Ngay đầu năm mới, TQ đã nhận cảnh báo lạnh người
Ngày đăng 24-02-2018
Một sĩ quan cấp cao của Hải quân Mỹ hôm 17/2 đã phát đi một thông điệp sắc lạnh gửi đến Trung Quốc từ một vũ khí biểu tượng được mệnh danh là vũ khí bá chủ đại dương.
Sĩ quan cấp cao Tim Hawkins của Hải quân Mỹ đã đứng trên một chiếc tàu sân bay khổng lồ của Mỹ được trang bị hàng loạt chiến đấu cơ F-18 để phát đi thông điệp rằng các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông ở bất kỳ nơi nào trong vùng biển này được “luật pháp quốc tế cho phép”. Thông điệp này được phát đi sau khi ông Hawkins nhận được câu hỏi liệu những hòn đảo nhân tạo mới được Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông có thể giới hạn khả năng hoạt động của Mỹ ở những vùng biển tranh chấp hay không.
Trên chiếc tàu sân bay USS Carl Vinson, ông Hawkins nhấn mạnh, Hải quân Mỹ đã tiến hành những chuyến tuần tra định kỳ trên biển và trên không ở Biển Đông chiến lược trong 70 năm qua để tăng cường an ninh trong khu vực cũng như đảm bảo cho hoạt động giao dịch thương mại không bị cản trở ở những tuyến đường biển quan trọng sống còn đối với nền kinh tế Châu Á nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng này.
“Luật quốc tế cho phép chúng tôi hoạt động ở đây, cho phép chúng tôi bay trên bầu trời ở đây, cho phép chúng tôi huấn luyện ở đây, cho phép chúng tôi đi tàu ở đây. Đó là những hoạt động chúng tôi đang làm ở đây và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, ông Hawkins khẳng định một cách cứng rắn trên boong của con tàu khổng lồ có trọng tải 95.000 tấn. Chiếc tàu sân bay USS Carl Vinson đã neo đậu ở Vịnh Manila khi thực hiện chuyến thăm đến Philippines.
Hải quân Mỹ đã mời các phóng viên lên thăm chiếc tàu sân bay 35 tuổi. Con tàu này được trang bị 72 chiếc máy bay, trong đó có chiến đấu cơ F18 Hornet, trực thăng tấn công và máy bay giám sát.
Những phát biểu mới nhất của vị quan chức Hải quân Mỹ cho thấy nước này sẽ không khoan nhượng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Biển Đông đang là một vấn đề nổi cộm trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang trong vài năm trở lại đây khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên.
Tham vọng của Trung Quốc gây lo ngại với cộng đồng thế giới. Mỹ tin rằng, hành động của Trung Quốc gây đe doạ đối với sự tự do hàng hải ở Biển Đông chiến lược và sau thời gian chần chừ, né tránh một cách thận trọng, Mỹ bắt đầu công khai thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington liên tục nhấn mạnh nước này không công nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực lãnh hải xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Chiến dịch “tự do hàng hải” được thực hiện bằng cách đưa tàu chiến Mỹ vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Washington tuyên bố, đây là cách để Mỹ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như duy trì luật pháp quốc tế.
Việc Mỹ thường xuyên đưa tàu chiến vào Biển Đông, đặc biệt ở những khu vực lãnh hải đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, luôn khiến Bắc Kinh tức giận.