Nga ‘rút quân một phần’ khỏi biên giới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nga ‘rút quân một phần’ khỏi biên giới

Ông Putin hiện đang đối diện sức ép lớn từ phương Tây về vấn đề Ukraine

Theo BBC – 03:30 GMT – thứ ba, 1 tháng 4, 2014

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ‘rút quân một phần’ ra khỏi khu vực biên giới với Ukraine, Chính phủ Đức cho biết.

Ông Putin đã thông báo cho Thủ tướng Đức Angela Merkel về động thái này trong một cuộc điện đàm, theo văn phòng của bà Merkel.

Hàng ngàn binh sỹ Nga được cho là vẫn còn đồn trú dọc biên giới giữa hai bên.

‘Phạm luật trắng trợn’

Trong khi đó, Ukraine đã lên án chuyến thăm Crimea của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và một phái đoàn các bộ trưởng trong chính phủ Nga.

Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Nga đến bán đảo này kể từ khi nó được sáp nhập vào Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine lên án hành động này là ‘vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế’.

Ukraine đã gửi công hàm phản đối sự hiện diện của quan chức một nước đến ‘lãnh thổ một nước khác mà không có sự đồng ý trước’.

Ông Medvedev thông báo ông sẽ biến Crimea thành một đặc khu kinh tế với chính sách giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông cũng cam kết sẽ nhanh chóng tăng lương và lương hưu cũng như nâng cấp giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp hôm Chủ nhật ngày 30/3 việc giải quyết cuộc khủng hoảng tùy thuộc vào Nga có rút quân khỏi biên giới với Ukraine hay không.

Sau đó một ngày, ông Putin đã thông báo cho Thủ tướng Đức về việc ‘ông đã ra lệnh rút quân một phần ra khỏi biên giới với Ukraine,’ văn phòng Thủ tướng Merkel cho biết tronng một thông cáo.

“Trên hết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các bước tiếp theo để ổn định tình hình ở Ukraine và Trans-Dniester,” thông cáo viết.

Trans-Dniester là vùng đất nằm sát biên giới phía Tây của Ukraine và tuyên bố độc lập khỏi Moldova hồi năm 1990.

‘Vượt qua điều tồi tệ’

Các nước phương Tây lo ngại về việc Nga dồn quân qua sát biên giới với Ukraine

Về phần mình, Điện Kremlin ra thông báo cho biết hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đã bàn bạc về ‘sự ủng hộ quốc tế để khôi phục hòa bình’ ở Ukraine. Tuy nhiên thông cáo không đề cập gì đến việc rút quân.

Ông Putin đã nói với bà Merkel rằng Ukraine cần phải thực thi cải cách Hiến pháp để đảm bảo rằng lợi ích của tất cả các vùng đều được tôn trọng. Ông cũng kêu gọi các biện pháp chấm dứt ‘phong tỏa’ Trans-Dniester.

Bộ Ngoại giao Nga nói sau khi về Moscow, ông Lavrov đã tiếp tục nói chuyện với ông Kerry qua điện thoại vào thứ Hai ngày 31/3. Hai ông đã thảo luận ‘các bước để giải quyết tình hình khủng hoảng’.

Về phần mình, phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp và Ba Lan, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói: “Tôi hy vọng chúng ta đã vượt qua sự leo thang tồi tệ nhất.”

Các nguồn tin từ Nato cho biết họ thấy có dấu hiệu chuyển quân nhưng vào lúc này vẫn khó để đánh giá ý nghĩa của việc rút quân này, phóng viên BBC Jonathan Marcus ở Brussels cho biết.

Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói có khoảng 40.000 binh lính Nga đang được triển khai và sự hiện diện này là đặt ra nguy cơ bị uy hiếp đối với Ukraine.

Vào thứ Ba ngày 1/4, các ngoại trưởng Nato sẽ gặp nhau Brussels để bàn bạc các bước tiếp theo để trấn an đồng minh và giúp Ukraine.