Ngân Hàng AIIB của TC sẽ bị chìm vì tranh chấp Biển Đông?
Cuộc họp của đại diện các nước sáng lập AIIB, Bắc Kinh, TC, 16/01/ 2016 – REUTERS/Mark Schiefelbein/Pool
Theo RFI – Trọng Nghĩa – 16-02-2016
Liệu Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á – tên quốc tế là AIIB – một ngân hàng do TC chủ trương, có bị vạ lây trong trường hợp TC bác bỏ phán quyết về Biển Đông của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sắp tới đây hay không? Trang mạng nghiên cứu của Mỹ Eurasia trong một bài phân tích công bố hôm nay 16/02/2016 đã không ngần ngại cho rằng AIIB rất có thể sẽ là nạn nhận đầu tiên của các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của TC ở Biển Đông.
Theo ghi nhận của tác giả bài phân tích, Ngân Hàng do TC sản sinh này dự trù sẽ cung cấp các khoản vay đầu tiên vào giữa năm 2016 này. Đó cũng là thời điểm mà một tòa án trọng tài của Liên Hiệp Quốc ở La Haye dự trù sẽ ra phán quyết định về việc Philippines kiện các yêu sách lãnh thổ quá đáng của TC trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Nếu bác bỏ phán quyết của tòa án và thẩm quyền của một định chế quốc tế được công nhận giải quyết vấn đề Biển Đông, theo Eurasia, TC có nguy cơ bị phản đòn dữ dội.
Theo Eurasia, lý do rất đơn giản : khi chính Bắc Kinh tạo ra tiền lệ coi thường một cơ chế trọng tài quốc tế, những quốc gia con nợ của TC trong tương lai, những nước sẽ vay tiền của Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, hoàn toàn có thể vin vào đó để không trả nợ.
Bắc Kinh lúc đó sẽ khó có thể cầu viện nơi các cơ chế trọng tài quốc tế để nhờ giải quyết hay áp đặt các biện pháp trừng phạt vì chính TC đã tự mình bác bỏ những phán quyết từ những định chế có uy tín trong việc giải quyết các tranh chấp đa phương.
Đối với Eurasia, vấn đề đối với TC sẽ rất hệ trọng vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xã hội trong nước.
Trong nhiều thập niên trước đây, TC chủ yếu là nước nhận đầu tư từ nước ngoài trên quy mô lớn. Trong tư cách đó, Bắc Kinh đã có thể viết ra – và tùy tiện thay đổi – các quy tắc.
Thế nhưng, trong những năm tới đây, TC sẽ ngày càng trở thành nước đi đầu tư, nhờ vào kho dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ đô la mà họ tích lũy được trong thời gian qua.
Ngân Hàng AIIB, theo Eurasia được tạo ra chính là để sử dụng kho dự trữ đó, vào mục tiêu duy trì được công ăn việc làm cho người TC, chủ yếu là tại hai đại tập đoàn trong lãnh vực hạ tầng là công ty Điện Quốc Gia và tập đoàn Đầu Khí Hải Dương CNOOC.
Hiện nay, nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ sở tại TC phần lớn đã bão hòa, các doanh nghiệp nhà nước này do đó cần hợp đồng ở nước ngoài để tránh sa thải nhân công gây mất ổn định chính trị. Thế nhưng khi đầu tư ra nước ngoài, họ phải thay đổi tư duy và cung cách làm ăn.
Hiện nay, TC cho rằng các nước láng giềng là – hoặc nên là – một phần mở rộng của TC, nơi áp dụng các quy định của đảng Cộng sản Trung Hoa.
Theo Eurasia, đường lưỡi bò của TC ở Biển Đông là một biểu hiện của điều này. Nó được đặt trên hai giả định mang tính chất hồi tố : khẳng định không chứng từ là chủ quyền TC đã có từ thời xa xưa, và tuyên bố cũng không chứng từ rằng đấy là chủ quyền không thể tranh cãi.
Đối với Eurasia, con nợ tiềm tàng của AIIB không thể không tự hỏi là liệu các tiêu chuẩn tương tự có thể được áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các khoản vay của AIIB hay không, liệu đất đai ở các nước thứ ba, dùng trong các công trình hạ tầng xây bằng tiền vay của AIIB có bị tuyên bố là thuộc chủ quyền «không thể chối cãi» của TC – một cách hồi tố – hay không?
Tóm lại, bài phân tích của Eurasia cho rằng các khách hàng tương lai của AIIB phải tính đến các rủi ro kể trên khi làm ăn với Ngân Hàng TC.