Nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ theo đuổi nhiệm kỳ tổng thống của D.Trump.REUTERS/Jorge Silva
Nga có “ngàn tay ngàn mắt” để phá hoại các nền dân chủ Tây phương ? Từ khi nghi án điện Kremlin can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, giúp Donald Trump chinh phục Nhà Trắng, báo chí Âu Mỹ nhìn đâu cũng thấy “bàn tay của Nga”, qua các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức, rồi lại tới trưng câu dân ý về quy chế tự trị của vùng Catalunya –Tây Ban Nha.
Trong bài viết được đăng lại trên nguyệt san Le Monde Diplomatique, số ra tháng 12/2017 tựa đề “Sự can thiệp của Nga, từ nỗi ám ảnh đến tự hoang tưởng”, Aaron Maté, thuộc mạng lưới các nhà báo độc lập The Real News, nêu lên hai vấn đề : Thứ nhất là mức độ kém chính xác của các phương tiện truyền thông uy tín khi đưa tin Nga giúp Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Thứ hai là nguy hiểm khi khai thác lá bài “Russiagate” mà quên đi điều cơ bản : vì sao cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho Trump và trước Nga, Mỹ cũng đã can thiệp vào rất nhiều các cuộc bầu cử “ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ”.Giả thuyết Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ là nỗi ám ảnh, được báo chí say mê khai thác không khác gì khi nói về một cuộc chiến tranh. Mọi người đã nhìn thấy cả hình bóng của nước Nga, trong các cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh, về quy chế độc lập cho Catalunya khuấy động Tây Ban Nha.
Mối đe dọa Nga tung đòn tấn công tin học nhắm vào bầu cử tổng thống Pháp, hay bầu cử Quốc Hội ở Đức là chủ đề đã chiếm rất nhiều trang trên các tờ báo lớn của Âu – Mỹ. Có điều, Aaron Maté ghi nhận, trên tất cả những hồ sơ này, đến nay, mọi người vẫn chờ “đợi những bằng chứng cụ thể”.
Tác giả bài báo tập trung vào trường hợp của Hoa Kỳ : “Nhiều quan chức trong ngành tình báo Mỹ cho rằng chính quyền Nga đã đánh cắp thư điện tử, thao túng mạng xã hội nhằm tạo thuận lợi cho ứng cử viênDonald Trump“. Dù vậy, ngay cả những tờ báo Mỹ nổi tiếng là có lập trường bài Nga, như The Atlantic, trong ấn bản tháng 1/2017 cũng phải nhìn nhận những tiết lộ giật gân này không “mảy may có được bất kỳ một chứng cớ nào”.
Aaron Maté trích luôn bản tin của hãng thông tấn Anh Reuters, ngày 18/05/2017, theo đó các nhà điều tra Mỹ không tìm thấy “sai phạm” hay “liên hệ cấu kết” giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga.
Cũng nhà báo độc lập thuộc mạng lưới The Real News lưu ý : trong cuốn sách vừa phát hành tháng 9/2017- What Happened, bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Mỹ đã dành hẳn một chương về khả năng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Giả thuyết này không chỉ cho phép bà Clinton phủi tay về trách nhiệm trong thất bại vừa qua. Đổ lỗi cho Nga cũng là mục đích mà một số nhóm lợi ích ở Washington muốn hướng tới. Số này không muốn trông thấy viễn cảnh Washington – Matxcơva xích lại gần nhau.
Trách nhiệm của báo chí
Vấn đề đặt ra là “cỗ máy truyền thông đã lập tức trông thấy một con gà đẻ trứng vàng trong vụ này”. Chủ đề hấp dẫn tựa như chuyện trinh thám, vả lại tấn công Donald Trump là một đề tài rất ăn khách, khi một phần công luận Mỹ vẫn nuôi hy vọng trông thấy nhà tỷ phú địa ốc này bị truất phế.
Những yếu tố vừa nêu giải thích vì sao trong vụ “Russiagate”, những nguyên tắc cơ bản của ngành báo chí đã bị lãng quên : “Quên kiểm chứng thông tin trước khi tung lên các mặt báo. Đôi khi các ký giả tách rời từng sự kiện và khai thác thông tin đó theo xu hướng mà họ biết rằng công luận đang ngóng chờ, mà quên đi hoặc không khai thác một cách công bằng những thông tin khác. Tệ hơn nữa, nhiều tờ báo đưa lên trang nhất những tin giật gân, nhưng cuối cùng đấy chỉ là những bài viết rỗng tuếch, với những thông tin mơ hồ, những giả thuyết”.
Ở đây Aaron Maté đưa ra một loạt bằng chứng để minh họa cho đòn tấn công vào đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên. Bằng chứng thứ nhất liên quan tới một dự án Trump Tower tại Matxcơva. Một trong những trung gian của dự án này là nhà địa ốc gốc Nga, Felix Sater. Chẳng hiểu ông này có những mối liên hệ “rộng rãi” với điện Kremlin đến mức độ nào, mà luật sư của Donald Trump khi gửi thư điện tử yêu cầu phía Nga thúc đẩy dự án của tập đoàn Trump, thì thư đã không đến tay phát ngôn viên của phủ tổng thống Nga, là ông Dmitri Peskov. Nhưng chỉ cái tin Donald Trump có kế hoạch làm ăn tại Nga cũng đủ để truyền thông khai thác.
Bằng chứng thứ nhì, là George Papadopoulos, cựu cố vấn về chính sách đối ngoại cho ứng viên tổng thống Donald Trump, đang trong tầm ngắm của tư pháp Hoa Kỳ vì đã gặp người tự nhận mình là “cháu gái ” gọi Putin bằng chú hay bằng cậu. Hiềm nỗi, khi điều tra sâu hơn một chút, người ta khám phá rằng, tổng thống Nga, không có cô cháu gái nào.
Mạng xã hội, công cụ của Nga ?
Nỗi ám ảnh của báo chí phương Tây về vai trò của Nga không dừng lại ở các kênh chính thức. Nga còn bị cáo buộc sử dụng các mạng xã hội như Facebook hay Twitter để “thao túng công luận” : chính Facebook cho biết đã phát hiện hàng trăm “tài khoản giả” dường như đã được mở tại Nga và họ đã chi ra 100.000 đô la để tung ra một chiến dịch quảng cáo trong khoảng thời gian từ tháng 06/2015 đến tháng 05/2017.
Tác giả nêu lên câu hỏi 100.000 đô la trong gần 2 năm trời, liệu có là một chiến dịch thao túng công luận quá “lớn” để có đủ ảnh hưởng như mong đợi hay không ? Để so sánh, trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, chi phí tốn kém lên tới 6,8 tỷ đô la ! Có điều không một tờ báo lớn nào ở Hoa Kỳ, từ New York Times đến Washington Post tỏ ra nghi ngờ về thông tin họ đưa ra.
Nga không chỉ bị nghi ngờ “nhúng tay” vào bầu cử Mỹ. Pháp, Đức trước hai cuộc bầu cử quan trọng – tháng 5/2017 và tháng 9/2017, luôn trong thế đề cao cảnh giác. Trong thời gian vận động tranh cử, phong trào Tiến Bước ! của ứng viên Emmanuel Macron bị tin tặc tấn công. Nhưng chỉ một tháng sau khi ông Macron đắc cử, cơ quan an ninh mạng của Pháp trong một thông cáo ghi nhận “không có bằng chứng” về trách nhiệm của Matxcơva trong vụ tấn công nói trên. Tháng 09/2017 khi cử tri Đức được kêu gọi bầu lại Quốc Hội, truyền thông Mỹ đã ngạc nhiên đặt câu hỏi : “Tại sao Nga không can thiệp vào bầu cử Đức ?”
Nhìn tới một nền dân chủ lâu đời khác tại tây Âu là vương quốc Anh, hơn một năm sau trưng cầu dân ý về Brexit, nhật báo iNews báo động : “Brexit, Luân Đôn cần mở điều tra về vai trò của Nga” và thế là các chính trị gia Anh, mà đứng đầu là thủ tướng Theresa May đã vội vã lên tiếng, cảnh cáo Matxcơva “đừng tưởng là Anh không biết” Nga đã làm những gì !
Tại Tây Ban Nha, vào lúc Madrid đau đầu vì vùng Catalunya đòi ly khai, Washington Post ấn bản ngày 02/10/2017 quả quyết : “Trưng cầu dân ý Catalunya : Nga ghi bàn thắng”. Nhật báo uy tín nhất tại Tây Ban Nha El Pais ra bốn số liền, với trang nhất dành để nói về những “nghi ngờ ” Nga nhúng tay vào hồ sơ Catalunya.
Một chiêu bài đã quá xưa đầy nguy hiểm
Trở lại Mỹ, bạo động tại Charlottesville hồi tháng 08/2017 do một nhóm cực hữu da trắng khuấy lên, cũng bị coi là có “bàn tay” của Nga. Với tác giả bài báo Aaron Maté, việc Mỹ đổ lỗi cho Nga để khơi dậy đoàn kết dân tộc là một thủ đoạn không hề mới mẻ. Trong ấn bản năm 1919 New York Times từng chạy tựa “Phe Đỏ -(ý muốn nói Cộng Sản Liên Xô) kích động người da đen nổi dậy”. Nước Mỹ ở những năm 1960 cũng đã dùng Liên Xô như một cái cớ để nghe lén điện thoại và theo dõi linh mục Martin Luther King.
Phải nhìn nhận là một phần công luận Mỹ say mê với vụ tai tiếng mang tên “Russiagate” bởi lẽ họ đang chán ngán trước một ông tổng thống bất tài và có tính khí thất thường nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Với một số khác, mang Nga ra làm ông kẹ vừa là một chiêu bài đắt khách, vừa “nhàn hạ” : Lá bài này cho phép người ta tránh nêu lên những câu hỏi thực sự liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế, chính trị của nước Mỹ.
Càng tập trung vào nghi ngờ Matxcơva lũng đoạn đời sống chính trị ở Washington, những vấn đề chính của bản thân Hoa Kỳ lại càng bị đẩy vào hàng thứ yếu. Trong số những vấn đề đó phải kể tới phẫn nộ của công luận trước những bất công xã hội. Có điều “thân phận những con người thấp cổ bé miệng không là những đề tài ăn khách để các phương tiện truyền thông và các tầng lớp ăn trên ngồi trốc trên chính trường Mỹ để mắt tới”.
Không bênh vực Nga, không xác nhận hay phủ nhận vai trò của Matxcơva trong bầu cử Mỹ, nhà báo Aaron Maté thuộc mạng lưới các phóng viên độc lập The Real News chỉ căn cứ vào lịch sử quốc tế để nhắc lại rằng : ngày nay, người ta đang nhìn thấy bóng dáng của Nga ở khắp nơi, nhưng trong 70 năm qua, Hoa Kỳ đã can thiệp vào “không dưới 80 cuộc bầu cử trên thế giới”, đó là chưa kể trong bóng tối Mỹ đã ít nhiều nhúng tay vào các cuộc đảo chính. Một số chế độ bị lật đổ do có bàn tay của Hoa Kỳ. Aaron Maté nêu lên trường hợp của Iran, Chilê hay Guatamala. Tác giả còn đưa luôn cả vào danh sách này trường hợp của Ukraina.
Giới truyền thông tập trung vào vụ “Russiagate” mà quên mất rằng, trong chính quyền Trump hiện nay, một số các gương mặt “diều hâu bài Nga” đã được chỉ định vào những vị trí then chốt. Đó là chưa kể khối NATO mới kết nạp thêm Monténégro bất chấp sự chống đối của Nga …
Aaron Maté tiếc là “tất cả những căng thẳng nêu trên càng khiến toàn cảnh chính trị ở Mỹ thêm tồi tệ. Trong quan hệ với Nga, mọi nỗ lực ngoại giao đều bị coi là thể hiện một sự yếu đuối. Riêng chính sách trừng phạt Matxcơva và leo thang quân sự là những sân chơi hiếm có, nơi cả phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều đồng ý với nhau”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171201-nga-chi-phoi-doi-song-chinh-tri-au-my-noi-am-anh-cua-truyen-thong-phuong-tay