Nên để ‘cạnh tranh chính trị’ trong và ngoài Đảng?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nên để ‘cạnh tranh chính trị’ trong và ngoài Đảng?

Đại hội 12 của Đảng CSVN bế mạc ngày 28/01/2016. – Getty

Theo BBC – 28 tháng 1 2016
Các khách mời của BBC bình luận câu hỏi liệu ‘cạnh tranh chính trị’ tự do và lành mạnh có nên được diễn ra không chỉ ở trong Đảng mà còn ở ngoài xã hội giữa các chủ thể chính trị xã hội khác nhau, nhân Bàn tròn Thứ Năm cùng nhìn lại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra (21-28/01/2016).
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) từ Hà Nội nêu quan điểm:
“Ở Việt Nam hiện nay chúng ta chỉ có một đảng, và đấy là đảng cầm quyền, thế thì ngay cả khi muốn chia gọi là những vị trí lãnh đạo, thì họ cũng phải chia cho một đảng nào đó được công nhận một cách hợp pháp ở Việt Nam…, giống như là ở các nước khác.
“Thế nhưng ở Việt Nam thì chúng ta chỉ có một đảng thôi. Thế thì chuyện đảng cộng sản Việt Nam giữ vị trí lãnh đạo và giữ các vị trí trong hệ thống Nhà nước, cũng như của Chính phủ, của Quốc hội là chuyện đương nhiên…
“Và nếu chúng ta có những đảng khác được tồn tại hợp pháp, được thừa nhận ở Việt Nam và họ cũng tham gia vào những cuộc tranh cử những vị trí của Chính phủ, của Quốc hội, giống như ở các nước khác, thì lúc đó mới nói đến câu chuyện là chia sẻ quyền lực như thế nào thì nó hợp lý hơn trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
“Đúng ra thì nói là chia sẻ ở trong Đảng, những đảng viên mà được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, thì họ sẽ chia sẻ với nhau về quyền lực lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ,” nhà xã hội học nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.
Cũng về vấn đề này, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm:
“Tôi nghĩ là trong bất kỳ một xã hội nào thì cũng phải có sự cạnh tranh về chính trị thôi, nhưng mà tùy vào cơ chế của xã hội đó, cái thể chế của xã hội đó, mà có thể những cạnh tranh chính trị ấy nó được mạnh mẽ, hay là nó ở mức độ yếu hơn.
“Thế còn ở Việt Nam hiện nay, tôi cũng phải nói thật là tình hình nó không hoàn toàn như là trước đây, thực sự ra cũng đã có những thách thức đối với đảng cầm quyền, cũng đã có những ý kiến khác, cũng có cả những tổ chức khác, mặc dù những tổ chức này không được pháp luật thừa nhận, nhưng thực sự ra thì cũng có hoạt động.
“Nhưng tôi nghĩ những cách thức ấy cũng chưa phải là lớn, nhưng mà tới đây thì có thể tình hình nó không hoàn toàn như thế này…
BBC và các khách mời của Bàn tròn Thứ Năm tuần này thảo luận về kết quả chính yếu của Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa bế mạc hôm 28/01/2016 và bình luận những vấn đề đặt ra cho Việt Nam hậu Đại hội.
Mời quý vị theo dõi Chương trình Tọa đàm trực tuyến này với sự tham gia của các khách mời là phóng viên, nhà phân tích, quan sát thời sự chính trị, nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam.

‘Bất ngờ’

Tại cuộc họp báo diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trả lời câu hỏi của Truyền hình Việt Nam về cảm nghĩ của mình khi được bầu làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng nói: “Hơi bất ngờ với tôi, khó trả lời. Tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối”.
“Bất ngờ vì tuổi cao, sức khoẻ có hạn, trình độ có hạn, tôi đã xin nghỉ rồi. Trách nhiệm Đảng giao thì tôi với tư cách đảng viên thì phải chấp hành.”
Ông cũng ngỏ lời “chân thành cảm ơn đồng bào đã có những nhắn gửi, giao trách nhiệm cho chúng tôi” và nói ông “lo lắng vì trách nhiệm sắp tới còn nặng nề lắm”.
Tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối. Bất ngờ vì tuổi cao, sức khoẻ có hạn, trình độ có hạn, tôi đã xin nghỉ rồi. Trách nhiệm Đảng giao thì tôi với tư cách đảng viên thì phải chấp hành. TBT Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư Trọng khẳng định “kết quả bầu cử vừa rồi bảo đảm 100% là hoàn toàn đúng với công tác nhân sự”.
Quá trình bầu chọn nhân sự, theo ông là rất đúng đắn và dân chủ.
Trọng phát biểu với báo chí: “Dân chủ đến thế là cùng – nhiều đại biểu tâm sự như thế. Đại hội lần này là đại hội biểu hiện dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ.”

Cân bằng

Một số nhà quan sát TC tỏ ra lạc quan về mối quan hệ với Việt Nam sau khi Việt Nam hoàn tất cuộc chuyển giao lãnh đạo tại Đại hội XII.
Sáng 28/1, sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông Nguyễn Phú Trọng đã tổ chức họp báo, đánh dấu kết thúc Đại hội XII.
Trả lời BBC, Tiến sĩ Dong Wang, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, nhận xét kết quả Đại hội Đảng “sẽ không dẫn đến thay đổi trong chính sách của Việt Nam với Trung Quốc”.
“Kết quả bầu cử ở Đại hội Đảng chứng tỏ Việt Nam có sự đồng thuận rằng không nên hoàn toàn thay đổi chính sách đối ngoại hướng về thân Mỹ.”
“Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thận trọng điều tiết quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Hà Nội sẽ không đặt cửa vào Mỹ mà cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ.”
Từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, Tiến sĩ Xiaohe Cheng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói các chuyên gia Trung Quốc rất quan tâm Đại hội XII.
“Vì họ tin rằng ai lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ quan trọng cho quan hệ Việt – Trung.”
“Mặc dù tôi không biết ai sẽ thắng cuộc đua, chiến thắng của ông Trọng không làm tôi ngạc nhiên.”
Tiến sĩ Xiaohe Cheng giải thích: “Trọng là nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam và không nên bị gán nhãn hiệu chính khách thân Trung Quốc.”
“Quan hệ Việt – Trung có thể trở nên ổn định và quan hệ kinh tế tốt hơn so với năm trước.”