Nga tăng cường quan hệ với Trung Cộng trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina
Trong tháng 5/2014, hải quân Nga và Trung Quốc sẽ mở một cuộc tập trận chung trên vùng biển Hoa Đông, một dấu hiệu mới cho thấy hai nước đang tăng cường quan hệ không chỉ về mặt quân sự, mà cả về kinh tế và chính trị, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina.
Thật ra thì việc hai nước tập trận chung không có gì là bất thường và cuộc tập trận trong tháng này không nhất thiết là nhắm tới Nhật Bản, cho dù diễn ra ở phía Bắc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi mà Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp chủ quyền.
Quân đội Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây vẫn thường thao dược chung, chẳng hạn như vào tháng 7 năm ngoái, hải quân hai nước đã mở cuộc tập trận quy mô trên biển, có bắn đạn thật ở ngoài khơi thành phố cảng Vladivostok của Nga. Báo chí Trung Quốc vào lúc đó cho biết đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay của Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc với một nước ngoài.
Quan hệ Nga-Trung đã được tăng cường kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào tháng 12 năm 2012, thể hiện qua việc lãnh đạo Trung Quốc đã chọn Nga là quốc gia để viếng thăm trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông vào tháng 03/2013.
Ngoài việc tập trận chung, Nga cũng muốn bán nhiều vũ khí, thiết bị quân sự cho Trung Quốc. Khi ông Tập Cận Bình đi thăm Nga vào năm ngoái, đã có tin là Nga và Trung Quốc đang đàm phán một hiệp định quốc phòng, trong đó có dự trù bán cho Bắc Kinh 24 chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Với những chiến đấu cơ này, Trung Quốc sẽ nâng cao tiềm lực quân sự trên vùng Biển Đông.
Các cuộc tập trận chung Nga-Trung trong tháng này diễn ra vào lúc Bắc Kinh đứng ra bảo vệ Matxcơva chống lại những biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu về việc Nga bị cho là can thiệp vào Ukraina. Đang ở vào thế bị phương Tây cô lập, Nga lại càng quay sang láng giềng châu Á tìm hậu thuẫn về kinh tế. Nhân chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Serguei Lavrov ở Bắc Kinh, Matxcơva thông báo là hai nước Nga và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.
Trong những năm gần đây, Nga đã gia tăng nỗ lực để chuyển hướng xuất khẩu dầu khí ( hiện chiếm phân nửa thu nhập cho ngân sách Nhà nước ) từ châu Âu sang châu Á. Năm ngoái, tập đoàn dầu hỏa Rosneft của Nga đã ký các hiệp định gia tăng mức xuất khẩu dầu hỏa sang Trung Quốc, lên tới hàng trăm triệu tấn mỗi năm.
Vào cuối năm 2012, Nga đã khánh thành một đoạn mới của đường ống dẫn dầu Siberi-Thái Bình Dương, với khả năng vận chuyển 30 triệu tấn/năm đến bờ biển Thái Bình Dương, chủ yếu cung cấp cho thị trường châu Á.
Khủng hoảng Ukaina hiện nay càng làm gia tăng căng thẳng với các nước Liên hiệp châu Âu trên vấn đề cung cấp khí đốt cho châu Âu, cho nên Matxcơva lại càng cần đến thị trường Trung Quốc. Cụ thể, trong những tuần qua, Nga đã đẩy mạnh đàm phán để tập đoàn khí đốt Gazprom được quyền thâm nhập thị trường Trung Quốc.