Ngày phụ nữ mồng 8 tháng 3 năm nay mang tên: Ngày Đoan Trang
Phạm Đình Trọng
7-3-3018
1. Đoan Trang đã nói thẳng lí tưởng sống của mình, đã viết ra cái slogan cuộc đời mình: Tôi đấu tranh để chống độc tài, và nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó.
Lí tưởng sống của Đoan Trang cũng chả khác gì với lí tưởng sống của Karl Marx, người khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản. Fredrick Engels, người học trò, người bạn cùng lí tưởng đã khái quát, tổng kết cuộc đời K. Marx như sau: Chủ đích chính trong cuộc đời của ông là lật đổ xã hội tư bản cùng các định chế do chế độ này lập nên.
Giữa thế kỉ 19, sau cuộc cách mạng dân chủ tư sản long trời lở đất ở thế kỉ 18, một giai cấp mới đầy hoài bão và đầy sức mạnh nhảy lên vũ đài chính trị, lập lên một thể chế mới, một nhà nước mới, nhà nước tư bản hoang dã. Hoang dã vì nhà nước này không từ một thủ đoạn tàn ác, man rợ nào, hối hả tích lũy tư bản, tàn bạo bóc lột sức lao động làm thuê của thợ thuyền và hăm hở đi xâm lược các nước đang còn chìm đắm trong chế độ phong kiến và nông nô, biến các nước chưa có sức mạnh công nghiệp thành thuộc địa để vơ vét, cướp đoạt tài nguyên. Nhà nước tư bản đã đi từ hoang dã tới văn minh,Ngày nay mọi hoạt động của nhà nước tư bản văn minh đều hướng tới con ngươi, vì con người, nâng phẩm giá con người lên.
Sống trong lòng xã hội tư bản đi đầu công nghiệp hóa, khi ở Đức, khi ở Anh, K. Marx viết tác phẩm mang tên Tư Bản kể tội nhà tư bản chạy đua lợi nhuận bất chấp đạo lí, bất chấp tính mạng, xương máu con người. Kể tội sự bóc lột tư bản làm tha hóa con người, biến con người chủ thể xã hội thành con người công cụ, con người nô lệ, con người hư vô. Bộ Tư Bản đồ sộ hàng ngàn trang công khai xuất bản, công khai phát hành khắp châu Âu.
Nhà nước tư bản vừa ra đời sau cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vừa bước vào thể chế dân chủ sơ khai nhưng ra đời trong bầu cử dân chủ, công khai, nhà nước tư bản đương nhiên phải mang linh hồn dân chủ và nhà nước tư bản đã coi bộ sách Tư Bản kể tội minh và tổ chức những người vô sản thành lực lượng chính tri lật đổ nhà nước tư bản chỉ là một công trình khoa học về xã hội và triết học. K. Marx cùng vợ và hai con gái tuy sống đam bạc túng thiếu trong xã hội tư bản đang rầm rộ công nghiệp hóa nhưng ông cùng gia đình hoàn toàn yên ổn, tư do, nhà nước tư bản không hề động đến ông, làm phiền ông
Giống như K. Marx, thức tỉnh người dân về chế độ độc tài cộng sản, Đoan Trang viết sách Chính Trị Bình Dân chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức pháp luật cho người đọc về quyền con người, quyền công dân, về một nhà nước pháp quyền đích thực, khác xa với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ nhằm nô dịch người dân, tước đoạt quyền con người của người dân đang diễn ra ở nhà nước cộng sản Việt Nam.
Nhưng số phận Đoan Trang trong nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam khác K. Marx ở chỗ quyển sách bình dị, hiền lành của Đoan Trang phải in trong bí mật tuyệt đối. Nhưng khi sách vừa đến với công chúng, công an nhà nước cộng sản liền lồng lộn săn đuổi, truy bức người viết sách, bất chấp quyền tư do ngôn luận, tự do bộc lộ chính kiến dưới mọi hình thức được bảo đảm trong hiến pháp. Công an nhà nước cộng sản kéo đến đông như kiến bao vây cả tòa chung cư Đoan Trang ở rồi xông vào nhà hành xử như xã hội đen, dùng sức mạnh cơ bắp bắt cóc Đoan Trang.
2. Lí tưởng sống của Đoan Trang, slogan cuộc đời Đoan Trang cũng là lí tưởng sống, là slogan cuộc đời của tất cả những người dấn thân vào cuộc đấu tranh đầy cam go, đầy bất trắc nhằm loại bỏ nhà nước độc tài sắt máu cộng sản Việt Nam.
Lực lượng đấu tranh giành lại những giá trị làm người, xây dựng xã hội tự do, dân chủ ngày càng đông đảo, ngày càng trẻ hóa, và ngay từ đầu lực lượng này đã hình thành hai hướng, hai mũi tấn công ngày càng mạnh mẽ vào chế độ độc tài cộng sản.
Mũi tấn công bằng lí luận vào học thuyết máu cộng sản. Mũi tấn công bằng ánh sáng chân lí vào mớ lí luận giáo điều, tăm tối của nhà nước cộng sản Việt Nam. Những bài viết sắc sảo, đầy trí tuệ, đầy thuyết phục của Hà Sĩ Phu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Khắc Mai, Lê Phú Khải … đã chỉ ra những sai trái và tội ác của học thuyết máu Mác Lê Mao, đã chỉ ra nhà nước cộng sản Việt Nam đang dấn sâu vào con đường phản dân tộc, chống nhân dân. Những bài viết đó như những tia sáng chiếu vào xã hội Việt Nam đang tăm tối trong tà quyền cộng sản có tác dụng rất lớn trong việc thức tỉnh người dân.
Mũi tấn công bằng hành động, trực tiếp đối mặt với bạo quyền cộng sản. Xuống đường biểu tình phản đối Tàu Cộng xâm lấn biển Việt Nam. Phản đối Formosa đầu độc biển Việt Nam. Nhà nước cộng sản Việt Nam đã huy động lực lượng lớn công an, quyết liệt đàn áp những cuộc biểu tình của lòng yêu nước. Sự đàn áp tàn bạo, man rợ đó đã bộc lộ đầy đủ bản chất phản nước hại dân của nhà nước độc tài công sản và đã sáng chói lên rất nhiều những khí phách lẫm liệt trước bạo quyền cộng sản, đã xuất hiện rất nhiều những nữ kiệt quả cảm, bất khuất. Bùi Thị Minh Hằng. Trần Thúy Nga. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Hồ Thị Bích Khương. Trần Ngọc Anh…
Một hình hài bé nhỏ nhưng với trí tuệ mẫn tiệp, với tư duy sắc sảo và với ý chí quyết không chấp nhận sự tồn tại của nhà nước độc tài cộng sản đầy tội ác trên đất nước Việt Nam thương yêu, quyết loại bỏ nhà nước tồn tại bằng máu dân đó ra khỏi đời sống chính trị đất nước, ra khỏi cuộc sống bình yên của nhân dân, Đoan Trang đã có mặt ở hàng đầu trên cả hai mặt trận, trên cả hai mũi tiến công ngày càng mạnh mẽ vào nhà nước độc tài cộng sản.
Ngày Phụ nữ 8 tháng ba năm nay tất cả chúng ta cùng hướng về những nữ kiệt Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Thị Bích Khương, Trần Ngọc Anh… Mà tiêu biểu cho những nữ kiệt đó chính là khí phách Đoan Trang. Và chúng ta sẽ gọi ngày phụ nữ 8 tháng ba năm nay là ngày Đoan Trang, ngày của những tâm hồn đẹp phụ nữ Việt Nam.
Ngày phụ nữ mồng 8 tháng 3 năm nay mang tên: Ngày Đoan Trang