Nga không quá lo về Triều Tiên vì hiểu rõ ông Kim Jong-un
- Ngày đăng 19-07-2017
- …
Trong những tháng gần đây, Mỹ liên tục cố gắng thuyết phục Trung Quốc và Nga góp phần thúc đẩy ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tuy nhiên Mátxcơva không quá lo lắng về Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: KCNA/Reuters
Sputnik dẫn bài trên tạp chí Foreign Policy viết: “Nga có vẻ không quá lo lắng về tên lửa của Triều Tiên, mặc dù họ có lẽ mong muốn bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực phi hạt nhân. Mátxcơva tin rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên là đàm phán với Bình Nhưỡng. Nga ủng hộ hạn chế chương trình hạt nhân, nhưng phản đối mạnh mẽ sự thay đổi chế độ, điều đó là trái với lập trường của Mỹ”.
Một trong những lý do tại sao Nga có một chính sách mềm mỏng hơn đối với Triều Tiên so với Mỹ chính là ở chỗ Mátxcơva đang theo đuổi lợi ích riêng của mình, tạp chí nhận xét. Ví dụ, đồng thời cùng lúc Bình Nhưỡng phóng quả tên lửa rơi gần Vladivostok, thành phố này và Triều Tiên đã mở tuyến giao thông bằng tàu phà. Bên cạnh đó, giữa Bình Nhưỡng và Mátxcơva có không ít mối quan hệ kinh tế.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính trong chính sách hiện nay của Mátxcơva là sự khác biệt về việc lý giải hành vi của Bình Nhưỡng so với phương Tây. Điện Kremlin coi hành động của Bình Nhưỡng là hợp lý. Các nhà phân tích Nga nói, Triều Tiên cũng nhận thức rõ trong trường hợp phát động cuộc tấn công hạt nhân, đòn trả đũa của Mỹ sẽ xóa sạch Triều Tiên khỏi bề mặt trái đất.
Xét theo quan điểm của Mátxcơva, logic của sự đảm bảo hủy diệt lẫn nhau tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh, cũng áp dụng trong mối quan hệ Mỹ – Triều Tiên. Do đó, nhiều nhà phân tích ở Nga nói rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ kiềm chế Mỹ trong việc sử dụng lực lượng quân sự, ấn bản Foreign Policy lưu ý.
Theo một số chuyên gia Nga, Triều Tiên phát triển tiềm năng quân sự của mình bởi họ nhớ quá rõ những gì đã xảy ra với cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein và cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi. Do đó, nếu giả sử Washington không đe dọa thay đổi chế độ, thì Bình Nhưỡng sẽ không có yêu cầu cấp thiết đến vậy về phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình.