Ngày nhân quyền Việt Nam và ‘cơ hội’ trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ
Các giới chức Mỹ khẳng định nhân quyền là một trong những điểm chính sẽ được Tổng thống Barrack Obama đề cập đến trong chuyến thăm Việt Nam vào hạ tuần tháng 5. Khẳng định này được đưa ra tại trụ sở Quốc hội hôm thứ tư, khi các nhà lập pháp và quan chức chính phủ đến dự buổi lễ hàng năm đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam. Khánh An tường trình từ Trụ sở Quốc hội Mỹ.
Tham dự sự kiện do cộng đồng Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tim Kaine, có Phó trợ lý Ngoại trưởng Scott Busby, Thượng nghị sĩ John McCain, nữ Dân biểu Barbara Compstock, Dân biểu Chris Smith, cựu nữ Dân biểu Leslie Byrne… và đại diện các cơ quan truyền thông và tổ chức nhân quyền.
Nói về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Barrack Obama, ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, cho biết:
“Chuyến thăm là một cơ hội đặc biệt để tăng cường quan hệ giữa hai nước trong nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi muốn nhấn mạnh rằng một trong những khía cạnh đó là nhân quyền, điều vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng. Tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng một trong những điểm chính mà Tổng thống Barrack Obama sẽ đề cập tới với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam là tầm quan trọng của việc Việt Nam cải thiện tôn trọng nhân quyền. Và mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ có thể sâu sắc hơn nếu có những cải thiện như vậy về vấn đề nhân quyền.”
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng dẫn thông tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama còn gặp gỡ các đại diện xã hội dân sự, các bạn trẻ của Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á và giới doanh nhân, để chứng tỏ sự gắn kết của chính phủ Mỹ với tất cả các thành phần dân chúng, chứ không phải chỉ với chính quyền Việt Nam.
Cựu Dân biểu Leslie Byrne, một trong những người đã đề xuất ý tưởng về Ngày nhân quyền Việt Nam cách đây 22 năm, nhắc lại việc bà đã đề cập đến việc Việt Nam muốn gia nhập TPP thì phải tôn trọng nhân quyền. Bà nói:
“Tôi nhắc lại một lần nữa rằng bạn không thể bán rẻ các quyền cơ bản của mình chỉ với vài đôla. Tôi cảm nhận điều này rất rõ vì sau 22 năm, chúng ta thấy rằng càng đem cho chế độ cộng sản nhiều thì càng chẳng có được lợi ích gì từ họ. Do đó tôi tin rằng đây là lúc chúng ta phải mạnh tay hơn với chế độ cộng sản, phải làm áp lực nhiều hơn thay vì để cho họ nhận được càng ngày càng nhiều mà không phải trả giá gì.”
Nữ cựu dân biểu bày tỏ hy vọng ở thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối công cuộc đấu tranh cho nhân quyền nhằm giúp cho những người yếu thế có tiếng nói và được lựa chọn chính quyền mà họ tự hào và biết chắc sẽ làm việc vì lợi ích người dân.
Một thành viên trong ban tổ chức sự kiện, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, cho biết ngoài những vấn đề nóng như chuyến thăm của Tổng thống Obama sắp tới, việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam, Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày Nhân quyền Việt Nam năm nay đặc biệt chú trọng đến các tù nhân chính trị.
“Chúng tôi đang chú trọng nhiều nhất đến vấn đề các tù nhân chính trị đang bị giam giữ, đặc biệt như trường hợp Luật sư Nguyễn Văn Đài, Anh Ba Sàm, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Mục sư Nguyễn Công Chính, và hai lãnh tụ nghiệp đoàn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Ngoài chuyện trả tự do cho các tù nhân chính trị, chúng tôi cần những sự thay đổi gốc rễ về để tạo nền tảng căn bản cho nhân quyền Việt Nam, dân chủ Việt Nam.”
Những thay đổi mà ông Quân đề cập bao gồm việc bãi bỏ các điều luật mơ hồ thường dùng để bắt giam người bất đồng chính kiến; hủy bỏ việc khám xét nhà, vô cớ bắt người mà không có án lệnh từ tòa án; và những thủ tục xét xử tại tòa án phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Ngoài ra chúng tôi cũng vận động cho một cuộc bầu cử tự do để dân chúng Việt Nam có thể chọn những người lãnh đạo phù hợp với nguyện vọng của mình.”
Vận động cho việc đòi quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do internet và quyền sở hữu tài sản mà người dân Việt Nam hiện chưa có được cũng là một trong những chủ điểm của Ngày nhân quyền.
Vấn đề thảm họa môi trường cũng được Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam ở khu vực DC, Maryland và Virgina, nhắc đến:
“Chúng ta cần phải nói đến thảm họa môi trường tại Việt Nam hiện tại. Vô số cá tôm chết hàng loạt dọc theo bờ biển ở các tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam.”
“Vấn đề quan trọng này cần phải được lưu ý. Tệ trạng này phải được chấm dứt để bảo vệ cho sức khỏe của người Việt Nam.”
Mặc dù Ngày nhân quyền Việt Nam đã có từ 22 năm, nhưng trên thực tế, nhiều người dân ở Việt Nam vẫn chưa biết đến các quyền cơ bản của mình. Hơn 10 năm trước, cơ quan NED chuyên giúp về vấn đề dân chủ, nhân quyền, đã giúp thành lập một đài phát thanh nhỏ ở Việt Nam để cổ xúy việc nâng cao dân trí người dân, giúp cho họ nhận được nguồn tin tức trung thực, giúp người dân nhận biết các quyền của mình và đòi hỏi được nhận những quyền căn bản đó. Bác sĩ Quân cho biết thêm:
“Sau khi họ giúp chúng tôi được 5 năm, chúng tôi đã tự túc và tiếp tục làm thêm 7 năm nữa. Hiện giờ là năm thứ 12 và chúng tôi cũng có những website để hướng dẫn đồng bào vào đó đọc để biết thế nào là tự do, dân chủ, hay có những đời sống ở các nước trên thế giới khác với đời sống của người dân ở Việt Nam, thí dụ như bầu cử ở Mỹ, ở Đài Loan, khác với bầu cử ở Việt Nam như thế nào.”
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân cho biết những nỗ lực ‘cập nhật’ thông tin âm thầm của họ đã được nhiều tổ chức, cá nhân khác tiếp nối. Ông cho biết trong hai năm qua, sự kiện Ngày nhân quyền Việt Nam đã được truyền trực tiếp trên mạng để người dân trong nước có thể theo dõi. – VOA