Nga bị NATO lừa phỉnh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nga bị NATO lừa phỉnh
(Chụp lại từ tuần báo Courrier international – số 1220 – 20/03/2014)

Dưới một góc nhìn khác, theoTuần báo Courrier International, số 1220, ra ngày 20/03/2014, có dịch đăng bài viết của nhà báo Hans – Ulrich Jorges – trên tuần báo Đức Stern, nhận định Nga buộc hành động xâm chiếm Crimea vì bị Nato bội ước, dồn vào chân tường, phải tự vệ. Luận cứ này phải chăng xuất phát tứ ký gỉa khuynh tả, thân Nga.  Ban Biên Tập

Theo RFI – Chủ nhật 23 Tháng Ba 2014 

Trong vụ Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga, nhiều nhà phân tích nhấn mạnh đến việc Matxcơva đã không tôn trọng Bị vong lục Budapest (Budapest Memorandum on Security Assurance – 12/1994) theo đó an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina được bảo đảm, một khi nước này chuyển giao số vũ khí hạt nhân cho Liên bang Nga. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận này, một số chuyên gia phương Tây còn nêu thêm một khía cạnh khác: Vấn đề an ninh của Nga và cách hành xử của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO.

Tuần báo Courrier International, số 1220, ra ngày 20/03/2014, có dịch đăng bài viết của nhà báo Hans – Ulrich Jorges – trên tuần báo Đức Stern, nhan đề : « Nga bị NATO lừa phỉnh ». Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Để hiểu được chính sách của Vladimir Putin tại Crimée, cần phải nhớ lại rằng, kể từ năm 1990, phương Tây đã nhiều lần mở rộng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO sang phía đông Châu Âu, phản bội lời hứa của họ.

Nga tự bảo vệ, lần đầu tiên kể từ sau thất bại của họ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, lần đầu tiên kể từ khi thống nhất nước Đức dưới ô bảo hộ của NATO và lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ phương Tây bội phản.

Cách nay 10, NATO đã có mặt tại biên giới Nga, tại các nước Baltic. Bây giờ, khi tách Crimée ra khỏi Ukraina, Nga muốn ngăn chặn việc hạm đội của họ ở biển Đen sẽ sớm nằm lọt thỏm trong khu vực của NATO. Vậy thì chuyện đó có gì gây ngạc nhiên ?

Đó là bởi vì có một điều khác đã được hứa hẹn, với vẻ thành thực, năm 1990. Ngày 09/02/1990, James Baker, Ngoại trưởng Mỹ (dưới chính quyền George Bush) đã trấn an nhà cải cách (của Liên Xô) Mikhail Gorbachev, tại phòng Catherine đệ nhị, một nơi rất có ý nghĩa lịch sử của điện Kremlin, rằng liên minh phương Tây sẽ không mở rộng ảnh hưởng của mình thêm « một ly tấc nào » sang Đông Âu nếu Matxcơva chấp nhận nước Đức thống nhất gia nhập NATO.

Hôm sau, 10/02, Hans-Dietrich Genscher, Ngoại trưởng Đức, đã nhắc lại lời hứa này với  Edouard Chevardnadze, đồng nhiệm Nga, như đã được khẳng định sau này trong một công văn mật của chính phủ Đức : « Chúng ta ý thức được rằng việc một nước Đức thống nhất gia nhập NATO làm dấy lên những vấn đề phức tạp. Nhưng với chúng ta, có một điều chắc chắn : NATO sẽ không mở rộng sang Đông Âu ». Bản thân Gorbachev cũng nhớ lại rằng NATO đã thỏa thuận « không mở rộng thêm một ly sang hướng Đông Âu ». Ông chỉ phạm một sai lầm nghiêm trọng : Ông đã tin tưởng phương Tây và không cho thể hiện lời hứa này trên văn bản.

Một mối đe dọa trực tiếp đối với Nga

Do vậy, Balan, Séc và Hungary đã gia nhập OTAN năm 1999, Bulgari, Rumani, Slovakia và ba nước Baltic năm 2004. Bốn năm sau, tại Thượng đỉnh NATO ở Bucarest, suýt nữa thì đến lượt Ukraina gia nhập NATO, nhưng ý tưởng này vẫn chỉ dừng lại ở mức dự án – Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thay đổi ý kiến vào giờ phút chót và đạp phanh hãm dự án. Vladimir Putin, đến dự Thượng đỉnh Bucarest vào ngày cuối cùng, đã cảnh cáo : « Tại Nga, sự xuất hiện một khối quân sự mạnh ở sát đường biên giới của chúng tôi sẽ được coi là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của chúng tôi ».

Không nên quên điều này nếu người ta muốn tỏ ra trung thực, có thái độ đúng mức trong phán xét và có khả năng hiểu được nỗi lo sợ của Nga bị bao vây. Putin hành động một cách tương xứng – ông ta đáp trả chính sách dùng sức mạnh của phương Tây bằng một chính sách dùng sức mạnh. Đối với Angela Merkel, Putin đang sống trong một thế giới khác. Đúng thế : Đó là thế giới của một con người bị phản bội.

Cần phải bỏ qua việc tuyên truyền rầm rộ ở cả hai phe để hiểu được vấn đề. Việc Ukraina chuyển hướng sang phương Tây là chương áp chót của việc thiết lập một trật tự Châu Âu mới sau sự sụp đổ của Liên Xô. Chương cuối sẽ được viết tại Bélarus.

Quấy phá Putin

Khi đề xuất với Kiev một hiệp định liên kết, Liên Hiệp Châu Âu, với chiến lược xuẩn ngốc của mình, đã buộc Ukraina phải lựa chọn giữa phương Tây và Nga – và hậu quả là làm cho nước này bị chia xé. Khi Tổng thống chuyên quyền Ianoukovitch từ chối ký hiệp định, ông ta đã bị lật đổ và thỏa thuận về một sự thay đổi quyền lực ở Kiev được ký kết với sự tham gia của Nga đã không tồn tại nổi 24 giờ. Lại một lần nữa, Nga cảm thấy bị phản bội, Matxcơva cho rằng đã bị mất Ukraina và họ chiếm Crimée, lãnh thổ mà Khroutchev đã tặng Ukraina năm 1954 thời Liên Xô.

Từ đó, Kiev công khai hướng tới NATO. Đảng của bà Ioulia Timochenko, đang cầm quyền, đã thông báo ý định của Ukraina gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng Thư ký NATO, tuyên bố mong muốn « gia tăng quan hệ đối tác với Ukraina ».

Mọi sự đã an bài, không cần phải đặt câu hỏi xem bên nào có vẻ bị thất bại nhất nữa. Hẳn nhiên đó là Nga, bởi vì họ không có ý thức thẩm mỹ chính trị. Thật dễ dàng để làm cho thấy họ là những kẻ rất hung bạo. Hoa Kỳ tranh thủ cơ hội để trả thù vụ Edward Snowden chạy trốn sang Matxcơva, còn NATO, liên minh này đã ném bom Serbia vi phạm luật pháp quốc tế, hành động tại Lybia trên các cơ sở pháp lý mập mờ, thì giờ đây, với một sự giả dối bệnh hoạn, tố cáo sự chiếm đóng bất hợp pháp vùng Crimée.

Nếu như phương Tây muốn tìm kiếm một giải pháp đúng đắn, lẽ ra họ phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý dưới sự kiểm soát của quốc tế, thay vì để cho cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức dưới sự kiểm soát của súng đạn Nga ; trong trường hợp này có thể đại đa số người dân Crimée sẽ bỏ phiếu ủng hộ một nền tự trị rộng lớn hơn, bên trong đất nước Ukraina. Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là quyền tự quyết của các dân tộc. Vấn đề ở đây là cần lập một trật tự mới ở Đông Âu và quấy phá Putin.

(Trong bài trả lời phỏng vấn trên trang Rue89, cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine cũng nhắc tới việc phương Tây không tôn trọng lời hứa với Mikhail Gorbachev vào đầu những năm 1990 về việc không mở rộng NATO sát đến biên giới Nga).