Mỹ Vũ Khí Ưu Thế

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ Vũ Khí Ưu Thế

Thursday, September 20, 2018 9:38 AM // , ,

Trần Khải 
Theo Vietbao 

Trong khi Trung Quốc chơi kiểu tràn ngập Biển Đông với biển người, biển chiến hạm, biển chiến đấu cơ… chen chúc trên mặt nước và bầu trời Biển Đông, Hoa Kỳ vẫn tự tin là vũ khí Hoa Kỳ vẫn là ưu thắng.

Tạp chí Business Insider Australia ghi rằng trong một cuộc phỏng vấn, Phó Đô Đốc Hải Quân Hoa Kỳ Tom Rowden, lúc đó là Tư Lệnh Lực Lượng Trên Mặt Biển Hải Quân Hoa Kỳ (US Navy’s Surface Forces), nói với báo Defence News rằng sự dị biệt giữa một tàu chiến Mỹ và một tàu chiến Trung Quốc là: “Một trong hai thứ đó không có thể vùng vẫy ra khỏi một túi giấy ướt, và chiếc khác sẽ phá vỡ bất cứ thứ gì mà nó tấn công.”

Trong khi đó, có một nỗi lo rất mới là: Trung Quốc và Philippines sắp đạt thỏa thuận về Biển Đông.

Nếu đạt được, mà theo bình luận gia Damon Evans tin là sẽ sớm đạt được, hai chính phủ TQ và Phi sẽ sớm đạt thỏa ước khai thác chung dầu hỏa Biển Đông, trước khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới thăm Philippines vào tháng 11/2018.

Ngoại Trưởng TQ Wang Yi và Ngoại Trưởng Philippine là Alan Peter Cayetano tiếp tục thảo luận về khai thác dầu khí vùng biển tranh chấp phía tây bờ biển Philippines, nghĩa là vùng Trường Sa, trong khi Yi chính thức thăm Manila các ngày 16 tới 18/9/2018.

Nghĩa là Việt Nam có thể bị đẩy vào thế thương thuyết yếu kém… vì không lẽ tương lai sẽ chịu khai thác dầu chung với TQ tại các vùng biển Việt Nam?

Trong khi đó, bản tin RFI kể chuyện tàu ngầm Nhật tập trận ở Biển Đông: Tokyo thách thức Bắc Kinh mạnh hơn.

Ngày 17/09/2018 vừa qua, chiếc tàu ngầm Kuroshio của Nhật Bản đã đến Biển Đông tham gia một cuộc tập trận với ba chiến hạm Nhật Bản đang thi hành nhiệm vụ trong vùng. Sau đó chiếc tàu đã ghé thăm hữu nghị cảng Cam Ranh của Việt Nam trong năm ngày. Sự kiện tàu ngầm Nhật xuống tận Biển Đông tập trận là một điều hiếm hoi, nhưng hiếm thấy hơn nữa là bộ Quốc Phòng Nhật Bản lại loan báo công khai hoạt động này, dù biết rằng sự kiện đó sẽ bị Trung Quốc đả kích.

Theo một số nhà phân tích, khi làm như vậy, Tokyo muốn gởi đi thông điệp về quyết tâm giúp các nước trong khu vực chống lại các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh.

RFI ghi rằng nhật báo Mỹ The New York Times số ra ngày hôm nay, 19/09/2018 cho rằng sự kiện tầu ngầm Nhật tập trận ở Biển Đông, rồi sau đó ghé thăm Việt Nam là dấu hiệu cho thấy là Nhật Bản đang càng lúc càng kiên quyết hơn trong việc chống lại những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Tờ báo Mỹ đặc biệt ghi nhận là đây là lần đầu tiên mà tầu ngầm Nhật được biết là tập trận ở Biển Đông. Cũng đáng ghi nhận là điều mà tờ báo cho là «động thái bất thường» của chính quyền Nhật Bản khi thông báo về cuộc tập trận.

Bộ Quốc Phòng Nhật đã khẳng định rằng cuộc tâp trận không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, nhưng các nhà phân tích đều xem đấy là một thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc.

Ông Narushige Michishita, giám đốc Chương trình Nghiên Cứu Quốc Tế và An Ninh tại Viện Nghiên Cứu Chính Sách ở Tokyo, thừa nhận: «Chúng tôi đang gửi đi tín hiệu để Trung Quốc hiểu rằng họ không thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không hề hấn gì».

Trả lời The Wall Street Journal, một nhật báo khác của Mỹ, chuyên gia Michishita đã giải thích rõ hơn: «Đó là một phần trong một thông điệp chiến lược mà Tokyo muốn gởi đến Trung Quốc và những nước trong vùng…, cho thấy rõ quyết tâm của Nhật Bản trong việc duy trì một sự cân bằng quyền lực» trong vùng.

Đối với chuyên gia Michishita, nội dung tập luyện chống ngầm của Hải Quân Nhật Bản rất có ý nghĩa, vì lẽ Trung Quốc hiện sở hữu một đội tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo.

Bên cạnh việc tập trận, tàu ngầm Kuroshio còn ghé cảng Việt Nam trong một động thái mà New York Times cho là nằm trong những nỗ lực của Nhật Bản nhằm củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

RFI cũng ghi lời Jeffrey W. Hornung, chuyên gia về Nhật Bản tại RAND Corporation, nhận định: «Nhật Bản đang tăng cường và mở rộng quan hệ với các quốc gia có vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc».

Đối với ông, chuyến thăm Việt Nam của tàu ngầm Kuroshio, «đang gửi tới Trung Quốc một thông điệp, cho biết là Nhật Bản đang tiếp cận và thúc đẩy hợp tác an ninh với những nước khác».

Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, tranh chấp với 4 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei). Trong thời gian qua, Trung Quốc đã bồi đắp 7 thực thể trong tay họ ở vùng Trường Sa, biến những nơi này thành căn cứ quân sự, gây lo ngại cho các nước trong vùng và ngoài vùng về nguy cơ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bị đe dọa.

Nhật Bản không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng cũng như Hoa Kỳ và nhiều nước khác, lại rất quan tâm đến quyền tự do lưu thông. Và trong thời gian qua, Tokyo đã đi đầu trong số các đồng minh của Mỹ nỗ lực giúp các nước Đông Nam Á – cụ thể là Philippines và Việt Nam – tăng cường năng lực trên biển.

Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận rằng chiến hạm Canada sẽ đến Đà Nẵng…

Tàu Hải Quân Hoàng Gia Canada Calgary sẽ đến Đà Nẵng từ ngày 26 đến 30 tháng 9 tiến hành chuyến thăm hữu nghị Việt Nam.

Đại sứ quán Canada thông báo như vừa nêu vào sáng ngày 19 tháng 9. Tàu khu trục Calgary chở theo khoảng 230 sĩ quan và thủy thủ trong thời gian lưu lại tại Đà Nẵng sẽ có cuộc trao đổi chuyên môn trên biển với Hải Quân Việt Nam.

Bên cạnh đó là hoạt động giao lưu thể thao với Hải quân Vùng 3, giao lưu với trẻ em khuyết tật và trẻ nhiễm chất da cam; giao lưu với học sinh Trung học Phổ Thông Phan Châu Trinh. Ngoài ra một số đối tác thương mại Việt Nam được mời lên tàu để phía Canada giới thiệu công nghệ của nước này.

Tàu Hải Quân Hoàng Gia Canada Calgary đến thăm hữu nghị Việt Nam trong khuôn khổ Chương Trình Thăm Cảng tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của chiến hạm này.

Tám cảng mà tàu đến thăm gồm Cảng Tiên Sa của Việt Nam, Cảng Darwin của Úc, Cảng Yokosuka và Yokohama của Nhật, hai Cảng Jeju và Busan của Hàn Quốc, hai Cảng Guam và Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ.

Tàu khu trục Calgary thuộc lớp Halifax được trang bị nhiều vũ khí được cho là hiện đại như ngư lôi chống ngầm, tên lửa phòng không, trực thăng, súng máy…

Trong khi đó, bản tin VTC News từ Hà Nội cho biết: Đà Nẵng xử lý hơn 2.000 phương tiện nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Trong vòng 10 năm, lực lượng biên phòng TP Đà Nẵng đã xử lý hơn 2.000 phương tiện nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Thông tin trên vừa được nêu ra tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 19/9.

Theo đó, từ năm 2009 đến nay, lực lượng biên phòng TP Đà Nẵng đã xử lý hơn 2 nghìn phương tiện nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Lực lượng chức năng cũng xử lý gần 150 vụ việc vi phạm, tịch thu hàng hóa sung công quỹ Nhà nước 23 tỷ đồng, góp phần làm giảm tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại.

Hiển nhiên rằng, Việt Nam sẽ chấm dứt nỗi lo khi nào nhà nước Trung Quốc sụp đổ… vì lòng tham của Bắc Kinh như dường bất tận