Nga xích gần Trung Cộng, Mỹ đối diện thách thức mới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nga xích gần Trung Cộng, Mỹ đối diện thách thức mới

Theo Bauxite Việt Nam – Peter Baker – Trần Ngọc Cư dịch

Washington — Tổng thống Obama bay tới Bắc Kinh hôm Chủ nhật để phục hoạt các nỗ lực tái tập trung chính sách đối ngoại Mỹ hướng tới châu Á. Tại đây, ông sẽ gặp một người đã làm nhiều điều khiến ông thất vọng: Tổng thống Nga Vladimir V. Putin. Đại sứ Nga tại Washington đã tuyên bố tuần trước: “Quí ngài xoay trục chiến lược hướng tới châu Á, nhưng chúng tôi đã hiện có mặt ở đó rồi”. Ông Obama trở lại châu Á vào thời điểm Nga xích lại gần Trung Cộng (TC) hơn, đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ và châu Âu. Bị phương Tây tẩy chay vì vấn đề Ukraine, Putin cũng sẽ có mặt tại Bắc Kinh tuần này trong nỗ lực tìm kiếm hậu thuẫn chính trị và kinh tế, cố gắng đảo lộn trật tự quốc tế bằng cách tạo một liên minh chống lại điều mà hai nước coi là thái độ kiêu căng của Mỹ. Phải chăng động thái này chỉ là một màn trình diễn thiếu thực chất? Đấy là một câu hỏi đã khởi động một cuộc tranh luận sôi nổi tại Washington, nơi mà một số quan chức chính phủ và chuyên gia quốc tế coi thường cái viễn cảnh về một liên minh có ý nghĩa giữa Nga và TC vì giữa hai nước có những bất đồng cơ bản. Nhưng một số người khác cho rằng chính quyền Obama cần phải coi mối đe dọa này là nghiêm trọng trong khi Moscow theo đuổi các hợp đồng năng lượng, tài chính và quân sự với Bắc Kinh. “Càng ngày chúng tôi càng quan tâm đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn nằm kề cận chúng tôi”, Sergei I. Kislyak, đại sứ Nga tại Washington nói. “Trung Quốc là đối tác tốt đối với chúng tôi”. Ông còn nói thêm rằng hợp đồng khí đốt thiên nhiên gần đây giữa Moscow và Bắc Kinh là một chút mùi vị của tương lai. “Nó chỉ là bước khởi đầu”, ông nói, “và quí vị sẽ chứng kiến càng ngày càng có nhiều dự án giữa chúng tôi và Trung Quốc”. Chiến lược xoay trục hướng về TC của Nga là một yếu tố được đưa vào một cuộc duyệt xét lại chính sách của Mỹ đối với Moscow do Nhà Trắng chỉ đạo hiện đang được tiến hành. Cuộc duyệt xét này đã đưa ra nhiều dự thảo chính sách để chống lại cái mà các viên chức chính phủ gọi là chủ nghĩa Putin [Putinism] qua dài hạn, đồng thời vẫn tìm kiếm các lãnh vực có thể hợp tác, đặc biệt về các vấn đề như Iran, chủ nghĩa khủng bố và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Mặc dù bên trong chính quyền không có một sự bất đồng quan điểm lớn về Putin, nhưng người ta đang tranh luận là Mỹ phải làm gì. Cuộc duyệt xét lại chinh sách đối với Nga đã chia các viên chức chính quyền thành hai phe đối nghịch nhau, một phe chủ trương mở rộng hợp tác với Nga, một phe chủ trương ngăn chặn sự bành trướng của Nga – theo nguồn tin của những người liên hệ. Vấn đề chính là cuộc tranh chấp Ukraine sẽ định hình mối quan hệ Mỹ-Nga và ảnh hưởng đến các lãnh vực khác mà hai nước cùng chia sẻ lợi ích như thế nào. Đối với các quan chức trong chính quyền Obama, nỗ lực của Putin nhằm thỏa hiệp với TC được coi là một cú đánh bất ngờ nhắm vào Washington, nhưng đây là một nỗ lực chứa đựng trong đó một lịch sử phức tạp, thiếu tin cậy lẫn nhau và sự chênh lệch kinh tế cơ bản sẽ làm cho nỗ lực này không thể kéo dài. “Hai bên sẽ lợi dụng lẫn nhau”, một quan chức Mỹ không muốn tiết lộ danh tánh, đã nói trong khi bàn về cuộc xét lại chính sách đối với Nga đang diễn ra trong nội bộ. “Và khi một trong hai nước trở nên mệt mỏi hay tìm ra một hiệp đồng tốt hơn, họ sẽ chụp lấy cơ hội”. Nhưng một số quan chức khác cảnh báo không nên đánh giá thấp tiềm năng của thỏa hiệp Nga-Hoa. “Có quá nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang trở nên vững mạnh hơn”, Gilbert Roznan, một học giả của Đại học Princeton, tác giả cuốn The Sino-Russian Challenge to the World Order [Thách đố Nga-Hoa đối với Trật tự Thế giới] và một bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng trước về đề tài này. Việc nối lại tình hữu nghị giữa hai nước đã diễn ra trước vụ Ukraine, Roznan nói thêm, nhưng bây giờ người ta “cảm thấy đây là một tiến trình không thể đảo ngược. Nga đang hướng tới TC”. Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Belfer về Các vấn đề Khoa học và Quốc tế tại Đại học Harvard, cho rằng Putin dường như đã tạo được một gắn bó vững chắc với Chủ tịch Tập Cận Bình của TC. “Hai cá nhân có sức thu hút lẫn nhau, một điều mà ai cũng thấy”, Allison nhận xét. “Họ ưa thích nhau, và họ có thể trao đổi quan điểm với nhau. Họ nói chuyện với nhau bằng một sự thẳng thắn và với một tinh thần hợp tác mà họ không tìm thấy ở các đối tác khác”. Tập chọn Nga là nước ông đến thăm viếng đầu tiên sau khi trở thành Chủ tịch TC và đã đến dự Thế vận hội Sochi trong khi ông Obama và các lãnh đạo châu Âu đều tẩy chay các cuộc biểu diễn này. Cả Putin lẫn Tập đều đàn áp bất đồng chính kiến trong nước và cả hai đều coi Mỹ là một đế quốc can thiệp vào nội bộ nước khác, mà việc quản lý tồi tệ trật tự kinh tế thế giới đã bị phơi bày bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Mặc dù các lãnh đạo TC trước đây đều nhìn người đứng đầu Điện Kremli bằng con mắt ngờ vực, nhưng “Tập không hề e ngại Putin,” Douglas Paal, một chuyên gia nghiên cứu tình hình châu Á tại Quĩ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế [the Carnegie Endowment for International Peace], nói như thế. Các cuộc khủng hoảng song sinh tại Ukraine và Hồng Kông đã thúc đẩy sự liên kết Nga-Trung. Truyền hình nhà nước Nga mô tả các cuộc biểu tình dân chủ tại Hồng Kông như một nỗ lực do Mỹ kích động nhằm phá hoại TC, như trước đây họ đã mô tả các cuộc biểu tình tại Kiev như một nỗ lực của Mỹ để tách một đồng minh của Nga ra khỏi vòng tay của Moscow. Các phương tiện truyền thông TC mô tả Putin như một nhà lãnh đạo có bản lãnh mạnh mẽ, dám chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào. Vào tháng Năm, trong khi Mỹ và châu Âu đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow về vụ Ukraine, Putin đã ký một hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỉ USD cung cấp khí thiên nhiên cho TC. Tháng trước, Thủ tướng TC, Lý Khắc Cường [Li Keqiang], đã ký một gói 34 hợp đồng tại Moscow, gồm cả hối đoái và hiệp định thuế quan. Tuần trước, Putin tuyên bố hai nước đã đi đến thỏa thuận về một hợp đồng khí đốt quan trọng nữa. Hai nước đã tăng cường các quan hệ kinh tế. TC qua mặt Đức năm 2010 để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại gần 90 tỉ USD, một con số tăng vọt năm nay khi trao đổi kinh tế với châu Âu suy giảm. “Chiến dịch dùng biện pháp trừng phạt kinh tế và sức ép chính trị đối với Nga đang tách nước này khỏi châu Âu và đẩy nó đến gần TC hơn”, Sergei Rogov, giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ và Canada” tại Moscow phát biểu. “TC được coi là nước đang thay thế phương Tây trong vai trò cung cấp tín dụng và công nghệ cho Nga”. Masha Lipman, một học giả thỉnh giảng tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại [the European council on Foreign Relations], nói rằng chiến lược xoay trục hướng về TC [the pivot to China] của Nga “được thảo luận rất nghiêm túc” tại Moscow và rằng “các nhà bình luận đã coi sự chuyển đổi này như một sự đã rồi, một hợp đồng không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, cuộc thảo luận về một liên kết Nga-Hoa đã kéo dài hàng thập kỷ nay mà không hoàn toàn trở thành hiện thực, vì những bất đồng văn hóa sâu sắc và cuộc tranh giành quyền lãnh đạo thế giới cộng sản thời Chiến tranh lạnh. Ngoài ra, từ lâu Bắc Kinh đã chống đối các phong trào ly khai [của các dân tộc thiểu số], điều này khiến Bắc Kinh lúng túng trước việc Moscow hậu thuẫn quân nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine. Tại Moscow, một số người lo sợ rằng Nga, do ở thế yếu, đã hạ mình làm đàn em của một TC đang trỗi dậy. Mặc dù TC hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, nhưng Nga chỉ là đối tác thương mại ở vị trí thứ 10 – và Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của TC. Ngoài ra, mặc dù các đại công ty nhà nước Nga có thể ký kết các hợp đồng với nước ngoài, nhưng đối với hầu hết các tập đoàn kinh tế và ngân hàng Nga, TC sẽ không thay thế được châu Âu, vì tại Trung Hoa vẫn chưa có một thị trường trái phiếu được phát triển dành cho người nước ngoài tương tự như trái phiếu Euro [Eurobonds]. John Beyrle, một cựu đại sứ Mỹ tại Moscow, nói rằng những cuộc thảo luận với các lãnh đạo doanh nghiệp Nga cho thấy họ đang bồn chồn lo lắng, ý thức rằng việc cầu cạnh TC trong lúc này là do nhu cầu bức thiết vì các khoản vay mượn và đầu tư từ phương Tây đang trở nên cạn kiệt. “Một người trong số này nói rằng sự lệ thuộc vào TC làm cho giới tinh hoa Nga lo lắng hơn lệ thuộc phương Tây rất nhiều”, cựu đại sứ Mỹ nói. Lilia Shevtsova, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Brookings [Mỹ] hiện làm việc tại Moscow, nhận định: “Việc xoay trục này có tính giả tạo. Và bất lợi cho Nga”. Ông Obama và Putin sẽ giáp mặt nhau hai lần trong tuần này, một tại Bắc Kinh ở diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, và một tại Brisbane, Australia, ở hội nghị Nhóm 20 quốc gia. Ông Obama hy vọng đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nga và TC ý thức sâu sắc rằng họ đã bị loại khỏi khối thương mại do Mỹ xướng xuất này, và Putin cho rằng tổ chức này sẽ trở nên vô hiệu nếu không có sự tham gia của Nga và TC. Những vấn đề như thế này chỉ thúc đẩy Nga hướng tới TC nhiều hơn. Nếu Mỹ và châu Âu là những đối tác thiếu tin cậy về lâu về dài, thì TC lại có vẻ hấp dẫn hơn. “Chúng tôi tin cậy Trung Quốc và hy vọng họ cũng tin cậy chúng tôi như thế”, Đại sứ Nga Kislyak nói.

T.N.C dịch – Dịch giả gửi BVN