Năm Mới Nói Chuyện Kiếm Hiệp Kim Dung – Người Xứ Bưởi

Cac Bai Khac

No sub-categories

Năm Mới Nói Chuyện Kiếm Hiệp Kim Dung – Người Xứ Bưởi

I/ Ra đi với “Giấc Mộng Đêm Hè”

Vào ngày 30/11/2018, nhà văn nổi tiếng Kim Dung (1924 – 2018) đã vĩnh viễn ra đi và gây nhiều xúc động cho giới hâm mộ truyện kiếm hiệp. Nhưng điều làm cá nhân chúng tôi thực sự kinh ngạc là ngày tháng đó đúng trước đây 2 năm, ngôi sao điện ảnh số 1 Hạ Mộng (diễn dịch ra là “Giấc Mộng Đêm Hè” từ tác phẩm A Midsummer Night Day’s Dream của Shakespeare) cũng qua đời. Sự trùng hợp kỳ diệu này chắc không phải ngẫu nhiên, mà chắc chắn đó là mong ước thầm kín nhứt của nhà văn Kim Dung. Tại sao vậy?.

Bởi vì cả hai quen biết nhau từ khoảng năm 1956 và cũng chính vì thầm yêu Hạ Mộng (1933 – 2016) nên Kim Dung phải lăn xả vào nghề nghiệp biên kịch tầm thường rồi làm đạo diễn để gần người đẹp. Họ đã tạo ra nhiều huyền thoại về mối tình đơn phương độc đáo này của Kim Dung. Gọi là đơn phương vì theo dư luận đồn đại cho thấy Hạ Mộng đã từ chối lời tỏ tình của Kim Dung vì đã lập gia đình với doanh nhân Lâm Bảo Thành. Nếu như nhìn lại vào thời điểm năm 1956 thì lúc đó Kim Dung chỉ là vô danh tiểu tốt mà lại đòi chiếm lại trái tim ngôi sao điện ảnh đẹp rực rỡ số 1 thì làm sao thành công được.

Nhưng cuộc đời đâu ai có ngờ: Chính nhân vật “vô danh tiểu tốt” Kim Dung đó đã lần lượt sáng tác ra được những tác phẩm kiếm hiệp độc đáo khiến làm say mê lôi cuốn cả hàng tỷ độc giả để rồi trở thành một trong những tỷ phú khét tiếng của Hồng Kông. Trong khi đó Hạ Mộng với thời gian nhan sắc tàn phai không còn nổi tiếng trong dư luận quần chúng nữa.

Nếu đúng là mối tình đơn phương thì có lẽ là đẹp nhứt trên cõi đời này, bởi vì ấp ủ kéo dài đến 62 năm cho đến chết, mà cả hai bên đều trân trọng gìn giữ không hề có thái độ hờn ghét “ân oán nhau” rất tầm thường như từng xảy ra .

Nhưng câu hỏi được đặt ra: Có thực chỉ là mối tình đơn phương hay cả hai giữ kín chuyện “thầm kín” nào đó đã xảy ra trong thời gian bên nhau cùng thực hiện các cuốn phim?

II/ Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy: Cái nhìn mới về tác phẩm Kim Dung

Rất nhiều cây viết đã bàn về truyện kiếm hiệp Kim Dung. Nhưng có lẽ chỉ có Giáo sư Huy có một các nhìn độc đáo hoàn toàn mới được trình bày trong tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung”

1) Suốt cuộc đời, Giáo sư Huy đã khẳng khái chọn con đường hoạt động chính trị đầy gian nan để tranh đấu cho đất nước VN được tốt đẹp hơn.

Cho nên mỗi tác phẩm đều được Giáo sư Huy gởi gắm dụng ý mình trong đó. Kể cả tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ  Hiệp Kim Dung”, mà thoạt đầu mới nghe qua tưởng chừng loại sách để mua vui giải trí mà thôi. Nên nhớ rằng thời điểm sáng tác vào khoảng năm 1985 lúc mà Giáo sư Huy đang bị bịnh nan y thấy tử thần trước mặt thì không thể nào lại mất công bỏ thì giờ rất quý báu để viết một tác phẩm loại mua vui giải trí. Vậy tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ  Hiệp Kim Dung” phải hàm chứa dụng ý không nhỏ của Giáo sư Huy.

2) Chính vì vậy nhiều nhà văn và nhà báo đã công nhận là một cuốn sách đặc biệt. Chẳng hạn:

a) “… Đọc quyển sách “Các Ẩn Số Chánh Trị …” này, tôi không nghĩ là chỉ tìm thú vui tiêu khiển, giải trí qua một cuốn sách đơn sơ, mà trái lại, nó đã cho tôi nhiều bài học về kiến thức. Mỗi một trang lật qua tôi thấy mình như trang bị thêm một mớ vốn liếng hiểu biết …”

(“Một cuốn sách hay” của Vương Thuý Hoa / Trích từ báo Trống Đồng … ).

b) “”Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ  Hiệp Kim Dung” một cuốn sách mà có lẽ sẽ đáp ứng được một số thắc mắc của rất nhiều độc giả Việt Nam mến mộ từ trước đến bây giờ … “

(“Đọc sách Các Ẩn Số Chánh Trị của Nguyễn Ngọc Huy” của Chu Vương Miện / Trích từ báo Tỵ Nạn …)

c) “… Trở về với Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua cuốn sách trên, chúng tôi thấy phải nói đây là một tác phẩm đặc biệt rất hay mặc dù đề tài chỉ nói về những truyện võ hiệp vốn chỉ có giá trị giải trí khi trà dư tửu hậu hay những lúc tâm hồn cô đơn trống rổng. Tôi dự định sẽ giới thiệu cuốn sách trên với độc giả vì nếu độc giả bỏ qua không đọc thì rất uổng …”

(Bạch Sĩ Uyên / Trích từ báo Hồn Việt …)

3) Làm luận án Tiến Sĩ tại Đại học Paris với “Để Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời”

Giáo sư Huy đã bỏ công nghiên cứu rất tường tận về Trung Hoa. Nhờ đó, sau này Giáo sư Huy sử dụng kiến thức uyên bác đó bàng bạc trong nhiều tác phẩm. Nhứt là trong tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung”. Hồi năm 1972 được quen biết với Giáo sư Huy tại Âu Châu và lúc về Sài Gòn Giáo sư Huy đã gửi qua tặng nhiều tác phẩm cho chúng tôi, mà trong đó có luận án Tiến Sĩ này.

Dụng ý chính là qua quyển sách hấp dẫn này, Giáo sư Huy muốn để lại hậu thế một tác phẩm nhằm quảng bá sâu rộng một nền tảng chính trị ích nước lợi dân. Có thể nói tương tự như tác giả truyện bình dân Tây Du Ký kín đáo dùng hình ảnh Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới đi thỉnh kinh để ca ngợi và phát huy tinh túy Phật Giáo vào mọi từng lớp quần chúng. Điều này rất

đúng nếu xem kỹ nội dung tác phẩm sẽ thấy Giáo sư Huy đã đề cập, phân tích và phê bình đến hầu hết tất cả các thể chế chính trị trên thế giới từ xưa đến nay.

4) Dụng ý chính là vậy, nhưng có lẽ ngoài ra Giáo sư Huy còn có thêm hậu ý thầm kín muốn nhờ đó huấn luyện từng lớp hậu duệ của mình.

Thực vậy, Giáo sư Huy đã dày công soạn ra “Tài Liệu Huấn Luyện Trung Cấp” với nội dung thực xuất sắc và thực đồ sộ, mà so sánh hiếm có tổ chức VN nào làm được như vậy. Để cho tập tài liệu huấn luyện của mình được từng lớp hậu duệ dễ dàng nhập tâm hơn nữa, Giáo sư Huy mang sức tàn của mình ra đọc ra thu hết vào 18 cuốn băng cassette. Ông hy vọng rằng khi nghe được giọng nói thân thuộc của mình thì họ sẽ “học thuộc bài“ huấn luyện hơn để ứng dụng tốt đẹp hơn trên bước đường hoạt động. Ngoài ra biết rằng tầng lớp hậu duệ của mình phần lớn ưa thích và am tường chuyện võ hiệp Kim Dung, nên Giáo sư Huy đã muốn mang tâm sức ra viết tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” để dễ truyền bá sở học của mình.

5) Trong đó chứa đựng tất cả những gì Giáo sư Huy muốn nhắn nhủ & huấn luyện hậu duệ để phụng sự đoàn thể và đất nước cho được tốt đẹp hơn.

Điều đáng chú ý là tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” đã được đón đọc rất nồng nhiệt nên đã cho xuất bản đến 3 lần. Để phổ biến rộng rãi đến hàng triệu đồng bào trong và ngoài nước, tác phẩm này lại được đưa lên internet cho xem hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi nghĩ rằng bên kia thế giới Giáo sư Huy đã mãn nguyện thấy hậu ý của mình cuối cùng có tác dụng đối với hậu thế.

6) Được công nhận như là Thầy của bực Thầy,

Giáo sư Huy có tầm kiến thức uyên bác mà tánh tình lại rất cẩn thận. Xem ra, Giáo sư Huy phải đọc và nhớ hết các bộ truyện được trích dẫn như Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long, Thiên Long Bát Bộ, Lục Mạch Thần Kiếm, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đĩnh Ký … khoảng 30.000 trang. Thực vậy, chỉ nội bộ truyện Lộc Đĩnh Ký đã dầy cả 3778 trang.

Đặc biệt trong nhà Giáo sư Huy không có một bộ truyện kiếm hiệp nào. Thì giờ thì ít có, vì đi đây đi đó khắp nơi lo hoạt động. Đáng lẽ nghĩ ngợi dưỡng bịnh thì Giáo sư Huy lại cặm cụi viết lách. Trong hoàn cảnh đó tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” được biên soạn với trí nhớ phi thường của Giáo sư Huy.

7) Giáo sư Huy đã nghiên cứu rõ tiểu sử của tác giả Kim Dung và biết ngay là một con người với quá trình hoạt động chính trị như vậy thì không thể viết sách không có ẩn ý về chính trị.

Bằng chứng cụ thể là nhiều tác phẩm của Kim Dung trước đây đã bị cấm ở nhiều nơi ở ngoài Hông Kông vì lý đó chính trị. Thí dụ bị cấm ở Trung Cộng vì bị cho là chế nhạo Mao Trạch Động và Cách Mạng Văn Hoá. Phía Trung Hoa Quốc Gia / Đài Loan cũng cấm vì cho rằng các tác phẩm này ủng hộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sau này vào khoảng năm 1985 chính tác giả Kim Dung đã gián tiếp xác nhận trong cuộc phỏng vấn cho rằng dĩ nhiên thời cuộc cũng ảnh hưởng đến hình thành các tác phẩm.

Rõ ràng hơn hết, ông tham gia vào giới chính trị Hồng Kông, và là thành viên của ủy ban phác thảo Đạo luật cơ bản Hồng Kông, cũng là thành viên của Uỷ ban chuẩn bị giám sát sự chuyển giao của Hồng Kông về Trung Quốc.

Ngay trong phần Lời Mở Đầu, Giáo sư Huy đã kín đáo chỉ dẫn và chứng mình được hậu ý chính trị của tác giả Kim Dung qua các tác phẩm kiếm hiệp và độc đáo hơn nữa, đã ghi lại toàn bộ lịch sử Trung Hoa chỉ trong chục trang.

8) Như vậy có lẽ cho đến nay, Giáo sư Huy là người duy nhứt viết trình bày rõ ràng thành một quyển sách dầy hơn 300 trang phân tích về ẩn ý và mong ước chính trị của tác giả Kim Dung. Chúng tôi còn nhớ, Giáo sư Huy muốn cho chuyến dịch tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” sang ấn bản tiếng Tàu để tung ra tạo ảnh hưởng vào thị trường Trung Hoa. Nhưng tiếc thay Giáo sư Huy mất sớm vào ngày 28 tháng 7 năm 1990.

III/ Kết luận

Như đã trình bày phía trên, tác phẩm có một giá trị độc đáo và quá hấp dẫn nên đặc biệt được xuất bản đến 3 lần tại Mỹ & Âu Châu.

Ngoài ra để phổ biến rộng rãi đến độc giả trong và ngoài nước, tác phẩm này được mang lên internet coi miễn phí. Muốn đọc trên internet xin đánh giòng chữ tiếng Việt:

Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung

rồi sẽ thấy có nhiều trang web chứa toàn bộ tác phẩm này. Chẳng hạn:

https://thaithuyvy.wordpress.com/2010/03/24/cac-ẩn-số-chinh-trị-trong-tiểu-thiếp-vo-hiệp-kim-dung/

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/03/10/asct-chuong1-1/

Bên cạnh đó còn có thể xem thêm vài bài phê bình đặc biệt về tác phẩm này:

http://www.dcvonline.net/2018/12/07/cac-an-so-chinh-tri-trong-tieu-thuyet-vo-hiep-kim-dung-i/

https://nsvietnam.blogspot.com/2018/01/cac-so-chanh-tri-trong-tieu-thuyet-vo.html

Như vậy hy vọng trong Năm Mới, độc giả thưởng thức được một tác phẩm có cái nhìn hoàn toàn mới về truyện kiếm hiệp Kim Dung, mà bỏ qua không đọc thì rất uổng.

Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi (2018)