New York Times – Việt Nam bị kẹt giữa hai cường quốc, cố gắng tìm một con đường giữa Mỹ và Trung Quốc

Cac Bai Khac

No sub-categories

12/11/2017

Hà Nội, Việt Nam – Cuộc chiến tổng lực của Việt Nam với Hoa Kỳ đã diễn ra trong một thập kỷ. Căng thẳng với người láng giềng phương Bắc, Trung Quốc, đã kéo dài hàng ngàn năm – từ một ngàn năm bị đô hộ bởi Trung Quốc và một cuộc chiến biên giới đẫm máu vào năm 1979 cho đến những cuộc đối đầu gần đây trên biển Đông.
 
Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Đà Nẵng hôm thứ Sáu để tham dự Hội nghị APEC. Ảnh: Ye Aung Thu/ AFP — Getty Images

Nếu địa lý là số phận, thì số phận của Việt Nam là trở thành một chuyên gia thương lượng với Bắc Kinh và cân bằng giữa những siêu cường.

Do đó, với phần còn lại của thế giới đang nỗ lực để tính toán đối phó với những bước đi quyết đoán của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, người Việt Nam, đăng cai diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm nay, đang hướng dẫn phải làm thế nào.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, nói: “Tôi muốn đưa ra lời khuyên cho cả thế giới, và đặc biệt là đối với Hoa Kỳ, rằng các bạn phải cẩn trọng với Trung Quốc”.
Như mọi người lính Cộng sản tốt khác, tướng Cương chú ý đến từng chi tiết trong các bài diễn văn sâu sắc của các lãnh đạo, và ông đã ghi nhận rằng Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã nói về vị thế của đất nước ông là “vĩ đại” hoặc “cường quốc” 26 lần trong một bài diễn văn dài vào tháng trước.
Tướng Cương nói: “Tham vọng của Tập Cận Bình nguy hiểm cho cả thế giới. Trung Quốc dùng tiền bạc của họ để hối lộ rất nhiều lãnh đạo, nhưng không có quốc gia nào là đồng minh thân cận với Trung Quốc, như Bắc Hàn, Pakistan hoặc Campuchia, cũng như vậy. Các quốc gia gần gũi với Hoa Kỳ đã làm tốt hơn rất nhiều. Chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao như vậy?”
Cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác nhận thức sâu sắc rằng họ bị đặt vào vị trí là sân sau của Trung Quốc, Việt Nam cũng lo lắng về sự lơ là của Hoa Kỳ.
Dưới danh nghĩa ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã từng gửi quân đội đến Đông Dương và dựng lên nhiều nhà độc tài ở những quốc gia châu Á khác. Nhưng bối cảnh an ninh do Hoa Kỳ phác thảo cũng đã tạo ra một môi trường ổn định trong đó những nền kinh tế địa phương đã phát triển mạnh mẽ.
Hiện tại, quyết định của Tổng thống Trump rút Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình dương TPP, được soạn thảo để cho 11 nền kinh tế một lựa chọn khác với trật tự kinh tế do Trung Quốc dẫn dắt, đã khiến người Việt Nam cảm thấy dễ bị tổn thương.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Anh tại đại học Ngoại thương Hà Nội phát biểu: “Là người Việt Nam, chúng tôi đã luôn tìm cách để cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc. Đối với chúng tôi, TPP không chỉ là một vấn đề kinh tế, nó cũng là vấn đề địa chính trị và xã hội”.
Bà Anh đã ghi nhận rằng những người theo chủ nghĩa tự do tại Việt Nam chào đón hiệp định thương mại này vì nó sẽ buộc Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động quốc tế và tính chịu trách nhiệm của chính phủ mà nếu không có nó, Hà Nội sẽ không tuân thủ.
Với 11 thành viên khác của hiệp định đồng ý tiếp tục thương thảo mà không có Hoa Kỳ, sự rút lui của Washington – chưa kể đến diễn văn “Nước Mỹ trước hết” của ông Trump tại buổi họp APEC vào thứ sáu – đã khiến một vài quốc gia phân vân không biết là lựa chọn tốt nhất có thể là một hiệp định thương mại do Trung Quốc hậu thuẫn và những thương vụ tài chính có ít bảo hiểm hơn cho người lao động và ít tính minh bạch trong hành chính công hơn.
Bà Anh, người đã nghiên cứu kinh tế tại Tiệp Khắc thời Xô Viết nói: “Chúng tôi, cả hai nước đều là các quốc gia cộng sản, nhưng những người như tôi ở Việt Nam không muốn phát triển đất nước theo mô hình Trung Quốc. Chúng tôi muốn đi theo con đường định hướng bởi phương Tây”.
Trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam lại là Trung Quốc. Tuy nhiên Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với người láng giềng đông dân này, và những nhà kinh tế Việt Nam lo ngại rằng Trung Quốc đã không chơi sòng phẳng.
Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế đầy ảnh hưởng, đã từng cố vấn cho Bộ Chính trị về thương mại, nói: “Trung Quốc là một trong một vài quốc gia trên thế giới không tuân thủ luật pháp quốc tế trong nhiều lĩnh vực”.
Người Việt Nam theo dõi với sự cảnh giác cao độ, vào năm ngoái, khi Bắc Kinh phản ứng với phán quyết của tòa quốc tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở biển Đông bằng cách lờ đi – thậm chí còn chế giễu – phán quyết. Việt Nam và bốn chính phủ khác có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển giàu tài nguyên này, có xung đột với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Thật khó để phóng đại mức độ ác cảm của người Việt Nam đối với Trung Quốc. Trong một đất nước mà biểu tình hiếm và rủi ro, một vài cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam những năm gần đây là để chống lại Trung Quốc.
Sự ác cảm quốc gia này đẩy lãnh đạo Việt Nam vào thế kẹt. Họ không thể bỏ qua cục nam châm kinh tế tăng trưởng của Trung Quốc. Đối với nhiều thành viên APEC, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của họ.
Đổi lại với việc đầu tư và cung cấp tài chính cho các dự án – đường bộ, đường sắt, đập thủy điện, sân bay và những công trình chính phủ khổng lồ – lãnh đạo các nền kinh tế địa phương ngày càng tuân theo chỉ thị của Bắc Kinh.
Campuchia và Lào đã đưa ra sự ủng hộ quan trọng với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông. Thái Lan đã đồng ý với yêu cầu của Bắc Kinh là sẽ trục xuất những người bất đồng chính kiến Trung Quốc về lại Trung Quốc. Những người này đã từng coi Thái Lan là chỗ trú ẩn an toàn.
Ngay cả người Philippines cũng có vẻ đã đầu hàng, mặc dù nước này đã kiện thành công vấn đề biển Đông ở tòa án The Hague. Vài ngày trước khi ông Trump thăm viếng Manila vào Chủ Nhật này, tin tức lộ ra rằng Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh dừng việc xây dựng trên một bãi cát tranh chấp ở biển Đông, một hành động được nhìn nhận rộng rãi là để xoa dịu Bắc Kinh.
Từ khi nhậm chức vào năm ngoái, ông Duterte cho rằng, thời đại Mỹ chiếm ưu thế về quân sự và kinh tế đã chấm dứt, và đã gọi Trung Quốc là người bạn tốt nhất và trung thành của Philippines. Ông đã được tưởng thưởng hàng tỷ đô la, đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh.
Tang Siew Mun, đứng đầu trung tâm Đông Nam Á tại Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore, nói: “Nước Mỹ đang cố bắt kịp sức hấp dẫn của Trung Quốc kể từ đầu thế kỷ này”.
Việt Nam, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đã thực hành việc đoán định khi nào thì không nên thách thức hai cường quốc Thái Bình Dương. Việt Nam đã chiến đấu với cả hai trong nửa cuối thế kỷ vừa qua.
Người dân đang đổi đồng nhân tệ với đồng VN ở gần cửa khẩu Việt – Trung. Nguồn: Linh Pham/ Getty Images

Vào thập niên 1970 và 1980, Trung Quốc đã chiếm đóng những đảo ngầm ở biển Đông mà Việt Nam kiểm soát, hoặc những đảo không có người ở, nhưng có tuyên bố chủ quyền của Hà Nội.

Có thể do cảm nhận được sự lưỡng lự của Hoa Kỳ khi đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông, Việt Nam đã từ chối kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như Philippines đã làm, ngay cả khi người Trung Quốc đã biến những đảo san hô và cát đang tranh chấp thành những đảo quân sự hóa.
Áp lực của Trung Quốc tiếp tục, mặc cho việc Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam một ca nô và những tàu tuần tra mới.
Năm nay, một công ty Tây Ban Nha với quyền thăm dò từ Việt nam đã ngưng việc khoan dầu tại một lô ngoài bờ biển Việt Nam. Bắc Kinh tuyên bố một phần biển này là của họ.
Vào năm 2014, người Trung Quốc đã đưa một giàn khoan dầu của nhà nước vào vùng biển ngoài khơi Đà Nẵng, nơi mà ông Trump tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC vào thứ sáu, trong một cuộc xâm nhập mạnh mẽ vào vùng biển mà Hà Nội coi là chủ quyền của họ.
Võ Văn Tạo, một blogger chính trị nổi tiếng, nói: “Sống cạnh Trung Quốc, với tham vọng trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, không phải dễ dàng. Để giảm nhiệt căng thẳng, Việt Nam cần rút khỏi những vùng thuộc về Việt Nam”.
Chiến lược lớn nằm trên cái nhìn toàn cầu của người Việt Nam như Đỗ Văn Đức. Vào năm 1979, ông đóng quân ở biên giới với Trung Quốc, là một thành viên của đơn vị pháo phòng không, khi hàng trăm ngàn lính của Quân đội Giải phóng Nhân dân từ Trung Quốc tràn xuống phía Nam.
Người Việt Nam, dù bị áp đảo về quân số, đã dựng lên hàng rào phòng thủ vững chắc ngoài sự tiên liệu. Trong vòng một tháng, người Trung Quốc, tuyên bố rằng họ đã dạy cho người Việt Nam một bài học, vì đã can thiệp vào địa chính trị khu vực, đã rút lui.
Mời xem Video: Toàn cảnh Nguyễn Phú Trọng bắn đại bác chào đón Tập Cận Bình tại Phủ chủ tịch. Hà Nội, Việt Nam. Ngày 12 tháng 11 năm 2017

Trong cuộc chiến với Trung Quốc, ông Đức chỉ mới 17 tuổi, nhưng ông đã hiểu một điều rằng, ngày nay, là một nhân viên bảo vệ, sống ở Hà Nội, ông nói rằng ông vẫn tin chắc vào điều đó. Ông nói: “Chúng tôi không thể tin người Trung Quốc. Họ là kẻ thù truyền kiếp của chúng tôi, và điều đó sẽ không thay đổi”.
New York Times
Tác giả: Hannah Beech
Dịch giả: Trung Nguyễn
(Tiếng Dân)

http://www.tintuchangngayonline.com/2017/11/new-york-times-viet-nam-bi-ket-giua-hai.html