Năm 2017 quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ nhường nhịn nhau?
07/03/2017
TS Vũ Cao Phan, cựu Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt – Trung, từ Việt Nam bình luận với BBC về cắt giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, các vấn đề khó khăn, nội trị và triển vọng cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 5/3.
Về tình hình chính trị nội bộ của Trung Quốc, một số người cho rằng ông Tập Cận Bình có những thành công nhất định nhưng cũng tự gây ra những khó khăn cho chính mình. Chẳng hạn việc ông Tập sử dụng ‘cây gậy nhiều hơn là cà rốt’.
“Tôi nghĩ chúng ta chưa thể nói và có lẽ không nên nói đến cái gọi là thời kỳ hậu Tập Cận Bình”, TS Phan nói.
Việc ông Tập Cận Bình được đưa vào vị trí hạt nhân trong năm gần cuối của nhiệm kỳ là điều dự báo cho thấy vai trò của ông đã tăng lên mặc dù có những thông tin đưa đến những mâu thuẫn giữa các lãnh đạo cao cấp.
Ông Tập đã giành được vai trò hạt nhân trong nhiệm kỳ đầu tiên, một vai trò mà ông Hồ Cẩm Đào suốt hai nhiệm kỳ không có được, TS Phan nói thêm.
Ông cho hay: “Có nhiều người nói có khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc không giới hạn về nhiệm kỳ, một người có thể làm hai nhiệm kỳ. Tôi đã trực tiếp hỏi các bạn Trung Quốc, họ nói có khả năng tại cuộc họp lần này, tiền đề cho vai trò của Tập Cận Bình sẽ lớn hơn, và cảm nhận Tập Cận Bình có thể tham gia nhiệm kỳ thứ ba nữa là rõ ràng hơn.
Tôi nghĩ là Trung Quốc vẫn vững vàng dưới sự lãnh đạo của ông Tập. Trung Quốc đã duy trì được một thời kỳ tăng trưởng mạnh trong 30 năm, thời kỳ kinh tế tăng trưởng khoảng 12% cũng có đến 20 năm. Kể cả Nhật Bản hay Hàn Quốc khi phát triển mạnh cũng không đạt được mức như thế. “
Về kinh tế Trung Quốc, ông cho rằng việc Trung Quốc giảm mục tiêu tăng trưởng trong năm nay xuống còn khoảng 6,5%, giảm từ mức từ 6,5-7% trong năm ngoái, là không có gì đáng chú ý hay “có gì quá tiêu cực cả”. Đây là sự thoái trào sau một quá trình tăng trưởng mạnh và mức tăng trưởng 6.5% với một nước như Trung Quốc vẫn là mức tăng rất lớn.
Theo TS Phan, điều đáng chú ý là ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay chỉ tăng có 7% so với 7.5% của năm ngoái, sau một gian đoạn 4-5 năm liên tục tăng đều so với năm trước.
Về những khó khăn lớn nhất của Trung Quốc, ông dẫn một bài báo của tờ thời báo chứng khoán của Trung Quốc có nêu mười vấn đề kinh tế đáng chú ý của Lưỡng hội Trung Quốc.
Bốn vấn đề nổi trội nhất theo ông là tăng trưởng đã đến giới hạn của việc điều tiết kinh tế vĩ mô, sự phát triển thực chất để đạt 5 mục tiêu kinh tế, vấn đề chính quy kinh tế và cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Một câu hỏi lớn là các xí nghiệp nhà nước Trung Quốc nên chuyển đổi thế nào cho thích hợp. Theo TS Phan, “họ bắt đầu bàn đến chuyện TPP của Mỹ coi như dừng rồi, Trung Quốc có nên đứng ra dẫn đầu một khối kinh tế mới không?”
Cuối cùng, về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam, có thể có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng theo TS Phan: “Trung Quốc đối với Việt Nam không có gì thay đổi. Trung Quốc muốn Việt Nam phát triển tốt nhưng phải ở trong vòng cương tỏa của Trung Quốc. “
“Tôi dự báo trong năm 2017 quan hệ Việt Nam Trung Quốc sẽ tốt hơn. Hai bên có thể sẽ nhìn nhau và nhường nhau ít nhiều. Các nước ở châu Á trong khu vực Biển Đông còn chờ xem quan điểm của Tổng thống Mỹ, hiện nay chưa rõ ràng, trước khi biết quan hệ với các nước khác được tiếp tục như thế nào.”
(BBC)