NATO: An ninh Afghanistan được bảo đảm sau thỏa thuận chia quyền

Cac Bai Khac

No sub-categories

NATO: An ninh Afghanistan được bảo đảm sau thỏa thuận chia quyền

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen xuất hiện tại phiên họp thường niên lần thứ 69 của Đại hội đồng LHQ tại trụ sở LHQ ở New York.

Theo VOA – Scott Stearns – 24.09.2014

LIÊN HIỆP QUỐC— Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói ông tin các lực lượng Afghanistan có thể đảm nhận trách nhiệm an ninh dưới quyền tân chính phủ ở Kabul, một phần của thỏa thuận chia quyền sau cuộc bầu cử lịch sử trong năm nay. Thông tín viên VOA Scott Stearns có bài tường thuật từ Liên Hiệp Quốc, nơi Tổng thư ký NATO nói với đài VOA về Afghanistan, Syria và Ukraine. Ông Rasmussen hoan nghênh thỏa thuận chia quyền giữa tân Tổng thống Ashraf Ghani và tân trưởng quan hành chánh Abdullah Abdullah. Ông nói rằng NATO mong cho hiệp định cho phép triển khai lực lượng huấn luyện do liên minh dẫn đầu vào tháng Giêng năm 2015 được ký kết một cách nhanh chóng. Lực lượng mới sẽ thay thế lực lượng an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu đã hoạt động ở Afghanistan từ năm 2001. Với sự thay đổi này, ông Rasmussen nói với VOA rằng ông tin là các lực lượng Afghanistan đã sẵn sàng để khắc phục những thách thức từ các chiến binh Taliban, những người phản đối tân chính phủ. “Tôi tin là các lực lượng an ninh Afghanistan có thể đảm nhận toàn bộ trách nhiệm an ninh ở Afghanistan vào cuối năm nay như kế hoạch đã định. Họ đã dẫn đầu các hoạt động an ninh trong suốt năm ngoái và họ cũng đã giải quyết nhiều tình huống an ninh khó khăn một cách khá chuyên nghiệp.” Ông Rasmussen nói NATO không có vai trò chính thức trong liên minh tấn công các lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria nhưng sẵn sàng thực hiện lại công tác huấn luyện tại Iraq nếu có sự yêu cầu của tân chính phủ ở Baghdad. “Chúng tôi đã quyết định tăng cường trao đổi tình báo và thông tin để đối phó với những mối rủi ro và đe dọa của các chiến binh nước ngoài trở về nước.” Ông Rasmussen nói việc xâm chiếm Ukraine của Nga là một “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế,” sẽ làm thay đổi mãi mãi cách tiếp cận của NATO với Moscow. “Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng tôi có một cơ hội lịch sử để tạo ra những điều mới mẻ ở châu Âu: một châu Âu trọn vẹn, tự do và hòa bình. Và vì mục đích đó, chúng tôi cũng cần hợp tác với Nga. Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi phải nhận ra rằng Nga không xem chúng tôi là một đối tác mà là một kẻ thù. Và chúng tôi phải thích ứng với điều đó.” Ông Rasmussen sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm với cương vị đứng đầu NATO vào tháng này. Cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg là người sẽ thay thế ông.