‘Nếu người khác đi, tôi sẽ đi’: Bên trong kế hoạch đưa người Uighurs đi lao động

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘Nếu người khác đi, tôi sẽ đi’: Bên trong kế hoạch đưa người Uighurs đi lao động

3/3/21 – Chính sách chuyển hàng trăm nghìn người Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, đến các công việc mới thường xa nhà, của Trung Quốc dẫn đến việc dân số của họ ngày càng thưa thớt đi, theo một nghiên cứu cấp cao của Trung Quốc mà BBC được xem.

Buzaynap, 19 tuổi, xuất hiện trong một báo cáo truyền thông nhà nước vào năm 2017 về việc xuất khẩu lao động
Chụp lại hình ảnh, Buzaynap, 19 tuổi, trong một bản tin trên truyền thông nhà nước vào năm 2017 về việc chuyển giao lao động

Chính phủ bác bỏ việc họ đang tìm cách thay đổi nhân khẩu học của vùng viễn tây nước mình, nói việc chuyển đổi việc làm được tạo ra để nâng mức thu nhập và giảm tình trạng thất nghiệp lẫn nghèo đói dai dẳng ở nông thôn.

Nhưng bằng chứng chúng tôi có được cho thấy – cùng với các trại cải tạo mọc lên khắp Tân Cương trong những năm gần đây – chính sách này tiềm ẩn nguy cơ cưỡng chế cao và được lập ra nhằm đồng hóa các nhóm thiểu số, bằng cách thay đổi lối sống và suy nghĩ của họ.

Nghiên cứu nói trên, có tên là Nankai, được soạn cho các quan chức cấp cao đọc, nhưng vô tình được đăng lên mạng, là một phần cuộc điều tra của BBC, dựa trên các báo cáo nhà nước, các cuộc phỏng vấn và các chuyến thăm các nhà máy trên khắp Trung Quốc.

Và chúng tôi đặt câu hỏi về các mối liên hệ khả dĩ giữa việc chuyển giao lao động Uighurs và hai thương hiệu lớn của phương Tây, khi mối quan tâm quốc tế ngày càng tăng lên về mức độ người lao động Uighurs đã ăn sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

grey_new

Tại một ngôi làng ở phía nam Tân Cương, cỏ khô đang được gom lại và chất trên những cánh đồng và các gia đình đang đặt trái cây và bánh mì dẹt lên trên phản gỗ, nơi sinh hoạt của gia đình người Uighur thường diễn ra.Nhưng cơn gió ấm thổi qua sa mạc Taklamakan mang theo nỗi lo và cả những thay đổi.

Bản tin video do kênh tin tức của Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếu cho thấy một nhóm quan chức ở trung tâm ngôi làng, ngồi dưới biểu ngữ đỏ quảng bá việc làm ở tỉnh An Huy, cách đó 4.000 km.

Sau hai ngày dài, theo tường trình của phóng viên, không có người nào trong làng đến đăng ký, và vì vậy các quan chức bắt đầu đi từ nhà này sang nhà khác.

Sau đó là một số đoạn phim hết sức lôi cuốn về chiến dịch lớn của Trung Quốc, nhằm chuyển người Uighurs, người Kazakh và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương đến làm việc tại nhà máy, với công việc lao động chân tay, và thường là những công việc buộc họ phải xa nhà.Tuy đoạn video được phát sóng năm 2017, trong khoảng thời gian chính sách bắt đầu được đẩy mạnh, video này cho đến giờ vẫn chưa xuất hiện trong các bản tin thời sự quốc tế.

Trong video, các quan chức đang nói chuyện với một người cha rõ ràng là không sẵn lòng gửi con gái của mình, Buzaynap, đến một nơi xa.

“Hẳn là có người khác muốn đi,” ông cố nài nỉ. “Chúng tôi có thể kiếm sống ở đây, hãy để chúng tôi sống cuộc sống thế này.”

Họ nói chuyện trực tiếp với Buzaynap, 19 tuổi rằng, nếu ở lại, cô sẽ sớm lập gia đình và không bao giờ có thể rời đi.

“Suy nghĩ xem, cô có muốn đi không?” họ hỏi.

Dưới sự giám sát gắt gao của các quan chức chính phủ và các nhà báo thuộc truyền hình nhà nước, cô lắc đầu trả lời, “Tôi sẽ không đi.”

Tuy nhiên, áp lực vẫn tiếp tục đổ lên, cho đến cuối cùng, cô bật khóc, chịu thua.

“Nếu những người khác đi, tôi sẽ đi”, cô nói.

Buzaynap
Chụp lại hình ảnh, Video vẫn chưa xuất hiện trên các báo đài quốc tế cho đến nay

Thước phim kết thúc bằng những lời tiễn biệt giàn giụa nước mắt giữa những mẹ con, khi Buzaynap và những người được chiêu mộ tương tự khác được “vận động” để bỏ lại gia đình và văn hóa của họ sau lưng.

Giáo sư Laura Murphy là một chuyên gia về nhân quyền và chế độ nô lệ đương đại tại Đại học Sheffield Hallam của Vương quốc Anh, sống ở Tân Cương từ năm 2004 đến năm 2005, và đã quay lại đây để thăm.

“Đoạn video này rất chấn động,” bà Murphy nói với BBC.

“Chính phủ Trung Quốc liên tục nói rằng mọi người đều tình nguyện tham gia các chương trình này, nhưng video đó hoàn toàn cho thấy đây là một hệ thống cưỡng chế mà mọi người không được phép chống lại.”

“Điều khác mà video chỉ ra là động cơ đen tối,” bà nói, “dù họ quảng bá đây là việc đưa mọi người thoát nghèo, nhưng có một nỗ lực làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân, chia rẽ gia đình, làm thưa thớt dân cư, thay đổi ngôn ngữ, văn hóa và cấu trúc gia đình của họ, và có nhiều khả năng gây tăng nghèo đói hơn là giảm nghèo đói. “

grey_new

Một thay đổi rõ nét trong cách tiếp cận của Trung Quốc với việc quản lý Tân Cương có thể bắt nguồn từ hai vụ tấn công tàn bạo nhằm vào người đi bộ và người đi làm – ở Bắc Kinh năm 2013 và thành phố Côn Minh năm 2014 – mà nước này đổ tội cho các phần tử Hồi giáo và người Uighurs ly khai.

Trọng tâm của cách phản ứng này – trong cả kế hoạch xây dựng trại giam lẫn chuyển đổi việc làm – là nhằm thay thế những người Uighurs cũ đầy lòng mộ đạo với văn hóa và đức tin Hồi giáo bằng bản sắc duy vật “hiện đại” và sự phục tùng phải có với Đảng Cộng sản.

Mục tiêu bao trùm của việc đồng hóa người Uighurs vào nền văn hóa dòng chính của người Hán – được thể hiện rõ nét qua một nghiên cứu chuyên sâu của Trung Quốc về kế hoạch chuyển đổi việc làm ở Tân Cương, được phân phối đến tay các quan chức cấp cao của Trung Quốc, mà BBC đã nhìn thấy.

Dựa trên quan sát tại chỗ được tiến hành tại tỉnh Hotan của Tân Cương tháng 5 năm 2018, báo cáo đã vô tình bị công bố công khai trên mạng tháng 12/2019 và gỡ xuống vài tháng sau đó.

Được viết bởi một nhóm học giả từ Đại học Nam Đài ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, báo cáo trên kết luận rằng việc thuyên chuyển lao động đại trà là “một phương pháp quan trọng để gây tác động, trộn lẫn và đồng hóa các dân tộc thiểu số Uighurs” và mang đến “sự chuyển đổi tư duy của họ”.

Việc bứng họ khỏi gốc rễ và đời họ đi nơi khác trong khu vực hoặc ở các tỉnh khác của Trung Quốc “làm giảm mật độ dân số của người Uighur.”

Dorms at Huafu
Chụp lại hình ảnh, Một tòa ký túc xá tại Công ty Dệt may Huafu, nơi Buzaynep được đưa đến làm việc

Một nhà nghiên cứu người Uighur ở nước ngoài phát hiện ra báo cáo này và một bản lưu trữ (tiếng Trung Quốc) đã được lưu lại trước khi trường đại học nhận ra sai sót của mình.

Tiến sĩ Adrian Zenz, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản ở Washington, viết một bản phân tích về báo cáo trên, gồm cả bản dịch tiếng Anh.

“Đây là một nguồn có thẩm quyền chưa từng có từ trước đến giờ, được viết bởi các học giả hàng đầu và các cựu quan chức chính phủ có quyền tiếp cận ở cấp cao với chính Tân Cương,” tiến sĩ Zenz nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC.

“Thặng dư dân số là điều cần giải quyết, và việc chuyển đổi lao động được coi là giải pháp để giảm sự tập trung người lao động ở quê hương bản quán của họ, theo tôi, là sự thừa nhận đáng kinh ngạc nhất của báo cáo này.”

Phân tích của ông bao gồm ý kiến ​​pháp lý từ Erin Farrell Rosenberg, cựu cố vấn cấp cao của Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ, rằng Báo cáo Nankai cung cấp các “cơ sở đáng tin cậy” cho các tội ác chống lại loài người về cưỡng chế thuyên chuyển và ngược đãi.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, “Bản báo cáo chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả và phần lớn nội dung của nó không phù hợp với thực tế.”

“Chúng tôi hy vọng rằng các nhà báo sẽ sử dụng thông tin có thẩm quyền do chính phủ Trung Quốc công bố để làm cơ sở khi đưa tin về Tân Cương.”

Các tác giả của báo cáo Nankai ca tụng nỗ lực chống đói nghèo với sự “đảm bảo về việc tự nguyện” trong các vị trí tuyển dụng, và với việc các nhà máy cho phép người lao động “tự do rời đi và trở về.”

Nhưng những tuyên bố đó hơi mâu thuẫn với mức độ chi tiết mà chúng cung cấp về cách chính sách được đưa vào thực tiễn.

Có những “mục tiêu” cần đạt được, chỉ riêng tỉnh Hotan – vào thời điểm nghiên cứu được thực hiện – đã xuất khẩu 250.000 lao động, chiếm 1/5 tổng dân số ở độ tuổi lao động.

Có áp lực với việc đạt chỉ tiêu, với các trạm tuyển dụng được dựng lên “ở mọi làng xã” và các quan chức được giao nhiệm vụ “vận động tập thể” và “thăm hỏi các hộ gia đình”, giống như trường hợp của cô gái Buzaynap 19 tuổi.

Và có dấu hiệu kiểm soát ở mọi giai đoạn, với tất cả những người mới được tuyển dụng được đưa qua “giáo dục tư tưởng chính trị”, sau đó được chuyển đến các nhà máy theo từng nhóm – có khi lên đến hàng trăm người một lúc – và “được dẫn và đi cùng với các cán bộ chính trị để thực hiện việc bảo mật và quản lý.”

Những người nông dân không muốn rời bỏ đất đai hoặc đàn gia súc của họ được khuyến khích chuyển chúng đến một chương trình chính phủ quản lý tập trung họ khi họ đi vắng.

Và một khi họ đến làm việc tại nhà máy mới, bản thân người lao động phải chịu sự “quản lý tập trung” của những cán bộ “ăn ở” cùng với họ.

Nhưng báo cáo cũng lưu ý rằng sự phân biệt đối xử sâu sắc ở trung tâm của hệ thống, đang cản trở sự hiệu quả của chiến dịch, với các lực lượng cảnh sát địa phương ở miền đông Trung Quốc đã rất kinh hãi trước sự xuất hiện của các đoàn tàu đầy người Uighurs, đến nỗi đôi khi họ bị bắt quay trở lại.

Có những nơi, báo cáo thậm chí còn cảnh báo rằng các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương có thể đã quá cực đoan, chẳng hạn, nói rằng số người bị đưa vào các trại cải tạo “vượt xa” những người bị nghi ngờ có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan.

“Không nên đánh đồng toàn bộ dân số Uighurs là những kẻ bạo loạn,” báo cáo nói.

grey_new

Công ty Dệt may Huafu nằm ở rìa một khu công nghiệp xám xịt ở thành phố Hoài Bắc, thuộc tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.

Chính nhà máy là nơi mà Buzaynap, xuất hiện trên truyền hình nhà nước, được gửi đến.

Khi BBC đến thăm, ký túc xá 5 tầng riêng biệt của người Uighurs có ít dấu hiệu của người ở, ngoài một đôi giày đặt cạnh cửa sổ đang mở.

Tại cổng, nhân viên bảo vệ nói rằng các công nhân Uighurs “đã trở về nhà”, thêm rằng đó là vì luật kiểm soát dịch Covid, và trong một văn bản, Huafu nói với chúng tôi rằng, “công ty hiện không còn tuyển dụng công nhân Tân Cương.”

BBC có thể tìm thấy vỏ gối làm bằng sợi Huafu được bán trên trang web Amazon của Anh Quốc, dù không thể xác nhận sản phẩm có mối liên kết với nhà máy cụ thể mà chúng tôi đã đến hay là một trong những cơ sở khác của công ty.

Amazon nói với BBC rằng họ không chấp nhận việc sử dụng lao động cưỡng bức và nếu có chứng cớ, các sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn chuỗi cung ứng của Amazon sẽ bị loại bỏ.

BBC đã làm việc cùng một nhóm các nhà báo quốc tế có trụ sở tại Trung Quốc, chia nhau đến thăm tổng cộng sáu nhà máy.

Lối vào nhà máy giày Đông Quan Luzhou ở Quảng Châu
Chụp lại hình ảnh, Lối vào nhà máy giày Đông Quan Luzhou ở Quảng Châu

Tại nhà máy giày Dongguan Luzhou ở tỉnh Quảng Châu, một công nhân nói nhân viên người Uighurs dùng túc xá riêng và căng tin riêng, và một người dân địa phương khác nói với các phóng viên rằng công ty này sản xuất giày cho Skechers.

Nhà máy này trước đây đã được nối kết với công ty Mỹ, với các video chưa được xác minh trên mạng xã hội có chủ đích cho thấy các công nhân người Uighurs sản xuất các dòng sản phẩm của Skechers và các gợi đến mối quan hệ trong hội đồng quản trị kinh doanh trực tuyến của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Skechers nói họ “không khoan nhượng đối với lao động cưỡng bức”, nhưng không trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có sử dụng Dongguan Luzhou làm nhà cung cấp hay không.

Dongguan Luzhou đã không đáp ứng yêu cầu bình luận.

Các cuộc phỏng vấn được ghi lại tại hiện trường cho thấy công nhân người Uighurs được tự do rời khỏi nhà máy trong thời gian rảnh, nhưng ở các nhà máy khác chúng tôi đến để nghiên cứu, bằng chứng lẫn lộn hơn.Trong ít nhất hai nơi, các phóng viên đã được thông báo về một số hạn chế, và tại một cơ sở ở thành phố Vũ Hán, một nhân viên người Hán nói với BBC rằng khoảng 200 đồng nghiệp người Uighurs của anh hoàn toàn không được phép ra ngoài.

Skechers dorms
Chụp lại hình ảnh, Một tòa nhà ký túc xá tại nhà máy giày Đông Quan Luzhou

Ba tháng sau khi Buzaynap rời làng để bắt đầu khóa đào tạo chính trị, đoàn làm phim của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã gặp lại cô, lần này là ở Công ty Dệt Huafu ở An Huy.

Chủ đề của sự hòa nhập, một lần nữa, là trọng tâm của bản tin.

Trong một cảnh quay, Buzaynap suýt nữa rơi nước mắt khi bị mắng vì những lỗi lầm của mình, nhưng cuối cùng, một biến chuyển được cho là đang diễn ra.

“Cô gái rụt rè ít nói và luôn cúi gằm mặt,” chúng tôi được thông tin, “đang tạo được tín nhiệm trong công việc.”

“Lối sống đang thay đổi và suy nghĩ đang thay đổi.”

John Sudworth – BBC News, Beijing – 3 tháng 3 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/world-56248905