Năm 2016 tiếp tục tăm tối cho Việt Nam!
31/12/2015
Lê Diễn Đức
Có hai trạng thái tâm lý của người Việt gây tranh cãi, mà sự lựa chọn một trong hai là bài toán không dễ dàng.
Hội nghị Trung ương ĐCSVN 13 kết thúc, vẫn chưa dàn xếp xong bộ máy nhân sự mà chủ yếu là các ghế Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng. Cái ghế Chủ tịch quốc hội thực chất không khó chọn lựa lắm, chỉ còn lại ba ghế Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Tuỳ từng thời điểm mà quyền lực mạnh nhất thuộc về người nào. Thời Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười, quyền lực nhiều nhất thuộc về Tổng Bí thư, thời Lê Đức Anh, thực quyền nhiều nhất thuộc về Chủ tịch nước, thời Nguyễn Tấn Dũng, thực quyền nhiều nhất thuộc về Thủ tướng. Tuy nhiên do cấu trúc đảng lãnh đạo, vai trò Tổng Bí thư thời nào cũng có tiếng nói quan trọng trong giới thượng tầng.
Chỉ còn khoảng một tháng nữa là Đại hội đảng, trước đó trong tháng 1/2016 sẽ có hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 14 mà trong đó cuộc tranh giành ba chiếc ghế vào giai đoạn nước rút.
Thư đảng viên “dồn dập” gửi về Bộ Chính Trị được tung lên Internet, chẳng biết hư thực ra sao.
Nguyễn Sinh Hùng qua hầu kiến Bắc Kinh là một tín hiệu không mấy tốt lành.
Người ta nói anh Ba Dũng bị phe Trọng-Sang phục thù, v.v…
Rốt cuộc, tất cả cũng chỉ là màn mù sờ voi, chẳng có ý kiến nào đủ tin là chắc chắn.
Đưa hàng ngàn binh lính và xe thiết giáp ra bảo vệ Đại hội là một tiền lệ chưa thấy. Trước đó, vào thời gian Đại hội Đảng, an ninh và trật tự xã hội được thắt chặt hơn, nhưng không phô diễn. Sự ồn ào này cho thấy một động thái cảnh giác trước các âm mưu, biến động. Thực tế nếu có âm mưu nào là giữa các ông lớn với nhau chứ nguời dân thì ai đụng được vào sợi lông chân của các ông.
Tôi đồng ý với anh Lâm Mạnh Di viết trên Facebook rằng:
– “Họ chẳng tranh chấp với nhau về chính trị, về lý thuyết về đường hướng… Họ chỉ tranh chấp làm thế nào cho mình, phe mình có nhiều ghế, nhiều quyền lợi… Đi với ai cũng được tất, ai thuận đường trong từng giai đoạn thì họ sẽ bắt tay làm đồng minh. Tàu cũng được, Mỹ cũng chẳng chê…”.
– “Anh Ba sẽ thân Tàu hơn ai hết, nếu Tàu bảo kê cho anh Ba và gia đình được nắm chặt quyền lực trong tay… Anh Ba được cái khôn ngoan, láu cá vặt, thỉnh thoảng buông vài câu nghe có vẻ cấp tiến, nhưng cuộc sống đời thường cho ta một cái nhìn ngược lại”.
Anh Ba chống Tàu rất giỏi bằng miệng. Âu cũng chỉ là thủ thuật mị dân. Tập Cận Bình sang Việt Nam mời anh Ba qua thăm Trung Quốc là rõ. Đừng ảo tưởng!
Anh Ba chống Tàu giống như chống tham nhũng. Nói chống tham nhũng thì chẳng ai quyết liệt như anh Ba.
Thực tế cho thấy, vấn nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền không chống nổi mà còn tăng hơn, tinh vi hơn, “thành đường dây có tổ chức” (lời Nguyễn Phú Trọng).
Thế nhưng không thấy anh Ba từ chức như anh cam kết khi nhận ghế Thủ tướng vào năm 2006!
Chỉ thấy giờ này đã 65 tuổi rồi mà anh Ba vẫn nỗ lực đấu đá, sử dụng mọi thủ đoạn để giữ ghế chặt thêm, lại còn có tham vọng leo cao hơn!
Anh Ba không kéo dài thời gian tại nhiệm thì việc lót đường, tạo cơ hội ra Trung ương của hai thằng con trai sẽ ra sao? Còn con gái, mưu toan nắm chắc cổ phần của một số ngân hàng nhà nước hàng đầu để thao túng thị trường tài chính, sẽ không còn dễ dàng.
Chủ trương của Đảng là hiếu hoà với Trung Quốc, giữ quan hệ hữu nghị trên cơ sở 16 chữ vàng và 4 tốt.
Do vậy, có ý kiến cho rằng, tất cả lỗi không thể đổ lên đầu anh Ba mà phải là lỗi của tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN, đứng đầu là Nguyễn Phú trọng. Vâng, nhưng chỉ đúng một phần.
Chủ trương là thế nhưng Đảng không xúi anh Ba đầu tư hàng tỷ đô la vào Vinashine để rồi đắm chìm theo “những con tàu nát”.
Đảng cũng không bắt anh cho người Tàu thuê hàng trăm ngàn héc ta rừng đầu nguồn 50 năm, đến khi có đại biểu quốc hội lên tiếng thì mới cho ngừng lại.
Đảng cũng không bắt anh Ba đồng ý để lọt tổng thầu EPC vào tay Trung Quốc tới hơn 90%, các dự án kinh tế quốc gia quan trọng nhất mà Trung Quốc thực hiện với chất lượng công trình lỗi thời, thời gian bàn giao công trịnh chậm trễ, dự phí thầu với số tiền thực chi đội sổ, báo chí phản ánh quá trời mới ra lệnh xem xét lại. Đảng cũng không bắt buộc anh Ba phải ký kết cho Trung Quốc thuê đất và xây dựng khu công nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh đến 70 năm.
Vân vân…
Từ ngày anh Ba làm Thủ Tướng, nợ nước ngoài tăng lên gấp ba lần, nguồn tài lực của kinh tế VN bị tiêu mòn, khánh kiệt. Hàng hoá Trung Quốc nhập nhiều hơn xuất đến 30 tỷ đô la, toàn những thứ độc hại hoặc kém chất luợng, giết chết hàng hoá Việt Nam và tiêu huỷ dần dần sức khoẻ của dân chúng.
Hàng ngàn người Trung Quốc qua Việt Nam làm ăm, sinh sống, bất chấp luật lệ cư trú.
Anh Ba có quá nhiều quyền lực để có thể kiếm chác qua các dự án, nhưng lại nhắm mắt làm ngơ trước cuộc xâm luợc mềm của Bắc Kinh.
Vì vậy, nếu chúng ta được quyền chọn lựa, thì chọn người trong phe nhóm của Trọng hay chọn Dũng cũng đều là thảm hoạ.
Tâm lý chờ sung rụng, ngồi đợi minh chủ đã khiến mọi người ngộ nhận, nhìn nhận anh Ba như một người có thể làm Việt Nam “thoát Trung”, thân Mỹ, sẽ là một bước đệm cho sự thay đổi.
Không có sai lầm nào hơn thế! Nhưng nói cho cùng, người dân chỉ có quyền “bình loạn” thôi, quyền bầu chọn người lãnh đạo của Đảng và Nhà nước là độc quyền, duy nhất thuộc về Đảng.
Cuộc đấu đá nào rồi cũng sẽ qua, sau cơn mưa trời lại êm ả, tình “đồng chí” sẽ khiến họ lại bắt tay nhau “đoàn kết” để bảo vệ chế độ.
Những người có tinh thần phản kháng chống lại các chính sách của nhà cầm quyền, đòi thay đổi chỉ khoảng vài trăm, giỏi lắm cũng chỉ vài ngàn. Số này quá ư bé nhỏ trong một xã hội gần 100 triệu người mà đa số sống trong sợ hãi, cam phận, thậm chí bằng lòng với những gì đang có.
“Dân nào chính phủ đó”, một xã hội như thế thì khó có thể tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi, bởi vì nó là chất dinh dưỡng cho sự tồn tại của nhà nước độ độc tài.
Tuy nhiên, “mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu tư một nhúm người”, Adam Michnik, một nhà dân chủ nổi tiếng của Ba Lan đã nói như thế. Những nhóm dân sự trong xã hội bắt đầu hình thành dù còn rời trạc, manh mún, cũng là những viên gạch lót đuờng đáng quý. Nhưng còn phải kiên nhẫn chờ đợi thêm nhiều thời gian nữa, lộ trình dân chủ giờ đây vẫn chỉ là ước mơ.
Năm 2016 sẽ chằng có gì tốt đẹp cho kinh tế Việt Nam khi đồng đôla mạnh lên và giá dầu mỏ có thể còn tụt xuống mức 20 đô la một thùng vào mùa xuân. Chắc chắn nhà cầm quyền sẽ in thêm tiền để bù vào sự thâm hụt ngân sách. Lạm phát sẽ gia tăng.
Một nền kinh tế chủ yếu vào xuất khẩu nguyên liệu và các mặt hàng gia công (thực chất là bán rẻ sức lao động) sẽ chẳng có cơ hội nào thăng tiến.
Cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ sẽ ngăn chặn việc quốc hội Mỹ thông qua TPP trong năm 2016, nhưng thậm chí nếu quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP vào giữa năm 2016 thì con tàu TPP sang năm 2017 mới thực sự khởi động.
Chẳng có hy vọng cho năm mới. Năm 2016 tiếp tục tăm tối cho Việt Nam!●
Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên FB: Nhiều bạn hỏi tôi ủng hộ hoặc kỳ vọng ai trong cuộc tranh chấp quyền lực giữa các nhà lãnh đạo hiện thời trước thềm Đại hội ĐCS lần thứ 12. Thú thật, tôi chẳng thể ủng hộ hoặc kỳ vọng vào nhân vật nào, bởi những lẽ sau đây:1. Đấy không phải là cuộc tranh cử nguyên thủ quốc gia hợp hiến và minh bạch, trong đó toàn dân được sử dụng lá phiếu tự nguyện và công bằng của chính mình. Hiến Pháp Việt Nam 2013 không quy định về đại hội ĐCS, càng không quy định về Tổng Bí thư ĐCS cũng như cách thức lựa chọn 4 chức danh “tứ trụ” theo kiểu đang được phô diễn. Trái lại, đó chỉ là cuộc tranh giành quyền lực và miếng ăn trong nội bộ của một thiểu số người xem thường dân tộc và hiến pháp mà thôi.2. Sự tồi tệ của đất nước ngày nay bắt nguồn từ kết quả lãnh đạo bất tài và thất bại của ĐCSVN trong một thời gian dài từ năm 1945 đến nay. Bất kể ai trong đảng đó, dù còn sống hay đã chết, đều phải chịu trách nhiệm về sự tồi tệ như vậy trước dân tộc. Do đó, chẳng nhân vật nào, kể cả đảng của họ, xứng đáng tiếp tục cầm quyền.3. Mọi hành động của giới lãnh đạo hiện nay đều hoàn toàn khác xa với lời họ nói, dù rằng chính lời nói cũng chẳng hay ho và thông tuệ gì. Nguyên nhân là do tất cả họ đều thuộc hạng “văn dốt, võ nát”, đã vậy còn xôi thịt, lại thích dùng sức mạnh của gông cùm và khủng bố, hơn đối thoại và lắng nghe.4. Người dân hoàn toàn mù tịt thông tin về họ, có chăng chỉ biết được qua đồn đoán, hoặc từ những trang mạng bất chợt được lập ra để bôi nhọ nhau. Cách làm truyền thông như thế không phải là phương thức thông dụng ở một nền dân chủ chính danh và đường hoàng, mà chỉ rặt một phường ném đá giấu tay không hơn không kém!5. Sự thất bại trên toàn thế giới và tại Việt Nam của chủ nghĩa Marx-Lenin về phương diện kinh tế, lẫn phương diện thể chế chính trị dân chủ và tôn trọng quyền làm người, khiến những ai còn cổ suý cho chủ nghĩa đó hoặc không đoạn tuyệt hẳn với nó đều không đáng được khuyến khích nắm trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia Việt Nam trong hành trình phát triển đầy triển vọng trước mắt.Trên đây là những lý do vì sao mà tôi hoàn toàn bàng quan trước mọi tranh cãi vô ích về yêu và ghét ai trong đám lãnh đạo đó. Họ chưa chứng minh đã và sẽ làm được gì cho dân tộc chúng ta cả, ngoài việc đang chạy tới chạy lui vì chiếc ghế và hũ gạo của mình và đồng bọn mà thôi. Vô nghĩa!
Chủ đề: Chính trị – xã hội
– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151231/nam-2016-tiep-tuc-tam-toi-cho-viet-nam#sthash.s5b1vXzU.dpuf