Nam kỳ cũng có văn chương – Nguyễn thị Cỏ May
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”
Tới đây thì rẽ ngã nào cũng là xứ Nam kỳ.
Từ ít lâu nay, tôi quen gọi Nam kỳ để chỉ vùng đất từ Biên Hòa kéo dài xuống tới tận Cà mau. Tôi không nói Miền nam và càng không nói Nam bộ. Trong suy nghĩ của tôi chỉ muốn giới hạn Nam kỳ trong phạm vi Lục Tỉnh.
Hôm nay, tôi đọc được quyển Dìện mạo Văn học Dân gian Nam bộ của Ông Nguyễn văn Hầu biên soạn, nhà TRẺ ở Sài gòn xuất bản (không thấy ghi năm), trong đó tác giả nói rõ chính tác giả cũng chọn “Nam kỳ” để làm tựa sách “Diện mạo Văn học Dân gian Nam kỳ”. Ông có kể ra nhiều tên gọi khác nhau để chỉ mìền đất cuối cùng này như: Đông Phố, Gia Định Thành, Gia Định Trấn,… sau cùng là Miền Nam.
Chỉ giữ lại những tên gọi sau đây: Miền Nam, Nam Việt và Nam Kỳ, thì ta thấy Nam Kỳ là có ý nghĩa ổn hơn hết. Miền Nam, Nam Việt chỉ một vùng phía Nam trong ba vùng của Việt nam nguyên vẹn. Phải Nam Kỳ hay rõ hơn Nam Kỳ Lục Tỉnh mới chỉ đúng vùng đất mà cuộc Nam tiến kết thúc để hình thành nước Việt Nam như ngày nay.
Ý của Ông Nguyễn văn Hầu chọn Nam Kỳ để làm tựa sách nhưng khi xuất bản, nhà xuất bản TRẺ của cộng sản muốn lấy tên “Nam Bộ” cho phù hợp với ngôn ngữ của nhà cầm quyền nên đề nghị người con của ông là Ông Nguyễn Bạch Trúc sửa lại “Nam Bộ”. Ông Nguyễn Bạch Trúc đồng ý theo nhà xuất bản tuy có trái ý cha nhưng cha đã mất từ năm 1995 rồi!
Nói Nam Kỳ cũng có văn chương là muốn nói văn chương của miền đất này. Xưa nay, ai cũng bìết chỉ có Miền Bắc, Miền Trung mới có văn chương. Hà nội là Thủ đô văn hóa. Thăng Long là đất ngàn năm văn vật. Nam kỳ chỉ mới thành hình không quá 300 năm nay. Chưa có mấy người học được chữ nghĩa thánh hiền và đỗ đạt khoa bảng ông Nghè, Ông Cống thì Tây ập tới và cai trị mất gần trăm năm. Có văn chương thì văn chương của Tây chăng?
Nhưng con người là bông hoa, là hương sắc của đất. Đất Nam Kỳ thì phải sản sanh văn chương nam kỳ. Hay dở, đẹp xấu, không biết nhưng đậm chất nam kỳ. Như vậy mới đúng là bông hoa, hương sắc của dân gian Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Ông Nguyễn văn Hầu mất nhiều năm sưu tầm những câu hát, câu hò của dân gian trong sanh hoạt hằng ngày và tập họp lại. Ông thừa nhận công việc sưu tầm chưa được rốt ráo vì quá nhiều khó khăn. Nhưng vẫn là một công trình quí hiếm thể hiện cái tinh hoa nam kỳ.
Đất và ngưởi Lục Tỉnh
Từ xưa, ở Việt nam, thành phố chỉ là nơi dành cho hành chánh. Mọi sanh hoạt thiệt của dân chúng đều tập trung ở thôn quê. Tên Sài gòn vì vậy trước đây không quan trọng vì không quen thuộc bằng Lục Tỉnh. Người ta có “đất lục tỉnh”, “dân lục tỉnh”, “ghe lục tỉnh”, “xe đò lục tỉnh”, “bến xe lục tỉnh” và liên hệ tới văn chương thì có nhựt trình “Lục Tỉnh Tân Văn” xuất bản mỗi tuần bằng chữ quốc ngữ, lần đầu tiên ngày 14 tháng 11 năm 1907 do Ông F. H. Schneider, một ông chủ nhà in làm chủ luôn tuần báo. Nhưng người Chủ bút là Ông Trần Chánh Chiếu, quốc tịch pháp dưới tên Gilbert Trần Chánh Chiếu. Ông là một nhơn sĩ tư sản nam kỳ nhưng sau này sạt nghiệp vì những đóng góp lớn của ông vào những hoạt động ái quốc. Có dịp sẽ nói thêm về nhơn sĩ tây học, dân tây mà ái quốc của xứ Nam kỳ này. Ở đây chỉ nhắc sơ lược khi nắm giữ tuần báo Lục Tỉnh Tân Văn, ông cầm đầu phong trào Minh Tân và nhờ đó ông hoạt động mạnh mẽ để cổ xúy phong trào ái quốc này. Và cũng trong thời gian này, Lục Tỉnh Tân Văn có mối quan hệ đặc biệt với phong trào Đông Du và Duy Tân.
Gilbert Trần Chánh Chiếu
Ông Trần Chánh Chiếu còn tổ chức giúp nuôi ăn học cho thanh niên học chữ quốc ngữ, chữ tây, học nghề, học cả vệ sinh và thể dục cho suốt học trình 7 năm.
Trên Lục Tỉnh Tân Văn có những bài hô hào chống chế độ thực dân, kêu gọi đồng bào đoàn kết chống quan lại tham nhũng khiến thực dân chú ý. Ông Trần Chánh Chiếu bị bắt và Lục Tỉnh Tân Văn bị tây rút giấy phép.
Về văn chương nam kỳ, xin mời đọc bài của Ông Trần Chánh Chiếu viết trên Lục Tỉnh Tân Văn năm 1908 phê phán thói xấu của người Việt lúc bấy giờ:
“Không biết giữ chữ tín
Không giữ chữ tín thì anh lừa tôi, tôi lừa anh, trăm
chuyện sẽ nát, tinh thần xã hội tan rã (…). Bất tín lớn nhất: một là dối trá.
Nhiều người nước ta vụng trong đường mưu sinh (1) nhưng lại giỏi dối trá giả mạo. Hai là bội ước các quy chế, chương trình, mà lại làm ra vẻ tuân hành: Nói mười không giữ được hai ba; Ngay khi ký quy ước đã không cố ý thực hiện, cứ ký bừa, bất kể sau này ra sao. Cho nên quy ước chưa ráo mực mà như đã bỏ đi: Còn như ước miệng (1) thì chỉ là “nói láo mà chơi nghe láo chơi” (…). Những thói xấu ấy đầy rẫy mà cứ điềm nhiên không cho là quái gở”
(1) kiếm sống
(2) thỏa thuận miệng
Phải nói Ông Gilbert Trần Chánh Chiếu là người ở ông toát lên những đặc tính: ái quốc, đầu óc kinh doanh và văn chương nam kỳ lục tỉnh.
Về gia thế, ông là một nhà tư sản, đại điền chủ ở Rạch giá. Thay vì an hưởng giàu sang, ông lại dấn thân chống thực dân pháp, cải thiện xã hội để bị tù tội, không giữ được cơ nghiệp.
Đây là một thực tế khách quan. Chỉ có người tư sản mới yêu nước thật sự. Người cộng sản không thể yêu nước. Vì họ không có nước. Chỉ có chung “Tổ quốc xã hội chử nghĩa” của họ. Hồ Chí Minh làm cộng sản vì xin học trường thuộc địa không được do mới học xong Lớp Ba (Cours Élémentaire). Đi làm việc kiếm cơm thì phải “lắc chảo, lái đĩa bay”. Đi làm cách mạng cộng sản, may cướp được chánh quyền thì làm quan cách mạng. Một thời sung sướng. Cũng giống như thổ phỉ, đánh cướp được nhà giàu thì có tiền ăn xài. Chẳng may, bị cò bót bắt thì cũng chẳng có gì mất ngoài cái mạng cùi!
Văn chương dân gian Nam Kỳ Lục Tỉnh
Xin trở lại vói quyển “Diện Mạo Văn Học Dân Gian Nam Bộ” của Nguyễn văn Hầu để trích một vài câu giới thiệu với bạn đọc. Sẽ lựa những câu ít khi thấy phổ biến. Và đặc biệt hơn là giữ nguyên cách nói của thời đó để thị hiện rõ diện mạo của dân gian Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Ông Hầu cũng xác nhận tìếng Lục Tỉnh dễ động tâm vì người dân đã quen với tiếng ấy. Quen thuộc trong đời sống xã hội mà còn nghe qua những câu hò, câu hát:
Thấy cô nhỏ thó lại có hường nhan
Chưn mày lan con mắt lộ …
Đất Lục Tỉnh này ai ngộ bằng cô.
Đúng là cách nói nam kỳ đặc sệt. Từ ngữ vừa của thôn quê, vừa trước Hồ Biểu Chánh. Những tiếng “nhỏ thó, chưn mày, ngộ” có gặp trong Hồ Biểu Chành nhưng chữ “hường nhan” thì rất hiếm thấy. Mà người có “con mắt lộ” thì làm sao mà “ngộ”, tức đẹp, cho đến cả xứ Lục Tỉnh không có ai bằng được? Vậy phải chăng “con mắt lộ” là mắt to, đen láy, sáng, nổi bật trên khuôn mặt của một cô gái có thân hình nho nhỏ? Mà có chắc đẹp nhứt Nam Kỳ không? Hay đây chỉ là văn chương tán gái?
Đây phải là lúc giặc tây tới chiếm nước. Toàn dân sống trong tinh thần sôi sục chống Tây bảo vệ giang san. Người dân bình thường ở thôn quê cũng rung động theo ngọn lửa kháng pháp, tạm thời quên những thao thức gái trai thường tình:
Giặc tây đánh tới Cần Giờ
Anh hùng Lục Tỉnh dựng cờ thâu công.
Những người theo Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi vào phía Nam, tới thế kỷ XVII thì đã dừng chơn lập nghiệp. Xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh định hình, xác định sự nghiệp mở nước của Chúa Nguyễn và đồng thời tuyên bố biên giới đất nước. Về mặt văn hóa, Nam Kỳ Lục Tỉnh là mái nhà chung của mọi người Việt nam ở Đàng Ngoài khi sa cơ thất thế có thể tới dựng lại đời sống. Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh phóng khoáng, thật thà nhờ ảnh hưởng ở tinh thần Nam tiến. Tới trong Nam, họ bỏ lại cho lũy tre làng những tập quán cũ do hủ nho đã sản sanh ở họ. Nam kỳ Lục Tỉnh cũng không phải là di sản của các tiên vương để lại mà là của chung của Chúa Nguyễn và cả đám di dân. Về tư tưởng nặng tinh thần Phật giáo hơn Nho giáo như ở Bắc và Trung. Từ sự kiện lịch sử đó mà tinh thần Dân chủ và Tự do thể hiện mạnh mẽ ở xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Đến lúc thực dân đặt xong nền cai trị thì lớp tây học, tức lớp Sĩ phu mới, xuất hiện. Họ chống chế độ thực dân. Trong lúc đó, xã hội bắt đầu âu hóa. Giấy viết không còn giấy bản, bút lông nữa mà viết ngòi sắt lá tre chấm mực nước đựng trong bình, viết trên giấy trắng có gạch hàng sẳn.
Cách tỏ tình của trai gái cũng đổi mới. Họ biết viết thư tình gởi cho người yêu mà không ngại tốn kém. Tánh xài lớn này “mua tờ nguyên, giá bao nhiêu, không cần biết” cũng là đặc tánh chung của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh mãi cho tới ngày nay còn thấy:
Giấy tây bán mấy, mua lấy tờ nguyên,
Làm thơ hỏi bạn sầu riêng chuyện gì?
Nội trong Lục Tỉnh Nam Kỳ
Thấy em ăn nói nhu mì anh thương!…
Văn chương sông nước
Khi tiếp xúc với văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh không thể bỏ qua những câu hò. Nhưng từ khi có sách báo và khi sách báo được phổ biến rộng rãi thì những người biết hò không còn nữa. Văn chương hò đi vào kho tàng văn học dân gian Nam Kỳ.
Lục Tỉnh là vùng sông nước. Đời sống của dân chúng cũng trải rộng ra trên sông nước mà giới thương hồ là một sắc thái nổi bật của sanh hoạt địa phương. Sông nước là mạch lưu thông, là nguồn sống, là địa bàn trao đổi hàng hóa, tất cả tạo ra một nét văn minh sông nước của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh mà hò là tinh hoa.
Hò là lời cất lên trước để diễn tả một tâm sự, một niềm vui, một nghịch cảnh, một ý bông đùa hay trêu ghẹo gái trai, hay khêu khích người nghe được phải trả lời. Hò đáp lại gọi là “ứng”.
Trong thể văn chương sông nước này, có hò “huê tình” rất mùi mẩn, không thiếu trường hợp hai người trai – gái hò “trao duyên giao cảm” để rồi sau cùng kết duyên “tòng bá trăm năm”. Cũng có hò cổ vũ, biểu lộ tinh thần yêu nước đấu tranh hào hùng.
Đời phải đời thạnh trị
Cuộc phải cuộc văn minh
Kìa là gió mát trăng thanh,
Biết đâu nhơn đạo, em bày tình cho vui?
Đây là tiếng hò của người con gái trong phút cao hứng sanh tình đưa ra, thả theo nhịp chèo trên sông nước. Có ai là khách đa tình bắt được tầng rung cảm thì đáp ngay:
Ghe em bóng láng,
Nhỏ dáng nhẹ chèo,
Xin em bớt mái thả lèo đợi anh!
Biết gặp tay đúng điệu nghệ có thể gầy cuộc giao cảm suốt trên khúc sông dài. Người con gái vội cất tiếng trong niềm vui sướng:
Bớ chiếc ghe sau,
Chèo mau em đợi,
Để khuất khúc vịnh này,
Bờ bụi tối tăm!
Biết bắt đúng tần số giao cảm, người ta sẽ đưa ra những lời hay, ý đẹp để thông cảm nhau, không như lối hò gay cấn tìm cách bắt bí nhau. Ngưòi con trai như cởi tất lòng, duyên dáng đáp lễ:
Mới quen, anh chào hỏi luông tuồng:
Chào cô trước mũi tiên phong,
Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền!
Chào rồi anh lại hỏi liền:
Hỏi thăm phụ mẫu bình yên thể nào?
Xung quanh mấy cụm mận đào,
Mấy công bắp đậu, huê màu tốt tươi?
Bà con đông đặng mấy mươi?
Nơi ăn chốn ở quê người là chi?
Nói cho anh biết vân vi,
Khi về anh gởi cái thơ kỳ viếng thăm.
Có lẽ người con gái thấy anh chàng này mới qua vài câu hò chào hỏi nhau mà đã hỏi thăm nhà cửa, gia thế. Có sớm lắm không nên người con gái không trả lời đúng những câu hỏi mà chỉ giử cảm tình nhưng cũng không khỏi làm cho người con trai mê mệt:
Tới đây:
Em lạ tổng, lạ xã,
Lạ chủ, lạ cả (chức trong ban quản trị làng: Hương Chủ, Hương Cả).
Rồi em cũng lạ làng.
Tứ bề em lạ hết,
Mà riêng có một mình chàng em quen!
Tới đây, người con gái có bảo anh chàng nhảy xuống sông bơi theo, chớ đừng chèo ghe, chắc anh chàng cũng không ngần ngại.
Thấy «dô» rồi, anh chàng bèn xăng tay áo, tiến mau, tiến vững chắc lên:
Gặp mặt nhau đây, anh vừa hỏi, vừa mừng.
Đường về phụ mẫu, ước chừng bao xa?
Không do dự, người con gái trả lời cũng đúng hai câu:
Anh hỏi thì em phải nói ra.
Đường về phụ mẫu hết hơn ba ngày chèo!
Nghe ba ngày chèo để tới nhà nàng, không biét anh chàng có dám tới tìm nàng sau này không?
Lịch sử Việt nam là lịch sử tranh đấu giữ nước và mở mang đất đai. Người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh chẳng những thừa hưởng di sản văn hóa ái quốc dân tộc mà còn được ung đúc, trui rèn trong lịch sử Nam tiến. Hơn ai hết, những người đã phải bỏ nơi chôn nhau cắt rún, mạo hiểm đi khai hoang lập ấp, tạo dựng cho mình đời sống mới, mới thiệt là những người biết thương nước sâu sắc. Họ gắn lìền với lịch sử dựng nước chỉ mới 300 trăm năm nên ai cũng như cảm thấy mồ hôi, nước mắt còn đọng trên ngưòi của mình hãy chưa khô. Dân Nam Kỳ vì đó mà làm cách mạng sớm. Họ hưởng ứng những phong trào cách mạng mạnh mẽ, nhiệt tình từ đầu thế kỷ qua vì họ ý thức được sự mất còn cửa từng khúc sông, từng thửa ruộng, tất vườn. Họ đóng góp người và của nhiều hơn hết. Và họ dấn thân tranh đấu chỉ vì đất nước. Nắm quyền, họ nhường lại cho Anh Cả, Chị Cả ở ngoài Bắc. Họ vẫn giử ngôi vị Anh Hai, Chị Hai mà thôi. Ứng xử như vậy mà vẫn bị Anh, Chị Cả ăn hiếp vì chưa vừa lòng. Thật tội nghiệp cho người dân Nam Kỳ!
Khi nói tinh thần thương nước bất diệt là phải bắt đầu từ chỗ biết thương con rạch nhỏ, thương hàng dừa cao, thương cái ụ mới đào, tới thương dạt dào khắp vườn dâu, xóm rẫy…
Nhìn mương nhìn đập,
Nhìn cây bắp trổ cờ,
Núi sông dài thượt cánh cò,
Công ai xẻ gảnh đấp bờ cho nên.
Người dân Nam Kỳ luôn luôn nhìn thấy làng đâu, nước đó. Tiếng làng nước ở đây không có biên giới không phải vì nó không khoanh kín trong lũy tre. Họ hiểu rõ hễ nước mất là nhà tan, làng xiêu thì nước đổ. Cho nên người dân làm sao mà dửng dưng ngồi nhìn cho được khi non sông bị mất vào tay giặc ngoại xâm phương Bắc?
Đêm nghe tiếng trống đổ hồi,
Nghĩ thương đất nước ai bồi, ai khơi!
Để nhắc nhở tinh thần kiên trì bảo vệ đất nước từ tổ tiên, người dân quê Nam Kỳ thường hát:
Trên rừng có cái suối,
Dưới núi có cây mộc bài,
Bền gan sắt đá ngăn loài gian phi…
Khi giặc pháp tới, lớp chống trả bằng vũ khí, lớp dùng văn chương hun đúc rèn luyện tinh thần yêu nước đấu tranh, thúc giục chí chiến đấu của toàn dân:
Chim bay trong núi,
Nước đổ trên nguồn,
Mồ cha cái lũ Tây Dương,
Mắc mớ chi mà nó tầm đường qua đây!
Sông có nguồn, chim có núi. Con người có làng, có nước. Nay nước mất nhà tan thì còn đợi gì mà không đánh đuổi giặc xâm lược? Khi đánh thì không kể thời gian, không tính nước ròng nước lớn:
Nước ròng nước kém,
Một tháng hai kỳ,
Đuổi loài bạch quỉ,
Đâu xá gì ngày đêm!
Khi những kẻ cầm quyền bán nước đầy rẫy, sống phè phởn, người dân không ngần ngại lên tiếng vạch trần tội ác của chúng:
Tai đâu chẳng nghe, mắt đâu chẳng rõ?
Tổ tiên đâu, mồ mã nước nào?
Lòng sao không xót, dạ sao không bào?
Bờ cõi loạn, nhơn dân đồ thán!…
Thân sao không biết nhục?
Sung sướng không trọn đời, muốn thác, chớ kêu trời!
Dân Nam Kỳ có lẽ do ảnh hưởng truyện Tàu như “Đơn Hùng Tín”, những anh hùng trong “Thủy Hử” nên thấy việc nghĩa ra tay làm, dầu đó là chuyện nhỏ cá nhơn hay đại nghĩa như chuyện đất nước. Khi làm chuyện nghĩa, họ không kể đến mạng sống của mình. Coi tiền tài như rơm rác. Chơi với bạn bè thì giữ điệu nghệ làm gốc. Chơi hết mình: hoạn nạn không bỏ, chết sống có nhau. Đối với mọi người, lấy việc ăn ngay, nói thẳng, ghét thói quanh co, làm kim chỉ nam cho cuộc sống.
Khuyết điểm của dân Nam Kỳ là nóng nảy, hời hợt, ít chịu đắn đo, cân nhắc kỹ trước khi hành động.
Trong kháng chiến giành độc lập, đi trước, hy sanh vì lòng thương nước để ngày 1 tháng 5/1975 trở thành những anh hùng giải phóng cầm c… chó đái! Xin nhắc lại một câu chuyện thiệt do chính Ông Trương Như Tảng kể lại lúc ở Paris. Ngày lễ 1/5/1975, Ông Trương Như Tảng ngồi trên khán đài, bên cạnh một sĩ quan hà nội. Ông cố tìm Đoàn Quân Giải phóng diễn hành mà không thấy nên quay qua hỏi viên sĩ quan: Sao tôi không thấy Quân Giải phóng? – Ủa, Quân đội ta đã thống nhứt từ tối hôm qua (tối 30/4/1975). Anh không biết sao?
Dân Nam Kỳ vẫn không thấy hận đời. Vẫn bán đất, bán nhà để có tiền sáng say, chiều xỉn!
Như đã nói con người là bông hoa của đất. Mà văn chương là tinh hoa của con người. Con người chơn chất thì văn chương cũng mộc mạc. Văn chương và báo chí quốc ngữ ở xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh xuất hiện sớm, ngay từ cuối thế kỷ XIX. Chuyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quảng do nhà J. Linage ở đường Catinat, Sài-gòn, xuất bản năm 1887 là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng quốc ngữ của Việt nam. Nhà văn Nam Kỳ Hồ Biểu Chánh cho biết nhờ ảnh hưởng ba cuốn truyện: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quảng, Hoàng Tố Anh của Trần Chánh Chiếu và Phan Yên ngoại sử của Trương Duy Toản mà ông viết tiểu thuyết, trở thành nhà văn lớn, có hơn 100 tác phẩm đủ thể loại. Riêng về tiểu thuyết, ông có 64 cuốn xuất bản.
Dân Nam Kỳ tuy ít chữ nghĩa thánh hiền, quê mùa, mộc mạc nhưng trong lịch sự cách mạng yêu nước, trong văn chương, đều là những người đi trước, dấn thân trước. Vẫn biết đi trước không phải là giỏi. Nhứt là thiếu khôn ngoan. Đó chỉ do bản tánh thấy chuyện cần làm là xốc tới. Thành bại, tính sau!
Văn chương Nam Kỳ hay dở là chuyện khác nhưng cách viết, cách suy nghĩ là độc lập, là đậm nét Nam Kỳ, không phụ thuộc hán nho. Và điều đáng nhắc nhở là xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh có tác phẩm văn chương xuất bản. Đó là thực tế tuy bị những nhà làm văn học lớn ngoài Bắc bỏ quên. Truyện “Ai làm được”của Hồ Biểu Chánh xuất bản năm 1922 trong lúc “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách ra đời năm 1925!
Nguyễn thị Cỏ May