về năng lượng, Le Point chạy tựa «Điện: Điều tra về một thất bại của Pháp». L’Obs đăng ảnh một phụ nữ biểu tình đang giơ cao dấu hiệu chiến thắng, nhấn mạnh «Iran: Tự do chống lại các giáo sĩ», ảnh bìa của The Economist cũng tương tự, với câu hỏi «Phụ nữ Iran có sẽ chiến thắng?». Courrier International dành hồ sơ cho «Hàn Quốc, cỗ máy giải trí». Ở các trang trong, chiến tranh Ukraina và tình hình Trung Quốc tiếp tục chiếm nhiều giấy mực các tuần báo.

29/10/2022 – Thụy My

RFIViet