Năm chó, nói chuyện ngụ ngôn chó – cáo
VietTuSaiGon
22-2-2018
Tự dưng năm chó nói chuyện cáo! Cáo với chó có liên quan gì với nhau? Xin thưa, chó với cáo chẳng liên quan gì nhau xét trên huyết hệ, giống nòi. Cáo lùi lũi vào hang, chó hừng hực khí thế đồng bằng, hoặc khí thế rừng rú. Chó gặp cáo thì đôi bên chẳng bao giờ nghiêm túc trò chuyện với nhau như những thằng đực có đạo đức hay những con cái có phẩm hạnh. Chó gặp cáo, không rượt đuổi thì cũng gâu gâu, cáo gặp chó, không lén lút cắn trộm thì cũng chạy thục mạng.
Chó sống lâu năm, tu luyện nhiều kiếp hóa thiên cẩu, cáo sống lâu năm, tu luyện nhiều kiếp hóa hồ ly. Thiên cẩu thì trung thành, hồ ly thì giảo hoạt. À mà tự dưng năm chó lại đi nói chuyện có cáo vào đây làm gì? Bởi vì chó với cáo chẳng thể ngồi chung một bàn thờ khi chết, lại chẳng thể ở chung một hang hay một nhà khi sống. Cái hang, ngôi nhà nào có chó và cáo sống chung, nhất định nơi đó chẳng bình yên.
Tình trạng Việt Nam hiện nay là tình trạng chó với cáo bị nhốt chung một chuồng, cái chuồng Cộng sản xã hội chủ nghĩa đã nuôi hai thứ này từ trứng nước và khi lớn lên, chúng vẫn nhầm tưởng là cùng giống nòi. Nhưng rồi đến lúc chó phát triển tính chó, cáo phát triển tính cáo, mọi thứ trở nên rối rắm và loạn xà ngầu.
Thói thường, chó không bao giờ chấp nhận nổi mùi hôi thối cũng như thức ăn của cáo, ngược lại, cáo cũng không bao giờ chấp nhận những thứ chó ưa thích, nên đâm ra đôi bên bất đồng quan điểm, đôi bên ngày càng trở nên cay cú, căm phẫn nhau và cuối cùng thì chó đi đường chó, cáo lui đường cáo.
Nếu như những con chó trung thành với chủ nghĩa, với lý tưởng, với giấc mơ xây dựng tương lai, với sự hòa ái và thân thiện, cùng chung vai gánh vác trọng trách canh giữ hòa bình thế giới trước khi ai đó chơi ác nếm một cục xương bao nhiêu thì cáo, ngược lại, biết giấu cái đuôi của mình trong cái vai mỹ miều, lừa chó cả trăm đường, cho đến lúc chó biết được mình bị lừa thì mọi chuyện đã trở nên muộn màng bấy nhiêu.
Vậy ai là chó, ai là cáo trong cái chuồng Cộng sản xã hội chủ nghĩa này?
Xin thưa, chó ở đây được hiểu với đầy đủ lòng tôn kính và yêu thương của người viết bởi tính trung thành, trung thực và nghĩa hiệp của chó. Xin thưa, Việt Nam có hàng triệu người mài mòn đũng quần, ăn cơm độn, cơm muối để đi học với giấc mơ cống hiến cho xã hội. Và cái cánh cửa hẹp công chức cũng như chính sách lương bổng theo kiểu gặm xương cho đỡ thèm thịt đã nhanh chóng đẩy hàng triệu số phận vào chỗ bất định, cắn răng chịu đựng, hi vọng vào cuốn sổ lương hưu, bởi dù hiện tại khó khăn, khốn khổ nhưng về già còn có cửa ra. Hàng triệu cuốn sổ lương hưu giống như hàng triệu cục sườn nướng thơm tho bỏ trong tủ gương có khoét một cái lỗ thoát mùi để hàng triệu con chó vây quanh mà giữ cái tủ. Bụng càng đói thì càng phải giữ. Cái tủ ấy chính là cái tủ kiên định xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó, có những kẻ học hành chả ra làm sao cả, kiến thức phọt phẹt, đầu óc đặc sệt sự ù lì và liều mạng, lao động chân tay thì lười nhát, nhưng lại thích ăn trên ngồi trốc, thích làm oai cho dù bụng đói… Đã nhanh chân vào làm việc ở các cơ quan xã, cơ quan thôn. Để rồi leo dần lên cơ quan huyện, cơ quan tỉnh, thậm chí cơ quan trung ương bằng chiêu bài lấy của làng làm lịnh.
Đùng một cái, có quyết định của chính phủ, mà tôi nhớ không lầm là quyết định của Nguyễn Tấn Dũng, khi ấy ông mới lên làm Thủ tướng, biên chế hóa các nhân viên cơ quan cấp xã vào diện sự nghiệp hành chính. Như vậy, rất nhiều kẻ hôm qua đi phụ hồ, đi vác thuê, đi đổ xăng, đi buôn chó.. rồi đi làm cán bộ xã với bộ vó trống rỗng, đói khổ lại được hưởng lương nghiêm túc, lại có chế độ bảo hiểm xã hội lúc về già.
Lúc này, cáo đã bước vào giai đoạn hóa hồ ly, bằng giả, hai chữ đó như một thứ phép màu tăng công lực cho cáo tăng công lực. Từ một kẻ làm thuê, hoạn lợn hay phụ hồ, bảy đáp, cáo chỉ cần biết quan hệ, biết sắm những cục xương ngon và nướng lên thơm tho để hối lộ, chó im hơi lặng tiếng mà gặm xương, mà hòa giải với cáo, cấp cho cáo cái tư cách và lưu cáo vào phổ hệ dòng họ chó.
Cáo nghiễm nhiên hóa hồ ly, công lực ngày càng tăng, từ chỗ thất nghiệp, đi làm một anh dân phòng, rồi rị mọ lên công an xã, rồi trưởng công an xã với cái bụng đói, cáo nhanh chóng được kiêm thêm cái chức phó chủ tịch xã, rồi tiến thẳng vào hội đồng nhân dân xã, lên nắm lãnh đạo, tiến thẳng ra huyện, lại tiếp tục tăng công lực để ra tỉnh… Cuối cùng, đùng một cái, khi chó chịu hết nổi mùi của cáo, chó bắt đầu khịt mũi và tìm ra những con chồn hôi trong đám cáo. Ai dè mọi con cáo đều hôi thối và chẳng còn cách nào khác là phải đuổi cáo ra khỏi chuồng.
Nhưng cái khó là càng muốn chứng mình con này là con cáo, giảo hoạt và gian manh bao nhiêu thì lại lòi ra hàng tá chó, vô thiên lủng chó từng dại dột cấp giấy chứng nhận chó cho cáo. Cái rối rắm nằm ở đây. Đương nhiên chó đầu đàn phải có sức mạnh khác thường. Nhưng vấn để là bắt đầu cắn cổ con chó nào trước để trừng phạt cái tội cấp bằng chó cho cáo. Và làm sao thật khéo, thật êm chứ không chừng thì cả bầy nổi khùng lên, hất đổ cái tủ gương đựng xương sườn nướng và ăn luôn một mạch thì lúc này chẳng còn cái tủ gương để mà chúng đồng lòng giữ. Mà một khi cái đói, sự thèm ăn cộng hưởng thì đầu đàn hay chót đàn gì rồi cũng bị cắn cổ trong cuộc hỗn chiến.
Không chừng làm như vậy, cáo lại đắc lợi. Bởi không có thứ gì nhanh chân và ranh ma hơn cáo. Cái khó của chó là cái khó chung của cả chuồng trại. Bây giờ chỉ còn một cách, phá tan chuồng trại. Nhưng phá tan chuồng trại thì cáo lại càng có cơ hội chui tột vào hang sâu, lại tiếp tục tu kiếp hồ ly. Thôi thì phải bằng mọi giá loại cáo ra khỏi chuồng trại trước khi phá tan cái chuồng trại vốn đã ngấm mùi của cáo.
Nhưng làm sao để diệt cáo, xua cáo, làm sao để phá tan chuồng trại? Cái câu hỏi này nghe ra cắc cớ và hóc búa còn hơn cả chuyện chó thưởng thức, nhâm nhi cà phê