Ngày Môi Trường Thế Giới 2020: Đa dạng sinh học – Biodiversity (Phần I) – Mai Thanh Truyết

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ngày Môi Trường Thế Giới 2020: Đa dạng sinh học – Biodiversity (Phần I) – Mai Thanh Truyết

Ngày Môi tường năm 2020 đặt trọng tâm vào “Đa dạng sinh học – Biodiversity”. Chương trình Mội trường của Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố năm nay Columbia đăng cai Ngày Môi trường, phối hợp cùng với Đức.

Ngày Môi trường năm 2019 nhắm vào “Ô nhiễm Không khí”. Khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí, với khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở châu Á -Thái Bình Dương. Ngày Môi trường Thế giới 2019 sẽ thúc giục chính phủ, ngành công nghiệp, cộng đồng và cá nhân cùng nhau khám phá và phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ xanh nhằm cải thiện phẩm chất không khí ở các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Theo một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc về ô nhiễm không khí ở châu Á và Thái Bình Dương, thực hiện 25 chính sách công nghệ có thể giảm tới 20% lượng khí carbon dioxide và giảm 45% lượng khí thải mêthan trên toàn cầu, làm giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu đến 0,30C.

Ngày Môi trường năm 2018 rất đặc biệt vì lần đầu tiên được hô hào và hạ quyết tâm “Đập tan” Ô nhiễm Chất Dẻo – Beat Plastic Pollution. Đây là một bước đồng hành cùng với Ngày Trái Đất ngày 22 tháng 3 vừa qua với chủ đề: Một Thế Giới Không Ô Nhiễm Chất Dẻo – A World Without Plastic Pollution.

Ngày Môi trường năm 2017 kết hợp yếu tố kết nối con người với thiên nhiên (Connecting People to Nature) nêu ra nhằm mục tiêu kêu gọi mọi công dân trên toàn cầu tiếp tục chủ đề năm 2016 là “Tham gia vào cuộc tranh đua để làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn”. Từ đó cho chúng ta thấy mọi vấn đề khách quan hay chủ quan (do con người) có thể phát sinh đều liên quan chặt chẽ lẫn nhau.

Erik Solheim, Trưởng Cơ quan Môi trường LHQ cho biết: “Ngày Môi trường Thế giới là ngày kỷ niệm tình yêu tập thể (collective love) phụ thuộc vào thiên nhiên. Ngày Môi trường Thế giới là một ngày cho mọi người, mọi nơi trên quả địa cầu nầy.

Chủ đề năm nay mời bạn suy nghĩ về tư thế của chúng ta với tư cách là một phần tử của thiên nhiên và chúng ta phụ thuộc vào thiên nhiên như thế nào. Điều đó thách thức chúng ta tìm ra những phương cách thú vị và tích cực để trải nghiệm và trân quý mối quan hệ quan trọng giữa con người với thiên nhiên. Vì vậy, chủ đề “Đa dạng sinh học” là lời nhắn gửi cho toàn cầu rốt ráo nhứt cho mỗi người chúng ta trong năm nay!

1-         Ngày Môi trường Thế giới

Kể từ năm 1972, hàng năm, chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tổ chức và vinh danh Ngày Môi trường Thế giới (World Environment Day hay World Ecos Day) vào ngày 5 tháng 6 nhằm mục tiêu nâng cao sự cảnh giác cho dân chúng toàn cầu về những vấn đề môi trường, cũng như kêu gọi mỗi người dân có hành động tích cực hơn trong việc bảo vệ trái đất.

Thông điệp trên nhằm mục đích kêu gọi tất cả những người quan tâm tập trung nhiều hơn về các nguy cơ mà môi trường chung phải đối mặt và động não về những hướng giải quyết các nguy cơ hiện đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Đa số trong chúng ta, ít ai nghĩ đến vấn đề MÔI TRƯỜNG. Với gần 8 tỷ nhân khẩu sống trong điều kiện “chật hẹp” hơn, diện tích sống hạn chế hơn, nguồn thực phẩm vẫn còn giới hạn hơn… Nếu chúng ta tiếp tục tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, chắc chắn các thế hệ tương lai sẽ …thiếu ăn và thiếu nơi “nghĩ chân”!

Đó là lý do sống còn, và là lý do tại sao chúng ta phải tiêu thụ nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu thiên nhiên có ý thức và không phí phạm!

2-         Giá trị của Thiên nhiên

Chúng ta cần thẩm thấu giá trị của thiên nhiên. Trong những thập kỷ gần đây, những tiến bộ khoa học cũng như các vấn đề môi trường đang gia tăng như sự thay đổi khí hậu đang giúp chúng ta hiểu được vô số lộ trình mà thiên nhiên hỗ trợ nhằm cân bằng sự biến thái của Trái đất do con người tạo ra.

Thí dụ:

* Toàn thể đại dương, rừng và đất của thế giới hành xử như một nhà máy tiếp nhận và thanh lọc các khí nhà kính như carbon dioxide và mêthan;

* Nông dân và ngư dân khai thác thiên nhiên trên đất liền và dưới nước để cung cấp cho chúng ta thức ăn;

* Các nhà khoa học khai triển các loại thuốc lấy từ hàng triệu loài tạo nên sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc của Trái đất;

* Hàng tỷ nông dân trên khắp thế giới dành mỗi ngày làm việc để ‘kết nối với thiên nhiên’ và hiểu được sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung cấp nước tự nhiên cũng như đất màu mỡ do thiên nhiên cung cấp. Họ là một trong những người đầu tiên chịu đựng khi các hệ sinh thái bị đe dọa, dù là do ô nhiễm, biến đổi khí hậu hoặc khai thác quá mức.

Chúng ta cũng có thể kết nối với thiên nhiên ngay trong thành phố, nơi các công viên lớn có thể là lá phổi xanh và là một trung tâm đa dạng sinh học. Bất kể bạn ở đâu, bạn có thể thề nhặt 10 (hoặc 100) mẩu rác, hoặc lấy cảm hứng từ các công dân của Mumbai, Ấn Độ, và tổ chức dọn dẹp các bãi biển.

Hoạt động của bạn không phải diễn ra vào ngày 5 tháng 6. Chẳng hạn, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) sẽ sớm bắt đầu kiểm tra kiến thức của bạn và nâng cao sự đánh giá của bạn về một môi trường lành mạnh.

Ngày Môi trường Thế giới năm nay thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết qua suy nghĩ là “chúng ta cần sự hòa điệu giữa nhân loại và thiên nhiên để cả hai đều có thể phát triển mạnh” – “we need harmony between humanity and nature so that both are able to thrive”.

3-         Suy nghĩ của chúng ta

Đây là một tiêu đề có thể áp dụng cho mọi người để bất chợt tự hỏi rằng: “Chúng ta sống như thế nào và cuộc sống đó ảnh hưởng lên trái đất ra sao?”

Từ đó, một chuổi câu hỏi khác hiện ra trong đầu trong mỗi chúng ta là:

Chúng ta ăn uống như thế nào?

Đi lại và mua sắm ra sao?

Đi du lịch và du hí…bằng phương tiện gì? v.v…

Từ những suy nghĩ đó, chúng ta sẽ nhận thức được là nếp sống bền vững rất cần thiết và là cốt lõi của việc bảo vệ môi trường. Theo ước tính của UNEP, vào năm 2050 dân số toàn cầu sẽ tăng lên 9,6 tỷ. Nếu mức tiêu thụ và sản xuất vẫn giữ nguyên với dân số 7 tỷ rưỡi như hiện nay, chúng ta cần phải có một diện tích tương đương với 3 lần trái đất cộng lại để đạt được lối sống như bây giờ.

Vì vậy, việc giữ được nguyên trạng nếp sống như ngày hôm nay cho năm 2050 cần phải có một chiến lược thông minh để bảo vệ một tương lai lành mạnh.

Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới về tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động nhằm bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, vào năm 2013, Ngày Môi trường Thế giới nhấn mạnh việc phí phạm thực phẩm, điều nầy không những cần được góp phần vào việc cứu đói mà còn là một việc làm tiêu hao tài nguyên của trái đất nữa! Nên nhớ, thức ăn dư thừa của học sinh tiểu và trung học tại Hoa Kỳ trong buổi trưa đủ để cung cấp thực phẩm cho một số dân 30 triệu trong một năm!

Nên nhớ, trong giây phút đổ một miếng hamburger dư thừa vào thùng rác, chúng ta cần nghĩ đến tình trạng trên thế giới hiện còn trên 120 triệu con người không có gì để ăn hàng ngày. Khi chúng ta đang đánh răng mà cứ để vòi nước tiếp tục chảy, chúng ta hãy nghĩ đến trẻ em ở Phi Châu phải đi hàng bao cây số để hứng lấy một, hai lít nước dơ đọng trong lỗ chân thú để uống!

Cũng vào năm 2013, thế giới nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh bảo vệ môi trường bằng “Giáo dục Môi trường và Khơi dậy Nhận thức” (Environmental Education & Awareness-raising), trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trên thế giới. Từ đó, chúng ta thấy rằng, vấn đề thực phẩm luôn luôn được nhắc nhở và được lập đi lập lại hàng năm nhằm kêu gọi mỗi công dân toàn cầu cần ý thức rõ ràng nguồn thực phẩm và nguồn nước sạch là nhu cầu cốt lõi của sự sinh tồn của nhân loại.

Trên đây là những khai niệm và ý thức về Ngày Môi trường. Trong mỗi chúng ta, nếu nhận thức rõ về Mẹ Thiên nhiên là các nguồn tài nguyên trên đất Mẹ không phải là vô tận, tận dụng và khai thác triệt để nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người, để rồi một ngày nào đó…Mẹ Thiên nhiên sẽ bị cằn cỗi và sẽ “CHẾT” đi như hiện tại đang xảy ra.

Hãy hình dung trong một tương lai không xa:

– Đất đai bị khô cằn, hoang hóa, sa mạc hóa…;

– Nguồn nước và nước sạch không đủ dùng cho nhân loại trên quả địa cầu;

– Nguồn carbohydrate (chất bột) và protein (chất đạm) không đủ cho dân số quá tải;

Và con người sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau trong việc tranh dành …miếng ĂN kể trên!

Và nên nhớ, hiện tại Bạn chỉ sống nhờ như người ở trọ trong Nhà Trái Đất; vì vậy khi trả lại nhà (khi chết đi), Nhà Trái Đất phải “sạch sẽ” như khi Bạn chào đời. Nếu không, Bạn ta sẽ mất …tiền “deposit” đó!

Mai Thanh Truyết

Ngày Môi trường 5 tháng 6, 2020