‘Ngày quan trọng’ trong kỳ Đại hội Đảng XII
Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa chính thức khai mạc và diễn ra trong vòng một tuần tại Hà Nội.
Một trong những nội dung quan trọng nhất là bầu dàn lãnh đạo mới cho năm năm tới.
Tổng số có 1.510 đại biểu, đại diện cho 4,5 triệu đảng viên toàn quốc tham dự đại hội.
Các đại biểu được bầu chọn trong kỳ đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành, với số lượng mỗi tỉnh thành cử đi do Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân bổ.
Trong kỳ Đại hội 12, đoàn Hà Nội có 61 người, trong đó có bốn đại biểu đương nhiên, đoàn TP Hồ Chí Minh được 35 đại biểu chính thức và bảy đại biểu đương nhiên.
Các đại biểu đương nhiên có quyền dự Đại hội Đảng gồm các ủy viên Bộ Chính trị, và Ủy viên chính thức hoặc dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương.
Các đại biểu sẽ bầu chọn tân Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Vào một trong những ngày chót của kỳ đại hội, tân Ban chấp hành sẽ họp để bầu ra Bộ Chính trị gồm 16 người, là các thành viên đã có chân trong Ban Chấp hành.
Sau đó, Bộ Chính trị sẽ chọn người vào vị trí tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch nước.
Ứng viên cho chức tổng bí thư sẽ phải được Đại hội chuẩn thuận, theo dự kiến là một ngày trước ngày bế mạc Đại hội 28/1.
Thủ tướng và chủ tịch nước sẽ cần được Quốc hội đồng ý trong vòng sáu tháng. Tuy nhiên, thủ tục này được coi chỉ mang tính hình thức.
Trước khi chính thức khai mạc vào ngày 21/1, Đại hội 12 đã có phiên họp trù bị hôm 20/1 và trước đó là ba kỳ Hội nghị Trung ương (12, 13 và 14) với những bàn thảo quyết liệt về nhân sự cho nhiệm kỳ mới.
Hội nghị Trung ương các kỳ là sự kiện chỉ dành riêng cho các ủy viên Ban Chấp hành, gồm cả các ủy viên chính thức lẫn dự khuyết.
Trong kỳ Hội nghị 13, Ban Chấp hành khóa 11 đã thông qua danh sách các nhân vật được Ban Chấp hành nhất trí giới thiệu ứng cử vào Ban Chấp hành khóa 12, vào Bộ Chính trị, Ban Bí Thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, các trường hợp nhân sự “đặc biệt”, quá tuổi tái cử vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt đã phải để lại để tiếp tục thảo luận trong Hội nghị 14.
Diễn văn bế mạc Hội nghị 14 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xác nhận có phương án nhân sự ‘tái cử’ ở cấp cao nhất để trình Đại hội Đảng 12, nhưng không nêu ra bất cứ một tên tuổi nào cho việc ‘đặc biệt tái cử’ này.
Tuy nhiên, Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các cuộc biểu quyết tại Hội nghị 14 đã đạt được “với số phiếu rất tập trung”.
Mô tả kỳ họp ba ngày là “dân chủ, đoàn kết, tập trung”, vị Tổng bí thư 71 tuổi nói rằng Hội nghị 14 đã “thành công rất tốt đẹp”, một tuần trước kỳ Đại hội Đảng 12.
Để được có mặt trong Đại hội 12, các đại biểu phải là người được bầu chọn trong kỳ đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành, với số lượng mỗi tỉnh thành cử đi do Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân bổ, trừ các trường hợp được đương nhiên tham dự.
Lần này, đoàn Hà Nội có 61 người, trong đó có bốn đại biểu đương nhiên, đoàn TP Hồ Chí Minh được 35 đại biểu chính thức và bảy đại biểu đương nhiên.
Các đại biểu đương nhiên gồm các ủy viên Bộ Chính trị, và Ủy viên chính thức hoặc dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương.
Tại Đại hội 12, theo kế hoạch, các đại biểu thảo luận văn kiện trong ba ngày trước khi tiến hành bàn về vấn đề nhân sự, với lịch trình cụ thể như sau:
- 21-23/1: Các đại biểu thảo luận văn kiện
- Chiều 23/1: Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 báo cáo về công tác nhân sự khóa mới; Đại hội thảo luận và biểu quyết về số lượng thành viên Ban Chấp hành khóa 12. Ban chấp hành Trung ương khóa 11 đã đưa đề xuất theo hướng Ban Chấp hành khóa mới sẽ có 180 ủy viên chính thức, tức là thêm 5 người so với khóa 11, và 20 ủy viên dự khuyết.
- 24/1: Đại hội thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành khóa 12; Đoàn Chủ tịch Đại hội nhận danh sách ứng cử, đề cử từ các đoàn đại biểu
- 25/1: Đoàn Chủ tịch xem xét các đơn xin rút lui, nếu có, và chính thức đưa danh sách đề cử, ứng cử để Đại hội biểu quyết thông qua; Đoàn Chủ tịch gồm 17 người, gồm 16 đương kim Ủy viên Bộ Chính trị và bà Hà Thị Khiết, người đã tham gia tám kỳ đại hội, được bầu trong phiên họp trù bị hôm 20/1
- 26/1: Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 trong buổi sáng; Buổi chiều Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả và công bố danh sách ủy viên trung ương khóa mới
- 27/1: Tân Ban Chấp hành họp phiên thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- 28/1: Tân Ban Chấp hành báo cáo kết quả bầu chọn trước Đại hội; tân Tổng Bí thư đọc diễn văn bế mạc