Nền kinh tế toàn cầu năm 2018
Michael Spence – TS. Đỗ Kim Thêm dịch
Các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức hỏi các nhà kinh tế như tôi về một loạt các vấn đề thường xảy ra trong sự lựa chọn thuộc các lĩnh vực như đầu tư, giáo dục và việc làm, cũng như các kỳ vọng về chính sách của họ. Trong hầu hết các trường hợp, không có câu trả lời dứt khoát. Tuy nhiên, với đầy đủ thông tin, người ta có thể nhận ra các xu hướng trong các điều kiện của nền kinh tế, thị trường và công nghệ và đưa ra những dự đoán hợp lý.
Trong thế giới của các nước phát triển trong năm 2017 có thể được nhắc lại như là một giai đoạn tương phản rõ rệt, với nhiều nền kinh tế đang trải nghiệm về gia tốc tăng trưởng, cùng với sự phân hoá chính trị, phân cực và căng thẳng cả trong nước và quốc tế. Về lâu dài, người ta không chắc rằng các thành tựu kinh tế sẽ thoát ra khỏi ảnh hưởng với các lực ly tâm trong xã hội và chính trị. Tuy nhiên, ít nhất là cho đến nay, các thị trường và nền kinh tế đã thoát ra khỏi các rối loạn chính trị, và nguy cơ của tình trạng suy thoái trầm trọng trong ngắn hạn có vẻ như là tương đối nhỏ.
Một ngoại lệ là Vương quốc Anh, hiện đang phải đối mặt với một tiến trình thoát ra khỏi Liên Âu với nhiều phân hoá và xáo trộn. Còn những nơi khác ở châu Âu như Đức, Angela Merkel, thủ tướng đang bị suy yếu nghiêm trọng, bà đang nỗ lực để thành lập một chính phủ liên minh. Không một chuyện nào trong các điều này là thuận lợi cho Anh hoặc phần còn lại của châu Âu, mà Pháp và Đức cần làm việc cùng nhau để cải cách Liên Âu.
Một cú sốc tiềm ẩn đã tạo được nhiều sự quan tâm liên quan đến các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Với quan điểm cải thiện thành tích kinh tế ở các nước phát triển, việc đảo ngược lần lượt chính sách can thiệp mạnh về tiền tệ dường như không phải là một cú sốc lớn hoặc gây sốc cho các giá trị về tài sản. Có lẽ điều chúng ta chờ đợi từ lâu về sự hội tụ hướng về thượng tầng của các nguyên tắc cơ bản về kinh tế để xác nhận giá trị của thị trường là nằm trong tầm tay.
Tại Châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở trong một vị thế mạnh hơn bao giờ hết, tình trạng này cho thấy là việc quản lý hiệu quả của sự mất cân đối và tăng trưởng hướng về canh tân và tiêu dùng là có thể kỳ vọng. Ấn Độ cũng có vẻ như sẽ duy trì đà tăng trưởng và cải cách sức đẩy của mình. Khi các nền kinh tế này phát triển, những nền kinh tế khác cũng sẽ muốn như vậy cho toàn khu vực và đi xa hơn thế nữa.
Khi nói đến công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số, Trung Quốc và Hoa Kỳ dường như sẽ thống trị trong những năm tới, khi họ tiếp tục tài trợ các nghiên cứu cơ bản, gặt hái được những lợi ích to lớn khi các canh tân được thương mại hoá. Hai quốc gia này cũng là nơi có nền tảng chính cho tương tác kinh tế và xã hội, có lợi từ các hiệu ứng do nối kết mạng, khép lại các khoảng trống thông tin, và có lẽ điều quan trọng nhất là khả năng thông minh nhân tạo và các ứng dụng cách sử dụng và tạo ra một lượng lớn dữ liệu có giá trị.
Những cơ sở nền tảng như vậy không chỉ có lợi cho chính họ; họ cũng tạo ra nhiều cơ hội liên quan cho mô hình kinh doanh mới hoạt động trong và xung quanh họ, mà trong đó chúng ta nói tới quảng cáo, tiếp vận và tài chính. Đứng trước tình trạng này, các nền kinh tế thiếu các cơ sở nền tảng như Liên Âu đang gặp bất lợi. Ngay cả châu Mỹ La tinh cũng có một đối thủ thương mại nội địa trong ngành điện tử (Mercado Libre) và một hệ thống chi trả theo kỹ thuật số (Mercado Pago).
Trung Quốc hiện dẫn đầu trong các hệ thống thanh toán trên mạng qua điện thoại di động. Với phần lớn dân số của đất nước đã chuyển trực tiếp từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến di động – bỏ qua giai đoạn trả bằng chi phiếu và thẻ tín dụng – hệ thống thanh toán của Trung Quốc rất mạnh.
Đầu tháng này vào ngày lể cho người độc thân, một lễ hội hàng năm hướng về việc tiêu thụ dành cho thanh niên đã trở thành sự kiện mua sắm lớn nhất trên thế giới, Cơ sở thanh toán chi trả trên mạng lớn nhất của Trung Quốc là Alipay đã chi 256.000 lần trong một giây, họ dùng một cấu trúc điện toán vững chắc. Cũng có một phạm vi rất gây ấn tượng để mở rộng dịch vụ tài chính – từ đánh giá tín dụng đến quản lý tài sản và bảo hiểm – trên nền tảng cơ sở của Alipay và mở rộng của Alipay trong các nước khác ở châu Á đang được tiến hành thông qua các đối tác.
Trong những năm tới, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển cũng sẽ phải làm việc cực nhọc để chuyển sang mô hình phát triển toàn diện hơn. Ở đây, tôi dự đoán rằng các chính phủ của các nước có thể giành một vị thế khiêm nhường hơn so với các doanh nghiệp, các chính quyền địa phương, các nghiệp đoàn lao động và các tổ chức giáo dục và phi lợi nhuận trong việc thúc đẩy tiến trình, đặc biệt ở những nơi bị chia rẽ về chính trị và các phản ứng chống lại chính quyền.
Sự phân chia như vậy có thể sẽ tăng lên. Tự động hoá được thiết lập để duy trì, và thậm chí đẩy nhanh, thay đổi về nhu cầu của các thị trường lao động, trong các lĩnh vực từ sản xuất đến tiếp vận, dược phẩm và luật pháp, trong khi đáp ứng từ phiá cung cấp sẽ chậm hơn nhiều. Kết quả là ngay cả khi người lao động được hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu (dưới hình thức hỗ trợ thu nhập và các biện pháp tái huấn luyện), sự không phù hợp của thị trường lao động có thể sẽ tăng lên, làm tăng bất bình đẳng và góp phần tạo ra phân cực chính trị và xã hội
Tuy nhiên, có những lý do để chúng ta lạc quan một cách thận trọng. Vì lúc mới bắt đầu, vẫn có sự đồng thuận rộng rãi giữa các nền kinh tế phát triển và đang nổi lên về lòng mong muốn duy trì nền kinh tế toàn cầu tương đối cởi mở.
Ngoại lệ đáng chú ý là Hoa Kỳ, mặc dù chuyện không rõ ràng tại thời điểm này là liệu chính quyền của Tổng thống Donald Trump có ý định rút lui khỏi hợp tác quốc tế không hay chỉ đơn thuần là tự định vị thế để đàm phán lại các điều khoản thuận lợi hơn cho Hoa Kỳ. ít nhất là cho đến bây giờ, điều có vẻ như rõ ràng rằng Hoa Kỳ không thể được coi là một nhà tài trợ chính và kiến trúc sư của hệ thống toàn cầu dựa trên tinh thần trọng pháp để quản lý một cách công bằng v ề tình trạng tương thuộc.
Tình hình cũng tương tự khi so với việc gảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ hiện nay là nước duy nhất không tham gia kết ước Paris về thỏa thuận khí hậu, vốn còn tuân thủ mặc dù chính quyền Trump đã rút lui. Ngay cả ở trong nước Mỹ, các thành phố, các tiểu bang, và các doanh nghiệp, cũng như một loạt các tổ chức xã hội dân sự, đã báo hiệu về một cam kết khả tín để hoàn thành nghĩa vụ về khí hậu của Mỹ, cho dù có hoặc không có cam kết của chính phủ liên bang.
Tuy nhiên, thế giới còn đi trên một chặng đường dài, vì sự phụ thuộc vào than vẫn còn cao. The Financial Times báo cáo rằng nhu cầu về than đá ở Ấn Độ sẽ còn cao trong khoảng 10 năm, với mức tăng trưởng khiêm tốn từ bây giờ đến thời điểm đó. Mặc dù trong viễn cảnh này có tiềm năng tăng trưởng nghịch đảo, nhưng nó phụ thuộc vào việc cắt giảm chi phí năng lượng xanh nhanh hơn, thế giới vẫn còn nhiều thời gian để khỏi lệ thuộc vào tình trạng tăng trưởng tiêu cực do các hiệu ứng của khí thải.
Tất cả những điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong những năm tháng tới. Đang bị đe doạ trong bối cảnh hiện nay là một núi nợ làm cho các thị trường sốt ruột và tăng khả năng dễ bị tổn thương của hệ thống tạo các cú sốc gây bất ổn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn kịch bản chính dường như là một trong những tính liên tục. Quyền lực kinh tế và ảnh hưởng sẽ tiếp tục thay đổi từ tây sang đông mà không có bất kỳ đột biến nào trong mô hình công ăn việc làm, thu nhập, phân cực chính trị và xã hội, chủ yếu ở các nước phát triển, và không có đảo lộn dữ dội nào rõ ràng nào trong tương lai gần.
***
Michael Spence đoạt giải Nobel Kinh tế, là Giáo Sư Kinh tế học tại NYU’s Stern School of Business, tác giả sách The Next Convergence – The Future of Economic Growth in a Multispeed World.
Nguyên tác: The Global Economy in 2018